NGUYÊN VŨ
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lan Ngọc (trái) trao đổi cùng doanh nghiệp du lịch.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận phối hợp với UBND huyện Đức Linh tổ chức chương trình tham quan, khảo sát và xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch cho huyện Đức Linh. Tham gia Đoàn khảo sát có Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lan Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh Nguyễn Thị Cho, một số chuyên gia xây dựng sản phẩm du lịch và marketing du lịch của các trường Đại học, Cao đẳng TP.Hồ Chí Minh.
Tại huyện Đức Linh, Đoàn đã được hướng dẫn tham quan, khảo sát thực tế tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, các địa điểm tham quan nổi tiếng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như: Khu vực núi Tàu, Khu du lịch Khang Thúy (xã Đông Hà); hồ Trà Tân (xã Tân Hà); suối Nách (xã Đức Tín); Trại Ốc, Vườn cau Phổ Bình (Thị trấn Võ Xu); Bàu Sen, Khu du lịch Đồng Xanh (xã Sùng Nhơn), Khu Du lịch sinh thái Sơn Thủy (xã Mê Pu)…
Đức Linh là huyện miền núi, nằm về phía Tây tỉnh Bình Thuận, cách trung tâm Thành phố Phan Thiết 120km, cách TP.Hồ Chí Minh 140km, liền kề một số địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai, diện tích 280km2, dân số 140.000 người với đa phần là dân tộc Kinh, K’Ho và Châu Ro. Đặc biệt, có sông La Ngà chảy qua hầu hết 12 xã, thị trấn của huyện với chiều dài 73km… là những ưu thế và tiềm năng cho phát triển du lịch, nhất là phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch riêng để thu hút khách du lịch.
Bên cạnh chương trình tham quan khảo sát thực tế, huyện Đức Linh còn tổ chức buổi họp đánh giá thực trạng tiềm năng, cơ sở hạ tầng và định hướng phát triển sản phẩm du lịch huyện Đức Linh. Theo chuyên gia Phan Yến Ly, Giám đốc sản phẩm Công ty Sự kiện và truyền thông Say Cheese, với lợi thế nhiều tiềm năng về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, địa hình, thời tiết, khí hậu, cộng đồng cư dân đa văn hóa, sản phẩm nông nghiệp phong phú… huyện Đức Linh có nhiều cơ hội để phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng nói riêng và phát triển ngành du lịch nói chung. Đầu tư vào du lịch Đức Linh không chỉ là vấn đề kinh tế, mà đó còn là niềm tự hào về quê hương Đức Linh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong khu đó, Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, thì gợi mở cho Đức Linh: “Dựa trên lợi thế về tiềm năng của mình, huyện nên khai thác tốt tài nguyên cả tự nhiên và văn hóa - xã hội để xây dựng sản phẩm phù hợp với địa phương, tạo nét hấp dẫn riêng có mời gọi và thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp, du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Ngoài ra, huyện cũng cần hoàn thiện về các chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch, marketing du lịch, quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực về nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử, kỹ năng quản trị, kỹ năng phát triển sản phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển bền vững”.
Dưới góc nhìn riêng, Tiến sĩ Phan Bảo Giang, Trưởng Khoa Marketing - Đại học Kinh tế Tài chính TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc điều hành Công ty Sự kiện và truyền thông Say Cheese, thì cho rằng: phải xây dựng cho được thương hiệu du lịch riêng của Đức Linh, những dịch vụ độc đáo của các điểm đến, những sản phẩm đặc trưng của từng doanh nghiệp du lịch, sao cho khách đến một lần là thương nhớ, là quay lại nhiều lần với Đức Linh để tham quan, trải nghiệm các sản phẩm độc đáo, riêng có của địa phương. Đó có thể là con người hiền lành, sự đa dạng về văn hóa, địa hình, ẩm thực, sự phong phú của cây trái thơm ngon, sự thanh bình của vùng đất vùng cao của tỉnh Bình Thuận, không chỉ có sức hấp dẫn riêng mà còn tăng tính cạnh tranh về sản phẩm với các địa phương lân cận cũng như những trung tâm du lịch lớn khác trên cả nước.
Phát biểu tại buổi họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lan Ngọc, nêu ý kiến: “Trước hết, Đức Linh phải hoàn thiện đề án phát triển du lịch để định hướng sản phẩm, dịch vụ mang tính đặc trưng, đặc thù của mình. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, hoạt động xúc tiến quảng bá, tổ chức thêm các sự kiện tại địa phương để thu hút khách, quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, tìm hiểu thị hiếu, thị trường khách để xây dựng và phát triển sản phẩm, từ đó thu hút khách du lịch, hướng đến phát triển du lịch Đức Linh trong tương lai gần, góp phần vào sự phát triển bền vững của du lịch tỉnh nhà”.
Tham gia buổi họp, đại diện một số doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào ngành du lịch Đức Linh, lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã nêu lên các khó khăn về vốn, hạ tầng, về việc định hình sản phẩm đặc trưng, việc đầu tư các loại hình dịch vụ, thiếu nguồn nhân lực cho chuyên môn, văn hóa ứng xử trong hoạt động du lịch, những kỹ năng “mềm” trong quản lý, điều hành, kinh doanh ngành du lịch và dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn Đức Linh đã có nhiều điểm tham quan, dịch vụ nhà hàng, quán cà phê, vui chơi, giải trí đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu người dân địa phương và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Đồng Nai.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh Nguyễn Thị Cho, khẳng định: “Trên nền tảng tiếp tục phát triển thế mạnh nông nghiệp, Đức Linh sẽ tập trung xây dựng đề án định hướng phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở khai thác thật hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương”. Đức Linh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, quan tâm phát triển hạ tầng nói chung, cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch nói riêng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch… và sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển du lịch huyện nhà.
So với các địa phương khác trong tỉnh, hoạt động du lịch huyện Đức Linh được ví như “em út”. Hy vọng với sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự ưu ái của các nhà đầu tư tiềm năng và tư duy chuyển đổi kinh doanh thêm dịch vụ của một số người dân… cộng thêm những gợi mở, góp ý về ý tưởng xây dựng sản phẩm, định hướng phát triển thương hiệu, du lịch Đức Linh sẽ từng bước định hình những sản phẩm đặc trưng riêng của mình để mời gọi khách du lịch khắp nơi đến tham quan và trải nghiệm, góp phần vào sự phát triển xanh và bền vững của du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.