Đọc “CON ĐƯỜNG GAI NHỌN” của PHẠM THÙY NHÂN

28/08/2021 00:00
1094

NGUYỄN HỒ NAM


Nhà Biên kịch Điện ảnh Phạm Thùy Nhân tặng tôi quyển CON ĐƯỜNG GAI NHỌN khi sách vừa in xong (vào giữa tháng 9/2020). Ngoài bìa sách ghi rõ là “Tuyển tập Kịch bản Phim truyện Điện ảnh & Truyền hình. Tập I”. Sách dày hơn 600 trang, có nhiều ảnh tư liệu quý giá.

 

 

   Anh Phạm Thùy Nhân là người sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận, nhiều hơn tôi vài tuổi. Khi tôi học những năm cuối bậc Trung học phổ thông ở quê nhà thì anh  đã vào học Đại học tại Đà Lạt, đặt bút ghi danh ngành Văn học - chớ không phải Y học như mong ước của bà nội anh: Kĩ sư, Bác sĩ không học, học Văn khoa để làm gì?. Chàng trai 18 tuổi lúc ấy cũng thích Y học vì nó cứu mạng con người, nhưng đồng thời anh lại thích Văn học hơn vì nó giúp con người vượt lên cái thân xác nặng trĩu để bay đến những tầng trời xanh ngắt!. “Con đường gai nhọn” mà anh trải qua bắt đầu từ đó.

   Ở Viện Đại học Đà Lạt, cơ duyên mang anh đến với kịch nghệ, gia nhập Ban kịch Thụ Nhân của Viện, có điều kiện khám phá ra bản chất của kịch nghệ và triết học, sống với tất cả cảm xúc khi được hóa thân vào những nhân vật dưới ánh đèn sân khấu. Khi anh cùng Ban kịch được về Sài Gòn diễn tại Viện Đại học Vạn Hạnh, tại sân khấu giảng đường của Viện, nơi được trang bị ánh sáng âm thanh và những thiết bị tối tân nhất tại miền Nam lúc bấy giờ; trong 2 vở kịch được diễn là “Thành Cát Tư Hãn” của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan và vở “Nạn Nhân (Le Malentendu)” của Albert Camus, anh đã làm đạo diễn cho vở Thành Cát Tư Hãn.

   Sự đam mê kịch nghệ đã khiến anh chịu đựng nhiều trở ngại. Vừa phải học, vừa tham gia tập vở, cùng Ban kịch đi lưu diễn nhiều nơi. Khi dàn dựng vở “Ga Xép”, do thiếu kinh phí, anh đã về nhà tại Phan Rí Cửa xin mẹ tài trợ và lặn lội đến nhà ga Sông Mao (xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận ngày nay) tham quan, nghiên cứu để dàn dựng ma-két sân khấu cho vở diễn. Nhưng được sống hết mình trong môi trường kịch nghệ, đối với anh đó là thiên đường. Vào năm học cuối ở Viện Đại học Đà Lạt, thiên đường ấy dường như sụp đổ chỉ vì chuyện giữa anh và một giáo sư phụ trách bộ môn tiểu thuyết bất đồng quan điểm trong chủ đề bài thi “Tình yêu cao thượng trong Hồn bướm mơ tiên” dẫn đến việc bị cho điểm liệt môn này và không được công nhận tốt nghiệp, nếu được cũng không đủ điều kiện học lên Cao học. Anh rời Đà Lạt, Giáo sư Vũ Khắc Khoan kéo anh về Sài Gòn làm phụ khảo Khoa Việt văn tại Phân khoa Kịch nghệ & Điện ảnh tại Trường Đại học Tri Hành cho đến sau tháng 4/1975, anh trở về quê nhà làm ruộng.

   Tháng 10/1976, anh vào Sài Gòn, làm công tác sân khấu quần chúng tại Nhà Nghệ thuật quần chúng Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây, sự gặp gỡ giao lưu với nhiều nhân vật trong lĩnh vực báo chí, điện ảnh giúp anh cơ hội chuyển cuộc đời sang ngã rẽ khác. Năm 1981, anh viết kịch bản “Con Mèo Nhung”, đó là kịch bản điện ảnh đầu tay của anh, đánh dấu sự kiện chuyển từ sân khấu đến “sân quay” trong sự nghiệp nghệ thuật của mình.

   Bên cạnh “nghề chính” biên kịch - viết kịch bản điện ảnh, Phạm Thùy Nhân còn có thêm “nghề phụ”  là nhà báo phụ trách mục phê bình phim, giới thiệu chân dung nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam và quốc tế. Là một biên kịch với “gia tài” đồ sộ từ kịch bản phim truyện điện ảnh đến phim truyện truyền hình cả ngắn và dài tập, đặc biệt là ở mảng phim về đề tài lịch sử.

   Tập I của CON ĐƯƠNG GAI NHỌN có 5 kịch bản phim:

   1. TRÒ ẢO THUÂT (Gánh Xiếc Rong)

   2. DẤU ẤN CỦA QUỶ

   3. MÙA DƯA

   4. DÒNG ĐỜI

   5. BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI

   Đây là 5 kịch bản phim đã có 4 kịch bản được dựng thành phim và có những phim đạt giải cao nhất ở tầm quốc tế.

   Kịch bản phim TRÒ ẢO THUẬT (Gánh Xiếc Rong) được viết năm 1987. Khi viết kịch bản phim này, Phạm Thùy Nhân chọn bối cảnh ở Phan Rí Cửa với ngôi làng chài hiu quạnh và những mái nhà ổ chuột nghèo khổ, những người ngư dân lam lũ, cam chịu, những đứa bé thiếu ăn, mù chữ; những rừng phi lao phòng hộ ven biển; lăng vạn uy nghi nơi thờ cúng cá voi và lối hát Bả trạo mà ai ai cũng biết, cũng thuộc. Đáng tiếc là đạo diễn đã chuyển đổi bối cảnh quay nơi khác. Kịch bản phim Gánh Xiếc Rong được đạo diễn Việt Linh dàn dựng, đạt nhiều giải thưởng, được Bằng Khen Đặc biệt của Ban Giám khảo UNICEF, Liên hoan phim Berlin (Đức), năm 1991.  

   Kịch bản phim DẤU ẤN CỦA QUỶ được viết năm 1992 và chọn bối cảnh thiên nhiên hoang sơ của xã Chí Công (Duồng) cách Phan Rí Cửa khoảng 5 km về phía Bắc, với những đồi cát chập chùng, những hang động sa thạch đỏ bị nước mưa xâm thực theo thời gian tạo nên một quang cảnh kì bí mà tuyệt đẹp. Người dân Duồng gọi đó là Gành Son. Bên cạnh Gành Son là Gành Đá với những tảng đá to lớn, đen đủi, càng làm cho những con sóng bạc đầu đập vào làm tung tóe những bọt nước khiến cho chúng càng giống những con thủy quái hung dữ. Phía sau rặng phi lao là vụng nước nhĩ quanh năm đầy nước ngọt trong vắt, người dân ở đây gọi là Giếng Tiên. Cách không xa lắm là làng Bình Thạnh (La Gàn), có những bức tường xếp bằng đá núi cổ kính, những cánh rừng với xa xa là những ngọn núi già cỗi ẩn hiện sau tán rừng cây lá thấp của vùng Vĩnh Hảo – Tuy Phong (Bình Thuận), Cà Ná (Ninh Thuận) và một số cành khác ở Bàu Trắng - Bắc Bình  (Bình Thuận).

   Kịch bản phim được Việt Linh đạo diễn, đã đạt Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ X, năm 1993 và Giải Đặc biệt Liên hoan Phim Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 38, Fukuoka (Nhật Bản), năm 1993.   

   Kịch bản phim MÙA DƯA được viết năm 1998, bối cảnh của phim này phần lớn nằm ở vùng Mũi  Né - Phan Thiết (Bình Thuận). Nhân vật Con Người từ đầu đến cuối phim chỉ có hai vợ chồng nông dân trẻ, phục trang và diễn xuất đơn giản. Chỉ có nhân vật trung tâm là Con Dông trong phim là trở ngại chính vì kỹ xảo thì Việt Nam chưa với tới, còn sự điều khiển hoạt động của con dông của chủ trại nuôi dông thì chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Vậy là kịch bản phim “Mùa Dưa” chưa được quay thành phim.  

   Kịch bản phim DÒNG ĐỜI được viết năm 1999, là kịch bản phim truyện truyền hình nhiều tập (52 tập/30 phút/tập). Bối cảnh xã hội trong phim trải dài từ thời chiến tranh đến giai đoạn hòa bình xây dựng đất nước. Phim đã cuốn hút được khán giả suốt 52 tập. Đạo diễn phim này là Nghệ Sĩ Ưu Tú Lê Cung Bắc. Phim đạt Giải HTV Awards kỷ niệm 10 năm thành lập TFS (1991 – 2001).

   Kịch bản phim BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI (2006) là bộ phim truyện truyền hình thể loại lịch sử do Phan Hoàng làm đạo diễn, phát sóng trên kênh HTV7 Đài Truyền hình Tp. HCM, đạt Giải Biên kịch Xuất sắc Phim truyện Truyền hình (Giải Cánh Diều) của Hội Điện Ảnh Việt Nam, năm 2013.