ANH HÙNG LIỆT SĨ TƯỢNG ĐÀI BẤT TỬ

18/08/2023 22:43
505

HOÀNG BÍCH HÀ


Đối với dân tộc Việt Nam, hằng năm mỗi khi đến ngày 27 - 7, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cả đất nước không thể nào quên ơn những người con đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

   Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhiều cuộc chiến tranh đã đi qua, biết bao đau thương, mất mát to lớn, biết bao chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, họ mãi mãi không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của mỗi người dân nước Việt. Để lịch sử dân tộc Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau, các thế hệ luôn nhớ về các anh, các chị với sự cảm phục, niềm tự hào, kiêu hãnh về một dân tộc anh hùng và quân đội anh hùng. Sự hy sinh ấy đã khắc vào bia lòng của dân tộc. Hình ảnh các anh, các chị đã trở thành tượng đài bất tử đối với non sông, đất nước Việt Nam. Các anh, các chị đã làm cho đất nước được nở hoa độc lập, kết trái tự do, cho Tổ quốc bay lên bát ngát những mùa xuân. Các anh, các chị, ngày ấy là những chàng trai, cô gái mới tuổi mười tám, đôi mươi “Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép” (Nam Hà). Không hề tiếc tuổi thanh xuân của mình, sẵn sàng đi vào nơi mưa bom, bão đạn, để chiến đấu với kẻ xâm lược nhằm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hoài bão lớn nhất của các anh, các chị lúc đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, lời hịch ấy đã ăn sâu vào trái tim yêu nước, của lớp lớp thế hệ trẻ với lòng dũng cảm, tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp cho Tổ quốc. Chính trong cuộc hành trình “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đã có không ít những người lính, nằm lại nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ hay nơi chiến trường ác liệt. Khi đất nước lâm nguy cũng là lúc tâm thế của người lính đẹp hơn bao giờ hết: “Những người lính đứng làm cột mốc/ Những cột mốc thiêng liêng/ Biết thương nhớ/ Biết làm nên sấm sét/ Khi quân thù xâm lấn núi sông ta!...” (Tình ca người lính - Nguyễn Trọng Tạo). Các anh, các chị nằm xuống trong lòng đất mẹ với tư thế: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu, anh về đất” (Tây Tiến - Quang Dũng). Sự hy sinh của các anh, các chị, nhẹ tựa lông hồng mà không hề vương vấn một điều gì: “Thế hệ chúng con đi như gió thổi/ Quân phục xanh đồng sắc với chân trời/ Chưa kịp yêu một người con gái/ Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai” (Đất nước hình tia chớp - Trần Mạnh Hảo). Rất nhiều và rất nhiều người lính đã ngã xuống khi tuổi đời còn xanh: “Họ trẻ lắm những người nằm dưới đó/ Áo binh nhì xanh suốt tuổi đôi mươi” (Sông Mê Công - Anh Ngọc). Những người chiến sĩ, những cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng: “Mười đồng đội yêu thương/ Mười đồng đội yêu thương nằm lại với con đường!” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo). Sự hy sinh của các anh, các chị, là khúc tráng ca bất tử về những con người tình nguyện hy sinh vì Tổ quốc và đã hóa thân diệu kỳ vào lòng đất Mẹ, để Tổ quốc vẹn nguyên hình hài một dải non sông, đất nước: "Tên anh đã thành tên Đất Nước/….Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân" (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân). Hành trình đi đến chiến thắng của dân tộc, chất đầy những hy sinh mất mát, mới có được dáng hình xứ sở như hôm nay: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm” (Lời người bên sông - Lê Bá Dương).

   Vâng! Mỗi tấc đất quê hương, mỗi dáng hình xứ sở, mỗi ngọn cỏ, cành cây mỗi dòng sông, đều là sự hóa thân của các anh, các chị, những người con bất khuất, kiên cường đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Bức tượng đài về các anh hùng liệt sĩ đã trở thành bất tử trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.