Chậu cảnh ngày xuân

06/01/2023 00:00
524

Truyện ngắn của LÊ NGUYÊN NGỮ


Làng nào và nói chung ở địa phương nào, bao giờ cũng có dăm ba người hâm hâm, khùng khùng và tệ hơn khi còn có kẻ điên nữa là khác. Làng tôi tuy không ai điên nhưng thuộc diện “tàng tàng, dập dập” cũng dư đủ để làm bận bịu lúc đếm trên một bàn tay. Điều đặc biệt những người thuộc diện này hơn các nơi là ai trong họ khi kiểm lại cũng thấy ăn mặc rất đàng hoàng. Đàng hoàng hơn cả những người bình thường nữa là đằng khác! Làng có đâu sáu người vừa hâm hâm, tàng tàng thì hết bốn người ăn mặc lúc nào cũng nịt niếc, áo bỏ vào quần hẳn hoi. Hai người còn lại tuy không thường xuyên “đóng thùng”, nhưng nếu mặc áo dài tay thì măng-sét cũng luôn được cài nút, cài khuy cẩn thận. Tất nhiên cách ăn mặc như thế còn thì dạng hình các “bộ cánh” nhìn chung cũng dơ dáy, nhàu nhĩ trông đến là… bôi bác, buồn cười!

   Thuộc diện này trong làng, nổi bật nhất là lão Lèm. Lão nổi lên vì có nhiều cái nhất hơn so với mấy người kia. Ngoài ăn mặc đàng hoàng nhất thì đã đành, lão còn nhất cả về tâm thần bất định, nghĩa là độ hâm không phải lúc nào cũng đúng ở mức một… tỷ! Nhất luôn về các khoản nói nhiều, ít ngủ, hay rượu… Trong rất nhiều cái nhất ấy, hai cái đáng được nói đến hơn cả: Một, tên của lão lạ nhất, vì trong ngôn ngữ tiếng Việt “Lèm” là từ khá ít dùng và có phần không được sáng sủa cho lắm; Hai nữa bởi cái thói yêu hoa kiểng, cây cảnh đến độ quá quắt!

   Lão nguyên con một ông đồ nho “cuối mùa” nên dân trong làng bèn gán thêm cái nghiệp của cha vào và gọi luôn là Đồ Lèm. Gọi thế vừa gần với tính hâm tỷ độ vừa đúng với Lèm, vì mang tiếng con nhà Nho nhưng Hán văn lão lại không biết cái chữ… nhất-một! Rồi cũng do thói lọ mọ suốt đêm và yêu hoa kiểng thái quá nên trước đây có một lần “lòng tham không đậu” thế nào, lão lại mò vào trộm cây cảnh nơi nhà bà Thu-lu. Bà này tên nguyên là Thu nhưng đúp thêm “lu” để chỉ vóc người to béo, đẫy đà của bà. Bà giầu vào hạng nhất nhì trong làng nhưng lại góa chồng. Góa chồng đã lâu song khó đi bước nữa vì bà không những mang tật nói lắp, nói liệu lại mồm ngoa miệng ngoắt, ỷ giàu sang nên kênh kiệu. Thường đàn bà góa chồng hay yêu lạc sang chó mèo, thú thiếc song bà Thu-lu này thì khác. Bà đặc biệt yêu cây cảnh, hoa lá. Nhà có dành hẳn nơi phía giếng nước và bài trí ở đó không khác một công viên nho nhỏ. Có đủ cả non bộ, hồ suối và hàng núi chậu hoa kiểng… Và vì gần giếng luôn được tưới táp nên cây lá lúc nào trông cũng đẹp đẽ, xanh tươi. Đồ Lèm thèm nhỏ dãi cây kiểng nơi này và một đêm như trên đã nói, lão đột nhập vào. Vừa vào chưa kịp bưng bê gì thì có tiếng người ra, lão vội nấp vào những cây lá um tùm. Người ra là Thu-lu. Bà ra giếng - ấy cũng là lối thoát “độc đạo” của lão. Rồi bà… cởi quần áo và múc nước tắm. Khổ thân cho Đồ Lèm, chỗ bà đứng tắm cách nơi lão nấp chỉ hơn cái sải tay! Đêm ấy nhằm trung tuần nhưng thân thể trắng lốp của bà còn sáng hơn cả trăng khiến lão phải thu nhỏ người hết cỡ. Để tránh tiếng động nên cứ nhằm vào lúc bà dội nước mà thu. Song cái sự tắm táp cho khắp cùng cơ thể của một người đồ sộ như bà Thu-lu thì… lâu biết dường nào. Bà tắm, bà vỗ nước cứ bồm bộp trước mặt lão. Ngồi lâu quá, mấy con kiến tưởng lão là bụi cây cũng mò sang, sục vào. Rồi lạ “cây”, cắn nữa! Đồ Lèm cố gồng mình chịu đựng. Sau một hồi tắm táp thỏa thuê cho mình, bà Thu-lu tiện tay lại tưới cho cây. Cũng chỉ là dăm gàu với những nơi gần giếng thôi. Đến nước nầy thì Đồ Lèm chịu hết xiếc! Trong đời lão cái gì cũng chịu được, kể cả ngồi im cho kiến vàng cắn, nhưng còn nếu không có… kế hoạch tắm, tự dưng mà xối nước lên người thì Đồ Lèm… xin hàng!

   Bà Thu-lu hoảng hồn ngồi thụp xuống khi bỗng dưng có người đứng lên đưa hai tay xin… “hàng” trước mặt mình!. Kịp nhìn lại thấy cách ăn mặc áo bỏ vào trong đàng hoàng, biết ngay là Đồ Lèm, bà liền chỉ mặt nói lắp nói liệu: “Đồ… đồ xôn… xôn… lèm! Đòi … đòi có… á mà đừng… có nói… đừng… có nói… với ai…!”.

   Tuy dặn vậy nhưng rồi cuối…, nói theo giọng điệu của bà Thu-lu thì á… mà đừng cánh đàn ông trong làng cũng biết được, mới đồn!

   Lão Lèm là người rất yêu hoa cảnh. Và cái sự yêu này cũng đến lạ, nếu không muốn nói là nhất. Thảng biết ai thích cây cảnh gì dù đẹp, quý hiếm đến mấy thì lão Lèm cũng tìm cho bằng được để biếu. Mà biếu không, dẫu cây kiểng đó đáng giá bạc triệu. Biết lão hay rượu nên người được biếu bao giờ cũng đãi lại bữa nhậu. Khi thì tiệc tùng linh đình nếu cây đáng giá, còn kém cũng xị rượu trắng với trái cốc, miếng ổi, cùng nhau khề khà ngay bên chậu cây vừa biếu. Cái món cây cảnh, bon-sai ấy trăm phần trăm là lão “thó” từ những nhà ai đó, về uốn cành cúp ngọn cho khác đi chút đỉnh rồi biếu mà thôi. Cây cảnh thường để trước sân, trước nhà cho đẹp cho tươi nên rất dễ bị trộm cắp. Và mất gì chứ mất những thứ này cùng lắm là chỉ tặc lưỡi, tiếc nhớ vài bữa, chẳng ai lại đi trình báo hay truy tìm gì. Ở đời có những thứ mất nó thì buồn ít, nhưng được nó lại vui nhiều. Cây kiểng là một thứ như thế. Sự “chênh lệch tình cảm” này Đồ Lèm nắm biết rất rõ nên lão cứ có nguồn nhậu dài dài. Và có khi vừa được tặng chậu cây quí, mừng, tốn tiền nhậu chiều hôm trước sáng hôm sau đã lại thấy mất tang! Thậm chí bê chậu cây tặng nhậu chỗ này tuần trước, tuần sau lão lại bê trả theo kiểu “tìm về giùm” chủ cũ. Lại cám ơn và… nhậu! Cây cảnh các nhà trong làng cứ thế mà luân phiên sở hữu, nhất là vào những dịp gần lễ, tết…

 

 

   Gần tết năm nay nhà giám đốc X. được biếu tặng một chậu mai dạng bon-sai  rất đẹp, đáng giá hàng bạc triệu. Cây mai có đầy đủ yếu tố quí, “độc” của “cổ, kỳ, mỹ, văn”!. Đây chắc cũng biến tướng của lối hối lộ, hối liếc gì đó. Mà “đút” theo dạng này bây giờ có lẽ ít ai để ý lắm. Cây cảnh thanh tao mà! Giám đốc X. rất hãnh diện với sự biếu xén vừa kín đáo vừa tế nhị này. Ông sửa sang chậu cây cho đẹp thêm với ý định sẽ lại đem đi biếu cấp trên. Tết năm nay chậu bon-sai mai vàng này chắc chắn sẽ hơn hẳn những món quà mừng xuân khác ở nhà “xếp” mình. Đầu Tết chưng nó sẽ báo hiệu cả năm đầy thăng quan tiến chức, bổng lộc tràn trề. Mà “xếp” như thế cũng có nghĩa là sự thăng tiến, bổng lộc tràn vào nhà ông. Cảnh giác với lão Lèm, ông giữ rịt chậu bon-sai trong nhà. Đến gần áp ngày đi biếu, giám đốc X. chỉ đem phơi sương một đêm cho cây kiểng tươi tỉnh, may mắn. Thế mà mất biến mất tang! Giám đốc kéo quân tới nhà lão Lèm tìm đến lật tung hết đất vườn ông nhưng chẳng thấy đâu cả!

   Và cũng đêm sau đó, bà Thu-lu ra giếng tắm tẩy trần cuối năm. Sợ lại có lão Lèm nấp trong bụi như dạo nào, bà vạch lá xem thử thì bắt gặp một chậu mai vàng bon-sai rất đẹp, đúng ngay vào chỗ trước kia lão ngồi.  Đây là cây mai i sì sì của giám đốc X. nghe nói mới mất. Bà mừng húm, bỏ cả tắm bê vội vào nhà. Rõ ràng chậu cảnh quí này chẳng phải từ trời rơi xuống hay tự đất chui lên. Thâm tâm bà Thu-lu dư biết của ai biếu!. Bà thì chẳng đãi ai rượu chè gì, mà chậu bon-sai đáng giá bạc triệu lại biếu… tế nhị đến thế, thật tình chẳng hiểu tại sao? Chẳng lẽ mình còn hấp dẫn tới mức chỉ một lần “diện kiến” mà bằng cả…  cấp trên của giám đốc ư? Điều này tuy còn phân vân nhưng cũng làm bà Thu-lu vui sướng suốt cả buổi sáng đầu năm và thấy cuộc đời quả là còn quá đẹp!. Mồng một tết, bà chưng chậu mai ngay trên bàn tiếp khách giữa nhà. Bà không thèm ăn cắp của ai nên chẳng sợ. Đầu năm đầu tháng, đố ai dám nói là của mình? Đố ai dám dây vào bà, ngay cả giám đốc X.! Trong làng từ trước tới giờ bà Thu-lu chưa hề biết sợ ai. Và người nào cũng ngán cái miệng nói lắp nói liệu của bà. Cánh đàn ông mỗi khi nhắc đến bà Thu-lu thì đều lắc đầu bảo: “Bà ấy thì… đừng có mà nói…!”

   Có lẽ bây giờ trong làng chỉ duy nhất một người bà sợ và không sợ bà, người ấy là lão Lèm. Vì chả gì, bà cũng đã âm thầm nhận của lão một chậu cảnh bon-sai. Hơn thế nữa đó lại là một chậu cảnh rất đẹp!