HỒ XUÂN HẢI
Phú Quý là huyện đảo duy nhất của tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý theo hướng đông – đông nam. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và các món ăn hải sản vô cùng hấp dẫn mà còn là nơi giữ vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng – an ninh.
Chính vì những yếu tố hấp dẫn ấy mà khi biết mình có tên trong danh sách đi thực tế sáng tác ở huyện đảo Phú Quý cùng với các văn nghệ sĩ của tỉnh, tôi vô cùng háo hức. Mặc dù vẫn còn hơn chục ngày nữa mới xuất phát. Vậy mà hôm nào tôi cũng nghĩ tới chuyến đi. Phú Quý chỉ cách Phan Thiết 56 hải lý thôi, khoảng cách địa lý không xa lắm, thế nhưng phải mất tới 10 năm tôi mới có dịp quay trở lại huyện đảo này. Nhớ hồi ấy (2012), tôi và 11 anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh đi thực tế ở huyện đảo phải ngồi tàu gần 6 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển mới cập cảng Phú Quý. Ngày đó, cơ sở hạ tầng và dịch vụ ở Phú Quý chưa phát triển lắm, còn thiếu thốn nhiều thứ. Còn bây giờ thì sao? Nó có thay đổi nhiều so với ngày trước không? Và tôi sẽ sớm có câu trả lời cho mình khi đặt chân đến Phú Quý.
Rồi cái ngày tôi chờ đợi cũng đến, 6 giờ sáng ngày 17 tháng 10, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi đã có mặt tại Cảng Phan Thiết để làm thủ tục lên tàu. Đúng 6 giờ 30 phút Tàu cao tốc Superdong Phú Quý khởi hành. Trong đoàn ai cũng vui vẻ nói cười, người bảo đã từng ra Phú Quý nhưng lâu lắm rồi, người nói ở Bình Thuận hơn bảy mươi năm mà đây mới là lần đầu tiên ra đảo, ai cũng háo hức kể những câu chuyện vui. Con tàu rẽ sóng lướt đi trên mặt biển, chỉ hơn hai giờ đồng hồ đã cập Cảng Phú Quý. Chiếc ô tô 7 chỗ chở chúng tôi tham quan một vòng huyện đảo trước khi về khách sạn nhận phòng nghỉ.
Buổi chiều, đoàn chúng tôi được cô Bích Dung, biên tập viên của Đài Truyền thanh Truyền hình Phú Quý dẫn đi tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh trên đảo. Tôi đã cố gắng quan sát kỹ nhưng không thể nào nhận ra những con đường, những ngôi nhà mà mình đã từng đi qua. Giờ đây các tuyến đường đã được rải nhựa và bê tông kiên cố, có tên đường, có số nhà chứ không phải con đường đất cát như trước kia. Tới mỗi điểm tham quan cô Bích Dung đều giới thiệu chi tiết và trả lời những câu hỏi của các thành viên trong đoàn quan tâm. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên vô cùng quyến rũ làm đắm say lòng người như Bãi nhỏ - Gành hang, Vịnh Triều Dương, Núi Cao Cát, Cột cờ đảo Phú Quý... trong đoàn ai cũng bấm điện thoại chụp những bức ảnh làm lưu niệm của chuyến đi.
Buổi tối, tôi muốn tìm hiểu về đời sống sinh hoạt trên đảo nên đã rảo bước trên các tuyến đường. Bây giờ mọi ngóc ngách đã có điện đường chiếu sáng. Dù mới là đầu tuần, nhưng có rất đông du khách tới đây. Những nhà hàng quán ăn, quán cà phê luôn nhộn nhịp người. Nhìn những hình ảnh ấy, tôi lại nhớ đến cái đêm đầu tiên ở đảo mười năm trước. Hôm ấy, mọi người đang ngồi nói chuyện vui vẻ thì cúp điện. Trong đoàn ai cũng tưởng điện mất xíu rồi có lại, nhưng chờ mãi điện vẫn không sáng. Hỏi chủ nhà nghỉ mới biết, trên huyện đảo 9 giờ đêm là cúp điện. Nhà máy phải tiết kiệm dầu Diesel, chỉ phục vụ điện được 16 giờ/ ngày. Trời tối, thời tiết nóng bức khó chịu, mọi người không quen nên không ngủ được cứ đi đi lại lại ngoài đường cho mát…
Khi trở về khách sạn, tôi hỏi về chuyện điện ở Phú Quý thì được người chủ khách sạn cho biết, từ đầu năm 2013 ở trên đảo điện 24/24 rồi. Có được điều này là nhờ Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận khởi công xây dựng. Nhà máy điện gió trên đảo khởi công xây dựng với 3 trụ tuabin trên địa phận 2 xã Long Hải và Ngũ Phụng từ cuối năm 2010, nhưng phải đến đầu năm 2013 mới khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là dự án Điện gió đầu tiên của Việt Nam sử dụng mô hình vận hành hỗn hợp Gió – Diesel.
Sáng hôm sau, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi do nhạc sĩ Đặng Lê Thế Phi – Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học nghệ thuật làm trưởng đoàn tới Ban Chỉ huy quân sự huyện. Chào đón chúng tôi có các anh Trung tá Phạm Xuân Thực – Chỉ huy trưởng, Thượng tá Phạm Văn Soái – Chính trị viên, Thiếu tá Cao Hoài Thông – Trợ lý Quân lực và Thiếu tá Nguyễn Thanh Trung – Trợ lý chính trị của Ban Chỉ huy quân sự huyện. Trao đổi với các anh, chúng tôi được nghe những câu chuyện về nhiệm vụ, cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ công tác ở đảo. Ngoài nhiệm vụ công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng vũ trang huyện thì nhiệm vụ phối hợp với công an, biên phòng bảo vệ trên không, trên biển và làm công tác dân vận giữ gìn mối quan hệ đoàn kết với bà con nhân dân tại địa phương cũng được chú trọng quan tâm. Với người dân Phú Quý họ không thể nào quên được hình ảnh các chiến sĩ bộ đội vất vả ngày đêm giúp dân trong cơn bão Durian ập đến huyện đảo ngày 4/12/2006. Cơn bão đã nhấn chìm hàng ngàn tàu thuyền, nhà cửa của người dân, gây thiệt hại nặng nề về người và của cải của hàng ngàn hộ dân trên đảo, với tổng tài sản bị phá hủy lên đến hàng chục tỉ đồng. Trong bão giông khủng khiếp ấy cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang huyện đã xả thân vì an nguy tính mạng của người dân cũng như giành lại từ tay thủy thần từng chút một của cải mà người dân đã phải đổ bao mồ hôi, công sức mới có được; đã giúp dân kéo được hàng trăm ghe thuyền lên bờ tránh bão an toàn; đóng góp hàng nghìn ngày công khắc phục sửa chữa hàng trăm ngôi nhà và đường giao thông nông thôn. Hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” đã để lại trong lòng nhân dân huyện đảo những ấn tượng tốt đẹp, tạo nên thế trận lòng dân ngày càng được củng cố vững chắc… Hàng năm, Ban chỉ huy quân sự huyện đều hỗ trợ xây nhà cho các hộ gia đình có cuộc sống khó khăn, riêng năm 2022 đã xây dựng 2 ngôi nhà cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi căn nhà trị giá 80 triệu đồng.
Để giúp đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, các anh đã dẫn chúng tôi đi tham quan cảnh quan môi trường và đời sống văn hóa của bộ đội. Mặc dù trong điều kiện nắng gió, bão giông, khí hậu biến đổi thất thường, nhất là mùa gió bấc thổi tàn phá nhưng vẫn không ngăn được ý chí và quyết tâm của các chiến sĩ trên đảo. Những đôi tay cần cù và khéo léo đã tạo nên một cảnh quan xanh – sạch – đẹp mà bất cứ ai đến thăm cũng phải trầm trồ thán phục. Thượng tá Phạm Văn Soái cho chúng tôi hay, công tác hậu cần luôn được Ban chỉ huy quân sự huyện quan tâm. Quy hoạch trồng nhiều vườn rau sạch nơi đất trống, chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo chế độ, tiêu chuẩn, định lượng cho bộ đội. Từ tăng gia sản xuất đã đưa vào khẩu phần ăn thêm 5.000 đồng/ người/ ngày. Các đơn vị đều có các sân bóng đá mini, bóng chuyền, bóng bàn… cho các chiến sĩ tập luyện rèn luyện sức khỏe. Do đó hàng năm tham gia Hội thao do tỉnh và Quân khu tổ chức đều đạt thứ hạng cao.
Qua câu chuyện của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chúng tôi được hiểu hơn về Phú Quý. Hiện nay, Phú Quý là một trong những điểm trung chuyển chủ yếu, vừa là khu vực hậu cần trực tiếp của đất liền đối với huyện đảo Trường Sa; gắn bó mật thiết với nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo cũng như vùng lãnh hải thiêng liêng của đất nước…
Chia tay các cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện, chúng tôi đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Phú Quý. Dù rất bận rộn với nhiều công việc nhưng các anh vẫn dành thời gian để gặp gỡ, trò chuyện với chúng tôi. Thiếu tá Nguyễn Quang Huynh - Đồn Trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Phú Quý chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của cán bộ và chiến sĩ của Đồn Biên phòng. Hầu hết các chiến sĩ của đơn vị là người trẻ tuổi, có năng lực, được đào tạo bài bản theo đúng chuyên ngành. Các chiến sĩ công tác ở Đồn đa số là người ngoài tỉnh, chỉ có số ít các chiến sĩ ở các huyện của tỉnh Bình Thuận đến công tác. Nhiệm vụ của Đồn là quản lý bảo vệ giữ vững chủ quyền an ninh trật tự khu vực biên giới biển. Trong những năm qua nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với chính quyền và người dân nên kịp thời phát hiện những tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam. Đồng thời hạn chế được rất nhiều về những tổn thất, thiệt hại do bão gây ra, nhất là các tàu thuyền đi đánh bắt ở ngư trường xa như Trường Sa.
Văn nghệ sĩ Bình Thuận chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Phú Quý. Ảnh: XH.
Dù rất muốn được nghe nhiều hơn những chia sẻ của các chiến sĩ trên đảo, như chuyện về các chiến sĩ giúp dân chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ, phát triển kinh tế, trồng rừng chắn cát, chắn gió hay về những chiến sĩ xa gia đình làm nhiệm vụ ngày đêm luôn mong nhớ vợ con ở đất liền… phải nghe nhiều ngày mới hết. Nhưng thời gian không cho phép nên chúng tôi đành quyến luyến chia tay Đồn để các anh tiếp tục làm nhiệm vụ.
Và để hiểu hơn về cuộc sống của người dân trên đảo, buổi chiều chúng tôi tới Ủy ban nhân dân huyện. Anh Ngô Tấn Lực- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý vui vẻ tiếp đón đoàn và thông tin một số vấn đề nổi bật. Anh cho biết, trước kia do điều kiện qua lại với đất liền gặp nhiều khó khăn nên điều kiện khép kín chủ yếu tự cung tự cấp dựa vào nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi và một số ngành nghề thủ công. Nhưng từ khi có tàu cao tốc Phan Thiết – Phú Quý mọi thứ đều rất thuận lợi. Số lượng người đến Phú Quý ngày một tăng, các hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi động, đời sống thu nhập của người dân được nâng cao. Hiện nay, ngoài việc tập trung nguồn lực phát triển toàn diện ngành hải sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thì việc phát triển du lịch cũng đang được huyện quan tâm, bởi Phú Quý có tiềm năng du lịch rất lớn, với nhiều phong cảnh đẹp, hoang sơ, khí hậu trong lành, có nhiều bãi tắm sạch nước biển trong xanh; nhiều di tích văn hóa tâm linh mang tầm cấp tỉnh, cấp Quốc gia; người dân trên đảo thân thiện, chân tình; nhiều hải sản tươi ngon đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên một điều mà lãnh đạo huyện còn nhiều trăn trở là việc học vấn của các em trên đảo. Vì tâm lý của cha mẹ lo sợ không muốn con mình đi xa nên các em chỉ học hết cấp 3 là nghỉ học, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ kế cận sau này…
Phú Quý, một huyện đảo nhỏ với diện tích 17,28 Km2, dân số 28.000 người/6.000 hộ, nhưng hội tụ nhiều yếu tố độc đáo. Vài ngày trên đảo Phú Quý, thời gian không dài nhưng để lại trong tôi những ấn tượng thật khó quên.