Mặc áo mưa cho cây nho

23/01/2024 00:00
181

NGUYỄN PHƯƠNG


Nhà kính phủ kín vườn nho ngăn nước mưa và các loại côn trùng. 

Tôi không phải là một chuyên gia về nông nghiệp nhưng công việc của tôi lại luôn gắn liền với nghề nông và những người nông dân. Chính vì lẽ đó mà tôi thích tìm hiểu về các loại cây trồng mà tôi có trách nhiệm phải phục vụ hàng ngày. Ngoài sự tò mò, tôi còn muốn biết loại cây gì có thể làm cho người nông dân làm giàu được bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Biết là để mừng cho họ và biết đâu mình cũng học được cách làm giàu từ họ.

   Tuy Phong vốn là một nơi mà những người phương xa nghe đến tên thường lắc đầu lè lưỡi vì sự khắc nghiệt của thời tiết. Nhiều nắng gió và ít mưa nhất cả nước, Tuy Phong giống như một ốc đảo bán sa mạc biệt lập giữa mênh mông của xứ sở nhiệt đới gió mùa.

   Ấy vậy mà từ hàng ngàn năm nay, người Chăm và sau đó là cả người Việt vẫn làm ăn sinh sống ở nơi này. Nông nghiệp vẫn là nghề nghiệp chính của họ từ xưa cho đến tận bây giờ.

   Chủ trương xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Nhà nước và được tiến hành thực hiện trên cả nước từ nhiều năm qua. Tuy Phong cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung ấy. Có rất nhiều tiêu chí đã được đề ra nhằm giúp cho bộ mặt nông thôn Việt Nam ngày càng thay đổi, phát triển cả về cơ sở hạ tầng cũng như đời sống kinh tế nông dân.

   Có một tiêu chí rất cơ bản mà nhà nước và những người nông dân đều luôn mong muốn là cố gắng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân. Chỉ có như vậy thì phong trào xây dựng nông thôn mới mới có thể phát triển lâu dài và bền vững được.

   Với người nông dân, để làm được điều này, tất cả chỉ tóm gọn trong một câu rất ngắn gọn: Cần phải trồng cây gì hoặc nuôi con gì để có thể mang lại lợi nhuận cao nhất. Vấn đề đặt ra tuy chỉ đơn giản như vậy nhưng để trả lời cho đúng thì lại không dễ chút nào. Tuy nhiên, đó lại là giải pháp duy nhất nếu người nông dân muốn thay đổi cuộc sống của mình. 

   Thực ra, vấn đề này không có gì mới. Có điều nói thì dễ nhưng thực hiện được thì lại rất khó. Nó đã từng được đặt ra cho nông thôn Việt Nam từ khi kinh tế nông nghiệp cả nước còn ở đang trong thời kỳ bao cấp. Hồi đó, những chủ trương như vậy thường bị áp đặt từ trên xuống và nhiều nơi đã bị thất bại nặng nề bởi sự quan liêu xa rời thực tế, sự lãng phí, tham nhũng và rất nhiều lý do khác. 

   Từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, người nông dân bắt đầu được quyền  lựa chọn giống cây trồng vật nuôi thích hợp theo điều kiện và khả năng của mình. Tất nhiên mọi thứ phải phù hợp với quy hoạch chung của địa phương. Nhu cầu phát triển đòi hỏi người nông dân trở nên năng động hơn. Cơ chế thị trường buộc họ phải tự mình tìm kiếm hướng đi phù hợp, tự làm và tự chịu trách nhiệm cho sản phẩm của mình làm ra. Dĩ nhiên, họ sẽ được hưởng những thành quả do công sức của mình làm ra.

   Từ những năm 1990, nông nghiệp ở Tuy Phong bắt đầu có sự thay đổi. Một số người không còn canh tác các loại cây trồng truyền thống của địa phương mà chuyển sang trồng thêm một loại cây mới. Đó là cây nho. Họ chọn cây nho bởi vì nó được trồng nhiều năm ở vùng Ninh Thuận lân cận. So với các cây trồng địa phương, cây nho lúc đó cho thu nhập cao hơn nhiều.

   Thời gian đầu, họ chuyển một ít đất rẫy, đất vườn để trồng nho. Có thể lúc đó do diện tích nho mới trồng không nhiều, lại được chăm sóc cẩn thận và nhất là gặp được nhiều điều kiện thuận lợi nên những đợt thu hoạch lứa nho đầu tiên đem lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với việc trồng lúa hoặc hoa màu. Những người nông dân nghèo thời điểm ấy chỉ cần làm vài sào nho thì đã có thể có tiền tích lũy đủ để sửa chữa nhà cửa, mua xe gắn máy. Thời đó được như vậy là nhất rồi. 

   Diện tích cây nho dần dần lan rộng. Người ta đưa nho xuống cả ruộng lúa. Có người đầu tư trồng đến vài ba héc ta. Khi diện tích nho nhiều lên thì những mặt trái của nó cũng bắt đầu xuất hiện.

   Cây nho được người Pháp mang từ châu Âu sang và chỉ trồng được một số nơi ở Ninh Thuận. Đó là một loài cây cần phải có nhiều sự đầu tư chăm sóc nhưng lại rất khó chiều chuộng. Giống như một cô tiểu thư đài cát, mỏng manh yếu đuối, cây nho cần nước nhưng lại rất kỵ với mưa và độ ẩm cao. Mỗi lần trời có mưa là mỗi lần người trồng nho Tuy Phong lại phải vất vả. Nhất là vào những thời điểm cây nho ra hoa và khi trái nho chuẩn bị thu hoạch thì vấn đề thời tiết lại càng quan trọng. Lúc ấy mà trời chỉ cần có một trận mưa hơi lớn một chút  thì lứa nho ấy coi như bị hỏng toàn bộ. Công sức tiền bạc đầu tư cho cả một vụ nho lần đó bị mất trắng. Vài lần mất trắng như vậy khiến một người nông dân khá giả cũng có thể bị sạt nghiệp.

   Mà đặc tính của cây nho cũng thật là lạ. Đã làm là phải làm gối vụ, nghĩa là dứt vụ nho này thì phải lo tỉa cành bón phân để chuyển sang vụ nho tiếp theo chứ không được nghỉ. Nếu không được chăm sóc liên tục thì cây nho sẽ bị hỏng ngay. Bởi vậy cho nên dù là mùa nắng hay mùa mưa thì nông dân trồng nho cũng vẫn phải làm, có hư hao thì vẫn phải cố gồng mình gánh chịu. Chính vì nguyên do như vậy mà nhiều người trồng nho chuyên canh nhiều khi đành phải ngậm ngùi phá bỏ giàn nho để chuyển sang trồng loài cây khác.

   Phải chăng chính vì nguyên do sợ mưa, sợ độ ẩm của cây nho mà vùng trồng nho ở Việt Nam lâu nay chỉ bó hẹp trong phạm vi vài nơi của tỉnh Ninh Thuận. Ngay cả ở một nơi khô hạn và ít mưa như Tuy Phong mà việc trồng nho còn gặp  khó khăn như vậy thì ở Việt Nam chắc có lẽ chẳng có nơi nào trồng được loại cây này. Trong điều kiện canh tác trước đây, cây nho ở Tuy Phong cũng chỉ tồn tại với quy mô nhỏ lẻ chứ không thể  phát triển nhiều.

   Sau cây nho, nông dân Tuy Phong lại tìm đến cây thanh long. Tuy là nơi đi sau các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình nhưng cây thanh long lại hết sức thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở nơi đây. Diện tích thanh long tăng nhanh theo tốc độ phi mã. Nhiều vùng đất cát hoang hóa ở Tuy Phong cũng nhanh chóng trở thành ruộng trồng thanh long. Diện tích và sản lượng thanh long tăng nhanh góp phần đưa  Bình Thuận trở thành thủ đô thanh long của cả nước.

   Nhưng chuyện làm ăn vốn là vậy. Trái thanh long được giá, người trồng thanh long có thu nhập cao. Nhiều người trở nên giàu có. Thanh long là loài cây khá dễ trồng. Vậy nên các nơi cũng đổ xô làm theo. Không chỉ ở Tiền Giang, Long An có diện tích thanh long được trồng với quy mô lớn. Cây thanh long còn  hiện diện cả ở vùng đồi núi heo hút tận ngoài Cao Bằng...

   Ở tầm quốc tế thì nghe nói người Trung Quốc vốn là khách hàng chủ lực của thanh long  Việt Nam đã trồng được thanh long ở Hải Nam. Họ còn trồng cả trong nhà kính ở vùng Vân Nam, Quý Châu. Thực hư như thế nào thì không rõ nhưng sự thất thường giá cả thanh long ở Việt Nam đã diễn ra liên tục suốt mấy năm nay. Thêm một lần nữa, một loài cây có thể giúp cho nông dân Tuy Phong đổi đời lại bị mất đi giá trị. Người ta bắt đầu nhổ bỏ trụ thanh long để lại đi tìm một loại cây trồng khác tốt hơn.

   Vậy đó, hai loại cây trồng có thể giúp người nông dân Tuy Phong đổi đời rốt cuộc đã không thể phát triển. Nhiều người quay trở lại trồng lúa. Một số hộ lại chuyển sang trồng táo. Chỉ có điều, trong nghề nông, thứ cây gì mà ai cũng có thể làm được thì sẽ có ngày lại sinh ra nạn được mùa mất giá rất phổ biến trong thời điểm hiện nay.

   Vừa rồi, tôi có dịp tham gia cùng với đoàn văn nghệ sĩ Bình Thuận  về Tuy Phong tìm hiểu về công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Lâu quá rồi tôi mới lại được đi xuyên qua những cánh đồng, những vườn rẫy xanh tươi của cánh đồng Tuy Tịnh. Từ đằng xa, tôi chợt nhìn thấy nhiều mảng màu trắng là lạ xuất hiện ngay giữa những ruộng lúa đang thì con gái.

   Tôi đến gần hơn và nhận ra đó là những khung nhà kính phủ kín những ruộng nho mới trồng. Dọc theo những mái che bằng nhựa trong suốt là những máng nước nhỏ dùng để hứng nước mưa còn chung quanh ruộng thì có hệ thống rãnh thoát nước  để chống ngập úng. Tôi chợt như bừng tỉnh.  RUỘNG NHO  + NHÀ KÍNH, một sự kết hợp thật quá ư tuyệt vời. Tại sao từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này nhỉ?

   Thật ra thì ngày xưa tôi đã từng nghĩ đến điều này khi chứng kiến những vườn nho trái chín nặng trĩu giàn chỉ sau một đêm mưa đã biến thành một thứ phế thải mà có đem cho cũng không ai thèm lấy. Nhìn những trái nho bị ngậm nước trương nở, bị tét ra làm hai, làm ba và những giọt nước mắt chảy ròng ròng trên gò má xạm đen vì uất nghẹn, vì tiếc nuối của người bạn nông dân, tôi ước gì mỗi người trồng nho khi ấy có được một tấm ni lông thật lớn. Mỗi khi có mưa, họ chỉ cần đem nó ra phủ trên giàn  để cây nho không còn bị ướt, lá nho sẽ không còn bị nhiễm nấm, hoa nho sẽ không còn bị rụng và những trái nho sẽ còn được tươi nguyên.

   Hồi đó, khi tôi nói điều này ra, ai cũng cười và nhìn tôi ái ngại. Làm gì có tấm áo mưa nào đủ sức che chắn hết cả ruộng nho hàng nghìn mét vuông? Mà quả thật, mơ ước của tôi lúc ấy thật là xa vời.

   Bây giờ thì cái tấm áo che mưa cho cây nho ấy đã hiện ra trước mắt tôi. Mọi thứ đều thật hoàn hảo. Tất cả đều vượt ngoài cả mọi sự mong đợi. Chỉ còn một vấn đề đặt ra cho người trồng nho hiện nay là họ có dám bỏ tiền để đầu tư hay không mà thôi. 

   Tại sao lại không kia chứ? Trước đây người trồng nho đã từng phải lên bờ xuống ruộng, thất điên bát đảo vì những trận mưa quái ác và bất ngờ thì ngày nay họ đã không còn phải hồi hộp lo lắng mỗi khi nhìn thấy mây đen kéo về. Không chỉ vậy, căn nhà kính kia còn giúp cho người trồng nho giảm được lượng nước tưới, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lại còn ngăn không cho dơi và chim phá hoại khi trái nho chín tới. Chỉ riêng việc giảm thiểu tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật đã có thể giúp trái nho Việt Nam hiện diện nhiều hơn trong các siêu thị từ Nam ra Bắc và đàng hoàng gia nhập vào thị trường xuất khẩu nông sản Việt.

   Tự nhiên tôi cảm thấy mừng cho người trồng nho Tuy Phong đã tìm ra được một giải pháp hoàn hảo, cùng một lúc mà có thể giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn trước đây. Cây nho vốn là loài cây có giá trị kinh tế cao. Ngày nay  nông dân địa phương đã canh tác được rất nhiều giống nho khác nhau để cung cấp cho thị trường, kể cả các giống nho trái trước đây phải nhập từ nước ngoài về.

   Cây nho lại là loài cây không cần tuân thủ theo mùa vụ như ở xứ ôn đới hay là các loài cây nhiệt đới khác. Cứ cắt cành, bón phân cho cây đúng kỹ thuật thì đến kỳ nó sẽ cho ta trái ngọt. Bởi vậy nó sẽ tránh được cái cảnh no dồn đói góp như các thứ cây ăn quả khác. 

   Một ưu thế của người trồng nho nơi đây là cây nho chỉ có thể canh tác được ở những nơi có thời tiết giống như Tuy Phong. Đó là một lợi thế cạnh tranh mà tự nhiên mang lại không dễ gì có được. Nói một câu thật lòng, ở những nơi mà có lượng mưa hơi nhiều một chút, hơi dai một chút thì xin đừng nghĩ đến việc trồng nho. Chỉ riêng việc độ ẩm cao trong không khí đã làm cho cây nho không thể phát triển nổi.

   Điều đó có nghĩa là diện tích trồng nho ở Việt Nam sẽ không nhiều. Sản lượng cây nho vì vậy cũng sẽ có giới hạn. Cho dù cây nho có được trồng nhiều ở Tuy Phong và Ninh Thuận thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của cả nước chứ chưa nói đến xuất khẩu. Hơn nữa, trái nho còn có thể chế biến thành rượu nho, mật nho và nho khô nên không cần lo lắng nhiều lắm về vấn đề  đầu ra.

   Ngày nay, trên thế giới và ngay ở Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra chương trình OCOP quốc gia áp dụng cho các vùng dân cư ở nông thôn và miền núi. Một trong những nội dung chính của chương trình là mỗi nơi, mỗi vùng nên tạo ra một sản phẩm độc đáo riêng của mình để đa dạng hóa và đảm bảo được giá trị các loại sản phẩm làm ra nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

   Hy vọng rằng trong một tương lai gần, trái nho và các sản phẩm của nó sẽ trở thành một sản phẩm đặc trưng của vùng đất Tuy Phong.      

Đầu Xuân 2024