Sự bổ khuyết đáng được quan tâm

13/08/2024 00:00
319

TRẦN THỊ ĐAN DUY
(Đọc "Ảnh hưởng của Lão - Trang và Đạo giáo trong văn học Việt Nam" của Trần Ngọc Hồ Trường, NXB Dân Trí -2023) 


Từ rất lâu người nghiên cứu văn học Việt Nam thường biết rằng các tác giả văn học trung đại như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du,... được xem như là những người nhập thế, lo âu cho cuộc đời, dân tộc, cung cúc tận tụy với nhân sinh. Nói đến văn học trung đại người ta nghĩ đến thơ thiền của Phật giáo và những tư tưởng Nho giáo, ít ai để ý đến sự có mặt của tư tưởng Lão Tử và Trang Tử trong cốt cách và quan niệm về cuộc sống của các nhà văn Việt Nam. Mới đây dịch giả - nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hồ Trường cho ra mắt bạn đọc chuyên luận "Ảnh hưởng của Lão - Trang và Đạo giáo trong văn học Việt Nam" đã bổ sung một góc nhìn rất có giá trị về nội dung tư tưởng cũng như những quan niệm về nhân sinh thế thái của các nhà văn thời kỳ trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

   Nhắc đến Trần Ngọc Hồ Trường người ta nghĩ đến một dịch giả đã có hơn 300 truyện ngắn dịch trên các tạp chí văn nghệ khắp các tỉnh trong nước. Trần Ngọc Hồ Trường đã xuất bản khá nhiều tập truyện ngắn dịch như: Truyện ngắn Mỹ, Truyện ngắn Ả - rập, Truyện ngắn Châu Phi, Truyện ngắn Ấn Độ. Trần Ngọc Hồ Trường còn là một cây bút viết lý luận phê bình, anh đặc biệt quan tâm tới văn học Việt Nam giai đoạn trung đại. Tập chuyên luận "Ảnh hưởng của tư tưởng Lão - Trang và Đạo giáo trong văn học Việt Nam" gồm 11 bài viết về cùng chủ đề. Công trình này tập trung nghiên cứu về khuynh hướng Lão - Trang cũng như sự ảnh hưởng của tư tưởng Lão - Trang và Đạo giáo trong văn học Việt Nam từ thời Lý Trần cho đến phong trào thơ Mới.

   Trong lời nói đầu của chuyên luận, nhà phê bình Trần Ngọc Hồ Trường đã đặt ra rất nhiều câu hỏi như: Tại sao Lão - Trang được các nhà thơ, nhà văn Việt Nam tiếp nhận và tiếp nhận ở góc độ nào? Tại sao có những tương đồng và dị biệt trong ảnh hưởng? Có căn tính dân tộc không khi tiếp nhận Lão - Trang? Đó là các vấn đề tập sách này sẽ mang đến cho độc giả.

   Với các bài viết trong tập chuyên luận đã cho chúng ta thấy bên cạnh khuynh hướng văn học Nho giáo và Phật giáo, khuynh hướng tư tưởng Lão - Trang đã có mặt hầu hết trong các sáng tác của các nhà văn lớn thời kỳ trung đại cũng như sự có mặt của Đạo giáo trong tác phẩm truyện Kiều, truyện truyền kỳ và thơ Mới. Phân tích sự ảnh hưởng của tư tưởng Lão - Trang và Đạo giáo trong văn học Việt Nam đã cho thấy được sự trọn vẹn, đầy đủ trong tư tưởng văn học của các nhà văn, bổ khuyết cho những khoảng vắng, đồng thời còn giúp phát hiện ra kiểu nhà văn cùng các đặc thù của văn học Lão – Trang”.

   Công trình nghiên cứu này có một cấu trúc hợp lý, bắt đầu bằng bài nghiên cứu khuynh hướng Lão - Trang trong văn học thời kỳ Lý Trần. Đây là bài viết khá sâu sắc, nghiên cứu khuynh hướng Lão - Trang và sự ảnh hưởng qua lại giữa Lão - Trang và Phật giáo trong văn học thời kỳ Lý Trần thông qua phân tích nội dung tư tưởng trong sáng tác và những biểu hiện trong cuộc sống của rất nhiều tác giả thời kỳ này. Nhà nghiên cứu cho chúng ta thấy, do tính chất đồng nguyên của tam giáo cho nên sự có mặt của tư tưởng Lão - Trang bên cạnh tư tưởng Phật giáo và Nho giáo trong văn học Việt Nam là điều dễ hiểu. Ngoài ra, vấn đề tề vật, thiên tính và thiên chân đã được nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hồ Trường phân tích khá sâu sắc thông qua rất nhiều tác giả và tác phẩm của Văn học thời kỳ Lý Trần. Tôi rất tâm đắc với luận điểm của tác giả cho rằng “quan niệm nhân sinh, con người, cuộc đời, thời gian và cách phản ứng đối với cuộc đời như là một phong cách sống đặc thù của Lão – Trang”. Tác giả cũng phân tích rất kỹ về phong cách sống của các nhà văn thời Lý - Trần như lối sống tri túc, vô vi ít nhiều có sự tương đồng với tư tưởng Phật giáo. 

   Với những bài nghiên cứu về các tác giả cụ thể như: Nguyễn Trãi - nhìn từ góc độ Lão - Trang, Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà thơ phiêu nhiên giữa cõi tục, Nguyễn Công Trứ - từ Lão - Trang đến các lạc thú trần gian, Cao Bá Quát - thi sĩ tiêu diêu, Dấu ấn của triết thuyết Lão - Trang trong thơ văn Ngô Thì Nhậm, Tản Đà - trích tiên giữa trần gian. Nhà nghiên cứu là đã nhìn thấy được những nét đặc trưng cơ bản về tư tưởng Lão - Trang trong thơ văn cũng như cuộc đời của các tác giả thời kỳ văn học trung đại. Trong những bài viết về các tác giả này, tôi rất ấn tượng về ngôn ngữ của nhà nghiên cứu. Với một lượng từ Hán Việt vô cùng phong phú, đa dạng được Trần Ngọc Hồ Trường sử dụng để bàn về vấn đề Lão - Trang, Phật giáo, Nho giáo có một sự hợp lý và xác đáng. Đọc các bài viết, tôi như lạc vào một thế giới mê cung của các từ Hán Việt nhưng từ nào cũng chính xác, rõ nghĩa và phù hợp với những vấn đề đang bàn luận. Có thể nói rằng tôi chưa từng đọc quyển sách nào được viết bởi một số lượng từ Hán Việt lớn đến như vậy chứng tỏ sự dày công nghiên cứu của tác giả tập chuyên luận và nó cũng được thể hiện ở danh mục tài liệu tham khảo với hơn 200 quyển sách.

   Ngoài ra, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hồ Trường đã cho độc giả thấy sự có mặt của Đạo giáo trong Truyện Kiều, truyện Nôm và truyện truyền kỳ, cũng như tư tưởng Lão - Trang và Đạo giáo trong phong trào thơ Mới. Sự ảnh hưởng này làm nên những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều cũng như các câu chuyện trong truyện Nôm và truyện truyền kỳ, đặc biệt là chi tiết kỳ ảo trong các sáng tác mang nhiều yếu tố văn học dân gian. Dấu tích của Đạo giáo trong Truyện Kiều còn là sự có mặt của nhân tướng học, số thuật, giải mộng, chiêu hồn, sấm ngữ, thần tiên và việc phác họa các nhân vật có đặc điểm của Đạo giáo như Đạm Tiên, đạo nhân, tướng sĩ và đạo cô Tam Hợp. Đối với phong trào thơ Mới, tư tưởng Lão – Trang và Đạo giáo được các nhà thơ tiếp nhận và tiếp biến ở một số góc độ và khía cạnh mà thôi. Đó là phong cách sống, những quan niệm về thế giới, các không gian đặc trưng, các suy nghĩ về chính bản thân nhà thơ. Hàng loạt các nhà thơ trong phong trào thơ Mới được khảo sát như Vũ Hoàng Chương, Phan Văn Dật, Thái Can, Phạm Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Thâm Tâm, Hàn Mặc Tử, Bích Khuê, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư…để thấy được “dấu tích, không khí Lão – Trang và Đạo giáo như vậy là bàng bạc khắp thơ Mới”.

   Ở bài kết luận của tập chuyên luận, tác giả đã đưa ra những nhận xét xác đáng về sự xuất hiện của tư tưởng Lão - Trang trong văn học Việt Nam từ thời kỳ khởi đầu và cho thấy được sự chịu ảnh hưởng của tư tưởng này trên nhiều phương diện khác nhau. Lão Tử và Trang tử đã có những ảnh hưởng hết sức sâu sắc đến các nhà thơ, nhà văn thời kỳ văn học trung đại ở Việt Nam. Phong cách sống, tư tưởng về cuộc đời nhân sinh thế cuộc đã được các tác giả văn học Việt Nam tiếp nhận và mang dấu ấn đậm nét trong sáng tác của họ. Sự bổ khuyết về một khuynh hướng tư tưởng Lão - Trang bên cạnh Nho giáo và Phật giáo đã cho chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh đầy đủ hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn về văn học thời kỳ trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

   Sự thành công của tập chuyên luận là đã đi sâu khảo sát sự ảnh hưởng của tư tưởng Lão - Trang ở các tác gia văn học tiêu biểu và chỉ ra được đặc điểm của tư tưởng này. Người viết đã làm rõ những sắc thái khác nhau ở sự tiếp nhận của mỗi tác giả cũng như biểu hiện của nó trong sáng tác của họ.

   Tôi đánh giá đây là một tập sách rất công phu đáng để những người yêu thích văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học trung đại tìm đọc.