Trôi theo hồi ký của hai nữ giáo sư họ Đặng (Kỳ 1)

21/06/2023 10:09
829

ĐẶNG NGỌC HÙNG


   Đó là hai người con gái tài hoa của cố giáo sư Đặng Thai Mai. Giờ thì cả hai người con cũng đã theo cha thành người thiên cổ.

 

   Nếu người chị Đặng Thị Hạnh cố “giữ” mình trong hình tượng Cô bé nhìn mưa (NXB Phụ nữ, 2008) thì người em Đặng Anh Đào buông theo cảm xúc của Hoài niệm và mộng du (NXB Phụ nữ, 2019).

 

   Có thể nói hai cuốn hồi ký đầy chất thơ của hai nữ giáo sư văn học là hai cuốn lịch sử về dòng họ và qua chúng, người đọc thấy được lịch sử của đất nước được viết bằng hồi ức, cảm xúc của những trí thức, nghệ sĩ đích thực: “Đấy là những gì tôi nhớ được, không hiểu so với chính sử đúng tới mức nào” (Đặng Thị Hạnh).

 

   Từ “mộng du” của Đặng Anh Đào có thể được hiểu là cách viết chung của cả hai cuốn hồi ký: dòng ý thức. Mặc dù các phần được chia theo trật tự thời gian nhưng các sự kiện của cả một cuộc đời được cắt vụn ra để suy ngẫm; và suy ngẫm, chiêm nghiệm mới là trọng tâm của các thiên hồi ký hấp dẫn đến bất cưỡng này.

 

Từ cái làng quê ngoại Quỳnh Đôi

 

   Ở đó, cô bé 2 tuổi tên Hạnh ngồi nhìn mưa. Những ngày tháng được ba mẹ cho về quê ngoại chơi đúng là ngày tháng thần tiên. Ở đó có ông ngoại, các dì, con đê, cánh đồng, có giếng làng, vò khoai bóp và mấy con chim “ông cụ” khiến cô bé Hạnh sợ chết khiếp. Nhưng cảm xúc của cô bé Hạnh chủ yếu đóng khung trong ngôi nhà ông ngoại, nơi có “chái nhà tối om”, ông ngoại nấu cao hổ, khỉ. Đó là một ông lang rất giỏi chữ Hán và có nhiều học trò. Có một hình ảnh neo vào cái khuôn ký ức của Đặng Thị Hạnh là ông ngoại nằm sấp và “nhìn hàng giờ vào một điểm cố định trên nền nhà’. Đó là lúc ông đọc cuốn Nhân đạo quyền hành mà theo Đặng Thai Mai là “cuốn triết học duy nhất có giá trị thời ấy”.

 

   Không ai nghĩ ông lang ấy, tức ông ngoại, cụ Cử Hồ, người biết tân học, Toán, Vật lý ở trình độ trung học Pháp, lại rất phong kiến. Vì thế dì Tân, em của mẹ Hạnh và Đào, người có khuôn mặt sáng, tính tình khoan hòa, phải lấy một học trò của ông ngoại tên là Vàng, theo chồng về miền Nam diệu vợi. Dì Tân vô Nam làm vợ và chết vì bệnh tim khi chưa có con. Ngay cả cái tên Hạnh cũng do ông ngoại đặt. Ông thân sinh Đặng Thai Mai muốn đặt con gái mình tên là Hồng Hạnh (tên của một nữ văn sĩ Trung Quốc). Nhưng ông ngoại lại bảo Hồng Hạnh nghe “không đoan chính” do câu “Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai”.

 

   Với bé Hạnh, kỷ niệm sâu sắc nhất là cái đêm cả nhà cùng thức thức để đợi hoa quỳnh nở. Hoa quỳnh nở thật, thứ hoa mong manh nhưng lại là biểu tượng cho “nhà có phúc”.

 

   Tuy nhiên chừng ấy sự kiện vui vầy trong gia đình ông lang khá giả không xua đi nỗi những ấn tượng buồn. Không chỉ là người dì tên Tân cắp nón theo chồng về phương nam xa xôi. Đó còn là cái chết “tự quyết” của người cậu ruột tên Thức vì bế tắc một cách bí ẩn. Đó là người đàn bà bị chồng đánh đòn ghê rợn như cơm bữa ở Sầm Sơn. Đó là mẹ, người không bao giờ có một nét buồn dù phải nuôi bầy con cho ông chồng chỉ đọc sách và đi ở tù như ông Đặng Thai Mai. Tất cả đan xen, và có những điều không phải lúc nào cũng hiểu hết như phong trào vui vẻ trẻ trung bùng lên, ông ngoại băm nát chiếc áo dài Le Mur của con gái trên thớt, mắng cháu gái mặc áo đầm…

 

   Đến Hà Nội

 

   Cả nhà theo cha ra Hà Nội vì cha xin được chỗ dạy ở ngoài đó. Giữa đó là những chuyến đi lại giữa Hà Nội và Vinh. Ở Hà Nội, đó là ký ức về những bức thư, cuộc chuyện trò của cha với đồng nghiệp; là những cuộc chuyển nhà liên tục. 60 năm sau, một cựu học sinh của thầy Đặng Thai Mai nhớ lại: Lương thầy Mai cao lắm nhưng ông dành tiền để giúp đỡ học trò nghèo gốc quê nên không nghĩ đến chuyện tậu nhà. Một trong những ngôi nhà trong số đó có bức tường xây dở, một đống cát và một con bướm bay chập chờn. Bé Hạnh nghĩ một ngày kia mình sẽ chết như con bướm. Ý nghĩ đó dẫn đến tiếng khóc và một trận đòn vì khóc nhè mà không nói rõ lý do. Văn chương đã đến với giáo sư Đặng Thị Hạnh từ những ngày này chăng?

 

   Một ngôi nhà nữa cũng neo trong ký ức của Hạnh: số 2 phố Herri d Orléans, nơi anh Văn (ông Võ Nguyên Giáp sau này) thường ngồi học trên sàn, có thói quen vừa giở sách ra là lấy bàn tay xát vào lòng bàn chân, mọi người nói anh “kỳ ghét” nhưng nhiều chục năm sau mới vỡ lẽ anh xoa bóp và bấm huyệt theo cái cách của ông cụ anh (cũng là một ông lang).

 

   Đọc đoạn này, người ta thấy ông giáo sư Đặng Thai Mai uyên bác rất thích nghiên cứu và dạy học nhưng không hề thích chấm bài dù ông chấm rất kỹ; ông không bao giờ dạy học cho con với lý do không “câu thúc” con cái và câu nói: “Ba không dạy bay, ở nhà ta chỉ nhặt chữ rơi ngoài ngạch là đủ thông”.

 

   Quãng thời thời này cũng có nhiều kỷ niệm, thường là vui, như việc đi học vỡ lòng, rồi đi học chính thức, được nhận phần thưởng ở nhà hát lớn, đi xem phim, đọc sách. Nói “chữ rơi ngoài ngạch” là đúng chứ không hề cường điệu vì nhà ông thầy Mai ngập chìm trong sách, và một buổi chiều nọ cô bé Hạnh đã “cầm phải” cuốn sách của Thạch Sĩ Bia (Shakespeare) do Nguyễn Văn Vĩnh dịch – cuốn Hâm Liệt (Hamlet). Rồi chàng hoàng tử Đan Mạch đã ám ảnh cô bé suốt mấy chục năm trời nên dễ hiểu vì sao cô đã trở thành một giáo sư chuyên ngành văn học phương Tây. Ngôi nhà ngập tràn sách ấy là 14 Phạm Phú Thứ, ngày nay là 11 Nguyễn Quang Bích, Hà Nội, trên cổng ghi Nơi đây, 1938-39, là trụ sở Báo Thế giới (Mặt trận dân chủ). Còn hồi bấy giờ, các cô bé con ông thầy Mai chỉ thấy nhà có lúc treo tấm biển Văn phòng Chi hội Truyền bá Quốc ngữ.

 

   Quãng tuổi thơ ngắn ngủi đó cũng lưu trong bộ nhớ của các cô bé hình ảnh “các anh chị”, những con người rất khó quên. Chị Cúc (người sau này là điêu khắc gia trứ danh Điềm Phùng Thị) với đôi mắt dài đen, khóe miệng thanh tú và hai má lúm đồng tiền, tương truyền làm tan vỡ nhiều trái tim văn nhân; anh Khanh rất chi là tử tế là thi sĩ Trần Mai Ninh sau này, bị Pháp sát hại ở Lao Bảo.

 

   Đặng Anh Đào nhỏ thì nhớ như in những gì cô ấn tượng. Nhật đảo chính, Mỹ ném bom. Thầy Mai đưa vợ con tản cư vào Sầm Sơn. Lúc này “cỗ xe” hồi ký của Đặng Anh Đào “xuất bến” để “chạy” song song với hồi ký của chị Hạnh. Nhưng Sầm Sơn trong hai hồi ký không hoàn toàn giống nhau. Mỗi đứa trẻ có một đôi mắt khác nhau và ký ức của mỗi người có những nếp gấp khác nhau. Chỉ có một điểm giống là cả hai đứa trẻ đều nhận thấy có 2 Sầm Sơn: Sầm Sơn của người giàu sang và Sầm Sơn của người bình dân.

 

   Những người bạn chơi trò chơi thời tuổi nhỏ ở Sầm Sơn sau có người ngã xuống ở Lào trên đường Tây Tiến, có người sau này gặp lại sau 1954 ở Hà Nội, mệt mỏi lạ lùng. Có người “trôi” qua Mỹ, Pháp… Chẳng có gì hoang đường như cuộc đời. Người Pháp biến mất khỏi Sầm Sơn. Một người dân địa phương giữ ngựa cho Nhật, ăn cắp và bị giết chết, xác bêu ở ngã ba đến mấy ngày. Chị Bích Hà của Hạnh ám ảnh đến nỗi nửa đêm khua cả nhà dậy vì sợ hãi. Ngoài việc đi học ở trường và vui chơi, do viết chữ đẹp, cô Hạnh ngồi chép 2 kịch bản Lôi VũNhật xuất của Tào Ngu do ông Đặng Thai Mai nằm trên ghế mây dịch. Ông Mai cũng dạy các con chữ Hán nhưng cô Hạnh không tài nào học nổi thứ chữ này.

 

   Bỗng Sầm Sơn đông đúc trở lại. Rồi Sầm Sơn đói thê thảm trong năm Ất Dậu 1945. Sầm Sơn có ánh sáng và bóng tối. Biết bao biến cố trong 2 thiên hồi ký.  Vậy mà trí nhớ chỉ neo giữ một Sầm Sơn tráng lệ và một câu chuyện mà hai chị em kể dài, ngắn khác nhau. Đó là chuyện về Tú Lan học đệ lục, nhà giàu nhưng giản dị, có đôi mắt lấp lánh, chơi dương cầm rất hay, gần đến ngày hợp hôn thì vị hôn phu đã bỏ cô để theo…mẹ của cô. Tú Lan bèn đi…tu.  Anh Đào thì kể thêm, chi tiết hơn: Tú Lan có em là Chi Lan da đen giòn, má lúm đồng tiền, rất sexy, nhí nhành, mặc áo tắm không khoác peignoir (áo choàng), thường chơi với bạn Tây, cuộc đời là một cuộc hội hè. Chi Lan có một đứa con gái, đó chính là Thanh Lan, ca sĩ tài danh một thời có nốt ruồi duyên đến “chết người” của miền Nam trước 1975. Và biết bao số phận không kể kể hết.

 

   Cách mạng đến. Cả nhà lại về Hà Nội, ở trong một biệt thự ở ngoại ô nhưng có cái tên khá hay của một bác sĩ Tây: Liễu Trang. Hạnh thì nhớ con đường ray nhỏ chạy ngang đường nhựa có một cái cọc sắt, nó neo vào ký ức của cô, sau này cô đi tìm kiếm nó nhiều lần vô vọng trong ký ức. Đào nhỏ hơn chị mấy tuổi nhưng lại rất nhớ trên đường vào nội ô có khi gặp bọn Tàu phù (lính Tưởng Giới Thạch lở loét và phù thủng) ở Ngã Tư Sở, bọn này mò vào khu nhà thổ ở Khâm Thiện, nơi Văn Cao viết bài thơ buồn rợn Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc. Với Hạnh, đó là một ngôi nhà có khung cảnh rất tiểu thuyết. Nhiều yếu nhân đã đến ngôi nhà này, trong đó có cả Chủ tịch nước.

 

   Những ngày đầu về Hà Nội với biết bao nhiêu việc, hoạt động không thể nói hết. Tình cờ Hạnh gặp Văn Cao “nhỏ bé”, “không có mẽ” khiến cô không tài nghĩ được con người đó lại viết ra những bài hát mê hoặc bao nhiêu con người. Hạnh còn gặp Văn Cao mấy lần nữa, trong đó có lần gặp hồi thập niên 1980 cùng với Phạm Văn Đôn – người đầu tiên đóng vai Chu Bình (Lôi Vũ) trong lịch sử kịch nói Việt Nam, phu nhân Nghiêm Thúy Băng tâm sự về bao nhiêu khó khăn trên đường đời, đột nhiên tác giả Tiến quân ca đang trầm ngâm uống rượu quay sang vợ nói: “Thôi, không phải điều gì cũng nói được đâu nhé”.

 

   Trở lại những ngày tháng ấy. Hạnh và Đào tham gia vào nhiều hoạt động, nhất là Hạnh. Bao nhiêu cuộc mít-ting. Sau một cuộc cắm trại ở Hải Dương với Đội thiếu nữ tiền phong, Hạnh trở về nhà mới hay chị Bích Hà vừa làm đám cưới với anh văn - Võ Nguyên Giáp, hôn lễ tổ chức ngay trong phòng khách với sự chứng kiến của chỉ mấy người do ông thị trưởng Hà Nội Trần Duy Hưng làm chủ hôn.

 

   Đặng Anh Đào thì kể khác một chút: Khi ông Mai chấp nhận làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì nhà cô chuyển từ Liễu Trang đến 32 Lý Thường Kiệt, nơi sẽ trở thành một trong những salon của giới văn nghệ Việt Nam thời tiền chiến.

 

   Thế rồi thiếu nữ

 

   Với Hạnh, đó là tấm ảnh trong một cuốn sách do cha đưa, thấp thoáng gương mặt một thiếu nữ đẹp lạ lùng sau mấy bông hoa lila. Bên dưới tấm ảnh, người ta chú: Un jour, le printemps éclata comme un rire de jeune fille (một hôm, mùa xuân vụt đến, giòn tan như một tiếng cười thiếu nữ). Theo lời tác giả, biết bao biến động dữ dội, rồi cách mạng đến và cuộc kháng chiến, thời thơ ấu và tuổi thanh niên bị cắt đôi “thành hai mảnh không sao chắp lại được”.

 

   Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, nhà giáo Đặng Thai Mai đưa gia đình về làng Yên Lộ, Thanh Hóa. Ông trở thành Chủ tịch tỉnh này. Một thời gian sau, ông Mai “rủ rê” ông Cao Xuân Huy cộng tác thành lập Trường Cao đẳng Văn khoa (một số tài liệu gọi là Trường Đại học Văn khoa Liên khu 4), được tổ chức theo kiểu lớp Socrates thời cổ đại.

 

   Một hôm, có một người con gái nước da ngăm, tóc búp dài xõa trên vai (boucles anglaises), mắt sáng, mày cong, răng khểnh, đeo đàn guitar đến gặp thầy Mai để xin học. Người con gái ấy từ Huế vượt qua vùng Pháp chiếm đóng để đến vùng kháng chiến xứ Thanh. Đó là Hoài Trinh, người sau này là nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, con gái của ông Võ Chuẩn, Tổng đốc Nghệ An (Wiki thì cho rằng ông Võ Chuẩn là Tổng đốc Quảng Nam). Ở đó, Hoài Trinh học vào loại xuất sắc, hát hay, tính tình cởi mở, ai cũng yêu mến. Với tài năng và tính cách ấy, người nữ sinh duyên dáng lạ thường này trở thành “cơn bão” làm gục ngã biết bao bậc trượng phu.

 

   Năm 2014, khi Patrick Modiano đoạt giải Nobel văn chương, có người nói rồi đây ký sẽ là thể loại chủ lưu của văn học đương đại. Trong cuốn hồi ký của Đặng Thị Hạnh được viết trước đó 5 năm, tôi đọc được một câu như là tiên tri, như một sự trả lời cho nhận định trên đây: Khi tất cả đã thay đổi, thậm chí mất đi, nơi duy nhất còn có thể thám hiểm được chính là ký ức.

 

   Hồi ký của hai nữ giáo sư họ Đặng bỏ bùa người đọc không chỉ vì sự kiện thú vị hay chất thơ mà còn vì kiểu bút pháp tôi tạm gọi là “mê cung”: Ở một thời điểm, tại một sự kiện, điểm nhìn của người kể mở ra những sự kiện khác trong kính vạn hoa của hoài niệm, làm cho trước – sau, xưa – nay dính vào nhau lúc mờ nhòe, lúc trong veo, tách bạch; tưởng kết thúc mà không chấm hết, tưởng còn đó nhưng lại không có gì nữa.