Huy Sô - người nhạc sĩ viết văn với tâm thức mùa xuân

12/08/2024 00:00
216

NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM


Khoảng 80 năm trước, thời kháng Pháp, ở Bình Thuận có một thiếu niên mê thổi kèn đồng. Và rồi vài mươi năm sau, thiếu niên ấy đã là một  lão gia đạt nhiều giải thưởng về âm nhạc. Ông là nhạc sĩ Huy Sô  danh tiếng. Nhưng không chỉ là yêu âm nhạc, ông rất mê văn chương và đã viết nhiều truyện ngắn, tản văn, ký… về làng quê, về con người Bình Thuận gần gũi, giản dị, chân  chất và nhân hậu…

   CHIM NON SẼ LỚN là một tập hợp gồm 16 truyện ngắn, tản văn, ký được Huy Sô viết từ những năm 1970 rải rác đến những năm gần đây. Đó là những câu chuyện về con người, cảnh vật quê hương… đa phần mang tính giáo dục thanh thiếu niên về tính tự lập, tình yêu thương gia đình, vật nuôi trong nhà, yêu cây cỏ lá hoa, yêu bè bạn… yêu quê hương… bằng ngòi bút nhẹ nhàng đầy thấu cảm. 

   “Chim non sẽ lớn” gồm những truyện: Vì lợi ích 100 năm, Tâm sự với rừng cây, Chim non sẽ lớn, Người mẹ cô đơn, Gia phong, Nhạc sĩ vĩ cầm, Đôi bạn, Con mèo của tôi, Chú bé thổi kèn Tây, Lũ khỉ trên núi Tà Cú, Chuyện thằng Cu Lắc, Hai em bé, Tự thuật, Hoa  phong lan, Bất khuất…

   Truyện đầu tập có tên “Vì lợi ích 100 năm” mang tính giáo dục trẻ con tính tự lập, yêu thích học hành, yêu nhà cửa ruộng vườn và quan trọng hơn là nhắc nhớ về “tầm nhìn giáo dục” của những người thầy! Tiếp nối là truyện “Tâm sự với rừng cây”, là sự “hóa thân” để biến mình cùng cây tâm sự, để hiểu cây, yêu quý rừng cây và bảo vệ chúng.

   Truyện “Người mẹ cô đơn” giáo dục con cái lòng yêu thương, chăm sóc cho cha mẹ buổi hôm sớm mai… Đừng để mẹ già cô đơn vì con cái quên đi bổn phận và nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ lúc về già! 

   “Gia phong” là truyện nói về nếp nhà, nhân  rộng ra là nền tảng gia đình, là chiếc cầu nối nghìn xưa đến nghìn sau. Cho nên con người phải lấy gia phong làm trọng. Và khá vui thay, khi ngòi  bút của tác giả vừa khắc chữ “răn đe” lại vừa khắc “nỗi vui tếu” vì chưa bao quát hết tình hình vì sao con bị cho là phạm lỗi! 

   “Nhạc sĩ vĩ  cầm” lại là  một câu chuyện nhắc nhớ đáng yêu về một sân chơi của một gia đình yêu âm nhạc, thật vui, thấm đẫm tình yêu thương.

   Câu chuyện “Đôi bạn” thể hiện tình bạn đáng yêu và rất tình nghĩa của: “Mèo Trắng, Misa, Phốc… bằng văn phong rất dí dỏm. Và qua đó giáo dục: con người hãy luôn tôn trọng tình bạn đẹp  như các con vật dễ thương kia đã dành cho nhau.

   “Con mèo của tôi” cũng cùng chủ đề về lòng yêu thương thú vật quanh ta (chủ nhân sơn móng tay chân cho mèo). Và nỗi buồn khi phải cho chúng đi chỉ vì tình thế: không được nuôi khi nhà có trẻ bị suyễn.

   Một câu chuyện tiếp theo cũng giáo dục tình yêu thú vật. Đó là “Lũ khỉ trên núi Tà Cú”. Địa danh Tà Cú nổi tiếng của Bình Thuận đã đi vào tác phẩm của Huy Sô - một người hết lòng yêu thương từng tấc đất quê hương. Lũ khỉ đã được nhân hóa. Có thủ lĩnh, có kỷ cương, có tình thương và trách nhiệm. Nổi trội là sự sẻ chia gian khó khi có đồng loại bị lưu lạc, bị bắt đem đi bán. Thủ lĩnh đã phân tích và nhận lũ khỉ lưu lạc về “đội nhà mình” để giúp đỡ, cưu mang…

   “Chuyện thằng Cu Lắc” cũng mang tính giáo dục về sự học. Cảm động là cụ già Bảy đã theo sát Cu Lắc hơn cả cha mẹ để thuyết phục  nó bỏ đám người xấu, về đi học và ngồi chờ nó tan học (vì sợ nó lại bỏ học giữa giờ). Riêng truyện về “Chú bé thổi kèn Tây” là một mảng ký ức đầy niềm rung cảm về tuổi thơ và tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết.

   Là người sống và lớn lên ở nông thôn, gần gũi chân quê, nên nhiều địa danh làng, xóm ở Phan Thiết - Bình Thuận đã xuất hiện trong truyện của Huy Sô. Và nhất là những trò chơi tuổi thơ, trong đó có trò chơi đúc bánh xèo của hai chị em khi giặc giã ác liệt có thể nổ ra, khi các bé cứ nơm nớp sẽ chui hầm trú ẩn. Chỉ có yêu quê, gần gũi thôn quê và người quê, mới có thể kể, tả những trò chơi tuổi thơ đáng yêu và sinh động như thế! Rồi đạn bom gây cảnh mất mát đau thương. Rồi hai bé phút chốc thành mồ côi mẹ  (truyện “Hai em bé”). Bằng giọng văn tường thuật, những tình tiết ấy làm người đọc đau lòng trước cảnh đời bất hạnh của hai trẻ.

   Truyện “Tự thuật” viết về chính tác giả, là một câu chuyện xúc động. “Hoa phong Lan” đậm màu rừng. “Bất khuất” cũng cùng một chủ điểm. Đa phần mang tính giáo dục nhẹ nhàng cho tuổi trẻ và giàu tính  nhân văn…

   Hai truyện cuối tập: “Nhà vắng đàn bà” và “Buổi sáng không có mặt trời” lại thể hiện một chủ đề  khác: tình yêu hôn nhân trong gia đình. Nhà không thể  vắng bóng đàn bà. Người đàn bà là vầng trăng hiền dịu tỏa sáng niềm vui và hạnh phúc, là bếp lửa sưởi ấm những lúc “giá lạnh mùa đông”. Người đàn bà trong truyện mang bóng hình của người phụ nữ tâm đầu ý hợp, chung sống an hạnh cùng ông suốt hơn  75 năm cuộc đời.

   Đó là cái phúc của hạnh phúc lứa đôi, của một tình yêu dặm dài theo năm tháng, khiến lòng ta vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ!

   Tập truyện “Chim non sẽ lớn” thật dễ thương như tiếng hót của bầy chim non thơ trẻ nhưng giọng điệu cũng đầy niềm tin vào thế hệ mai sau dù người viết nên những áng văn này đã gần 100 tuổi. Nên  ta gọi Huy Sô - người nhạc sĩ yêu văn chương và viết với Tâm thức mùa Xuân là thế!