HIỀN DƯƠNG
1.Cậu hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi Hòn Tranh nhận mình là người địa phương rặt: “Nhà em ba đời ở đảo Phú Quý”.
Vậy mà trong âm sắc ấy tôi lại nghe ngờ ngợ như có tiếng Quảng Nam. Cậu bạn biểu nếu lấy giọng nói làm căn cứ xuất xứ thì ở Phú Quý có bao nhiêu làng là bấy nhiêu kiểu giọng và cũng không phải là giọng chung của người Bình Thuận.
Trong quá khứ, Phú Quý từng tiếp nhận nhiều luồng di cư. Đó có thể là những cư dân các tỉnh duyên hải miền Trung đầu tiên đi mở cõi phương Nam, người vì hoàn cảnh phải phiêu dạt mưu sinh, kẻ chạy nạn hoặc ngư dân đi theo nguồn cá về đây tụ hội.
Vần vũ biến thiên, có hồi đảo nhỏ tưởng đã diệt vong như trong trận dịch hạch năm 1925; nhưng bằng sự đồng lòng, bệnh dịch được đẩy lùi, người ở đảo biết nương vào biển tựa vào nhau làm ăn sinh sống.
Bãi tắm sạch đẹp ở Hòn Tranh (Phú Quý)
Chẳng những đa vùng miền, Phú Quý còn đa sắc tộc. Kể về gốc gác, cậu hướng dẫn viên trẻ kể xa xôi về thời các bậc tiền hiền đến phá thạch khai sơn. Là công chúa Bàn Tranh con gái út vua Chăm vì đem lòng yêu chàng trai không cùng tín ngưỡng phải chịu án lưu đày ra đây. Là thầy địa lý Sài Nại người Tàu vốn giỏi nghề thuốc đi theo những chuyến tàu viễn dương vì gặp nạn trên biển mà vô tình dạt đến và ở lại hòn đảo mà ông xem là có thế của một con rồng trên biển.
Huyền tích được minh chứng bằng Dinh Thầy và Đền thờ công chúa bao đời được thờ phụng khói hương. Vừa là những cột mốc chủ quyền giữa biển khơi, vừa là nơi bảo hộ tinh thần cho dân đảo.
2. Đã viếng Dinh và Đền, chúng tôi cũng băng rừng tìm đến nơi là điểm tựa tinh thần cho ngư dân – ngọn hải đăng. Nằm chót vót trên đỉnh núi Cấm tưởng là chốn bình yên thì người trạm trưởng biểu cũng có đợt bão to, gió giật cấp 14 xé bung cửa khiến kính và đèn văng ra ngoài toàn bộ.
Rồi chú cười hiền, chuyện hi hữu thôi. Công việc ở đây bảo là nhàn thì cũng nhàn lắm. Hằng ngày chỉ cần bảo dưỡng, lau chùi đèn. Khó là khó cho anh em Hòn Hải.
Ngoài ấy tổ gác đèn 5 người sinh hoạt trên diện tích tính cả đường hầm là 30m2. Bốn bề sóng vỗ không ít lần kéo theo người, có lúc đánh tận nóc nhà phải vào hầm mà trú. Mùa gió chỉ có thể ăn đồ hộp, luôn thiếu nước ngọt và rau xanh. Muốn có ánh sáng phải chạy máy phát.
Nghe chú kể tôi tưởng tượng Hòn Hải như một giàn DK1 của miền Đông. Hẳn ít người biết hòn đảo hình dốc đá dựng đứng này là nơi đặt cột mốc A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam; hải đăng Hòn Hải cũng là một trong những hải đăng xa bờ nhất thường hứng chịu nhiều phong ba bão dữ.
Ngại nói về mình nhưng người trưởng trạm mới chính là cánh chim đầu đàn khi làm nghề gác đèn nơi đảo tiền tiêu Phú Quý đã hơn 25 năm. Gọi công việc mình nhẹ nhàng nhưng trách nhiệm thật nặng nề bởi người trực hải đăng trong đêm đen không bao giờ ngừng quan sát và không được phép để xảy ra sự cố. Chú biểu đối với ngư dân, hải đăng giống như đôi mắt của người thân đang dõi theo. Bởi vậy mà nơi đỉnh đèn thừa gió thừa cả sự cô đơn, có những con người vẫn trong âm thầm thắp sáng niềm tin cho người đi biển.
3. Đứng ở hải đăng, chúng tôi có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh hòn đảo xinh đẹp từ nhà cửa, công trình đường sá đến rừng biển núi non. Có thể nhìn xa xa cánh đồng phong điện rộng bao la, nơi đã làm thay da đổi thịt hòn đảo hoang sơ, thanh bình, thơ mộng. Cùng với những con tàu trung tốc và cao tốc, điện đã góp phần biến Phú Quý từ rẻo đất giữa trùng khơi nghèo nàn, khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề cất cánh trở thành kỳ tích biển Đông, được ghi nhận là địa điểm phát triển du lịch quan trọng của tỉnh Bình Thuận.
Những người chài lưới chân chất trở thành hướng dẫn viên. Mấy ngày được tắm mình trong huyền tích, trong cái nắng gió cùng làn nước biển trong xanh mát rượi của đảo với chúng tôi là những ngày thật bình yên êm dịu. Tôi tin ai đã một lần đặt chân đến Phú Quý sẽ không thể nào thôi thổn thức trước cảnh sắc tươi đẹp mà tự nhiên đã tạo tác kỳ công riêng tặng cho vùng đất này.
Là những hòn nhỏ sóng yên biển lặng quanh năm. Bãi cát nào cũng phẳng mịn. Nước biển xanh có thể soi rõ từng rạn san hô. Rừng với biển chạy dài để đứng ở đâu cũng thấy màu xanh bao la bát ngát. Những trầm tích được cho là núi lửa phun trào tạo thành những khối đá đen vách dốc đứng với những hình dáng kỳ vĩ ít có được ở nơi nào.
4. Nhưng với tôi, điều tuyệt vời nhất ở Phú Quý không phải thiên nhiên mà là con người. Những con người chân chất, hồn nhiên luôn sẵn lòng ra tay tương trợ. Như buổi chiều nào đó chiếc xe thuê của chúng tôi “mắc cát”, một anh thanh niên từ trong nhà vội vàng phi ra giúp đẩy xe lên và không quên mời mọc “bữa sau ghé nhà anh chơi”. Như cái bữa chúng tôi ghé chợ Xóm Rẫy để mua một ít đồ dùng, người bán hàng nhất quyết phải trả lại cho được đồng tiền thối dù nhỏ nhoi vì không muốn người đất liền chê dân đảo bán mắc.
Anh chủ homestay trước đi học trong thành quyết chí về quê lập nghiệp, hay có câu cửa miệng: “Ăn thua mình biết ăn ở với nhau”. Vậy nên mặc dù là ngày lễ đông khách vẫn không thấy anh tăng giá một xu. Khắp nơi hàng quán đều “bình tĩnh bán” như cái dáng vẻ thường ngày không ồn ào, chụp giựt.
Đến đây thì tôi chợt hiểu vì sao Phú Quý dễ gây cho người ta sự nhớ thương. Đâu phải những hào nhoáng hay cảnh sắc trời ban mà chính những con người vô danh đã làm rạng danh vùng đất.
Họ chỉ là những người kể chuyện, chú gác đèn, bác ngư dân. Những người như hoa của đất. Không ngại đất khó, không chê đất nghèo, thầm lặng dốc sức làm giàu cho biển đảo quê hương.