Đôi điều về địa danh La Gi

20/08/2022 00:00
628

ĐOÀN PHÚ


Đọc lại tập sách “La Gi Đất Xưa- Diện Hải Bối Lâm” (*) Nxb. Hội Nhà văn-2017- do anh Phan Chính tặng, tôi thật vui khi có món quà quý giá này. Nếu nơi chôn nhau cắt rốn chính là quê hương, thì La Gi là quê hương yêu dấu của vợ và các con của tôi. Riêng với tôi, La Gi là quê hương thứ hai, hơn nửa đời tôi đã dạy học, sinh sống và nghỉ hưu tại đây. Đọc tập sưu khảo địa danh “La Gi Đất Xưa -Diện Hải Bối Lâm”, chúng tôi biết rõ thêm và yêu hơn mảnh đất quê hương La Gi thân thương này.

   Tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa- Diện Hải Bối Lâm” gồm 28 bài viết mà anh Phan Chính đã tập hợp từ các bài viết đã đăng rải rác trên các tạp chí Xưa – Nay (của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), báo Bình Thuận, Tạp chí Văn Nghệ tỉnh Bình Thuận. Tập sưu khảo này là tư liệu quý giá góp phần vào yêu cầu nghiên cứu địa phương.

 

   Cuốn sưu khảo “La Gi Đất Xưa - Diện Hải Bối Lâm” đã cho ta biết lai lịch của một vùng đất tụ nghĩa, địa hình thiên nhiên, khí hậu, thủy văn, tài nguyên thiên nhiên và địa bàn hành chính từ lúc sơ khai đến nay. Đọc tập lược khảo chúng ta tìm về cội nguồn: dấu xưa trên ngảnh Tam Tân, lý lộ và dịch trạm ngày xưa. Đọc tập sưu khảo này chúng ta hiểu thêm về đặc trưng tính cách con người La Gi, chúng ta càng thích thú khi thưởng ngoạn các di tích thắng cảnh như Đập Đá Dựng, Hòn Bà, hải đăng Kê Gà, núi Tà Cú, di tích Dốc Ông Bằng, các hoạt động văn hóa giáo dục như trường lớp ngày xưa, báo chí tỉnh lẻ trước năm 1975, chuyện xưa mùa lễ hội…

 

   Tập sưu khảo mang tựa đề “La Gi Đất Xưa- Diện Hải Bối Lâm”, Diện Hải Bối Lâm là cụm từ được anh Phan Chính trích từ câu đối của các cựu quan thời Nguyễn để lại, qua lời truyền khẩu của các bậc cao niên địa phương :

 

   “La Di bình nguyên chi địa, diện hải bối lâm, sa bà thế giới, nông trang khả đạt.

   Hàm Tân lập xã chi sơ, tiền Đinh hậu Nguyễn, thảo muội kinh doanh, công nghiệp dĩ thành”.

 

   Dịch ý:

 

   La Di đất đồng bằng, mặt giáp biển, lưng tựa rừng, thế giới sa bà, nghề nông có thể được.

   Làng Hàm Tân buổi ban sơ, trước họ Đinh sau họ Nguyễn, khai khẩn lúc còn hoang vu, sự nghiệp thành công.

 

   Để ấn hành tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa- Diện Hải Bối Lâm”, chắc hẳn anh Phan Chính đã dày công sưu tầm tài liệu, tham khảo qua nhiều nguồn, như tìm đọc các văn bản xưa nay, xem các câu đối, nghe văn chương truyền khẩu, truyền thuyết, và đi thực tế tìm gặp các bậc cao niên thức giả gốc người địa phương để trò chuyện, để tích lũy kiến văn. Đọc, chọn lọc và dành nhiều tâm huyết để viết, anh Phan Chính đã cho ra mắt tập sưu khảo. Tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa- Diện Hải Bối Lâm” thật cần thiết, không những cho riêng người dân La Gi, mà còn góp phần cho kho tư liệu địa phương tỉnh Bình Thuận và cho giới học thuật nước ta khi biên khảo, tìm hiểu về La Gi.(Chẳng hạn: Ông Nguyễn Khôi, 79 tuổi, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ Trưởng Văn phòng Quốc hội Việt Nam (1990-2000), ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (khóa 2), sau khi ông Nguyễn Khôi đọc bài “Âm và ngữ nghĩa về địa danh La Gi” (bài thứ hai trong tập sưu khảo) do tôi gõ phím post lên facebook chia sẻ với bạn bè, ông Nguyễn Khôi đã gởi email nhờ tôi liên hệ với anh Phan Chính để hỏi xem có một quyển để đọc và tham khảo, dù chỉ là quyển sách photocopy). Đọc tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, tôi thật tâm đắc với kiến giải của anh Phan Chính:

 

   La Gi là một địa danh khá lạ từ cách viết, cách đọc. Trong Đại Nam Nhất Thống chí do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn xong năm 1882, và trước đó trong châu bản  “Doanh điền biểu văn” của Nguyễn Thông năm 1877, đã từng đề cập đến địa danh La Di, ghi theo biểu tra chữ Hán thì chữ La nghĩa là lưới, Di là nước nhỏ. Chữ Di  trong chữ Hán này viết theo chữ quốc ngữ hiện hành là Di (Dê I di)… Từ La Di cũng không thể là từ Hán Việt hóa, nếu liên hệ các địa danh trong tỉnh như La Gàn, La Dạ, La Giang, La Ngâu, La Ngà… và ở tỉnh Ninh Thuận, ngày xưa cũng có con sông La Gi tức Sông Pha (Krông Pha) thì nghĩ đến những địa danh này có nguồn gốc của dân tộc miền núi hoặc… Với nhiều căn cứ có thể xác định các địa danh trên đất Bình Thuận hầu như chịu ảnh hưởng từ địa danh Chăm (Địa bạ-Nguyễn Đình Đầu)

 

   Trong bản đồ hành chính thời Pháp thuộc, tỉnh Bình Thuận trích trong “Annuaire général de L’Indochine 1910” và các văn bản hành chính của Tòa công sứ Bình Thuận đều viết “Ladi” thành “Lagi” tồn tại đến bây giờ ”. Trong quá trình cộng hưởng ngôn ngữ với người dân bản địa đã được Việt hóa trở thành ngữ âm địa phương, rồi ghi chép lên bản đồ hoặc có phần do người dịch để phục vụ cho yêu cầu hành chính đã làm sai lệch nguyên ngữ… Đây là trường hợp thuộc qui luật biến đổi qua nhiều hình thức ngữ âm, từ một tên gọi địa phương rồi được chuyển hóa thành địa danh hành chính. Có thể coi địa danh La Di với La (ngữ âm người Chăm) với thành tố của Di (chữ Hán), về mặt ngữ âm La kết hợp với ngữ nghĩa Di tưởng chừng vô lý nhưng thực tế có nhiều địa danh đã hình thành từ trường hợp đó. Do đó rất dễ nhầm lẫn nếu chỉ căn cứ hình thức ngữ âm và chính tả hiện tại để diễn giải, suy luận. Trong đó, địa danh La Gi không nằm trong nguyên tắc phân loại thông thường, cũng không theo tiêu chí tự nhiên (tr. 16 - 22).

 

   Từ chữ viết “La Gi” đã dẫn đến cách phát âm có khác nhau. Với dân bản xứ hoặc đã sống lâu năm ở đây đã quen đọc La Gi là "la di" hoặc /la zi. Nhưng, với người ở xa đến, kể cả phát thanh viên các đài Phát thanh- truyền hình trung ương đọc địa danh La Gi là “la-ghi”…

 

   “La Gi Đất Xưa- Diện Hải Bối Lâm”, là tập sưu khảo, địa danh, vì vậy tôi xin mạn phép được bàn qua địa danh La Gi. Theo thiển ý của riêng tôi, Tiếng Việt hiện hành đang sử dụng mẫu tự La tinh để ghi. Chữ G nếu đứng trước các nguyên âm A, Ă, Â, O, Ô, Ơ, U, Ư đọc là “gờ”, các cô giáo lớp 1 khi dạy cho học sinh thì hướng dẫn là “Gờ đơn” để phân biệt với “Gờ kép” được viết bằng 2 con chữ GH (GHI đọc là "ghi"). Nếu chữ G trước nguyên âm I thì đọc là /Zi/ như gió, giếng, giun, giẻ, già… Như vậy, La Gi đọc là /la zi/. Nếu thêm dấu huyền vào hai tiếng LA GI thành LÀ GÌ  (la huyền là, gi huyền gì) LÀ GÌ đọc "là gì" có ai đọc "là ghì" đâu !

 

   "Về chữ viết từ La Di thành Lagi có từ khi Pháp đô hộ cầm quyền, căn cứ vào ngữ âm, chữ Hán Nôm ghi trên bản đồ triều Nguyễn và được phiên âm để dùng làm địa danh hành chính." -(Phan Chính). Người Pháp đọc chữ D thành Đ (đê), nếu ghi thành LA DI theo mẫu tự La Tinh, thì người Pháp sẽ đọc là "la đi".

 

Vì vậy, người Pháp đã căn cứ theo âm Hán Việt LA DI để viết thành Lagi  đọc theo tiếng Pháp, cho gần sát với âm bản ngữ địa phương /la zi/ hoặc /laji/. Trong tiếng Việt, Chữ G nếu đứng trước các nguyên âm E, Ê, I  mà đọc là “gờ” thì phải được viết bằng 2 con chữ GH mà các giáo viên dạy học sinh lớp 1 gọi là “Gờ kép”. Tiếng Pháp cũng được ghi bằng mẫu tự La Tinh. Tương tự như cách ghi âm tiếng Việt, chữ G nếu đứng trước các nguyên âm A, O, U đọc là “gờ”, nhưng chữ G đứng trước các nguyên âm E, I thì  GE đọc là /je/ /jơ/,  GI đọc là /ji/ nghe gần giống /ze/, /zơ/, /zi/, chẳng hạn: áo gilet đọc là /ji lê/; gène /jen/, nhưng khi đọc là “gờ” thì trong tiếng Pháp, chữ G ghép với chữ U, tương tự như trong Việt chữ G ghép với chữ H chẳng hạn: Guillaume Apollinaire đọc là "ghi zôm", la guerre (chiến tranh)  "la ghe".

 

   Xin nói thêm, về việc người Pháp ghi trên bản đồ hành chính thời Pháp thuộc cho gần sát với âm bản ngữ địa phương. Địa danh Kê Gà họ ghi là Kéga. Chữ é người Pháp đọc là ê, nhưng nhiều người kể cả phát thanh viên các đài Phát thanh- truyền hình trung ương không rành tiếng Pháp đọc là ké ga. Kéga đọc theo tiếng Pháp với âm ngang ngang là "kê ga", nếu đọc lên bổng xuống trầm, nhấn giọng ở ké, hạ giọng ở tiếng “ga” thì Kéga đọc gần như Kê Gà trong tiếng Việt. Đọc những bài “Hòn Bà dấu chấm than huyền thoại”, “Chuyện xưa mùa lễ hội”, “Từ núi Cẩm Kê đến mũi Kê Gà” trong tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa - Diện Hải Bối Lâm”, tôi bỗng thích thú nghĩ đến những cụm từ ngồ ngộ “La Gi là gì” “La Gi, ly gia”!