Ba lần thay đổi thời gian nổ súng.
Quyết định thể hiện tài năng của nhà quân sự lớn

22/08/2024 00:38
116

HÀ NGÂN


Theo thực tế chiến trường diễn ra, cũng như nhiều tài liệu nghiên cứu, hồi ký đã được các nhà khoa học hoặc tướng lĩnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ công bố, thì thời gian mở đầu cho…Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!...(1) là ngày 13-3-1954. Nhưng để có được ngày mở màn ghi dấu ấn, đi vào lịch sử là cả một quá trình phân tích, đánh giá, thay đổi rất nhiều so với dự kiến ban đầu, nhằm bảo đảm thắng lợi, ít tổn thất nhất. Để có được ngày mở màn đi đến thắng lợi chung, phải nói đến sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là bản lĩnh chỉ huy của Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

   1. Sau khi quyết định giao chiến với Pháp tại Điện Biên Phủ, trong cuộc họp ngày 6-12-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy Trung ương báo cáo với Bộ Chính trị, dự kiến thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày, theo tinh thần “đánh chắc, tiến chắc” và đây sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay. Lực lượng bộ đội Việt Minh sẽ phải sử dụng 3 đại đoàn bộ binh, toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không, quân số tổng quát toàn chiến dịch khoảng 42.000 người (2). Toàn bộ kế hoạch được Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý phê duyệt.

   Như vậy, trong kế hoạch tháng 12-1953, thời gian tác chiến đã được đưa ra bàn luận và thống nhất ở cấp cao nhất. Tuy ngày giờ chưa cụ thể, nhưng Tổng Quân ủy Trung ương – đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lường trước được những diễn biến sẽ xảy ra khi tấn công tập đoàn cứ điểm được quân đội Pháp ở Đông Dương xây dựng hùng mạnh.

   Khi triển khai chiến dịch, một bộ phận tham mưu đi trước, nghiên cứu tình hình, chuẩn bị phương án tấn công. Thời điểm này, Pháp tăng cường quân, tiếp tế hậu cần bằng đường hàng không và hoàn thành công sự dã chiến; tuy nhiên, có một số điểm còn sơ sở. Về phía bộ đội Việt Minh, các đơn vị đều sung sức, tinh thần chiến đấu lập công rất cao. Sự xuất hiện của pháo binh và pháo cao xạ sẽ tạo bất ngờ lớn với pháo binh và máy bay tiếp tế của Pháp. Nếu chớp thời cơ đánh nhanh, giải quyết nhanh “trong vòng hai, ba ngày” sẽ đỡ tổn thất; nhất là giải quyết được khó khăn trong tiếp tế hậu cần cho mấy chục ngàn người tham gia chiến dịch dài ngày. 

   Điều bất ngờ, vị Tư lệnh mặt trận lại có cách đánh giá tình hình chiến trường ngược lại. Trên đường ra mặt trận, mỗi lần dừng chân nghỉ ngơi, các chiến sĩ thông tin đều liên lạc với bộ phận tiền phương để nắm tình hình đối phương, báo cáo với Đại tướng. Con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ là đường nhỏ hẹp, công binh đang gấp rút mở rộng, nên phần nào gây cản trở cho tiến độ hành quân ra mặt trận. Lựu pháo 105 và pháo cao xạ, kể cả một đại đoàn còn đang trên đường hành quân vào trận địa. Sơn pháo 75 chưa được đưa lên các mỏm núi xung quanh cánh đồng Mường Thanh để áp chế, kiểm soát sân bay. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Trung ương, chiến dịch Điện Biên Phủ ngoài việc giành thắng lợi, còn phải “giữ được những vốn quý cho cuộc chiến lâu dài” (3). Vì vậy, lựa chọn phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” là một sự mạo hiểm, không thể huy động toàn bộ lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm trong một vài ngày.

   Ngày 14-1-1954, tại Thẩm Púa, Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu. Toàn mặt trận được quán triệt thời gian nổ súng là ngày 20-1-1954, với phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh, trong vòng hai, ba ngày đêm”. Mặc dù vẫn giữ quan điểm khác biệt về phương án tác chiến, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa nắm chắc tình hình thực tế để bác bỏ số đông ý kiến các đồng chí trong Đảng ủy. Bên cạnh giao nhiệm vụ, Đại tướng chỉ đạo cán bộ tham mưu theo dõi và báo cáo trực tiếp với mình tình hình địch diễn ra hàng ngày, “để một khi địch có thay đổi thì kịp thời xử trí” (4).

   Sau hội nghị, chỉ khi nào tất cả các khẩu pháo tập trung tại vị trí sẵn sàng nhả đạn thì trận đánh mới được bắt đầu. Con đường Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ được gấp rút hoàn thành, tạo điều kiện cho xe cơ giới kéo pháo vào sát trận địa 15 km. Từ đây, không dùng xe cơ giới kéo pháo vào sâu hơn được nữa mà phải dùng sức người, vì sợ địch phát hiện tiếng ồn động cơ. Tuy nhiên, việc dùng sức người kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vào điểm bắn tại trận địa, qua các địa hình hiểm trở, dốc cao 30 độ, 40 độ, nhiều vực sâu đã gặp rất nhiều khó khăn, có chiến sĩ đã hy sinh. Cận ngày nổ súng, pháo vẫn chưa được kéo vào đúng nơi quy định. Thời gian nổ súng buộc phải dời lại đến 17 giờ ngày 25-1-1954.

   Lần thứ nhất, thời gian mở màn chiến dịch được dời lại, do pháo chưa kịp tập kết vào vị trí.

   2. Lúc này xuất hiện một số ý kiến của cán bộ chỉ huy trực tiếp chiến đấu. Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong quá trình chiến đấu, bộ đội sẽ phải đột phá liên tục ba lần mới vào được trung tâm cứ điểm, rất nguy hiểm. Nhưng dù sao cũng đã tính toán được cách tấn công. Một trung đoàn trưởng thuộc Đại đoàn 312 thấy đơn vị được tăng cường rất nhiều pháo hạng nặng nên đề nghị trả lại bớt vài khẩu pháo, làm Đại tướng bất ngờ, vì chưa bao giờ một đơn vị đột kích lại từ chối pháo binh hiệp đồng tác chiến. 

   Thêm được vài ngày đêm quý báu, vất vả, phần lớn các khẩu pháo tiến gần hơn đến mặt trận. Nhưng pháo đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình trống trải. Nếu bị phản pháo, hoặc máy bay đánh phá sẽ gặp tổn thất và một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa. Đồng chí cục phó Cục Bảo vệ phát hiện ra khó khăn, báo cáo với Đại tướng. 

   Cùng lúc này, Pháp tăng cường 1 tiểu đoàn và hơn bốn mươi khẩu pháo hạng nặng, nhiều xe tăng, nâng tổng số 12 tiểu đoàn có mặt tại tập đoàn cứ điểm. Đồng thời, đối phương đã xây dựng công sự kiên cố, hệ thống công sự phụ, hàng rào dây kẽm gai, bãi mìn không ngừng được mở rộng.

   Đến sát ngày nổ súng, một chiến sĩ không may bị Pháp bắt. Đảng ủy Mặt trận nghe được đối phương thông báo trên điện đài thời gian nổ súng của Việt Minh. Để hạn chế việc lộ bí mật, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định, hoãn thời gian nổ súng lại thêm 24 tiếng đồng hồ, sang chiều 26-1-1954.

   Lần thứ hai, thời gian mở màn chiến dịch được dời lại, ngoài dự kiến.

   3. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ chờ đến giờ nổ súng chầm chậm trôi, là hai mươi bốn tiếng đồng hồ cân não với vị Tư lệnh mặt trận. Tổng hợp tình hình thực tế tương quan lực lượng trên chiến trường, nhớ lại chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và nhất là lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng khẳng định không thể đánh nhanh được, nếu đánh là thất bại.

   Sáng ngày 26-1-1954, Đảng ủy mặt trận họp bất thường nghe đồng chí Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy nêu lên những hạn chế khi thực hiện phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

   Một là, chủ lực ta chưa quen đánh vào tập đoàn cứ điểm có nhiều tiểu đoàn địch trấn giữ, công sự kiên cố, cùng với sự hỗ trợ của pháo binh, xe tăng và máy bay địch. Cụ thể trước đây, tại các trận đánh vào Nà Sản, nơi địch tổ chức phòng ngự, công sự ít hơn nhiều lần Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã thương vong rất nhiều.

   Hai là, trận này lần đầu đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh và pháo binh, nhưng chưa qua diễn tập. Đã có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì chưa biết phối hợp thế nào.

   Ba là, ta mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở địa hình dễ ẩn nấp, chưa có kinh nghiệm tấn công ban ngày trên địa hình bằng phẳng với địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng.

   Sau khi bàn bạc, thảo luận, Đảng ủy Mặt trận nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn nhưng bộ đội chưa có biện pháp khắc phục. Vì vậy, quyết định kéo pháo ra, chuẩn bị trận địa cho phương án “đánh chắc, tiến chắc”.

   Lần thứ ba, thời gian được hoãn lại để chuẩn bị chiến trường cho phương án tác chiến mới.

   Sau thời gian dài đánh nghi binh, chuẩn bị trận địa pháo binh và phương án tác chiến chặt chẽ, 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh pháo binh nã pháo vào trung tâm đề kháng Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

   Trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam, dường như những trận quyết chiến chiến lược đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi là nơi quy tụ, là điểm hẹn của những vị tướng tài, chỉ huy kiệt xuất của dân tộc. Các trận chiến Như Nguyệt, Bạch Đằng, Ngọc Hồi - Đống Đa… luôn gắn liền với tài năng chỉ huy của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…Và đến thế kỷ XX, với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, lịch sử đã lưu danh vị tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào thời điểm đó, nếu không thay đổi thời gian nổ súng nhiều lần, nếu vẫn thực hiện “đánh nhanh, giải quyết nhanh thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm” (5). Với chiến thắng Điện Biên Phủ, thế giới đều công nhận tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

   4. “Quyết định khó khăn nhất” (6) thay đổi phương án tác chiến của vị Tư lệnh chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành bài học sâu sắc, có giá trị lịch sử cũng như mang giá trị thực tiễn hiện nay - đó là bài học bám sát cơ sở, nắm vững thực tiễn, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong công tác tham mưu.

   Việc đi sát, nắm chắc thực tế đang diễn ra ở cơ sở là điều hết sức cần thiết trong công tác tham mưu. Khi đi sát, nắm chắc thực tế, người cán bộ sẽ phát hiện ra những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để tham mưu lãnh đạo ban hành những quyết định đúng đắn, phù hợp.

   Khi các chủ trương, quyết định đã ban hành, qua thời gian thực hiện ở cơ sở, sẽ nảy sinh những thuận lợi và khó khăn. Qua việc thường xuyên bám sát tình hình thực tế, cơ sở đang thay đổi hàng ngày, giúp người cán bộ kịp thời phát hiện bất cập trong việc thực hiện chủ trương, chỉ đạo của trên tại cơ sở. Từ đó, nghiên cứu tham mưu bổ sung những quyết định, chủ trương sát hợp với tình hình thực tế, giúp công việc triển khai đạt hiệu quả.

   Hiện nay, một số cán bộ, đảng viên làm công tác tham mưu ở các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chưa nắm bắt, theo kịp sự phát triển nhanh chóng từ thực tiễn, cơ sở. Vì vậy, công tác tham mưu đôi lúc rơi vào bệnh giáo điều (vận dụng lý luận như những công thức cứng nhắc, nhận thức lý luận chỉ dừng lại ở câu chữ, lý luận suông). Học tập tinh thần 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, học tập tinh thần chỉ đạo chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cán bộ, đảng viên làm công tác tham mưu cần phát huy “bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở” khắc phục bệnh giáo điều; đồng thời, “đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn” để khỏi sa vào bệnh kinh nghiệm (tuyệt đối hóa kinh nghiệm, chỉ đạo thực tiễn bằng kinh nghiệm). Từ đó, ngày càng đáp ứng nhu cầu của công việc hiện tại và tương lai.    

 

_________

Chú thích:

(1) Hoan hô chiến sĩ Điện Biên  - Tuyển tập thơ Tố Hữu, Nxb Văn học, Hà Nội 1990, tr.118; (2) Hoàng Minh Thảo (chủ biên), Chiến thắng Điện Biên Phủ, sự kiện – Hỏi và đáp, Nxb Chính trị quốc gia , Hà Nội, 2004, tr.68; (3) (4) & (5) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử (hồi ức, Hữu Mai thể hiện, in lần thứ hai có sửa chữa, bổ sung), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.86, tr.95, tr.110; (6)  Hoàng Minh Thảo (chủ biên), Chiến thắng Điện Biên Phủ…(sđd), tr.69.