Khao khát gọi một tiếng Ba

19/06/2023 00:00
1715

MINH TRÍ
(Nhân đọc bài thơ “Tìm cánh diều chiều cuối năm” của nhà thơ Đoàn Vũ, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận số 231, Xuân Quý Mão)


   1. Lòng kính yêu những bậc sinh thành luôn đong đầy trong lòng những người con hiếu thảo. Điều ấy đã đi từ đời thường vào những sáng tác văn chương. Song, có một thực tế là, ở những tác phẩm văn chương, các tác giả phần lớn viết về những tình cảm đằm sâu của mình đối với mẹ. Tuy thế, vẫn có những nhà văn, nhà thơ viết về cả song thân của mình theo những cung bậc cảm xúc khác nhau. Đoàn Vũ là một trong những nhà thơ như thế.

   Tiếp sau thi phẩm “Mẹ ơi!”, gần đây, nhà thơ Đoàn Vũ đã gởi đến bạn đọc, những người yêu thơ, bài : Tìm cánh diềuchiều cuối năm”. Bài thơ bộc lộ tình thương tha thiết của anh dành cho cha của mình. Cha của anh là một liệt sĩ, đã hy sinh vào những tháng ngày anh mới chào đời. Cả đời mình, anh nhớ ba quay quắt, quặn lòng.

   Đối với hầu hết mọi người con, “Ba” là tiếng gọi tràn đầy tình thương yêu, thường được những người con gọi cha mình, lúc có việc cần, lúc bộc lộ những điều này, chuyện khác. Song, đối với nhà thơ Đoàn Vũ, lại khác. Anh thèm gọi tiếng Ba, anh khao khát được gọi tiếng Ba một lần trong đời. Nhưng nào có được đâu! Người cha thân yêu của anh đã  “bặt tăm”. Bởi cha anh đã đi vào cõi vĩnh hằng ngày anh chưa cất được tiếng “Ba” thương yêu ấy.

   Trong cuộc sống thường nhật, tiếng “Ba” thân thương, mọi người thường  được nghe từ hai phía. Những người con gọi ba của mình, và cả lúc người cha xưng với con của mình. Tiếng “Ba” ấy, ẩn nhiều cảm xúc lắm. Những người đàn ông có con, nghe tiếng con gọi “Ba” lúc con còn thơ, hay khi đã khôn lớn, bao giờ lại chẳng thấy lòng mình ấm áp, đầy yêu thương!    Với nhà thơ Đoàn Vũ, vắng Ba cả đời, để anh khao khát gọi tiếng “Ba” đầy yêu dấu ấy!

   Giữa rất nhiều chi tiết để bộc lộ tình thương của người cha đối với con, Đoàn Vũ chỉ chọn hai: Nụ hôn thơm mùi thuốc lá của cha để lại trên má của con mình và cánh diều mà nhiều người cha đã làm cho con chơi những ngày con còn thơ ấu! Hai chi tiết ấy rất đắt, để nói về người đàn ông! Bởi ở phần nhiều gia đình, chỉ có những người đàn ông mới làm giúp đứa con còn nhỏ dại của mình những cánh diều, để rồi cha cùng con thả trên đồng trống, để hai cha con có những niềm vui giản dị, hồn nhiên cùng nhau.

   Tiếp theo mạch cảm xúc, suy tưởng về cánh diều, nhà thơ lại nghĩ về người cha của mình, hình ảnh của người cha thân yêu, hóa thân vào cánh diều bay đi mãi, đi mãi, vào cõi mênh mông vô định! “ Ba là cánh diều bay đi”, để mẹ con anh “Mẹ và con sợi dây rớt lại/( đói no Ngoại…đùm bọc qua ngày)”. Thèm khát một cánh diều do cha tận tay làm cho mình. Cũng chính là đi tìm hình bóng người cha thân yêu đã xa tít mù khơi. Nỗi khát khao đó, như lòng tha thiết tìm tình thương của cha! Anh chỉ có thể tìm tiếng Ba ấy ở buổi chiều cuối năm, khi viếng mộ Ba mình!

   2. Tôi đã rơi nhiều nước mắt trên những dòng thơ này của Đoàn Vũ! Dù bài thơ của anh chỉ nằm gọn ở một trang in! Tôi thật sự xúc động trước tình cảm ấy của tác giả với người Ba thương yêu của mình.  

   PGS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Long đã viết trong “Văn học Việt Nam hiện đại – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy”: “Đọc bài thơ là lắng nghe những rung động, xúc cảm trong lòng mình được gợi ra từ chính những cảm xúc, tư tưởng của nhà thơ gởi gắm trong thi phẩm”.   Bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, một người con rất nổi tiếng của Bình Thuận, cũng đã viết trong bài: “Đọc “Lời ca cỏ con” của Từ Thế Mộng”: “Thường khi đọc thơ, tôi chỉ đơn giản coi bài thơ gây xúc động như thế nào với lòng mình, nó có làm xao xuyến, có làm rưng rưng và sau đó nó còn đọng lại những nỗi niềm ray rứt mà khi không còn nhớ một câu chữ nào của bài thơ, vẫn còn nghe cái vị ngọt ngào hay mặn chát mà bài thơ để lại, một thứ gì đó dằng dặc khôn nguôi”.

   Tôi rất tán thành ý kiến của người Thầy trong nghiên cứu văn chương và vị bác sĩ đáng kính của quê hương mình nói về việc đọc thơ; nhất là khi tôi đọc Tìm cánh diều chiều cuối năm của nhà thơ Đoàn Vũ.

   3. Nhà thơ đã tiếp tục tạo nên hiệu quả thẩm mỹ của thi phẩm khi một lần nữa anh sử dụng biện pháp điệp ngữ tu từ. Với sự lặp lại những từ “Khát, thèm, thèm khát”, nhà thơ đã bộc lộ những cung bậc cảm xúc cháy bỏng của lòng mình. Anh muốn đến mức thiết tha, thôi thúc, bởi anh đang rất thiếu thốn tình cảm của cha. Nhà thơ đã lặp lại ba lần hai tiếng “Ba ơi!”, có phải chăng, anh đang khao khát có một sự sẻ chia, tâm sự với ba mình? Điều mà cả đời, anh chưa làm được! Hay, có chăng, chỉ là lời tâm sự với vong linh người cha đã khuất vào ngày viếng mộ Ba cuối năm! Nhà thơ cũng sử dụng lối đảo cấu trúc câu ở khổ 2 và khổ 4 của bài. Điều ấy giúp cho những lời thơ đẹp hơn.

   Với Tìm cánh diều chiều cuối năm”, Đoàn Vũ đã tiếp tục sáng tác theo thể thơ tự do, như những bài anh đã viết trước đây về mẹ, về người yêu cũ…  Dù viết ở thể tự do, anh đã rất có chủ ý: vần của bài thơ rất chặt. Vần chân giữa các dòng trong từng khổ thơ; và cả giữa các khổ thơ liền kề trong bài. Bài thơ dễ đi vào  trí nhớ người đọc, người yêu thơ, chính một phần nhờ cả hai lối liên kết, cả về nội dung được dẫn dắt bởi những ý tưởng liền nhau, lẫn sự liên kết của các vần.

   Ngôn từ bài thơ không nhiều, song lại là một sự chọn lọc rất kỹ lưỡng của nhà thơ. Điều ấy, hình như đã trở thành một trong những nét riêng trong thơ của Đoàn Vũ: chắt lọc, tinh tế, gợi nhiều cảm xúc.

   4. Như một quy luật của tình cảm, có những bài thơ được tác giả viết với những tình cảm chân thành, những câu chữ cứ làm xốn xang lòng người đọc. Đọc những dòng thơ Đoàn Vũ viết về mẹ, về con của mình, về người yêu cũ, tôi, một bạn đọc, đã từng rơi nước mắt cùng anh. Nay, thêm một lần như thế, khi tôi đọc bài thơ Tìm cánh diều chiều cuối năm”.

   Thế mới thấy rằng, văn chương nào chỉ là những con chữ khô cứng mà khi đi từ những cảm xúc chân thành, câu chữ mà nhà thơ dệt nên dễ chạm vào trái tim người đọc, làm lay động lòng người, gợi những nỗi niềm cảm thương khó dứt!