MINH TRÍ
"T ay thơm chạm cúc chiều trở gió” là tên của tập thơ in riêng thứ chín của nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Thị Liên Tâm, xuất bản quý III năm 2023. Tập thơ gồm 73 bài, trong đó có 15 bài lục bát.
1. Đối tượng của những sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ ở thi tập lần này là thiên nhiên, gia đình, quê hương cùng tình yêu.
Với thiên nhiên, Trăng là mảng đề tài xuất hiện rất nhiều trong các thi phẩm. Độc giả dễ nhận ra, trăng có ngay trong tựa của những bài thơ: “Giấu trăng vào chiêm bao”, “Người đàn bà gánh nước đêm trăng”, “Tắm trăng trên Bàu Sen”, “Khỏa trăng, tay chạm nguyệt nằm”, “Em rằng trăng đọng dấu hài”, “Giong thuyền vớt trăng”, “Đêm trăng dạo chơi trên đồi Trinh nữ”, “Đêm trăng tĩnh lặng trên Tà Cú Sơn”, “Đêm trăng mơ nơi đèo Mã, sông Nho” …
Sau Trăng, Sen, một loài hoa đẹp, thanh khiết tiếp tục là đề tài, bối cảnh, đối tượng, có những mối liên hệ, để vẫn bàng bạc trong thi tập của nhà thơ: “Chiếc bình gốm chạm hoa sen”, “Bông sen của gió”, “Sen trầm”, “Chạm tay vào gió, sen tàn”, “Cọng sen nhớ mẹ”, “Bạch hồ sen nở phập phù” và cả trong: “Sương khói mỏng la đà chiều tím Huế”, “Ủ hương hoa hồng” …
Cúc vào trong thơ của tác giả Nguyễn Thị Liên Tâm, thành một trong những đề tài chính của thi tập mới này, xuất hiện ở các bài: “Tay thơm chạm cúc chiều trở gió”, “Ơi em, bông cúc họa mi”, “Dưới chân đồi lạc gió”, “Những bậc thềm cỏ xanh”, “Ta đi qua mùa thu” …
Có một mảng bao la khác của thiên nhiên, của đất trời vẫn thường trực trong tâm thức của nhà thơ: biển mênh mông, đồi cát thơ mộng, những bàu nước của quê hương, những ghềnh đá, bãi rêu xanh thay đổi những sắc màu, rồi chùng chình mây núi, triền hẻm núi, nương đồi, lũng sâu, những mảnh ruộng bậc thang… thấp thoáng trong những bài thơ.
“Tay thơm chạm cúc chiều trở gió” còn là dịp để nhà thơ lưu lại những ký ức, những kỷ niệm về những người thân yêu nhất của mình: Ba, mẹ, người bạn đời, các con, người em, quê hương yêu dấu. “Cọng sen nhớ mẹ”, “Trần gian nợ mẹ chỗ nằm”, “Hai sắc hoa hồng”, “Ký ức tháng năm”, “Bạch hồ sen nở phập phù”, “Hạc trắng”, “Bến quê một thuở”, “Chạm vào ký ức một miền quê” … là những bài thơ tác giả trải lòng mình về những người thân yêu cùng quê hương xứ sở.
Tình yêu tiếp tục là mảng đề tài trọng tâm trong thi tập của tác giả. “Khất thực em”, “Chiếc lá mỏn mùa xanh”, “Giấu trăng vào chiêm bao”, “Chờ nhau nơi ghềnh đá xanh”, “Hình như ngày hôm qua em quên nhớ anh”, “Những mùa đông đã cũ”, “Tóc bạc rồi! Sao lòng vẫn còn xanh”, “Như cánh hoa rêu”, “Bông sen của gió”, “Chớm đông”, “Lạc gió” … là những thi phẩm thấm đẫm những lời yêu, những tâm trạng, những rung cảm và cả những nỗi niềm của những người phụ nữ trong tình yêu, cả bây giờ lẫn trong những phút giây hồi tưởng.
2. Có bao điều mới mẻ mà tác giả - nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm gởi đến độc giả ở “Tay thơm chạm cúc chiều trở gió”.
Những tứ thơ mang dáng vẻ rất riêng đến với người yêu thơ từ nhiều thi phẩm; nhất là ở các bài: “Khất thực em”, “Trả hoa về cội”, “Như cánh hoa rêu”, “Người đàn bà gánh nước đêm trăng”, …
Ở “Khất thực em”, sự gắn bó của những con người yêu nhau, gần gũi với nhau cả đời được nhìn như những người nợ đời nhau. Nhà thơ đã nhìn ra, tiếng mõ luôn gắn với hương trầm trong những hồi khấn nguyện. Sự đánh thức của thanh âm tiếng mõ luôn luôn hòa cùng sự thơm dịu của hương trầm: “Bàn chân khổ hạnh anh đi mãi/ Em có bên đời vọng Phúc âm/ Sao cứ như Tây Thi – Phạm Lãi?/ Nợ đời nhau tiếng mõ hương trầm!” Bài thơ đã được nhạc sĩ Cung Minh Huân phổ nhạc.
“Trả hoa về cội”, một thi phẩm của nhà thơ, đã tạo những rung cảm mạnh mẽ trong lòng nhạc sĩ Phan Ni Tấn - Phan Ni Tấn là tác giả phần nhạc của ca khúc nổi tiếng “Phải lòng con gái Bến Tre” - Nhạc sĩ Phan Ni Tấn đã rất tâm đắc với ý thơ để phổ nhạc bài thơ này, với những giai điệu thật đẹp. Ca khúc dễ chạm đến trái tim người nghe. Lời thơ có đoạn: “Trả hoa về cội trăng rằm/ Trả người về cõi trăm năm dại khờ/ Trả tình về lại bến mơ/ Trả em về với ơ hờ phấn son”. Trả mọi thứ về lại nơi xuất phát ban đầu, có lẽ, đó là nơi đẹp nhất đối với mỗi người, mỗi vật, bởi ở đó, có sự chân chất, mộc mạc, giản dị và cả sự bình yên chăng?
Ở một thi phẩm khác, “Như cánh hoa rêu”, tác giả cảm nhận rằng: người phụ nữ ngóng người yêu như phận đời ghềnh đá - ghềnh đá chờ độ rêu biếc xanh nở cánh giăng giăng để có sự giao hòa - nhưng rồi, người ấy mãi xa khơi: “Con thuyền anh đi đâu về đâu?/ Em cũng ngóng như phận đời ghềnh đá/ Mỗi độ rêu biếc xanh là mỗi lần nghiêng ngả/ Đợi chờ! Hái hoa rêu từng vốc thả trùng khơi!”.
Đã có một sự liên tưởng khá độc đáo của nhà thơ khi nghĩ đến hình ảnh giếng làng của những ngày xưa như trái chín đã sắp lìa cành, bởi ngày nay, hầu như ít ai còn mang gàu kéo nước! Hay chỉ còn bờ rêu xanh ngày trước, đợi những người phụ nữ đã già, những người phụ nữ của ngày đã thật xa: “Giếng làng năm xưa như trái chín sắp lìa cành/ Không ai mang gàu kéo nước/ chỉ có bờ rêu xanh thật xanh!/ Đợi những người đàn bà tóc đã già/ như cỏ xước!” (Người đàn bà gánh nước đêm trăng).
So sánh tu từ là một trong những biện pháp tu từ rất hiệu quả trong sáng tác văn chương. Ở thi tập lần này, nhà thơ đã có những nét riêng trong sử dụng so sánh tu từ. Nhiều đối tượng được so sánh thể hiện sự sáng tạo của chị.
Trong “Như cánh hoa rêu”, tác giả đã có những sự so sánh thật đẹp: “Trời tháng Ba, gió cũng mềm như lụa/ Lụa bay… lụa bay trên mặt biển trùng trùng/ Lụa sóng trắng xóa/ Lụa sóng mượt như nhung/ Những cơn sóng lụa là vỗ về/ cho rong rêu nở cánh”.
Hay, ở một bài thơ khác, “Hoa xương rồng đen”: “Những cụm xương rồng xanh ánh bạc/ đăm chiêu/ Như chiến binh phơi mình/ dưới nắng mặt trời gắt gỏng”.
Với nhà thơ, nỗi nhớ một người nào đó, cứ như cỏ xanh xao. Phải chăng, chính bởi sự héo hắt, hao gầy? “Mùa vội vã đi ngang dòng sông nhỏ/ Nỗi nhớ người, cứ như cỏ xanh xao” (Nhớ người như cỏ xanh xao).
Cùng với rất nhiều sự so sánh khác, chẳng hạn ở “Lạc gió”: “Em. Người đàn bà cứ nhớ nhớ quên quên/ Như cúc vàng của những mùa thu cũ/ Như rêu xanh của những ngày nước lũ/ Yêu người cứ hồn nhiên”. Với “Người đàn bà gánh nước đêm trăng”, mùa thu đã được so sánh với một đối tượng rất lạ: “Mùa thu dài như hơi thở/ của những người đàn bà gánh nước giếng làng”.
Việc tổ chức câu thơ và hình ảnh theo cách tương xứng để làm tăng hiệu quả thẩm mỹ và khả năng biểu hiện cho câu thơ đã được tác giả sử dụng trong thi tập “Tay thơm chạm cúc chiều trở gió”. Như ở bài: “Ơi em, bông cúc họa mi”: “Áo em trắng giữa nồng nàn cúc trắng… Mộc hoa lạc bước giữa ngàn lan”…/Những luống họa mi nở trắng khoảng trời/ Như lan ngọc, em cười tỏa nắng…”. Với bài “Em rằng trăng đọng dấu hài”, tác giả đã cảm tác những dòng thơ diễn tả những hành động, cảm xúc của hai nhân vật trữ tình: Tôi – Em: “Em từ lầu mộng bước ra/ Tôi nghiêng hết vạt trăng ngà đón em” …
Đó là sự ra đi của một người, để người còn lại nhớ về những kỷ niệm ngày xưa: “Người đi quên mùa trăng/ Vườn xưa quên thay lá/ Em một mình chực ngã/ Thềm xưa đầy rong rêu” (Giấu trăng vào chiêm bao). Với bài thơ: “Tay thơm chạm cúc chiều trở gió” đó là những tình cảm nhẹ nhàng giữa Em – Anh: “Em là hoa cúc vàng thu cũ/ Em là sen trắng mộng vườn xưa”, “Anh viết bài thơ Thu tặng em/ Ngàn thu áo tím mộng bên thềm”.
Khá nhiều sự lặp lại những từ ngữ một cách nghệ thuật trong những bài thơ nơi thi tập. Có những khổ thơ, một vài từ ngữ được lặp đi lặp lại. Song, điều đặc sắc là, ý thơ vẫn không bị trùng lặp, lời thơ vẫn tạo sự dễ chịu nơi người đọc: “Màu thời gian hôm nay/ Màu thời gian ký ức/ Thời gian màu có thực/ Ta trôi trong thời gian” (Ta đi qua mùa thu).
Từ những ý tưởng bay bổng, đa dạng đã giúp cho sự diễn tả của tác giả về mái tóc đẹp hơn rất nhiều. Nhà thơ đã viết về những sợi tóc mây mềm mại của người phụ nữ: “Sợi nào lùa gió bên sông?/ Sợi nào mắc nợ cành hồng phù du? /Sợi nào tấu khúc mưa thu? Sợi nào bay giữa sương mù hồn nhiên?” (Tóc mây ai thả cho xanh giấc nồng).
Các chuyến đi thực tế ở những miền đất khác nhau mở ra trước mắt văn thi sĩ những cảnh sắc, nét đẹp khác với quê hương, xứ sở. Điều đó, giúp cho những ý tưởng sáng tạo nơi các nhà thơ dễ được khơi gợi, tạo sự ra đời của những tác phẩm với những ngôn từ, sự diễn đạt đầy thi vị.
Nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm đã viết những dòng thật thơ mộng trong “Chạm tay vào dòng nước sông Lô”: “Tiếng hát nương đồi theo nắng chiều buông/ Rơi xuống lũng sâu, hòa cùng sông nước/ Sông Lô xanh/ và những vườn cam gọi mùa về xanh mướt/ Chiều ơi! Chiều ơi!”.
Sự thoáng đãng của không gian nơi cao vời, với sương, với mây, cùng những tiếng chim rừng, gợi cho thi sĩ thêm một lần nhớ về ánh trăng, nhà thơ đã cất lên những lời thơ: “Có tiếng chim rừng líu ríu/ Ngậm trăng- ngậm hạt trên cành/ Sương mây chập chùng, ai níu/ Vén lên cho thỏa trăng xanh!” (Đêm trăng mơ nơi đèo Mã, sông Nho).
Cùng những cảm nhận khác biệt của nhà thơ nơi đất Huế, cảnh thơ mộng, người nhẹ nhàng, trầm tư, với những dáng vẻ riêng: “Thấp thoáng hoàng hôn, bước chân lững thững/ Tím ngọt ngào câu hát Lý mười thương/ Sen ngủ trên tay cho ai đó vấn vương/ Chiều Đại Nội thâm trầm màu cổ tích” (Sương khói mỏng la đà chiều tím Huế).
3. Thi tập “Tay thơm chạm cúc chiều trở gió” của nữ nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Thị Liên Tâm quả thật đã mang nhiều nét đẹp. Đẹp ở cảnh sắc thiên nhiên (trăng, sen, các loài hoa khác, biển, trời, những đồi cát, những bàu nước của quê hương, những cảnh quan hùng vĩ ở Việt Bắc, …). Đẹp ở tình cảm của những người thân yêu quanh chị. Đẹp ở tình yêu thủy chung, dẫu có lúc cũng xao động, kiếm tìm. Đẹp ở những ngôn từ, chất liệu dệt những vần thơ, vẫn thường trực trong lòng tác giả, cùng những nét đẹp khác nhìn từ những bài thơ.
Tâm hồn tác giả nhìn thiên nhiên mà lúc nào cũng như muốn hòa mình vào, nhìn cuộc sống với tâm trạng an vui, nhìn vào tâm hồn con người với sự đồng cảm, cùng những điều sâu xa của cõi lòng mong được sẻ chia, bày tỏ.
Thơ Nguyễn Thị Liên Tâm vẫn là sự trau chuốt về ngôn từ, sự nhẹ nhàng trong thể hiện. Điều ấy đi cùng với những ý tưởng mới mẻ, nhìn những điều mới lạ từ thiên nhiên, từ cuộc sống quanh mình của một nhà thơ nữ mãi đam mê với văn chương. Độc giả yêu thơ chờ đón những thi phẩm mới tiếp tục mang dáng vẻ riêng, đẹp hơn nữa của chị ở những chặng đường kế tiếp.