Hương sắc thiên nhiên cùng nỗi niềm nhân thế

14/12/2023 00:00
1612

MINH TRÍ


"H oa còn thơm trên tay”, tập thơ in riêng thứ tư của nhà thơ Thái Anh - Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận - ra mắt độc giả vào cuối Quý II/2023, do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành. Nhà thơ Thái Anh đã từng nhận được Giải thưởng văn học nghệ thuật Dục Thanh tỉnh Bình Thuận lần thứ V. Tập thơ “Mây trắng còn bay” của anh đã nhận được giải C vào năm 2017.

   Thi tập “Hoa còn thơm trên tay” gồm 40 bài, trong đó có 8 bài lục bát, 12 bài thơ 5 chữ.

   Bối cảnh của những bài thơ được tác giả gởi đến bạn đọc lần này gồm những miền đất, cảnh đẹp, di tích lịch sử, những công trình kiến trúc, công trình văn hóa trải dài từ Nam ra Bắc: La Gi, Phan Thiết, Phương Nam, Đà Lạt, Pleiku, Hà Nội, Tam Đảo, Hoa Lư, Fansipan, Ải Nam quan…

   Phảng phất những hương hoa

   Như một sự chủ ý của tác giả, hoa là một trong những đề tài trọng tâm của thi tập lần này. Đã có ít nhất 16 loài hoa được nhà thơ đề cập trong các thi phẩm của anh: nguyệt quế, sen, trà mi, mai, đào, hồng, xuyến chi, cúc quỳ, mimosa, quỳnh, gạo, điên điển, muống biển, vông, sứ, ban,… Các loài hoa thắm sắc, với các màu tươi tắn khác nhau, cùng với những mùi hương, lúc nồng nàn, khi phảng phất, và đây đó, lại có cả những loài hoa chỉ thoáng những dáng hình.

   Hương những loài hoa ấy, hiện diện trong thơ anh, trên tay anh, phảng phất quanh anh và thơm cả vào trang thơ anh viết. Ở rất nhiều khoảng không gian khác nhau, Thái Anh vẫn dành những ngôn từ đẹp đẽ của mình để viết về những loài hoa, với những mùi hương riêng biệt. Nhà thơ yêu thiên nhiên lắm để anh dành những tình cảm ấy gởi vào những thi phẩm của mình.

   Bạn đọc thử lần mở trong những trang thơ của “Hoa còn thơm trên tay” để cảm nhận tình yêu hương hoa ấy của tác giả:

   “Hương/ như vừa phảng phất/ sương còn vương gót chân// Trắng màu hoa/ tinh khiết/ Ban mai trong vô ngần…// Đêm về/ mở kinh sách/ hoa thơm vào trang văn” (Nguyệt quế).

   Thêm một mùi hoa trong tâm tưởng của tác giả sau một chuyến lữ hành: “Đóa trà mi trắng muốt/ Tam Đảo ngút ngàn mây/ người đã về Phan Thiết/ hoa còn thơm trên tay” (Trà mi một đóa).

   Những ai đã từng thức chờ xem quỳnh nở hoa, sẽ dễ có cùng cảm nhận thi vị như tác giả: “Đêm/ thơm một đóa hương quỳnh/ lung linh bóng nguyệt/ như hình/ liêu trai?” (Đêm Quỳnh hương).

   Thêm một loài hoa khác, gợi những rung cảm đằm sâu trong lòng chủ thể trữ tình: “Sen Tây hồ trắng muốt/ người Tây hồ như sen/ đêm Tây hồ trăng khướt/ sương Tây hồ gây men…” (Sen Tây hồ).

   Và còn đây nữa, có những loài hoa đẹp trong ánh nhìn của khách thập phương đến với Tà Cú những ngày Xuân: “Lên cao tám cõi mây trà trộn/ hoa sứ, hoa ban trắng rợp trời…” (Tháng Giêng xuân Tà Cú).

   Cùng những loài hoa khác, ở những trang thơ khác của “Hoa còn thơm trên tay”.

   Thiên nhiên đa sắc cùng nét đẹp văn hóa quê hương

   Thiên nhiên xuất hiện trong tập thơ lần này của tác giả Thái Anh thật tươi đẹp.

   Nhà thơ đã viết về một miền đất đã gắn bó với mình trong rất nhiều chục năm: La Gi. Một La Gi có sông Dinh mềm mại chảy ngang. Dòng sông ấy theo cảm nhận của tác giả, là nét bút của tạo hóa vẽ vào không gian, tạc vào La Gi: “Sông Dinh/ nét thiên bút/ vạch ngang trời La Gi/…// Sông Dinh/ như nét khắc/ tạc vào đêm La Gi…” (La Gi – Sông Dinh &Tôi).

   Tác giả đã có những tình cảm sâu nặng với Thị xã thân thương của mình. Để những ngày căng thẳng của dịch bệnh, anh lại chợt cất lên: “La Gi ơi La Gi/ nhớ nơi nào hơn thế?” (La Gi có một mùa thu).

   Phan Thiết, một vùng đất trù phú, cũng đã để lại trong lòng nhà thơ những cảm nhận thương yêu, trìu mến: “Ta muốn ôm hôn từng ngõ đất nín thinh/ những con phố thênh thênh/ những mặt người quen lạ…” (Sắc thu Phan Thiết).

   Hiểu về Phan Thiết của những ngày xưa lắm, để chủ thể trữ tình nhớ về con đường Nguyễn Hoàng (đường Lê Hồng Phong ngày nay), có những tà áo trắng dẫn về ngôi trường Phan Bội Châu với bao kỷ niệm thuở học trò, nhớ màu hoa vông, nhớ lầu nước những ngày xuân về, én liệng: “Mỏi mắt tìm xưa dấu Nguyễn Hoàng/ rợp đường áo trắng buổi trường tan/ nhớ ơi là nhớ màu vông đỏ/ tháp cổ én về báo Xuân sang” (Phan Thiết chiều cuối năm).

   Nhà thơ còn lưu giữ những tình cảm dạt dào với người Phan Thiết, để anh mãi kiếm tìm một hình bóng, một người vừa mới biết nơi đây: “Mới biết nhau/ như đã phải lòng/ chưa Phan Thiết đã nửa hồn Phan Thiết!” (Phan Thiết ngày trở gió).

   Và đây là một khung cảnh khác, với đồi trà non xanh, với sương treo ngọn cây, nơi bồng bềnh mây Tam Đảo: “Đóa trà mi trắng muốt/ thoáng má hồng hây hây/ đồi trà non xanh mướt/ sương còn treo ngọn cây” (Trà mi một đóa).

   Có lẽ, với nhà thơ Thái Anh, anh đã có nhiều lần hẹn với lòng ra thăm Hà Nội, nhất là độ vào thu. Ấy vậy mà, bao lần lỗi hẹn. Để, anh phải thổ lộ những tình cảm ấy vào thơ: “Xin tạ lỗi màu thăm thẳm thời gian/ để Hà Nội lặn vào đáy mắt/ dấu ngàn năm/ mưa như chưa hề dứt/ ta nửa ngày/ đi không hết Hồ Gươm!” (Xin tạ lỗi mùa thu Hà Nội).

   Nhà thơ đã có một nét nhìn mới về Đà Lạt, về những con dốc, về những làn hương, về bầu trời Đà Lạt, và cả một tình yêu từ thành phố cao nguyên này: “Đà Lạt dốc dài như một nụ hôn/ sớm Đà Lạt sương lam trùm kín mặt/ trời Đà Lạt sáng lên từ đôi mắt/ tình yêu bắt đầu như đóa hồng gai” (Mimosa Đà Lạt).

   Song bên cạnh những điều tươi đẹp, yên ả ấy, còn là những gian nan vất vả của những ngày bão về trên quê biển: “Biển/ duềnh con sóng bạc/ lốc rít giật từng cơn/ ghếch neo/ thuyền va vật/ cây ngả rạp ngang đường” (Đêm thức chờ bão lên).

   Tác giả Thái Anh cũng đã dành sự quan tâm của mình đến những nét đẹp văn hóa của quê hương. Bài thơ “Nhớ Tết” đã chứa đựng những gì tiêu biểu nhất của Tết Việt: Có tiếng pháo, có cốm, có hoa mai, có cây nêu, bánh chưng, mâm cỗ, áo mới, giờ phút giao thừa… Vẫn là truyền thống từ nhiều đời. Vẫn những cảm giác háo hức của những con người đón chờ những ngày đầu Xuân ấm áp nhất của quê nhà: “Giao Thừa về quanh bếp lửa/ tình thơm hơi ấm gia đình”.

   Ở một bài thơ khác, “Hoa nở Xuân có về?” thể hiện một sức sống mới, cỏ cây đâm chồi nảy lộc, cùng áo mới, hội đình, tiếng chiêng trống, có niềm vui trong đôi mắt trẻ thơ, trong lòng mọi người.

   Những ngẫm suy về cuộc đời và những người thân yêu

   Với thi tập “Hoa còn thơm trên tay”, nhà thơ cũng đã tỏ bày những ngẫm suy của mình về cuộc đời.

   Từ một tháng đặc biệt trong năm, tháng Hai, không có ngày thứ 30, Thái Anh có những nghĩ suy về sự thiếu công bằng trong cuộc đời này cùng liên tưởng về sự khác biệt của mình với những người xung quanh: “Không có ngày thứ 30/ (12 tháng có đến 7 tháng ngày 31)/ đời bất công ư?/ ngàn năm trước/ ngàn năm sau… /có khác?// Ừ thì, tạo sự khác biệt/ để chính mình!” (Viết cho ngày sinh nhật tháng Hai).

   Đến Fansipan, nóc nhà của Việt Nam, tác giả cũng suy ngẫm về cuộc đời của con người, những đau khổ mà con người phải gánh chịu nơi trần thế, dẫu có đi đâu, về đâu: “Vén mây lên viếng Cổng trời/ lên cao/ có thoát khổ đời trần gian?// Nửa ngày chỉ thấy sấm ran/ núi cao/ núi cũng gian nan/ lở bồi!” (Trên đỉnh Fansipan).

   Thêm một cảm nhận khác của nhà thơ, thiên nhiên, cây cỏ cũng có những nỗi niềm, thân phận, chứ không phải chỉ có con người nên nhà thơ mới đắm chìm trong những trằn trọc, băn khoăn: “Đâu chỉ mỗi mình ta/ đêm trằn trọc// Chiếc lá/ phơi sương/ cũng nỗi niềm…” (Thi sĩ).

   Giữa những giờ phút thưởng thức nét đẹp của hoa nở về đêm, tác giả cũng nhận ra những nỗi niềm nhân thế: “Trần ai/ ai khóc ai cười/ cuộc vui trần thế/ nửa/hơi rượu tràn” (Đêm Quỳnh hương).

   Tác giả Thái Anh cũng đã dành những tình thương yêu vô vàn của mình đối với mẹ. Mẹ chịu đựng vất vả, gieo neo để mang no ấm đến gia đình: “Bão lồng/ gió giật từng cơn// mẹ phơi giá lạnh/ lưng còng/ co ro// Nhặt về/ nhánh lá dương khô// mẹ/ nhen bếp lửa/ ấm no/ gia đình” (Mẹ). Rồi anh lại nhớ đến lời mẹ dạy ở những ngày xưa: “Chiều nay lại nhớ lời mẹ dạy/ con lần chuỗi hạt tạ tình thương” (Chuỗi hoa hồng tháng năm).

   Nhà thơ, sống giữa cộng đồng, luôn gặp những niềm vui, chạm những nỗi buồn, thấu hiểu sâu sắc về những gì diễn ra quanh mình. Giữa những điều ấy, tác giả Thái Anh đã có những cảm nhận về những ngày đại dịch Covid 19. Bởi,  từng có những tháng La Gi là một trong những tâm điểm của dịch bệnh. Tác giả,  từ trải nghiệm thực tế, đã viết những bài thơ: La Gi có một mùa thu, Tình yêu “Thời giãn cách”, La Gi bốn lăm ngày “Phong tỏa”, Tình ca tháng Mười Một, Thế nào anh cũng về, Trước đôi bờ sinh tử…

   Đó là những luyến lưu rất cảm động trong những ngày dịch bệnh: “Anh phải về anh nhé/ mẹ già trông mỗi anh/ con thơ còn bé dại/ một mình nhà trống trải/ em biết phải làm sao?” (Thế nào anh cũng về).

   Cùng đây nữa, những ngày liên tục test, những ngày dịch căng thẳng: “Bên đây,/ chờ test lại/ bên ấy dịch đang căng!// Ơ hờ một sợi dây giăng… //Lá/ bay/ từng chiếc…/ cuốn sang bên nào?” (Chiếc lá thu bay).

   Một vài nét riêng của thi tập

   Đọc “Hoa còn thơm trên tay” bạn đọc yêu thơ dễ nhận ra: Đến thăm những nơi, những cảnh sắc nổi tiếng, tác giả chỉ chọn những nét đặc sắc, riêng biệt nhất của nơi ấy, điều gợi những cảm xúc, những suy tư về đời người để ghi lại với số lượng ngôn từ không nhiều. Lời thơ trong những thi phẩm của Thái Anh chắt lọc, cô đọng, giàu cảm xúc.

   Tác giả đã sử dụng thể thơ 5 chữ để sáng tác đến 12 bài trong số 40 bài ở tập thơ lần này của anh. Những bài thơ 5 chữ ấy, gói ghém những hoài niệm của tác giả về quê hương, về những vùng đất anh đã qua, về thiên nhiên tạo vật, về những con người anh đã có dịp gặp, về cảnh cũ gợi nhớ người xưa… Có phải chăng, đây là một trong những nét riêng trong sáng tác của tác giả ở tập thơ này, góp phần tạo những nét đẹp trong những thi phẩm của nhà thơ?

   Tác giả Thái Anh đã sử dụng nhiều kiểu kết cấu cho các thi phẩm trong tập thơ lần này của anh: Kết cấu mở rộng không gian, kết cấu theo sự vận động của thời gian, kết cấu theo mạch suy tưởng, kết cấu theo mạch hồi tưởng…

   Có một điểm khá nổi bật trong việc trình bày một số bài thơ ở thi tập: Tác giả thường tách dòng ở những dòng thơ 5 chữ và lục bát. Điều ấy, tạo nên những nhịp điệu riêng biệt của từng khổ thơ. Như ở các bài thơ 5 chữ: “La Gi- Sông Dinh & tôi”, “Nguyệt quế”, Sen Tây hồ”, “Xuân thì”, “ Đêm thức chờ bão lên”, “ Hoa nở Xuân có về”; cùng những bài lục bát: “Mẹ”, “Thơ viết lúc không giờ”, “Trên đỉnh Fansipan”, “Suối Đó Chùa Đây”, “Hồi hương”, “Đêm Quỳnh hương”, “Chị”, “Cảm ơn tình yêu”…

   Lòng luôn hướng về quê hương, bao hương hoa gợi những kỷ niệm, cùng những suy tư về đời người, nhà thơ Thái Anh đã lưu lại những cảm xúc, những tâm trạng của lòng mình trên những trang thơ. “Hoa còn thơm trên tay”, tập thơ không dày lắm, vẫn ẩn sâu nơi đây những điều tâm đắc nhất tác giả muốn bày tỏ, sẻ chia cùng bạn đọc.