KIM BẰNG
Trong những bài thơ về Tết ở Phan Thiết của tác giả Hoàng Hạnh trong đó có bài “Hạt mưa bay”. Bài thơ dung dị, không lên gân, không đẽo gọt, không “hiện đại, hậu hiện đại” gì cả, chỉ là thể thất ngôn tứ cú. Vậy mà khi đọc hết bài thơ nghe trong lòng dâng lên một niềm thương cảm, thương cảm người bạn nghèo bươn chải chợ đời, mong bán cái sương giá để mua chút nắng vàng tươi ấm của mùa xuân: “Bạn gánh chiều đông bán chợ xuân/Bày hàng bên Lầu nước ven sông/Dăm ba gốc kiểng hiên nhà cũ/Si, tùng trầm mặc cạnh phố đông”. Có ai đem bán những vật sở hữu mình yêu thích mà không thấy xót xa? Tết đến xuân về, chắc bạn túng quẫn lắm mới đem cây kiểng hiên nhà ra bày bán? Người chơi cây kiểng thì thú vui tao nhã này tốn nhiều thời gian, công sức và tâm đắc lắm. Tuy nhiên có nhiều nhặn gì đâu, chỉ dăm ba gốc. Thế mà bạn vẫn gánh đi trong chiều đông, để rồi cùng si, tùng trầm mặc cạnh phố đông! Trong khổ đầu của bài thơ, Hoàng Hạnh dùng 2 từ “đông” dị nghĩa, thật thú vị!
Đến khổ thứ 2 thì nỗi buồn của bạn dần dần hiện lên không lẫn tránh vào đâu được trong cái rực rỡ, tươi tắn của mùa xuân trong chợ Tết: “Người đi chợ Tết tầm mai cúc/Hoa vàng nhị thắm lộc xuân sang/Bonsai như năm dài chưa hết/Người qua ghé mắt ít hỏi han”. Khách mua chỉ tầm mai cúc, hoa thì vàng, nhị thì thắm, bao lộc xuân đang chào mời săn đón. Ai cũng muốn tìm kiếm cái thanh tân tươi mát, ai quan tâm đến cái cội già xưa cũ? Giữa dòng người náo nhiệt họ chỉ lướt qua, ngang qua… nên bonsai lạc loài chờ mãi…chờ mãi, thời gian giãn ra như năm tháng vẫn dài chưa hết! Đó là thời gian tâm lý, là “tâm trạng” của bonsai hay nỗi lòng của bạn? Trong ngữ cảnh bài thơ, sự liên tưởng này thật cảm động!
Đến khổ thứ 3 cũng là khổ cuối cùng của bài thơ, người đọc bùi ngùi khi tác giả cho biết bạn mình dầm sương dãi nắng, sạm thân gầy để đổi chút xuân cùng thiên hạ, nhưng nào có được: “Ngày nắng đêm trường sương lắt lay/Chăn thưa ghế xếp sạm thân gầy/Muốn đổi chút xuân cùng thiên hạ/Chỉ thấy bụi nhòe hạt mưa bay!”. Chiều cuối năm không bán được gì, không mua được gì về lo cho gia đình ba ngày tết, đôi mắt bạn đượm buồn do hạt bụi nào vương, hạt mưa bay nào đọng, sao kết thúc bài thơ tôi thấy như có giọt lệ nhòe?
Hoàng Hạnh không phù phép, không ảo thuật câu chữ, không làm xiếc ngôn từ. Tiếng Việt vốn trong sáng, nguyên lành; tự thân là cánh cò bay vút, ngỡ chạm tới được mà nào có dễ gì? Nếu nói thơ là gần với nỗi buồn, là ám ảnh, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người thì “Hạt mưa bay” của Hoàng Hạnh đã rung cảm được bao trái tim nhân ái.