NGUYỄN HỮU CÁN
Thi thoảng, tôi có đọc những bài viết của Nguyễn Dũng trên trang Đất và Người của Báo Bình Thuận số cuối tuần. Những bài viết của anh tôi láng máng, anh phải là người từng trải và không rõ anh ở đâu trên vùng đất này để cảm nhận và viết hay quá vậy?
“Văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình”. Thâm tâm tôi cứ nghĩ sự run rủi để được gặp tác giả nhưng biết đâu mà tìm?
Một lần, rất tình cờ đến thăm nhà cậu em vốn là đồng nghiệp của tôi ngày xưa, tôi hỏi: “Em hay đăng bài của tác giả Nguyễn Dũng, anh đọc hay lắm, có thể em cho anh làm quen được không?” Tôi hỏi vậy vì một lẽ rất đơn giản tôi không phải dân gốc Bình Thuận, những phong tục tập quán, những món ăn tinh tế của người Phan Thiết tôi không rành lắm dẫu rằng tôi xuất thân từ ngành Dân tộc học. Thật lòng tôi muốn học hỏi thêm nhiều về anh. Cổ nhân có câu: “Tam nhân đồng hành, nhất nhân chi sư”. Trong ba người cùng đi có một người là thầy của mình.
Chiều ý tôi, người em gọi. Mấy phút sau anh tới. Văn anh mượt mà, người anh nho nhã, hiền lành. Sau vài câu chào hỏi, nhâm nhi vài chung rượu, bất chợt tôi nghĩ có cái gì mà người xưa hay nói: “Đồng thanh tương ý, đồng khí tương cầu”. Cuộc rượu nối kết tình anh em dù anh lớn hơn tôi cả chục tuổi. Anh sinh năm 1952, nhưng trông rất trẻ so với niên kỷ. Anh hiền lành, khiêm tốn, đó là ấn tượng đầu tiên với tôi.
Buổi xã giao cho nên tôi cũng giữ kẽ không dám hỏi nhiều về anh, anh cũng chẳng hỏi gì nhiều về tôi. Ba anh em uống rượu nói chuyện phiếm. Một lát sau, anh nói chờ chút. Anh về nhà và đem tặng tôi tập tùy bút “Phan Thiết ơi! Tôi nhớ”. Tập tùy bút của anh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2022.
Bằng thái độ trân trọng tôi đón nhận đứa con tinh thần anh gởi tặng. Và, bằng thái độ của người từng học văn chương tôi đọc rất kỹ. Đúng như nhan đề tác phẩm: “Phan Thiết ơi! Tôi nhớ”. Bìa sách của anh trang nhã phối màu xanh nước biển bên dòng Cà Ty với tháp nước sừng sững soi bóng và hình ảnh người đàn bà chịu gian chịu khó trong cuộc mưu sinh trong cõi ta bà.
Nói về tùy bút, tôi thuộc dạng “văn dốt võ nhác”, nhưng tôi biết trên văn đàn Việt Nam có thể viết tiểu thuyết, bút ký nhưng hiếm ai viết tùy bút qua Nguyễn Tuân. Ở đây tôi không dám so sánh anh với Nguyễn Tuân, nhưng tôi đọc nhiều ở Bình Thuận rất ít người viết tùy bút hay như anh. Tôi dám khẳng định điều đó vì ít ra tôi là Hội viên Hội Văn nghệ Bình Thuận hơn 30 năm rồi.
Tập tùy bút của anh không dày lắm, chỉ 175 trang thôi, cả thảy 35 bài. Tôi nghĩ thế là đủ, vấn đề là mình trang trải điều gì ở đó? Ở đó, trong từng trang viết của Nguyễn Dũng là hồn quê xứ sở.
Với Phan Thiết ơi! Tôi nhớ. Anh ưu tiên in bài đầu trong tập tùy bút kể chuyện lúc tuổi thơ nghe những tiếng rao đêm: “Lục tàu xá, chí mà phù, ai dừa đậu xanh nước dừa đường cát hôn?”. Trời ơi! Những tiếng rao đêm đó theo thời gian nay không còn nữa anh Nguyễn Dũng ơi!
Tôi đồng cảm với anh vì tôi đã từng nghe những tiếng rao đêm khắc khoải của những phận người lúc tuổi tôi còn thơ khi tôi còn ở Quy Nhơn. Láng máng tôi biết đó là phận người nghèo hoặc có chồng ra chiến trận để một mình một nách nuôi con.
Rồi anh viết “Ký ức dòng sông”. Dòng sông của anh là Cà Ty. Theo vốn hiểu biết chun chút của tôi, Cà Ty theo tiếng Chăm là “Bến nước Tình yêu” với những nàng Đoa pụ đội nước về làng. Đến đây bất chợt trong đầu tôi văng vẳng lời bài hát Thei mai – Một bài dân ca Chăm nghe da diết lạ kỳ.
Tôi cũng có một dòng sông để nhớ là Dòng sông Lũy chảy qua đập Đồng Mới. Con sông này lần đầu tiên tôi biết uống nước lúc mới tập bơi. Cũng như anh, con sông ấy suốt đời tôi không quên!