HÀ THANH TÚ - HỒ XUÂN HẢI
Sông Bà Bích rộng lớn, nơi tác giả đứng đã cạn trơ đáy trong mùa khô. Ảnh XH
Trò chuyện với người già
“Nắng cháy hết không có gì đâu! Rau không! Cá không! Ốc cũng không, vớ!”- Những tiếng “không”, ngắc ngứ, mệt mỏi trong miệng ông Nguyễn Văn Hiểu. Ông là người Rắc Lây, lấy họ người Kinh, ngụ tại thôn 1, xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam). 75 tuổi đời, 33 tuổi Đảng, ông như quả khổ qua già nắng, choắt lại nếu không nói đầy nếp nhăn. Ông, một cội già trải bao mùa mưa nắng giữa đại ngàn, cách trở đi lại – Mỹ Thạnh. Vài phút trước đó, ông kể với chúng tôi về Bà Bích, con sông quê hương, hình thành từ những con suối lớn mé núi cao phía Tây, chảy về. Tuổi thơ ông, sông bốn mùa xanh, chảy giữa um tùm lau lách, giữa bóng lá tầng cây dày chen nhau; thỉnh thoảng dội lên tiếng “um” nho nhỏ của cá nhảy đâu đó, ở khúc nào đó chỗ nước sâu, giữa bầu không khí tịch mịch, thâm sơ, hoặc giữa tiếng kêu khắc khoải của chim từ quy khi về chiều. Dân làng ông ra sông tắm gội vào buổi chiều rồi hái những mụt măng trong lùm tre, bắt những con cá trong các bờ đá, hốc cạn, gùi những ống nước về làng, với niềm tin gần như tuyệt đối: mọi thứ của Giàng chẳng bao giờ mất đi… Giờ đây, khi có sự biến đổi khí hậu như người Kinh ưa nói, rừng đầu nguồn mất đi ít nhiều, sông cạn nước về mùa khô. Những thứ hoa trái, rau các loại… lúc nào cũng sẵn ven bờ sông, nay không còn. Gần đây, mỗi lần ra sông về, đôi mắt vốn không còn tinh anh của ông Hiểu càng nhuốm nỗi buồn hiu hắt. Ông lo nỗi lo trời làm nắng nóng kéo dài, không còn gì để thu hái, ngay cả nước sinh hoạt, và dân làng ông khó mà chịu đựng nổi. Cái thiếu, cái bịnh theo đó phát sinh. Ông, một đảng viên của Đảng phải nghĩ tới để bàn với chi bộ cách vượt qua. Bởi vậy, khi tôi và Hải, phóng viên Tạp chí văn nghệ Bình Thuận hỏi về tình trạng khô hạn của xã, ông Hiểu không ngần ngại nói những suy nghĩ của mình về thực tế khắc nghiệt đang diễn ra ở Mỹ Thạnh vào đầu mùa khô này. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện trước hiên nhà ông Hiểu, đối diện Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thạnh, nơi mà nửa tiếng trước đó, hai chúng tôi đã xin gặp người có trách nhiệm để hỏi thêm về dự án hồ Ka Pét. Tôi kể với ông Hiểu vừa gặp Lê Hà Lưu, cán bộ chủ chốt của xã. Lưu là một trong những “trí thức” của xã vì từng được đào tạo làm giáo viên tiểu học, nay là bí thư thôn 3, một trong ba thôn của Mỹ Thạnh. “Lê Hà Lưu nói xã đang khó khăn vì thiếu nước sản xuất. Toàn xã có 263 hộ dân, gần 1000 dân (số tròn). Nhưng đất trồng cây hàng năm và lâu năm chỉ 450 ha, trong khi đất tự nhiên hơn 20.600 ha, đa phần rừng các loại và đất rừng. Sản xuất phụ thuộc nước trời. Chỉ làm được một vụ bắp, mì, năng suất vừa phải sau khi nhờ Trung tâm Dịch vụ miền núi của tỉnh ứng giống và vật tư. Trên 70% số hộ đồng bào mình thuộc diện nghèo và cận nghèo”. Ông Hiểu gật gù: “Lưu nó như cái cây tre thẳng đó. Có sao nói vậy. Bà con chỉ mong có nhiều nước để làm lúa, làm bắp thôi. Bởi vậy, tuần trước cán bộ tỉnh lên đây, hỏi về cái sông Bà Bích, về cái rừng trong kia, mình dẫn nó đi coi rừng. Nó theo mình vô cái chỗ xây cái hồ vớ. Cán bộ nó hỏi mình nhiều lắm. Chắc hôm nay, nó về tỉnh rồi!”. Nói rồi, ông nở nụ cười móm mém, mặt giãn ra như thể tự hào đã làm được một chuyện trọng đại.
Hai người dân đều nói đến nước trong nỗi buồn khắc khoải lo toan. Họ mong có điều gì đó thay đổi để cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn, an nhàn hơn, không phải cho mình mà cho cộng đồng mình, dân mình. Ôi hai người dân Mỹ Thạnh đáng yêu! Ở xa cách phố phường, văn minh vật chất phần nào còn hạn chế, nhưng hai anh có hai trái tim ấm áp tình người. Vì thế, không lý do gì tôi và Hải ngại ngần nắng gió, với những khó khăn bé bỏng để tìm đến bằng được điểm hợp lưu hai nhánh suối tạo thành sông Bà Bích mà trong tài liệu khẳng định: nơi xây con đập dài 179 mét, cao 28 mét chận ngang dòng sông, tích nước cho hồ Ka Pét tương lai. Hãy thử tưởng tượng đi, vài năm sau này khi hồ hình thành, nhìn đâu cũng một màu xanh, dài lên thượng nguồn, chúng ta mãn nhãn biết bao, nhưng khi đó, nếu không được chứng kiến từ đầu, những ngày tháng đầu tiên trong quá trình hình thành hồ, khó ai cảm nhận được một cách tường tận công sức, bao khó nhọc đội ngũ kĩ sư, hàng trăm công nhân lành nghề trải qua khi xây hồ. Sông ơi! Bà Bích ơi, chúng tôi hai người viết văn lặng lẽ, chẳng có ai mời chào cho một chuyến đi gồm nhiều người, xe đưa đón tận nơi, cho mục đích tìm hiểu, tuyên truyền Ka Pét, đã vượt bao cây số giữa trời nắng nóng, đến với sông đây! Chúng tôi dặn lòng: gian khổ thế nào cũng đến tận nơi để thuật lại với bạn đọc một cách tường tận về những trang sử làm nên màu xanh thủy lợi của Bình Thuận sau này.
Theo hướng dẫn của mấy anh trong Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam đầu xã, chúng tôi theo con đường nhỏ xuyên qua khu rừng hỗn giao phía Tây Bắc. Mùa khô nhuộm vàng pha xám cả khu rừng khộp, tưởng bốc cháy mọi lúc có thể. Có khá nhiều lối mòn trong rừng, dễ làm người ta lạc. Các anh trạm Đèo Nam khuyến cáo cẩn thận: lạc rừng mùa khô, nhất là rừng khộp, rừng tre nứa, nơi suối cạn trơ đá gan gà, dễ tử vong vì khát. May sao, chúng tôi cũng đến được điểm hợp lưu của hai suối, rồi từ đó đi đến nơi sẽ xây đập. Tại đây, núi kẹp sông vào giữa. Đáy sông như tấm vải vắt đến giọt nước cuối cùng, trắng lốp bệt bạt, dù mùa xuân chỉ vừa qua đi không lâu. Sông ơi, nói với tôi đi: Có mùa khô nào dễ chịu hay như thế này bao nhiêu năm qua và đồng bào chúng ta cứ trần lưng chịu đựng? Trong lúc chờ nghe tiếng sông nói, tiếng đất, tôi nhớ trên con sông đang đứng đây, có một nơi gọi là ngầm Bà Bích. Hai mươi năm trước khi là phóng viên đi viết về cách thức giao đất theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận, tôi qua ngầm, bị nước đẩy người và xe đi. Hôm đó, sông réo dữ dằn, sôi sục, bởi mưa ở thượng nguồn, trên mấy nhánh núi khu bảo tồn Núi Ông. Sông ngày ấy và bây giờ khác biệt đến kinh ngạc.
Buổi trưa trên sông Bà Bích chúng tôi thinh lặng hồi lâu giữa đáy sông nghe những lời rì rầm của đất, của cây rừng khô cong, trong khi mồ hôi tưới đầm vạt áo, rồi bảo với nhau rằng: khó mà mường tượng được là một dòng sông giữa rừng núi mà cạn đến trơ đáy. Ai có đến đây, có chia sẻ với nỗi khát nước của dân, của người trồng trọt mới hiểu hết sự cần thiết của một cái hồ.
Nắng vàng và khắc nghiệt
Trước khi nói chuyện xây hồ Ka Pét, nhiều người với trách nhiệm và cả sự hiểu biết đã đề cập đến đặc điểm Bình Thuận - xứ sở mặc định có nhiều ngày biển trời trong veo và nắng hanh vàng. Xứ sở có vùng đồng bằng ven biển hẹp, sát núi. Nơi lượng mưa phân hóa mạnh theo không gian, thời gian trong năm, do đặc điểm địa hình nghiêng về phía biển, do dãy Trường Sơn Nam che chắn, vươn dài. Tổng lượng mưa, giữa vùng mưa nhiều nhất với vùng mưa ít nhất chênh lệch nhau 1.834 mm. Khu vực phía Tây Bắc, lượng mưa từ 2.000 - 2.564 mm; phía Nam tỉnh từ 1.400 - 1.600 mm; đồng bằng Đông Bắc và trung tâm tỉnh, lượng mưa năm đạt 730 - 1.110 mm. Dòng chảy lớn nhất tập trung ở khu vực Tây - Nam và giảm dần ra phía Đông và phía Bắc [1]. Các sông, suối đa số có lưu vực hẹp, độ dốc lòng sông lớn, dòng chảy phụ thuộc vào lượng mưa. Lượng mưa mùa khô chỉ chiếm từ 10 - 20%, trong khi mùa nắng kéo dài 6 tháng. Đa phần Bình Thuận là đất cát, đồi cát, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng, nhiều gió nên khô hạn nhất cả nước.
Ruộng lúa ở Mỹ Thạnh vào mùa khô phải để không do không có nước sản xuất. Ảnh: XH
Bình Thuận có tổng lượng bốc hơi ước tính từ 1.000 - 1.111 mm/ năm, phân bố không đều theo các tháng. Tháng có tổng lượng bốc hơi cao nhất là tháng 3, từ 130 - 145 mm [2]. Tại một số khu vực, nhiệt độ cao và gió thổi mạnh, lượng bốc hơi tới 1.200 - 1.400 mm/năm, gần như gấp đôi lượng mưa. Chính vì thế nói tới Bình Thuận là nói tới xứ sở cây bông một thời. “Trên trời mây trắng như bông, ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây. Những cô má đỏ hây hây, đội bông như thể đội mây về làng”. Cuộc sống của NGƯỜI Bình Thuận một thời thi vị như thế. Nhưng cây bông vốn ẩm ương, nên từ những năm cuối thế kỷ XX, Bình Thuận trong rất nhiều việc phải lo, đã tập trung đầu tư thủy lợi cho vùng đất ít mưa nhiều nắng này. Sau một số năm, Bình Thuận có thêm một số hồ, đập dâng (Ba Bàu, Tân Lập, Sông Quao, Núi Đất, Sông Lòng Sông…), và hàng triệu mét kênh mương nội đồng. Bình Thuận chuyển đổi cây trồng, tìm các giống cây mang hiệu quả cao, thích hợp với đồng đất. Bây giờ mấy ai còn nhớ, thanh long, giống cây leo họ xương rồng, xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) tiên phong trồng, trở thành cây đại trà trong toàn tỉnh? Bình Thuận nay là “thủ phủ” thanh long miền Nam với 27.649 ha, chiếm 80% diện tích canh tác. 30 ngàn hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất thanh long, tạo 80 ngàn việc làm cho lao động địa phương.
Vườn Thanh Long cháy khô do thiếu nước ở xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam). Ảnh:XH
Thanh long, cây trồng chủ lực, với những khu vườn chong đèn sáng rực về đêm, cùng sự phát triển ngành du lịch, Bình Thuận làm cả nước biết tới mình rộng rãi. Người ta đồ rằng con gái Bình Thuận ngày càng xinh đẹp, nhờ dưỡng nhan từ hoa và trái thanh long! Mặc dù vậy xét trên toàn cục, Bình Thuận chưa thoát khỏi tình trạng thiếu nước trong nhiều năm. Từ tháng ba trở đi, Bình Thuận như thiếu nữ có gương mặt nhàu nát dù trước đó là tố nữ vạn người mê! Tại Hàm Thuận Nam, trung tâm thanh long của toàn tỉnh, anh cán bộ phòng Nông nghiệp lắc đầu, kể khổ: Như vài huyện phía Nam, chúng tôi đang thiếu nước. Không có công trình thủy lợi lớn để tích đủ nước cho mùa khô. Mùa khô dài, nhưng lượng mưa thấp. Hạn hán gần như “chuyện thường ngày ở huyện”. Từ 2015 đến nay, năm nào cũng thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt. Đông xuân 2015 - 2016, gần 5.000 ha thiếu nước; hè thu 2018 có 768 ha bị giảm năng suất vì nắng hạn. Mỹ Thạnh và Hàm Cần, hai xã vùng cao, có 1.250 hộ, trên 4.500 khẩu thường thiếu nước sinh hoạt. Đâu xa, từ tháng 4 năm 2024 này, khi hiện tượng El Nino xảy ra, Bình Thuận có gần 76.000 người thiếu nước sinh hoạt, Hàm Thuận Nam chiếm hơn một nửa. Lúc này đây, các khu rừng ở trong huyện nguy cơ cháy rừng cấp IV và cấp V. Điều này sẽ được lặp lại mỗi khi có El Nino.
_________
1 Theo PGS, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca giảng viên cao cấp khoa Môi trường – Dự án hồ chứa nước Ka Pét – góc nhìn riêng tôi! (Tạp chí Tài nguyên và Môi trường 10/9/2023).
2 Cũng tác giả nói trên.