HÀ NGÂN (Tổng hợp)
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sau gần 80 năm diễn ra cho đến nay vẫn là đề tài nóng hổi, không những trong nước mà còn ở nước ngoài. Một số học giả trên thế giới, qua lợi thế tiếp cận nhiều nguồn thông tin mới khai thác, đa chiều…đã có cái nhìn đa dạng về tầm vóc lịch sử, ý nghĩa thời đại của cuộc cách mạng diễn ra tại xứ Đông Dương thuộc Pháp năm 1945.
Tác giả Ph. Devillers trong cuốn Histoire du Việt Nam de 1940 - 1952 (Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1940 - 1952) viết rằng, chính sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm đảo lộn toàn bộ diễn trình lịch sử. Bởi nếu sự kiện này không xảy ra thì thực dân Pháp vẫn có thể tiếp tục cai trị Việt Nam hữu hiệu như cũ, và cơ hội thắng lợi của những người cộng sản và nhân dân Việt Nam sẽ không lớn hơn cơ hội mà họ và Việt Nam Quốc dân Ðảng từng có vào năm 1930 - 1931.
Tác giả P.Mus trong cuốn Vietnam - Sociologie d'une guerre (Việt Nam - Xã hội học của một cuộc chiến tranh) viết, người Pháp thông qua công cuộc thực dân hóa, nhất là qua các cuộc “cải lương hương chính”, đã phá vỡ toàn bộ cơ sở, cấu trúc kinh tế - xã hội ổn định của nông thôn Việt Nam, mà lại không tạo ra được cơ sở và cấu trúc mới thay thế cho cái bị phá vỡ đó. Ðiều này đã khiến cho dân tộc Việt Nam trở thành “một dân tộc mất thăng bằng” và do đó làm cách mạng như là một cách tìm lại thế thăng bằng đã mất.
Nhà sử học Na Uy S.Tonnesson trong cuốn The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War (Cách mạng Việt Nam năm 1945 - Roosevelt- Hồ Chí Minh và de Gaulle trong chiến tranh thế giới), từ các nguồn tư liệu mới công bố, dưới góc nhìn lịch sử quốc tế, cho rằng sự sụp đổ của chế độ thực dân Pháp vào năm 1945, được thay thế bởi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua 2 chuỗi nhân - quả: thứ nhất từ chính sách về Ðông Dương của Roosevelt cùng với sự phát triển quân sự của cuộc chiến Thái Bình Dương và kết thúc khi quân Nhật đầu hàng; thứ hai việc thành lập Ðảng Cộng sản Ðông Dương vào năm 1930 cùng với việc thành lập Mặt trận Việt Minh, tới bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9 -1945. Tác giả khẳng định, cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Không chỉ vậy, mà còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế.
Đối với nhà sử học người Pháp Alain Ruscio, chiến thắng năm 1945 của Việt Nam là sự tất yếu mang tính logic trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa.
Nhà sử học người Pháp Charles Fourniau thì cho rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng thực sự, với sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc; là cuộc cách mạng lớn, của toàn dân tộc Việt Nam, đứng lên giành độc lập dân tộc.
Theo nhà sử học Francis Gendreau, nổi bật trong cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nắm bắt được tình hình thế giới, tận dụng thời cơ, phối hợp hành động, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Nhà sử học Gilbert School khẳng định, cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là sự kiện đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm, đánh dấu bước chuyển sang thời kỳ mới.
Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Liên bang Nga thì cho rằng, cách mạng Tháng Tám đã trở thành một cuộc cách mạng kiểu mẫu để các nước thuộc địa bị áp bức có thể tìm đường giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của ngoại bang.
Giáo sư Aleksandr Sokolovsky cho rằng, cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự hình thành của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa rất to lớn. Ông ấy không hình dung điều gì sẽ đến với Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng này, thậm chí khái niệm Việt Nam thống nhất cũng sẽ không tồn tại. Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một trang sử mới, một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam. Động lực thúc đẩy cuộc cách mạng này chính là tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp giải phóng của các dân tộc khác ở Nam Á và Đông Nam Á. Trước tấm gương tích cực của Việt Nam, năm 1946, Ấn Độ đã được giải phóng khỏi sự thống trị của Anh. Năm 1949, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa được hình thành. Sau đó, các dân tộc khác ở châu Á cũng dần dần được giải phóng như Myanmar, Indonesia, Philippines, Triều Tiên…
Các nhà sử học Jennifer Llewellyn, Jim Southey và Steve Thompson qua bài viết công bố trên tờ Alphahistory của Australia, nhận xét Cách mạng Tháng Tám, bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Gần 80 năm trôi qua, ý nghĩa cuộc cách mạng “long trời, lở đất” vẫn gần như nguyên vẹn. Thắng lợi của cuộc cách mạng đã mở ra bước ngoặt lớn, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước.
Nguồn tham khảo:
(1) nhandan.vn/cach-mang-thang-tam-nam-1945-voi-gioi-nghien-cuu-lich-su-nuoc-ngoai-post499225.html;
(2) qdnd.vn/ho-so-su-kien/70-nam-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9/cach-mang-thang-tam-qua- con-mat-nguoi-nuoc-ngoai-259532;
(3) laodongthudo.vn/cach-mang-thang-tam-qua-con-mat-cac-su-gia-nha-bao-nuoc-ngoai-59185.html;
(4) bienphong.com.vn/cach-mang-thang-tam-trong-mat-ban-be-quoc-te-post269405.html