Bộ sưu tập đèn măng - xông độc, lạ của anh Thuận

23/01/2024 00:00
201

NGUYÊN VŨ


Hàng trăm chiếc đèn măng – xông treo ở phòng khách nhà anh Thuận

 

Xuất thân từ xóm biển Bình Hưng (Tp.Phan Thiết) và gắn bó với công việc sửa chữa những chiếc đèn phục vụ nghề câu mực, cộng thêm niềm đam mê sưu tầm đồ cổ, anh Nguyễn Thuận (55 tuổi) hiện đang sở hữu một bộ sưu tập rất độc và lạ: bộ sưu tập đèn măng - xông.

   Chiếc đèn gắn với nghề biển

   Hầu hết người dân làm biển ở thành phố Phan Thiết nói riêng, các địa phương có nghề biển ở Bình Thuận nói chung đều rất quen thuộc với đèn măng - xông (manchon). Ngày trước, khi đèn điện chưa có, ngư dân chủ yếu dùng đèn măng-xông để chong đèn đánh bắt hải sản, trong đó phổ biến nhất là dùng trong nghề mành chà và câu mực. Theo anh Thuận, dù thời điểm đó một chiếc đèn có giá bằng mấy chỉ vàng nhưng ghe nào cũng có vài chiếc khi đi biển vì giúp ích rất nhiều trong công việc. Đó là chưa kể sau những chuyến biển, đèn còn phục vụ chiếu sáng nhà cửa, hàng quán, thôn xóm.

   Đèn măng - xông có tuổi đời đã hơn trăm năm và chủ yếu phục vụ cho ngành hàng hải. Với ưu điểm hoạt động theo nguyên lý bốc hơi nhiên liệu (dầu hỏa, hơi ga) phát sáng mạnh hơn 6 lần so với các loại đèn dầu khác nên được dùng thắp sáng trên tàu, phao tiêu, thậm chí hải đăng. Từ các quốc gia sử dụng phổ biến ở phương Tây, đèn măng-xông du nhập vào Việt Nam khoảng 70 năm trước. Rất nhanh chóng, người Việt tiếp nhận ngay vì sự tiện lợi, ánh sáng mạnh và ít hao nhiên liệu hơn để thắp sáng trong sinh hoạt và nhất là phục vụ... nghề biển của ngư dân.

   Anh Thuận kể, lúc nhỏ anh có tính hiếu động và rất ham học hỏi. Hàng ngày, để ý thấy nhà bên cạnh có người thợ lớn tuổi làm nghề sửa chữa đèn măng - xông lúc nào cũng tất bật với công việc, có khi đến tối vẫn có người đem đèn đến sửa. Đến một ngày, khi gia đình có mấy chiếc đèn cần sửa gấp mà người thợ bên cạnh còn nhiều việc, anh quyết định sang hàng xóm xin học nghề với mong muốn phụ giúp công việc cho thầy và có thể giúp gia đình sửa đèn. Từ học nghề, làm nghề anh dần mê luôn chiếc đèn có nhiều điều thú vị từ tên gọi “tây”, hình dáng lạ mắt cho đến các chi tiết, phụ tùng dùng để thay mới...

   Theo thời gian, anh Thuận thành thợ sửa đèn măng - xông có tay nghề và hiếm hoi ở thành phố Phan Thiết. Rồi khi đèn măng - xông được các ngư dân dần dần thay thế bằng đèn điện để khai thác hải sản... thì các cửa hàng kinh doanh đèn măng - xông và linh kiện thay thế ở các làng biển cũng như trên địa bàn Phan Thiết ngừng mua bán mặt hàng này. Để có phụ tùng phục vụ công việc cũng như thỏa niềm vui, anh Thuận mua lại hầu hết đèn măng - xông, phụ tùng và linh kiện tại các cửa hàng đó. Anh Thuận cho biết thêm: “Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, đèn măng - xông đã thực sự trở thành quá khứ. Nghề sửa đèn của tôi cũng tạm gác lại, tôi chuyển sang làm cà phê. Niềm vui công việc một thời của tôi giờ là những chiếc đèn cũ trưng bày trong nhà cùng mấy tủ đựng thiết bị và linh kiện đèn măng - xông”.

   Khoảng năm 2019, trong một lần ghé tham quan hội chợ thương mại ở Phan Thiết, nhìn thấy một gian hàng trưng bày đèn măng - xông của Trung Quốc, anh Thuận tỏ ra rất vui như bắt gặp lại... người bạn tri kỷ. Từ câu chuyện của người bán hàng, đèn măng-xông bây giờ có nhiều biến tấu hơn, chủ yếu để trang trí trong kinh doanh dịch vụ và phục vụ thú chơi đồ cổ... niềm đam mê trong anh chợt ùa về và anh Thuận nghĩ ngay về bộ sưu tập đèn măng-xông của riêng mình. 

   Bộ sưu tập của niềm vui

   Với công việc hàng ngày là “bỏ mối” cà phê khắp các xóm biển từ Phan Thiết đến Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, La Gi, Hàm Tân, anh Thuận thỉnh thoảng có nhìn thấy những chiếc đèn măng - xông cũ được các gia đình làm nghề biển cất giữ. Nghĩ là làm ngay. Mỗi ngày, sau khi giao cà phê xong, anh liền đi hỏi mua đèn măng - xông cũ của ngư dân. Anh Thuận tỏ ra rất vui khi cho biết: “Rất may là mọi người đều đồng ý bán sau khi tỏ ra rất ngạc nhiên khi tôi hỏi mua mấy chiếc đèn cũ. Tùy cũ, mới và nước sản xuất mà tôi mua từ 300 - 600 ngàn đồng mỗi chiếc”.

   Càng sưu tập, anh càng mê. Ngoài thời gian cho việc mưu sinh anh đều dành công sức và cả tiền bạc cho niềm đam mê của mình. Có ngày, tiền bán mấy chục ký cà phê và tiền “thu nợ” khách hàng anh Thuận đều trả hết cho những chiếc đèn cũ kỹ. Một lần, sau một ngày giao cà phê đến tối mịt anh mới về. Cả ngày không liên lạc được nên vợ con anh rất mừng khi thấy anh về, nhưng rồi lo lắng ngay khi anh chở lỉnh kỉnh mấy chục chiếc đèn măng-xông trên xe máy. Rồi để thỏa niềm đam mê, anh Thuận còn dò hỏi người thân, bạn bè thông tin về đèn măng - xông cũ. Thế là, từ biển anh ngược lên miền quê Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam để “săn” cho được những chiếc đèn của một thời... không có điện đang được cất giữ. Cũng có khi, qua mách bảo, anh tìm đến các vựa ve chai hỏi mua bằng bất cứ giá nào những chiếc đèn đã bỏ đi. Và kết quả của những chuyến sưu tầm đó, bộ sưu tập độc, lạ của anh Thuận đã có lúc gần 1.500 chiếc.     

   Theo hướng dẫn của anh Thuận, từ đường Cao Thắng, tôi rẽ vào con hẻm nhỏ số 2, (khu phố 4, phường Bình Hưng), đi thêm khoảng 100 mét là đến nhà anh. Hơn cả sự tưởng tượng của tôi về những chiếc đèn cũ từng nghe anh kể, tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên về bộ sưu tập đèn măng - xông khi bước vào nhà anh Thuận. Đó là ngôi nhà một trệt, một lầu với phòng khách diện tích khoảng 40m2 có hàng trăm chiếc đèn măng - xông treo, trưng bày ở những vị trí dễ nhìn thấy nhất. Anh Thuận khéo léo sắp đặt bộ sưu tập theo từng quốc gia sản xuất (Đức, Thụy Điển, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam) và theo “niên đại” của đèn để dễ tham quan. Anh rất vui khi giới thiệu cho tôi những chiếc đèn cũ gần 100 tuổi, những thương hiệu đèn nổi tiếng một thời như Aida (Đức), Petromax (Đức) Coleman (Mỹ), Radius (Thụy Điển)… qua hình ảnh logo chạm khắc trên chân đèn còn rõ nét. Hiện anh còn đang sưu tầm những chiếc bếp dầu “mini”, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng của Thụy Điển, Đức, Mỹ… Theo lời anh Thuận, những bếp dầu này như là “tiền thân” của những chiếc bếp ga du lịch nhỏ gọn và tiện lợi ngày nay. 

   Đèn măng - xông chủ yếu làm bằng đồng hoặc sắt và được mạ một lớp ni-ken hoặc crôm bên ngoài để tăng độ bền sử dụng. Đèn cũ sau khi mua về sẽ được anh Thuận cẩn thận lau chùi và đánh bóng cho mới, rồi tỉ mỉ hàn lại những bình đựng dầu (cũng là phần chân đèn) bể, nứt, chỉnh sửa khung đèn, chụp đèn, máng đèn bị cong, vênh và thay mới những bộ phận hư hỏng (bóng đèn, tim đèn, bét dầu, bơm dầu, nắp dầu...). Nhờ vậy, tất cả đèn măng - xông trong bộ sưu tập của anh đều có thể thắp sáng được. Anh Thuận “bật mí” thêm: “Do đang sở hữu nhiều thiết bị, phụ tùng thay thế nên không chỉ sửa chữa và làm mới cho bộ sưu tập của mình mà tôi còn là người thợ duy nhất ở Phan Thiết có thể sửa và thay mới tất cả đèn măng - xông cho mọi người có nhu cầu”.

   Tra cứu trên mạng được biết, hiện ở Bình Thuận cũng như một số tỉnh, thành khác cũng có vài người, hội, nhóm cùng thú vui sưu tập như anh Thuận. Chia sẻ thông tin này với anh, anh Thuận vui vẻ cho biết: “Đúng rồi. Tôi vẫn thường xuyên trao đổi với những người cùng sở thích để mua bán, trao đổi, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm về sưu tập đèn măng - xông”. Theo lời anh Thuận, thời gian gần đây, có nhiều người “hoài cổ” thỉnh thoảng liên lạc với anh để hỏi mua đèn dầu cổ để sưu tập, để trang trí nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, resort.. . Hiện anh Thuận cũng thường xuyên trao đổi và bán đèn măng - xông qua mạng cho một số người có nhu cầu ở Bình Thuận và một số tỉnh, thành bạn. Ngoài ra, với mong muốn chia sẻ niềm vui cho nhiều người, vào dịp Tết cổ truyền, anh Thuận còn chọn một số đèn đẹp đem ra trưng bày tại chợ Tết Phan Thiết để phục vụ nhu cầu sưu tầm và tìm hiểu về đèn măng - xông của người dân và du khách.

   Chia tay anh, anh Thuận ngỏ lời mời tôi dịp Tết Giáp Thìn năm nay nhớ đến tham quan điểm trưng bày đèn măng - xông của anh ở chợ Tết Phan Thiết (khu vực đường Cao Thắng). Không chỉ được khám phá những chiếc đèn măng-xông độc đáo, ngắm nhìn ánh sáng lung linh đặc trưng của những chiếc đèn dầu cổ, mà có thể còn được nghe anh Thuận kể nhiều câu chuyện thú vị về những chiếc đèn dầu một thời gắn bó với nghề biển Phan Thiết. Tôi vui vẻ gật đầu: “Cám ơn anh! Chắc chắn tôi sẽ đến. Hẹn gặp anh ở chợ Tết Giáp Thìn Phan Thiết nhé!”.