Những gương mặt văn chương của quê hương chúng ta

17/10/2023 00:00
560

ĐẶNG NGỌC HÙNG


Sau 30 năm tái lập tỉnh, sau các tuyển tập thơ, văn, lần đầu tiên Bình Thuận có được một tập nghiên cứu phê bình có giá trị về văn học Bình Thuận, được thực hiện bởi hai tác giả là người Bình Thuận. Không chỉ cung cấp tư liệu, tái hiện, diễn giải, cuốn Chân dung tác giả, tác phẩm văn học Bình Thuận (CDTGTPVHBT), tập 1 của các tác giả Võ Nguyên – Phan Chính còn có tác dụng “đẩy cửa”, truyền cảm hứng cho những ai có đam mê thực sự trong việc nghiên cứu văn học quê hương.

   Cuốn phê bình giáo khoa nghiêm túc

   Ngày nay, tuy đều công nhận phê bình văn học là sự tự ý thức của văn học nhưng người ta chia phê bình ra nhiều loại, dựa trên những tiêu chí khác nhau. Với tôi, tập CDTGTPVHBT, tập 1 là cuốn phê bình giáo khoa rõ rệt. 

   Trước hết, ở mỗi nhà văn, tác giả đều có phần mở đầu có giá trị tiểu dẫn về năm sinh, bối cảnh thời đại, có trường hợp được đề cập gia cảnh để giúp người đọc hiểu biết rõ hơn về góc độ con người công dân của nhà văn cũng như phần bối cảnh lịch sử lớn hoặc nhỏ có ảnh hưởng ít hoặc nhiều đến con người nghệ sĩ của nhà văn (Nguyễn Bắc Sơn, Lê Nguyên Ngữ, Huỳnh Hữu Võ…), hay thấy được sự tài hoa, đa năng độc đáo của người cầm bút (trường hợp Đỗ Hồng Ngọc).

   Tiếp đó, các tác giả giới thiệu các tác phẩm của mỗi nhà văn với ghi chú cụ thể về năm xuất bản, năm sáng tác và cuối mỗi tiểu luận đều có kèm theo phụ lục tác phẩm được cho là tiêu biểu của nhà văn trong khuôn khổ dung lượng của công trình.

   Về mặt khoa học, ai cũng biết phê bình chân dung, nhất là khi thời gian đã có một độ lùi lịch sử, đòi hỏi phải chỉ ra được những nét tiêu biểu nhất của con đường thơ, văn của đối tượng được nghiên cứu. Về mặt này, với một cách tiếp cận khoa học (dĩ nhiên không thể tuyệt đối vốn là tính chất của khoa học xã hội), thận trọng, với hệ thống lý thuyết và thao tác khoa học, các tác giả của CDTGTPVHBT đã làm được điều này, có chỗ làm rất tốt. Với Vũ Anh Khanh, đó là “Tiếng thơ Vũ Anh Khanh”, “Thế giới tiểu thuyết của Vũ Anh Khanh”... Với Huỳnh Hữu Võ, đó là “Thời chiến đường vào quê hương”, “Quê hương theo chân lãng tử”, “Nỗi niềm góc khuất”…Với Nguyễn Bắc Sơn, đó là “Thế thái nhân tình”, “Yếu tố triết học, tôn giáo”… Ở Đỗ Hồng Ngọc, Phan Chính cảm nhận và nhận định: Hai tập thơ đầu (Tình người – 1967, Thơ Đỗ Nghê – 1973), phong cách ngôn ngữ: “dung dị mà tinh tế”, “ảo ảnh thân phận và quê hương”, có “cái tạng riêng”, từ Giữa hoàng hôn xưa (1977) trở đi là “nỗi cô đơn” nhưng là nỗi cô đơn trong “an nhiên, dịu dàng”, “nhiều ẩn dụ hơn”, rộng mở hơn với các tập thơ về sau. Đặc biệt, Phan Chính đã có nhận định hay về phong cách văn xuôi của Đỗ Hồng Ngọc: “Vần thơ…thấm vào trang văn”. 

   Những chỗ tôi dẫn ra ở trên là nhận định của các tác giả về đối tượng nghiên cứu. Trong văn học, đó là điểm nổi bật về đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm quan lịch sử, cảm hứng, năng lực cấu tứ, biểu đạt…được thể hiện qua hình tượng của tác phẩm. Đó thường là yếu tố có sự lặp đi lặp lại một cách có chủ ý, như một lựa chọn sống còn của người nghệ sĩ. Ở “Thế giới truyện ngắn của Vũ Anh Khanh”, Võ Nguyên chỉ ra được “sự kiện lịch sử”, và “yếu tố huyền thoại”. Đây là một phát hiện khoa học. Nghiên cứu hình thức về thi pháp là nghiên cứu cái lý của hình thức vì tận cùng của hình thức là nội dung. Đặt vào bối cảnh sống và mục đích sáng tác của Vũ Anh Khanh hồi bấy giờ, chúng ta sẽ hiểu được vì sao nhà văn ưu tiên sử dụng “sự kiện lịch sử”, và “yếu tố huyền thoại” trong truyện ngắn. 

   Tôi rất thích các luận điểm: “Lữ khách thương đau”, “Thời chiến đường vào quê hương”, “Nhà thơ phản chiến” mà Võ Nguyên dùng để nói về Lê Nguyên Ngữ, Huỳnh Hữu Võ, Nguyễn Bắc Sơn. Tự thân các cụm từ ấy đã có tính văn học sử khi nói về những nhà thơ của quê hương Bình Thuận thân thương của chúng ta vì thời cuộc khi đất nước chưa chung một vầng trăng, buộc phải khoác chinh y. Tự thân các cụm từ ấy có giá trị như một giới thuyết về cảm hứng, tình điệu thơ của các nhà thơ trên: thơ lính, nhưng là thơ lính có khi bị “đục bỏ” như của Huỳnh Hữu Võ, hay “khác thường” và khiến độc giả lo lắng cho sự an nguy của thi nhân vì đã dám làm những bài thơ “rẻ rúng quốc sách một cách khơi khơi giữa thời chiến” (nhận xét của Võ Phiến) như của Nguyễn Bắc Sơn. Cũng vì vậy mà các luận điểm sau đó cho thấy giá trị của con đường thơ của các thi sĩ. Sau “thời chiến”, Huỳnh Hữu Võ mở lòng cho “Quê hương theo chân lãng tử”. Từ một “Lữ khách thương đau”, Lê Nguyên Ngữ trở về với “Một mái tình quê” và “Tình đời qua những trang văn”. Nói chung, sau những ngày tháng “buồn rạc gáo” (chữ dùng của Lê Nguyên Ngữ), các nhà văn, nhà thơ từng khoác chinh y trong tập CDTGTPVHBT đã về “Dựng lại người, dựng lại nhà” (tên một bài hát của Trịnh Công Sơn) trên quê hương đổ nát, điêu linh sau chiến tranh.

   Đặc biệt nhất, những trang viết của Võ Nguyên về Phan Chính (Phan Chính ở góc độ đối tượng nghiên cứu) có bóng dáng như một bộ phận của một cuốn giáo trình văn học. Sở hữu một khối lượng tác phẩm đầy đủ, khảo sát tỉ mỉ, đối chiếu, tổng hợp, phân tích, Võ Nguyên trình bày một hệ thống luận điểm, luận cứ toàn diện về sự nghiệp của nhà thơ, nhà biên khảo xứ Bình Tuy ngày cũ và Bình Thuận bây giờ: “Cảm hứng thơ” (gồm: Biển sóng bóng quê, Mẹ, Lãng tử cô đơn, Hồn nhiên xưa) và “Những trang văn xuôi” (gồm: Đường về xứ sở, Đọng một tấm lòng). 

   Nghiên cứu văn học là bộ môn khoa học thường được hiểu gồm ba bộ phận hợp thành là lý luận văn học, lịch sử văn học, phê bình văn học. Mỗi bộ phận đi sâu thực hiện những chức năng, nhiệm vụ khác nhau. CDTGTPVHBT thoạt nghe đã gợi nghĩ đến thể loại chỉ phê bình chân dung hay phê bình phong cách. Thực tế, về cơ bản, các tác giả của công trình đã làm tốt việc này. Nhưng để có được tập sách, các tác giả còn thao tác rộng hơn, cụ thể là định vị vấn đề nghiên cứu “từ sau 1945 đến nay”, cho nên tự thân công trình đã phần nào hàm chứa nội dung và có tác dụng của lịch sử văn học. Vì thế, việc các tác giả tự xác định đây là công trình “nghiên cứu phê bình” là hợp lý.

   “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người”

   Đây là ý của Hoài Thanh trong cuốn phê bình văn học được xem là hay nhất thế kỷ trước: Thi nhân Việt Nam. Cho đến bây giờ, phần nhiều các nhà nghiên cứu gặp nhau ở nhận định: Đây là trường hợp tiêu biểu của phê bình trực cảm, phê bình nghệ sĩ. Tuy vẫn coi trọng lý luận nhưng phê bình nghệ sĩ, trực cảm tỏ ra có thiên hướng đi tìm cái đẹp, do đó họ đòi hỏi văn phê bình cũng phải đẹp. Muốn vậy, người phê bình “phải có một tâm hồn giàu tình cảm, biết rung động trước cái đẹp của nghệ thuật” (Hoài Thanh). Nhờ trực cảm, nhà phê bình nhiều khi có những phát hiện mà lý trí không thấy được hoặc tránh được nguy cơ giáo điều.

   Nếu sự nghiêm nhặt, kỹ lưỡng, thao tác khoa học của nhà giáo (Võ Nguyên), nhà biên khảo (Phan Chính) đã tạo ra chất học thuật thì chất thơ, tâm hồn của hai nhà thơ Võ Nguyên và Phan Chính đã mang đến cho tập CDTGTPVHBT chất trực cảm tinh tế.

   Trước hết, ngay nhan đề, đề mục của các bài nghiên cứu của công trình này đã giàu chất văn. Ở trên, khi nói về phê bình giáo khoa, tôi có dẫn ra nguyên văn các luận điểm (đề mục), ở đây xin dẫn chứng về nhan đề: Huỳnh Hữu Võ - Cánh thơ theo nhạc vào đời, Đỗ Hồng Ngọc – Thơ mãi với đời và bảng lảng trên những trang văn, Phan Chính – Bước chân rong ruổi quê nhà, Lê Nguyên Ngữ - Phía chân trời để nhớ, Đỗ Kim Ngư – Cá vàng bơi giữa làng văn. Một số đoạn, trường đoạn trong 6 bài nghiên cứu của tập CDTGTPVHBT, lời văn trang nhã, mềm mại, nghe như thể tản văn nghệ thuật. Thử đọc mấy câu văn sau của Võ Nguyên viết về thơ Huỳnh Hữu Võ sau 1975: “Khi đến, nơi nào cũng để lại cảm xúc vào thơ, khi hân hoan thả hồn bay bổng theo trăng núi gió mây, lúc xao động ngọt ngào, nhiều khi lắng sâu tha thiết đến ngậm ngùi”; về Lê Nguyên Ngữ: “Đọc văn xuôi Lê Nguyên Ngữ, tôi bắt gặp ở đó những trang viết chậm rãi, đôi khi chùng chình rảo bước qua cuộc đời số phận, nhiều lúc vắt qua những mảnh đời tuổi thơ vướng vào không gian giăng bẫy trái ngang”.

   Nói cách khác, bên cạnh văn phong và thao tác khoa học, đĩnh đạc cần phải có của phê bình giáo khoa, các tác giả cũng đã áp dụng phương pháp nghiên cứu của thanh khí tương cầu. Lúc bấy giờ, chủ thể nhà khoa học tạm lùi bước để nhường chỗ cho chủ thể “tâm giao”, và nhờ vây mà ở một số điểm, các tác giả đã chạm đến chỗ sâu sắc, độc đáo trong sáng tạo của các nhà văn. Phan Chính viết về bài thơ Với con của Đỗ Hồng Ngọc bằng cái ăng-ten của người sáng tạo đối với công việc sáng tạo của bạn thơ, nếu chỉ viết bằng lý tính thì không hay đến vậy. Võ Nguyên viết về bài thơ Bài thơ viết trên tole của Huỳnh Hữu Võ cũng vậy…Với tâm thế ấy, Võ Nguyên mới nhìn thấy được “Tấm lòng qua những trang thơ” và chất trữ tình qua những mạch văn của “con cá vàng” Đỗ Kim Ngư. Đây chỉ là vài ví dụ chứ không phải chỉ có ngần này. 

   Những “bếp núc”, “góc khuất” nói trên đâu phải lúc nào cũng tường tận nếu nhà nghiên cứu chỉ đến với nó bằng lý thuyết xám xịt có sẵn về trào lưu, trường phái, phương pháp sáng tạo…, nếu không giao cảm trên chính văn bản nghệ thuật và lấy nghệ thuật, giá trị thật của tác phẩm làm trung tâm của sự bình giá?

   Vĩ thanh

  Chân lý thích người ta tiệm cận nó hơn là thủ đắc, nhất là chân lý nghệ thuật. Theo cảm nghĩ chủ quan của tôi, CDTGTPVHBT thiên về phác dựng, chia sẻ, gợi mở hơn là tổng kết, càng không phải là sự tất định. Chẳng hạn, tác giả Phan Chính đã viết: “Khó mà xếp thứ tự các tập thơ của Đỗ Hồng Ngọc đã xuất bản để có một “khái niệm” cho mỗi chặng đường thơ của anh”. Sự thận trọng ở đây vừa thể hiện thái độ khiêm tốn, vừa như mời gọi mọi người cùng nghĩ tiếp. 

   Có thể ai đó có cách cảm và nghĩ khác về các nhà văn, nhà thơ được nghiên cứu trong CDTGTPVHBT, tập 1, khơi thêm những nguồn lạch thú vị nào đó, chẳng hạn đi sâu vào phong cách nghệ thuật của Lê Nguyên Ngữ ở bình diện thơ, hay triết lý tôn giáo ở Nguyễn Bắc Sơn có điểm gì khác với người khác về cách nói, về giọng điệu... Đó là chuyện bình thường về tiếp nhận văn học. Điều quan trọng là, với tập 1 này, phần lớn những nhà văn, nhà thơ được nghiên cứu là những tầm vóc đã được đo đạc ở chiều kích quốc gia, thậm chí đi vào giáo trình đại học như một hiện tượng. Qua họ, người ta biết thêm về Bình Thuận và như vậy, tác phẩm văn chương của họ đã như một “chỉ dẫn địa lý” về bức tranh tâm hồn của người Bình Thuận. Cám ơn các tác giả Võ Nguyên và Phan Chính đã nỗ lực đưa dẫn người đọc vào thế giới nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của Bình Thuận.

   Với tất cả sự trân trọng đó, tôi xin giới thiệu Chân dung tác giả, tác phẩm văn học Bình Thuận, tập 1 của các tác giả Võ Nguyên, Phan Chính đến độc giả xa gần, và có cơ sở để tôi hy vọng đón chờ ngày “chào đời” của tập 2, với những gương mặt văn chương tiêu biểu khác của xứ sở Bình Thuận thân thương của chúng ta.