Trôi theo hồi ký của hai nữ giáo sư họ Đặng (Kỳ 2)

18/08/2023 23:48
556

ĐẶNG NGỌC HÙNG


Ít ai biết, ở làng Lương Điền, nhờ thuộc lòng cuốn Chinh phụ ngâm và bằng sự mẫn tiệp, ông Đặng Thai Mai ngồi đọc cho con gái là Đặng Anh Đào chép tay những gì ông đang suy nghĩ về nó. Cuốn Giảng văn Chinh phụ ngâm nổi tiếng đã ra đời như thế.

   Đi tìm thời gian đã mất

   Đi kháng chiến, Đặng Thị Hạnh nhớ về Hà Nội là nhớ tiếng rao hàng; nhớ những gì đẹp đẽ, thơ mộng nhất. Tác giả thích và trích một câu nói của ai đó, đại ý: nếu con người không có khả năng quên thì trái đất đã ứ tràn nước mắt. Rồi bà dẫn một nhận định mà theo tôi có lẽ của Marcel Proust: “Đối mặt với thời gian rộng nằm ngang của lịch sử biên niên còn có một thời gian khác thẳng đứng, giây phút im lìm đứng phía trên thời gian chảy dài liên tục, để đạt tới một sự tồn tại tự thân”. Phải chăng một vài giây ít ỏi là đủ cho hạnh phúc của cả một đời người? Hay cái quá khứ mà người ta đã lấy vé lên tàu thì không bao giờ rời bỏ được?

    Cả hai chị em đều không sao quên được cái làng Yên Lộ ở Thanh Hóa thời kỳ đầu kháng chiến. Sau này ra Việt Bắc, Đặng Thị Hạnh luôn nghĩ về Yên Lộ như một thiên đường đã mất vì ở đó không nghe thấy chiến tranh, nó êm đềm như trong tiểu thuyết đồng quê của Pháp. Ngược về trước một chút, bà Hạnh học Dự bị Văn khoa Khu IV từ tháng 9/1949 đến tháng 6/1950, thời gian đầu học ở Thanh Hóa, sau học với giáo sư Cao Xuân Huy ở Diễn Châu, Nghệ An, rồi đi dạy học, tản cư về Quần Tín bằng thuyền. Tiếp đó bà cùng gia đình “trường chinh” ra Việt Bắc dạy học. Quãng thời gian làm cô giáo ở Việt Bắc cũng khá gian khổ nhưng được cái là chiến tranh ở đâu đâu ấy. Rồi bỗng nhiên hòa bình. Cô giáo Hạnh được phân công tham gia cải cách ruộng đất, rồi chính thức trở thành sinh viên Đại học Văn khoa. Qua những đoạn đường đời ấy, bà nghĩ và thích câu “Les peuples heureux n’ont pas d’ histoire” (các dân tộc hạnh phúc đều không có chuyện) bởi lẽ bà đi cải cách ruộng đất thì may mắn được phân công về vùng không có địa chủ, bà rời Trường Tổng hợp thì ở đó mới xảy ra vụ Nhân văn Giai phẩm.

    Trong khi đó, ở tuổi ngoài 80, Đặng Anh Đào khôn nguôi nỗi nhớ về những ngày đã qua. Ngay khi theo cha mẹ từ Việt Bắc trở lại Khu IV, cô Đào đã “đi tìm những bóng hình đã mất” của những năm từ 1946. Những con người đã gặp, đã quen, từng học chung giờ ai còn, ai mất, đi đâu ? Bà dẫn một câu nói mà bà ghi lòng dạ nhưng không nhớ nổi đó là câu của ai: Cái còn lại với ta cho tới cùng chính là cái đã ra đi đầu tiên. Thì ra, không hẹn mà gặp, cái “đã ra đi đầu tiên” của cô Đào sao mà giống con tàu của cô Hạnh. Huy Cận từng có câu thơ rất hay: “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”. Nếu không đọc Hoài niệm và mộng du, làm sao người ta biết được trong đoàn người từ Thanh Hóa tản cư ra Việt Bắc, có những người dân công mà đôi quang trên vai không phải gánh vật dụng, lương thực mà là thồ…những bồ sách của học giả Đặng Thai Mai.

   Rời Việt Bắc, cô Đào trở lại xứ Thanh, rồi tiếp đó tản cư về quê nội ở làng Lương Điền, xứ Nghệ. Một ngày gần cuối thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, Đào tình cờ thấy lại lá thư nát bươm của những tháng ngày ấy. Cũng như người chị Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào thường sử dụng thủ pháp đồng hiện để chồng lớp hình ảnh. Vì thế hồi ký của hai bà cũng tạo ra trường liên tưởng rộng rãi chứ không chỉ thu hút độc giả bởi sự kiện độc đáo và thông tin đọc hiểu thuần túy. Lá thư đang nói là của người chị cả, chị Bích Hà, lúc bấy giờ mới sinh đứa con đầu lòng với người chồng là tướng Võ Nguyên Giáp. Đứa bé tên Sa, về sau đổi tên thành Hòa Bình. Trở lại lá thư, nó được viết từ ngày 10/7 đến ngày 12/7/1952, thăm hỏi và dặn dò em với tình cảm thắm thiết nhất của một người chị có trách nhiệm. Trong lá thư đang nói có một dòng quý như kim cương, đó là câu: “Tên Vượng dạo này có bớt kiêu không?”. Vượng ở đây là bạn cùng lớp với Đặng Anh Đào, học rất giỏi, người sau này là giáo sư Sử học lừng danh Trần Quốc Vượng.

   Đặng Anh Đào trở về Khu IV với hai phần, phần xác là do hoàn cảnh theo gia đình, phần hồn là cái tôi đi tìm lại “những người vài năm cũ”. Họ đã đi đâu hết rồi, đã tan tác, lạc bầy? Nhớ Yên Lộ, làng quê đầu tiên yên ả như cái tên của nó, nơi gia đình bà từ Hà Nội tản cư ra, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Thai Mai phải làm Chủ tịch tỉnh. Nhớ Quần Tín, nơi nói theo cách diễn đạt của I.S. Turgenev, đúng là một “tổ nghệ sĩ” tài năng của nước Việt đã tụ hội về đó hồi bấy giờ: Vũ Ngọc Phan, Chu Ngọc, Mạnh Phú Tư, Trương Tửu, Nguyễn Đình Lạp, Sĩ Ngọc, Phạm Văn Ty, Nguyễn Tuân… và cả ông tướng dị thường nhưng rất đỗi tài hoa – Nguyễn Sơn. Có lẽ người ta về đó không chỉ do kháng chiến mà còn vì hấp lực Đặng Thai Mai. Nếu không thì Bửu Tiến đã không có câu đối rất hay như thế này:

   “Lúc Quốc học, lúc Thăng Long, dạy nghĩa đồng bào trong tiếng cuốc kêu khắc khoải

   Khi Khu Tư, khi Việt Bắc, khuyên tình đồng chí dưới cờ sao dậy xôn xao”.

   Kỹ thuật chồng lớp của tác giả đã họa lại những chi tiết mà sử học phải lưu tâm. Chẳng hạn, ở Hòa Bình, những người trong gia đình vợ gặp (hay thấy?) người con / anh rể Võ Nguyên Giáp mà chỉ có thể vẫy tay chào một cái rồi tiếp tục dấn bước trên con đường kháng chiến hối hả. Những cuộc tình, cuộc hôn nhân ngày ấy-bây giờ của các yếu nhân, danh nhân đẹp và buồn. Những bài hát, điệu nhảy mới du nhập từ Trung Quốc vào làm rộn các sinh hoạt tập thể hồi bấy giờ, trong đó có bài Xí xèng với câu mở đầu “Xí xèng, thoan chê thoan sừ lí lèng” (kết đoàn, chúng là sức mạnh). Và cả trận Cầu Lồ cực kỳ bi tráng diễn ra từ 6 đến 13/7/1954 mà cho đến khi bà Đặng Anh Đào viết thiên hồi ký, nó chưa được một tài liệu lịch sử nào nhắc tới.

   Tìm hương hướng thượng

   Có những cuộc gặp gỡ diễn ra nhiều năm sau này khi cả Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào đã trở thành giảng viên đại học, được bay tới trời Tây để trao đổi học thuật, giao lưu văn hóa. Thế nhưng chúng, tức những sự kiện đó, thường ít được kể theo kiểu tuyến tính mà được các tác giả “nhúng” vào các “tập tin” cũ của ký ức. Nói cách khác, chúng diễn ra sau nhưng tất cả đều “mọc” lên từ hạt mầm của ký vãng, đúng với cảm khái của Đặng Anh Đào: “Cái còn lại với ta cho tới cùng chính là cái đã ra đi đầu tiên”. Ký ức của người viết đã “nhuộm” chúng trong một màu vàng mơ của chất thơ.

   Sau 1975, một người ở miền Nam gửi thư cho giáo sư Đặng Thai Mai để thăm hỏi sức khỏe thầy. Đó là một học trò cũ của ông Mai ở Trường Thăng Long trước 1945, sau trở thành một bác sĩ tài năng và phẩm hạnh. Biết thầy không có tủ lạnh, ti vi, người học trò đó gửi biếu thầy cái ti vi dù thầy Mai ra sức từ chối. Nhưng người học trò vẫn gửi. Vì chỉ có nhu cầu đọc sách, thầy Mai cho con trai cái ti vi đó. Vì hoàn cảnh, ông “Zhivago” ấy đã phải dắt díu cả gia đình đi Tây. Đến trời Tây thì ông “Zhivago” lại thất vọng vì ông đã quá nhiều tuổi để thích nghi. Ở Paris, số phận run rủi để Đặng Anh Đào gặp lại ông bác sĩ giờ có “gương mặt buồn” và “giọng nói cay đắng”. Ông hỏi thăm thầy Mai, gọi con gái của thầy học cũ nhỏ tuổi hơn mình bằng “chị” theo phép tắc cũ. Ông là ai? Ông là bác sĩ Lê Kiểu, người cũng từng là chủ tịch tỉnh Thanh Hóa trong kháng chiến chống pháp. Một đêm, một người nông dân lẻn vào nhà ông, báo cho ông biết rằng ông có tên trong danh sách “chỉnh đốn tổ chức”. Hồi bấy giờ, cụm từ trên rất nghiêm trọng. Ông không hiểu vì sao lại có cớ sự đó. Và cũng do không còn cách nào khác, ông Lê Kiểu đành “dinh tê” vào Sài Gòn.

   Hai trong những lần đi công tác Paris, Đặng Thị Hạnh gặp lại điêu khắc gia Điềm Phùng Thị. Và ký ức về Điềm Phùng Thị - Hà Nội sống lại trong Đặng Thị Hạnh nhiều hơn là Điềm Phùng Thị đang làm gì ở Paris: “Chị vẫn giữ được gương mặt của chị Cúc khi còn ở phố Phạm Phú Thứ”.

   Còn nhiều số phận và những cuộc đi-ở-về khác trong hai thiên hồi ký. Tác giả chỉ “hoài niệm” những gì đẹp đẽ nhất và “mộng du” trong thế giới của những tấm lòng vàng.

   Sau 1954, cả hai chị em Hạnh và Đào đều vào học Văn khoa ở những ngôi trường đại học danh giá nhất, đều trở thành giáo viên trung học, rồi nhờ năng lực đích thực, đều được điều động vào nghiên cứu và dạy ở những ngôi trường đại học đã đào tạo ra mình. Để có được thành quả như mơ ấy, họ phải trải qua những ngày làm vợ, làm mẹ vô cùng gian khổ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt khi chồng (cả hai bà đều có chồng là sĩ quan quân đội, sau đều lên cấp tướng) đi chiến trường biền biệt. Những ngày đi sơ tán. Bom rơi trên đầu. Ăn uống thiếu thốn. Mấy đứa con dại. Công việc đầy áp lực. Vậy mà cảm hứng, cảm xúc chủ đạo bao trùm lên hai cuốn hồi ký không phải là tiếng đạn bom, người chết mà chủ yếu là những kỷ niệm êm đềm nhất. Biết bao biến thiên lịch sử trôi qua trong những cuốn phim hồi ức của hai chị em giáo sư họ Đặng mà ở đó chỉ có những thước phim dương bản. Ấm áp biết bao.

   Về lại ấu nhi

   Hồi ký của Đặng Thị Hạnh được cấu trúc theo đúng sự định hướng của nhan đề: Cô bé nhìn mưa. Từ cô bé Hạnh nhìn mưa ở làng Quỳnh Đôi quê ngoại đến đứa cháu ngoại tên Cu nói tiếng đầu tiên là mưa (phát âm ngọng thành mua). Một cơn mưa rào cuối hạ khác, cho cháu gái Masa, cho hoa tóc tiên nở sau một thời gian dài bị các cây hoa đá trong vườn nghít hết. Liệu sau này bé Masa còn nhớ những bông hoa tóc tiên trong dòng thời gian đương đại vùn vụt trôi khiến người ta quên lãng nhanh hơn? Không sao, chỉ cần vài bông cũng đủ là một “tỉnh lược của những khóm bông” thời bà là cô bé nhìn mưa nơi làng quê xứ Nghệ xa xôi của ông ngoại cuồng chữ và yêu nước trong bế tắc.

   Đặng Anh Đào cũng vậy, bà mở đầu cuốn hồi ký bằng nỗi nhớ Sầm Sơn và kết thúc bằng hình ảnh đi ra biển. Bà viết: “Lớp sóng này vỗ vào bờ, rút ra khơi, lại lớp sóng khác, bao giờ cũng mới và tinh khôi”. Con sóng nào cũng mới vì nó vốn vô thủy vô chung.

   Tôi nghĩ, nếu không đọc hai thiên hồi ký này, mình sẽ mất mát biết nhường nào.