Lao xao mùa hoa tết

23/01/2024 00:00
165

TRẦN THÚY


Vườn mai Trường Vũ có giá hàng chục tỷ đồng ở Đức Linh

 

Những ngày cuối năm Quý Mão, ngoài trời có chút heo may gợi người ta nhớ về kỉ niệm. Như hẹn, bạn lại tìm về thăm làng mai như năm trước. Một nhóm chơi mai tề tựu.

- Kinh tế khó khăn, đất đai nhiều anh sụp. Người lao động thiếu việc làm. Tết nay sức mua e cũng kém. Hân Vẻ nói.

   - Có liên quan gì đến chuyện mai vàng mà ông rên dữ vậy. Để uống cà phê cho ngon. Long mập lên tiếng.

   - Sao không liên quan, nhân có bác Cường từ trỏng về nói cho bác hiểu luôn. Mai rớt giá bác ạ.

   Ông Cường nghe, ngồi thẳng lưng hỏi:

   - Sao? 

   - Bác nhớ cây mai ông Hiệu Võ Xu năm ngoái kêu cả tỷ, năm nay kẹt tiền gọi bán 600 triệu. May mà có người mua…

   Xôn xao giá cả mai vàng làm mọi người nhớ năm ngoái cây mai của anh Đặng Văn Dũng ở Sùng Nhơn 6 tỷ không bán, anh chở vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia hội chợ hoa xuân. Luôn đà, nhiều người bàn tán về cây mai thôn 5 Đức Tín 3,2 tỷ của anh Quí. Vui nhất là ngày đào cây dân chúng tò mò đến xem như hội. Hôm đó người xem phục lăn về sự điệu nghệ của nhóm thợ đào từ Hóc Môn về. Vậy mà rồi cũng không biết quay tới quay lui thế nào cây mai gần đó bị gãy cành. Người mua và gia chủ bàn bạc đập tay tính giá 600 triệu. Ok luôn. Dân gian lắm điều còn cho người mua cố ý làm gãy để mua cây. Nhưng người bán thì nghĩ như thế cũng hợp tình người. Cũng có người băn khoăn vì mai lão Đức Linh nhẹ nhàng ra đi trong sự nuối tiếc của dân bản xứ. Ngặt nỗi nghèo tiền nên đành thua thiệt…

   Năm ngoái, khoảng ngày 10 âm lịch mai Bình Định, mai miền Tây, mai Hóc Môn, Củ Chi xe chở về ào ạt. Những điểm bán mai vàng là nơi tụ tập nhiều người nhất. Ở những điểm đó đã tạo nên nét đẹp của chợ xuân, của không khí mùa xuân. Nhiều người rộn ràng bàn về nụ, bông, dáng, thế rồi nêu ra giá mua, giá bán.

   Ở Đức Linh nhà nào cũng có mai trồng trước sân, hoa nở đẹp, nhưng ai cũng muốn mua mai chậu để trang trí trong nhà vì mai được xem là loại cây phong thủy, đem lại nhiều may mắn cho gia chủ, nó còn là thứ cây, thứ hoa thân thiết của dân lao động Đức Linh vài chục năm nay. Do vậy, Đức Linh thành thị trường mai của nhiều nơi đưa về nhất là mai vàng Bình Định. Vì loại mai này được uốn theo thế Long Giáng uyển chuyển. Khác với mai vàng phía Nam chơi cây trực thường chú trọng về tán, đẹp vì nhiều hoa, hoa vàng rực, nhiều cánh và cánh khép, to. Đổi lại mai lão (loại mai lớn) ở Đức Linh lại được mang đi nhiều nơi khác, có mặt nhiều hội chợ lớn. Hàng chục năm trước mai vàng có hàng rừng. Đến mùa tết người ta chỉ chặt cành đem về hui gốc bỏ thêm vài viên aspirin, cắm vào bình là chơi tròn mùa tết. Vì yêu loài hoa này người dân Đức Linh mang hoa về trồng. Nhà nào cũng trồng vài ba cây trước sân nhà và ở góc vườn. Vì thế mà lâu ngày nhiều cây mai lớn. Từ đó một giống mai thuần chủng Đức Linh hình thành, phát triển. Đức Linh thành một địa chỉ mai được xếp hạng trong bản đồ mai vàng của dân chơi sành điệu. Đến dịp tết mai rực vàng cả đường thôn, vàng cả một vùng. 

   Hơn hai lăm năm trở lại đây mai lớn được giá, dân chơi hô giá đến bất ngờ. Cây mai thành tài sản khủng. Người săn mai tìm về ra giá ngất ngưởng. Cây mai lên hương. Nhiều người bắt đầu nghĩ đến chuyện trồng và kinh doanh. Mai có giá thì lại sinh ra mai tặc. Nhà có cây lớn buộc phải quan tâm hơn. Nhiều cây được rào chắn, ràng xích cẩn thận. Thế mà lắm đêm có người giật mình thức giấc cứ tưởng mai bị trộm gọi cả nhà dậy. Kẻ trộm cũng rất lắm chiêu trò…

   Đã có nhiều chuyện khóc cười vì mai. Chuyện hai mươi mấy năm trước có một gia đình, ông bố chia đất cho con. Sát ranh giữa hai phần đất, lấn bên đất người anh có cây mai lớn. Người em nói anh bán lại cho mình. Giá tượng trưng cho vui vì ngày ấy mai chưa là gì cả. Nhiều năm cây mai vẫn nằm đó. Tết đến hoa vàng rực cả hai nhà. Lần lữa thời gian qua cũng hai chục năm anh em nhà họ bắt đầu bước sang tuổi lão. Cây mai vẫn khoe sắc vàng dịp tết. Hai gia đình lấy thế làm vui. Bất ngờ một ngày nọ có người xa đến định giá cây mai 900 triệu đồng (năm 2005 tương đương tám chục cây vàng). Một gia tài lớn. Thế rồi nghe đâu đã có một cuộc điều đình chưa thiện chí giữa hai nhà. Anh em thì dễ nhưng các bà vợ thì kiên quyết lắm. Bên mua quyết là của mình. Bên đã bán thì nói mấy chục năm nằm trên đất tôi, phải chia đều năm năm (5/5) mới phải lẽ. Ồn ào một thời gian rồi cũng ổn vì hai người đàn ông can đảm quyết. Vì xem như lộc ông bà để lại cho. Họ bán. Ngày người ta đào đưa mai đi mà tiếc. Có lẽ kể từ dạo đó dân Đức Linh chính thức quí mai vì cây có giá và cũng từ đó xuất hiện một lớp người chơi mai, sành về mai. Nhiều nhà vườn xuất hiện. Nhiều điểm bán cây kiểng đã có mặt cây mai. Bạn bè nhiều nơi hội về. Cây mai trở thành nguyên cơ của các mối “bang giao” tứ xứ. Đó cũng là một nét văn hóa đẹp mang bản sắc Đức Linh của đất Bình Thuận.

   Cây mai thành niềm vui, niềm tự hào của những nhà có cây mai đẹp. Thỉnh thoảng bạn ghé chơi ngồi cà phê, ngắm mai bình phẩm từ lá, tán, cành, thân rồi quay qua dáng thế. Đặc biệt là bộ rễ, xuýt xoa luận bàn và nói nhiều chuyện đẹp của tương lai.

   Cây mai với nhiều người chơi trở thành máu thịt. Tình cảm với cây mai đã truyền sang cả giới trẻ. Ngày ấy, trước sân nhà anh Lưu Trọng Kim ( Đức Chính, Đức Linh) có cây mai thế đẹp. Người săn mai tìm đến sau những thăm dò họ ra giá 7 triệu đồng (năm 1999). Đứa con trai đang học lớp 12 không chịu bán. Ngày hôm sau khi nó đi học người cha gọi người.  Anh Kim thú thật nhà đang kẹt tiền và cũng không nghĩ cây mai có giá cao như thế. Trưa về đứng bên cái hố cây bị đào thằng bé khóc tức tưởi. Hai vợ chồng anh động viên con mãi mới nguôi ngoai. Ở gần nhà nên tôi chứng kiến cảnh ấy, xúc động, ấm ức tôi viết bài thơ Nẻo xuân trong đó có mấy câu: 

   “ …Chiều 30 thằng bé bên gốc cây mới đào
   Rưng rưng mắt đỏ.
   Hỏi:
   - Mai vàng đâu? Mai vàng còn đâu!
   Sáng mồng một
   Nhà bên còn sót một cành mai
   Nở nụ hoa vàng.
   Ngọn gió bay ngang
   Lao xao gọi tết.
   Đôi én tìm về…lạc mất nẻo đường xuân’’.

   Nhạc sĩ Trung Kim đã phổ nhạc. Bài hát được lưu truyền rộng rãi một dạo. Anh Tuấn Thanh (em ca sĩ Tuấn Vũ) thích bài hát và đặt tên bài hát là Tình mai, vì anh cũng là một trong những người chơi mai có hạng ở Đức Linh… 

   Còn năm nay thì sao! Thị trường mai im ắng. Đã vào tháng chạp mà  chưa động tĩnh. Nhà vườn Trường Vũ một trong số những nhà vườn chuyên mua, bán các loại mai lớn cũng chỉ còn cách giữ và chăm sóc. Những năm trước, cơ sở này nhộn nhịp mua bán. Xe cẩu, xe múc, xe tải chạy mua, chạy bán. Người chơi mai có dịp đến để ngắm các vị “Lão Mai” bán đi, mua về. Anh Thân người có kinh nghiệm chăm mai nói giá mai xuống vì mai lớn hơi nhiều tiền ở thời buổi khó khăn này không ai bỏ một khoản tiền vài trăm triệu mua mai chơi. Mai mua để tặng cũng thi thoảng.   

   Thầy Hiệp, người chuyên cho các công sở thuê mai cũng lắc đầu: - Không thấy ai vào đăng kí cả. Anh Vũ, người chuyên bán mai chợ hoa xuân cũng tuyên bố: - Năm nay chỉ đem ra chợ loại mai nhỏ giá tầm từ dưới hai triệu trở lại. Không dám đưa loại lớn hơn vì chắc chắn sức mua giảm. Bi nhất là ông Tâm. Mọi năm khoảng đầu tháng chạp đã hăm hở thuê xe vào Thành phố Hồ Chí Minh, đến những vựa cây kiểng miền Tây mua mai về Đức Linh bán. Năm nay anh nói: - Không dám.

   Các khu vực bán mai tết năm nay ít. Hầu hết là mai địa phương. Tuy cây nhỏ nhưng cũng được tạo dáng thế bài bản. Cây đẹp, giá mềm hợp túi tiền người dân. 

   Thị trường mai có chút khó khăn, nhưng người người, nhà nhà ở Đức Linh vẫn rực vàng loài hoa của họ: mai vàng. Chỉ trừ những nhà phố, còn lại có dịp đi một vòng ô bàn cờ những khu dân cư mới thấy được sự gắn bó của mai vàng với đời sống văn hóa, tâm linh người Việt mình. Năm nay thời tiết có chút trắc trở, một số cây mai nở sớm một ít. Nhưng số búp còn lại vẫn đủ cho một mùa xuân lộc vàng ấm cúng.

   Chúng tôi kéo nhau đến nhà anh Bình, một cựu chiến binh ở thôn 4, Đức Hạnh. Cây mai đẹp đến nao lòng. Cây cao 5 mét, tán tỏa rộng đường kính 6 mét. Hoành 126. Búp dày đặc phủ kín tầng cây. Nhiều người đánh giá cây mai này đẹp hơn những cây mai ở huyện này bán đi. Anh Bình nói không bán nên không cho giá chính thức là bao nhiêu. Còn nhiều người định 5 tỷ. Có thể hơn hơn chút ít.

   Ấm trà Bắc, sợi khói vương vấn, hơi lạnh man mác se mùa, đôi chim vành khuyên lánh lót, những kẻ say mai gật gù. Không gian quê thật yên bình.