NGÔ VĂN TUẤN
Ấn tượng đầu tiên khi bước chân đến một thành phố nào đó, có lẽ không gì hơn dòng sông và những chiếc cầu.
Những cây cầu bắc qua sông giữa phố, nó mở ra khoảng không thật dịu dàng và duyên dáng và nên thơ và nỗi nhớ sau này khi xa cách.
Về La Gi cũng vậy, cái phố biển bé như lòng bàn tay, loanh quanh ngả nào rồi cũng đụng nhau. Hỏi có gì để nhớ, để luyến lưu? Vâng! Lại là những chiếc cầu. Không tin ư! Bạn cứ về Bình Tân nhìn cầu Tân Lý, đến Tân An ngắm cầu Đá Dựng. Tôi chắc trong lòng bạn sẽ có rất nhiều cảm xúc. Điều ấy cũng tự nhiên thôi, như xa Phan Thiết bạn lại nhớ cầu Trần Hưng Đạo, cầu Dục Thanh, nhớ con sông Cà Ty chảy mềm giữa phố. Xa Huế bạn thấy nhớ ngẩn ngơ cầu Tràng Tuyền với tà áo dài bay vấn vương trong gió...
Hình ảnh những chiếc cầu, ngay cả những chiếc cầu tre lắc lẻo ở vùng nông thôn heo hút cũng đủ gieo vào lòng bạn những tình cảm thắm thiết gợi nhớ quê hương.
La Gi, phố biển quê tôi có hai chiếc cầu bắt qua sông Dinh giữa lòng Thị xã. Cầu Tân Lý và cầu Đá Dựng.
Cầu Tân Lý được xây dựng cách nay trên 10 năm, cầu dạng bê tông cốt thép, không kiểu dáng cầu kỳ, nhưng lại có nét duyên riêng của nó. Cầu nối bờ hai khu phố sầm uất nhất Thị xã, phố Phước Hội và phố Bình Tân. Đứng đầu phố này nhìn qua bên kia, chiếc cầu cong vòng trông giống như vòng mống sau mưa vắt ngang dòng sông. Cầu nằm ở vị trí cuối sông Dinh, nơi tạo thành cửa biển La Gi với hàng ngàn tàu bè quanh năm tấp nập. Đứng trên đỉnh vòng cong ngạo nghễ của cây cầu, một không gian mở ra với trời nước xanh mơ giữa hai đầu phố xá. Nhìn về phía hạ lưu, thuyền bè chen chúc, tạo thành một “phố nổi” sầm uất hàng đầu Bình Thuận. Ngược đằng thượng lưu, xõa xuống dòng sông chạy dọc giữa hai bờ kè là những hàng dừa xanh rủ bóng, một cảnh ngoại ô với vườn tược, cây trái, vẽ nên bức tranh quê yên bình dễ lay động lòng người.
Đêm trên cầu Tân Lý, trời cao lồng lộng, gió lồng lộng, trăng lồng lộng. Phố rực đèn, biển rực đèn. Bất chợt nghe lòng cũng rực lửa yêu: “Bên này sông La Gi / Bên kia sông Tân Lý / Thương ai chừng hiểu ý / Cầu bắt nhịp đôi bờ / Ta nối gần hơi thở / Cho tình yêu ươm thơ...”
Cầu Đá Dựng, cây cầu mới được xây dựng hoàn thành vào đầu năm 2013 sau một thời gian dài lận đận.
Cầu bắc qua sông Dinh, nằm ngay giữa lòng trung tâm Thị xã, là gạch nối huyết mạch về các phường xã: Bình Tân, Tân Bình, Tân Tiến, Tân Hải, nơi có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: Đồi Dương, Ngảnh Tam Tân, Dinh Thầy Thím… Cầu còn là điểm nhấn tạo vẻ đẹp hoàn thiện cho khu thắng tích Đá Dựng, vốn đã gắn bó với người dân La Gi từ những ngày đầu sơ khai khi tỉnh Bình Tuy mới thành lập. Đứng trên cầu mới nhìn về thượng lưu sông Dinh, một đập tràn vắt qua dòng sông thả nước tung trắng xóa, xa xa vài chiếc thuyền câu bé tí lững lờ trôi. Dưới chân đập những cù lao đá rêu phủ lô nhô, tạo vẻ đẹp hoang sơ và lãng mạn. Thấp thoáng bên bờ sông vài “ông lữ” ôm cần ngồi đợi. Đêm về, điện chiếu sáng hai bên cầu hắt bóng xuống dòng sông Dinh trông rất thơ mộng.
Cầu tuy không dài, không rộng, kinh phí đầu tư cũng không lớn lắm, nhưng với người dân La Gi lại mang một ý nghĩa rất lớn: Nó xóa đi sự hoài nghi, giúp khôi phục lại niềm tin trong nhân dân sau nhiều năm chờ đợi. Về mặt cảnh quan, có cầu mới bộ mặt đô thị của La Gi sẽ rạng rỡ hơn, thơ mộng hơn. Về mặt kinh tế, cầu Đá Dựng được xây, lưu thông sẽ khai mở, không chỉ mang lại lợi ích riêng cho người dân địa phương. Đối với khách du lịch về La Gi thăm Ngảnh Tam Tân, Dinh Thầy Thím, Mỏm Đá Chim… cũng được hưởng lợi đáng kể, do đã rút ngắn gần 20 km đường vòng đi và về. Và như vậy du lịch La Gi sẽ có điều kiện phát triển hơn, khách sẽ đến nhiều hơn.
Vấn đề đọng lại, sau khi cầu đã được làm mới, thắng cảnh Đá Dựng cũng cần được xem xét phục hồi lại cảnh quan. Bởi như đã nói: Đây là khu thắng tích mang đậm dấu ấn lịch sử, nó gắn liền với tình cảm của người dân La Gi, hơn thế, đập Đá Dựng lại nằm ngay ở vị trí trung tâm, vị trí mà không phải Thành phố, Thị xã nào cũng có được. Trên có thác, dưới có cầu, giữa có đá lô nhô, hai bên có hoa, có cỏ. Một thắng cảnh quá tuyệt vời nếu được khôi phục!