Tiếng hát từ
DÒNG SÔNG QUÊ

18/10/2023 00:12
513

DŨNG NGUYÊN


DÒNG SÔNG QUÊ là tựa Tuyển tập thơ của nhà thơ Cao Hoàng Trầm, hội viên Hội VHNT Bình Thuận vừa được nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản và ra mắt độc giả tháng 6 năm 2023. Đây là một tác phẩm có hình thức đẹp, bìa cứng, đồ sộ, nội dung phong phú dàn trải qua 4 phần: Tác phẩm thơ tuyển; Nhà thơ và bằng hữu; Cao Hoàng Trầm và văn nghệ sĩ qua hình ảnh; Những bài thơ phổ nhạc gồm 20 bản nhạc được phổ từ thơ Cao Hoàng Trầm do các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mai, Bùi Tuấn Anh, Thanh Chương, Ngọc Mỹ và Trọng Thủy.

   Tựa Dòng sông quê, lấy tên từ một bài thơ trong tuyển tập mà nhà thơ biểu đạt yếu tính thi ca một cách sâu sắc trước nét đẹp của quê hương, đất nước tạo thành những câu thơ đầy khí tiết cách mạng nhưng không mất đi chất lãng mạn trước cảnh vật và con người. Đúng vậy, bài Dòng sông quê là bài thơ mang tính thiết yếu của cả một Tuyển tập mà nhà thơ cho ta nghe được tiếng hát vang vọng từ một dòng sông quê hương bắt nguồn từ một cuộc sống sông nước nối liền mạch sống tự hào dân tộc. Hình như nhà thơ đã nghe, nghe rõ tiếng hát vang lên từ “Điệu ca dao hát trong quán gió/ Dòng sông quê sóng vỗ ngọt ngào/ Thấm sâu lời mẹ ru từ đó/ Khúc đồng dao ta lớn ngày nào”. Ôi, nó thấm đẫm ngọt ngào lời ru của mẹ: “Loang loáng dòng sông mờ khói sóng/Mẹ lo toan khắc khoải từng ngày”. Rồi tiếng hát ấy cứ vang lên theo dòng sông gắn liền với đồng quê thoảng thơm mùi lúa chín, với tiếng sáo vi vu nghiêng cánh diều với biết bao thương nhớ: “Con đò chở nặng đời gian khó/ Chuyện lòng giấu kín biết ai hay”.

 Hình như nhà thơ Cao Hoàng Trầm có một tâm hồn phóng lãng đầy cảm hứng sẵn sàng bộc phát khi trước mắt ông hiện ra những dòng sông bến nước, ghềnh láng con đò, như là chất liệu để ông dệt nên những bài thơ đầy xúc cảm. Điều này đã chứng minh qua tuyển tập thơ, trong đó gồm có 81 bài thơ qua nhiều thể loại. Nhưng có 6 bài thơ như: Hồn quê, Nhớ về phố biển La Gi, Chiều Sông dinh, Quê tôi, Dòng sông quê và Bến xưa nhà thơ đã lấy cảm xúc từ dòng sông quê bằng những rung động khác nhau. Đặc biệt trong 6 bài thơ này ông viết bằng thể thơ lục bát, một thể thơ rất hợp với “thể trạng” thơ của ông. Trong thể lục bát, ông luôn đem nét mới vào thơ, làm cho thơ ông nhẹ nhàng và uyển chuyển. Ông rất khéo luyến láy âm sắc và tạo những quãng ngắt câu thơ trong tâm tưởng người đọc:

   “Hương chờ/ lũng thấp/ sườn trên
   Ngõ hồn trăng chậm/ dần lên bồi hồi.”

   Hay:

   “Tơ lòng buông tiếng nỉ non
   Vàng thu thoắt lá ta còn gọi nhau
   Vẫn xưa tóc liễu xanh màu
   Tình trong vị cũ không nhầu thời gian.”

   Nhà thơ đã dùng chữ nhầu thời gian để mô tả dòng thời gian còn nguyên vẹn, không bị nhầu nát. Dù trong “yêu thương” còn trong vị cũ. Cách dùng chữ của nhà thơ làm cho ý thơ vô cùng sống động, đầy đặn ý nghĩa của nó.

   Nhà thơ Cao Hoàng Trầm tên thật Trương Văn Tôn, sinh năm 1939 tại Thị xã La Gi, một vùng cực nam miền Trung, nơi nhà thơ đã hấp thụ đầy đủ tinh hoa của một nền văn học truyền thống: “La Gi Thi xã”, một tổ chức Thi ca có lịch sử lâu đời đã sản sinh ra nhiều nhân vật nổi danh trên văn đàn đất phương nam. Ngoài ra, nhà thơ cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền văn học Bình Thuận, một địa danh sản sinh ra rất nhiều nhân vật thi ca nổi danh trên cả nước như nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết v.v… Cao Hoàng Trầm là nhà thơ có khuynh hướng theo dòng thơ cách mạng, đã thể hiện một cách rõ nét ngay từ bài thơ đầu tiên khi ông bắt đầu làm thơ vào năm 18 tuổi mà lời thơ nghe thật hùng hồn, quyết chí cho một cuộc đấu tranh vì dân tộc: “Bùi ngùi đưa tiễn buổi ra đi/ Dầu dãi tuyết sương có ngại gì / Trọn tuổi hai mươi con đất Việt/ Nước non – nhiệm vụ - buổi chia ly!”(Tiễn đưa). Nhưng bên trong cái tâm hồn mạnh mẽ của một chiến sĩ cách mạng ông lại là một nhà thơ dào dạt những lời thơ như ẩn chứa tình cảm của một bóng hồng luôn đứng bên sau. Nhưng hình như nhà thơ luôn kiềm chế nguồn xúc động này ở trong một giới hạn mực thước “Ngoài hiên hạt nắng lưa thưa/ Tóc em hong nắng đu đưa bóng dừa/ Cửa hồn sâu thẳm chiều mưa/ Chuyện lòng giấu kín chỉ vừa anh nghe!” (Dáng xưa). Phần lớn thơ của Cao Hoàng Trầm nặng về tả cảnh như một bức tranh quê, ghép vào cảnh vật một chút tình nhẹ nhàng và sâu lắng làm cho lời thơ uyển chuyển sao động lòng người. Thơ ông dù ở thể điệu nào, lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, cả thơ tự do hay Đường luật ta cũng bắt gặp trong câu thơ ông tìm ẩn nét nhạc nhẹ nhàng và sâu lắng, phảng phất một chút buồn làm thao thức người thơ “Chập chùng núi Bể chon von/ Đá từng mấy bậc khe mòn lá reo/ Suối hồn nhiên chảy trong veo/Đường vào thăm thẳm trăng treo non ngàn” (Núi Bể).

   Nhà thơ Cao Hoàng Trầm bước vào đường thơ rất sớm, lúc ông 18 tuổi với bài thơ Tiễn đưa (1957): “Uyển chuyển dậy lòng theo tuế nguyệt/ Khơi nguồn cuộn chảy bể mênh mông/ Sân ga ai nhủ chiều hôm ấy?/ Thỏa chí cánh bằng lướt nắng trong”. Hình như chẳng ai biết về thơ ông! Đúng thôi, thời ấy ông đang hoạt động cách mạng trong tranh tối tranh sáng. Đến khi hòa bình, con đường thơ của ông cũng chưa hết chông gai nên bạn bè ví ông như “ngọc ẩn trong đá”, dù ông đã xuất bản nhiều tập thơ nhưng cũng chẳng bao người biết đến ông nhiều. Đến khi người ta biết ông thì ông trở thành “một lão thi nhân” với bộ dáng tiên ông trong thạch động. Tuyển tập DÒNG SÔNG QUÊ đích thực đã dẫn đường cho mọi người đến với nhà thơ CAO HOÀNG TRẦM và thơ ông mới lấp lánh trên bầu trời văn học BÌNH THUẬN.