TÌM VỀ CÁC ĐỊA CHỈ ĐỎ CỦA ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ PHAN THIẾT

19/04/2022 00:00
323

DANH LƯ



Bia ghi nhớ các chiến sĩ cách mạng bị thảm sát năm Mậu Thân (1968) tại Phan Thiết

 

   Đi tìm nhân chứng sống

   Theo chân một cán bộ Ban tuyên giáo Thành ủy Phan Thiết, chúng tôi đi  qua cổng Đình làng phường Đức Nghĩa, lần theo con hẻm nhỏ vào sâu hơn 100 mét, dừng lại trước căn nhà số 37/28 đường Nguyễn Văn Cừ , khu phố 6, phường Đức Nghĩa, nơi đây là căn nhà cũ của ông Nguyễn Ngọc Lưu ( Mười Lưu) 95 tuổi đời, 75 tuổi Đảng. Nay ông đã chuyển về nơi ở mới, thôn Xuân Phú xã Phong Nẫm. Đến thăm ông cụ nhân dịp đầu Xuân mới Nhâm Dần với căn nhà hai tầng giáp hai mặt tiền đường thoáng mát và xinh xắn. Cụ Lưu hiện đang sống chung với hai vợ chồng người con gái lớn, họ cũng đã nghỉ hưu. 

   Mời chúng tôi uống chén trà, rồi bằng giọng trầm ấm của người từng xông pha trận mạc, ông kể: Trước năm 1945, ngoài nhà Cách mạng Sáu Tú (Nguyễn Gia Tú) và một số đảng viên Cộng sản lớp đầu tiên gồm: Đồng chí Dương Chước, Hồ Quang Cảnh ở các nơi khác về Phan Thiết hoạt động. Tiếp đến là các đồng chí  Nguyễn Ty, Phan Xích, Hồ Thị Quế… các nhóm cộng sản và cơ sở đầu tiên này như một đóm lửa hồng được nhen lên để phong trào Cách mạng địa phương bừng sáng.

   Nhận rõ Phan Thiết là trung tâm đầu não của tỉnh Bình Thuận nên Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Đảng bộ thị xã Phan Thiết và điều động đồng chí Hứa Tự Nhung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về làm Bí thư, đồng chí Thu Lâm (tức Trần Ngọc Trác), làm Phó Bí thư; đồng chí Tống Viết Khánh làm Thị ủy viên vào tháng 5/1947 đóng tại số nhà 04 Cống Quỳnh, phường Đức Nghĩa cho đến năm 1948. Tại đây một số đảng viên mới được kết nạp, trong đó có đồng chí Velagiamy (cha gốc Ấn Độ, mẹ người Việt Nam, người đã vận động gia đình lấy căn nhà này làm nơi hoạt động bí mật của Thị ủy Phan Thiết).Từ năm 1948 trở đi, bộ máy lãnh đạo của các cơ quan dân, quân, chính Đảng của thị xã Phan Thiết ra đời và lấy căn cứ Bưng Cò Ke – Ba Hòn làm chiến khu kháng chiến.

   Thăm nơi hành hình các chiến sỹ cách mạng

   Từ năm 1950 đến năm 1953, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Thị ủy, lực lượng vũ trang đã tổ chức các trận đánh vào đầu não của địch tại thị xã Phan Thiết. Tiêu biểu là trận đánh vào Căng Êsepic ngày 28/12/1951; Khách sạn Liên Thành ngày 6/4/1953; đồn Pascan ngày 8/8/1953… góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại thực dân Pháp.

   Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, thị xã Phan Thiết nằm dưới sự kiểm soát của chế độ Mỹ -Diệm. Thị ủy bấy giờ có 15 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Tế Nhị làm Bí thư và 4 Thị ủy viên là Nguyễn Ngọc Lưu, Nguyễn Mai Lý; Nguyễn Thuấn và Võ Khánh Tồn.Văn phòng Thị ủy có 4 người do đồng chí Mai Văn Hinh (Chín Hinh) phụ trách. Khi Luật 10/59 của chế độ Mỹ -Diệm ra đời, hoạt động của Đảng bộ Phan Thiết lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhiều cán bộ chủ chốt bị giết hại. Có thể nói đây là thời kỳ đen tối nhất trong phong trào cách mạng ở Phan Thiết. Rồi ông Nguyễn Ngọc Lưuhướng dẫn chúng tôi đi tìm lại các địa chỉ đỏ ở số 37 Nguyễn Văn Cừ; nơi hành hình các chiến sỹ Cách mạng ở Ngã Bảycạnh chợ Phan Thiết.

   Giải phóng Phan Thiết

   Đầu năm 1959, tiếp thu tinh thần Nghị quyết 15 (NQ/15) của Trung ương, Thị ủy mở hội nghị tại Láng Ma- Rốc (xã Tiến Lợi, nay thuộc xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam); tại đây thành lập đội vũ trang đầu tiên của thị xã thời kỳ chống Mỹ ra đời với 6 đội viên (tại căn cứ Gò Bối – Ba Hòn).

   Để chống trả cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, ngày 10/6/1965, tại ấp chiến lược Đất đỏ, đơn vị C480 thị xã Phan Thiết, thành lập lực lượng nòng cốt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Phan Thiết, quân và dân ta đã đánh 144 trận lớn, nhỏ loại khỏi vòng chiến đấu 5.873 tên địch, thu nhiều vũ khí, quân dụng. Thời kỳ này trên địa bàn thị xã Phan Thiết còn có các địa chỉ đỏ: Chợ Gò Phú Trinh; chân cầu Trần Hưng Đạo, nơi hy sinh của các chiến sỹ đơn vị C480 trong Tết Mậu Thân 1968.

   Sau thắng lợi của trận tập kích địch tại Đại Hòa (24/7/1974), Đại Nẫm (15/9/1974), Thị ủy đã chỉ đạo toàn quân, toàn dân thị xã PhanThiết nhất tề đứng lên làm cuộc tổng tấn công đánh vào tận sào huyệt của địch để nhanh chóng giải phóng thị xã. Ngày 16/4/1975, được tin thị xã Phan Rang – Tháp Chàm được giải phóng, 20 tiếng đồng hồ  sau (18/4/1975), đại quân ta tiến vào thị xã Phan Thiết, với 3 mũi tấn công, quân địch hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Tên đại tá Ngô Tấn Nghĩa, Tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận phải xuống sông Cà Ty lên thuyền con chạy tháo thân ra biển. Rạng sáng ngày 19/4/1975, thị xã Phan Thiết được giải phóng hoàn toàn.

   Phan Thiết sau ngày đất nước thống nhất

   Khi tiếp quản thị xã Phan Thiết, ngày 19/4/1975, toàn Đảng bộ thị xã có 70 đảng viên, hầu hết đều được trưởng thành qua các phong trào đấu tranh cách mạng trong nội thị; tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đây là lực lượng nòng cốt để hình thành nên 13 chi bộ Đảng, bao gồm 4 chi bộ cơ quan và 9 chi bộ phường, xã lúc đó.

   Từ năm 1976, thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ thị xã Phan Thiết đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung lãnh đạo khai thác các tiềm năng lợi thế để phát triển. Vì vậy kinh tế Phan Thiết đã đạt mức tăng trưởng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

   Tính đến thời điểm này, Đảng bộ thành phố Phan Thiết đã có trên 5.500 đảng viên đang sinh hoạt tại 52 tổ chức cơ sở đảngtrực thuộc, mỗi năm Đảng bộ phát triển trung bình 150 đảng viên mới, là lực lượng kế cận để xây dựng Đảng bộ thành phố Phan Thiết ngày càng trong sạch vững mạnh.

   Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân và dân Phan Thiết có 4 phường-xã, 3 đơn vị và 10 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Toàn thị xã có hơn 2.000 liệt sỹ, hàng ngàn thương, bệnh binh và 310 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 4.353 cá nhân và gia đình được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến. Trong những ngày gian khổ, ác liệt nhấtcũng như hiện nay, Đảng bộ Phan Thiết luôn ghi nhớ công ơn trời biển của các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thị ủy qua các thời kỳ đã anh dũng hy sinh, từ trần như: đồng chí Hứa Tự Nhung, Trần Ngọc Trác, Nguyễn Quý, Nguyễn Tu, Võ Khánh Tồn, Nguyễn Tế Nhị, Trần Soạn, Nguyễn Quý Đôn, Nguyễn Xuân Thắng, Lương Bá Hải, Hoàng Minh.

   Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Phan Thiết và 47 năm ngày giải phóng quê hương Phan Thiết - Bình Thuận.Đảng bộ thành phố Phan Thiết có chủ trương tôn tạo một số địa chỉ đỏ, bia chiến tích, bia căm thù…trên địa bàn, trong đó có bia địa chỉ đỏ “Cơ quan Thị ủy trong kháng chiến” tại Bưng Cò Ke – Núi Ba Hòn, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Phan Thiết hôm nay và mai sau.