BỤI ĐỎ

06/05/2023 21:32
243

Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG


   1.

Con đường ngoằn ngoèo như con rắn màu hung đỏ bò từ trên triền dốc thoai thoải về thung lũng xanh màu diệp lục thỉnh thoảng xuất hiện vài chiếc xe máy paga nối dài chở hoa quả về thành phố. Chiều chiều khi nắng dát vàng đậu lắc lư trên phiến lá mơn mởn xanh của những cây bạch đàn sống sót sau những đợt địa phương phát động nhân dân trồng cây xanh tạo bóng mát ven đường có một người phụ nữ tha thẩn trên triền dốc. Chị dõi mắt về phía con đường bụi đỏ hắt lên khi có những chiếc xe vụt qua, nhìn những chiếc lá vàng lìa cành rơi khẽ khàng bên vệ cỏ. Chị đứng đó cho đến khi nắng hấp hối bên kia dãy núi mới quay về lối cũ. Nhiều năm rồi cư dân vùng cao nguyên Linh Viên quen với hình ảnh của chị bên con đường bụi đỏ vào những lúc chiều muộn. Ban đầu người ta còn dừng xe hỏi thăm chị vì cớ làm sao lại đứng một mình nơi quạnh quẽ. Những người quen mời chị lên xe để họ đưa về nhà. Họ thường nhận sự cảm ơn và lời chối từ khéo léo. Sau này mọi người không còn quan tâm đến sự xuất hiện của chị. Thật ra có một dạo, ngành chuyên môn để mắt đến hành tung kỳ lạ của chị. Qua nhiều ngày theo dõi, họ lắc đầu, cười với nhau bằng kết luận “Cô này chắc bị thất tình!”. Chuyện thất tình đối với một người bị phụ bạc hoặc yêu đơn phương là hết sức bình thường. Chỉ có người thân của chị mới biết rõ vì sao chị thường đến “Đường Tình Thung Lũng” (theo cách gọi của người địa phương).

   2.

   Tháng 4 năm 1975. Đoàn xe thất trận dài dằng dặc của Quân lực Việt Nam cộng hòa chạy về Sài Gòn trong đó có cả vợ con, người thân của lính. Những trận đánh chặn của quân giải phóng làm suy yếu quân địch kéo dài nhiều ngày. Một bé gái khoảng 4 tuổi mặt mày nhem nhuốc, nước mắt nước mũi lòng thòng chạy lạc, khóc thét trên Đường Tình Thung Lũng. Trong tiếng súng nổ, tiếng la hét, tiếng xe gầm rú… hỗn độn, chết chóc, ầm ào ấy, không ai chú ý đến tình cảnh của cháu bé. Theo quán tính, cháu bé chạy về phía không có người, xa tiếng súng và bé lả đi vì đói khát. Một nông dân nhà ở gần Đường Tình Thung Lũng đã đưa bé gái về nhà chăm sóc. Những ngày sau tạm ngưng tiếng súng, người nông dân dắt cháu bé ra đứng bên đường với hy vọng là có người thân đến tìm. Nhưng rồi ngày tháng năm qua cứ bặt vô âm tín. Người nông dân nuôi cháu, thương yêu cháu như con đẻ. Cái tên Văn Thị Lạc được đặt kề theo những người con trong gia đình. Lạc được ba má nuôi cho đi học. Cô càng lớn càng xinh đẹp, tánh tình nhu mì, siêng năng, học giỏi được mọi người trong gia đình, bạn bè và thầy cô yêu quý. Gia đình chú Tánh (ba nuôi của Lạc) giấu nhẹm chuyện Lạc là đứa con bị thất lạc trong chiến tranh, sợ cô bé lo nghĩ, đau buồn. Nhưng rồi họ làm sao giấu hết được mọi người hàng xóm. Có một bữa Lạc hỏi vợ chồng ông Tánh: “Con là con nuôi của ba má phải không?”. Ông Tánh nhìn vợ bằng cái nhìn thỏa thuận nhau cách trả lời từ trước rồi nhìn cô bé, thong thả: “Con gái sao thế? Sao bỗng dưng hôm nay con lại hỏi vậy hả? Con đúng là con nuôi của ba má nhưng từ lâu rồi trong lòng của ba má, con là đứa con ruột thân yêu nhất!”. Vợ ông Tánh nước mắt lưng tròng: “Má hỏi thiệt con gái nè! Mấy anh chị của con có ai làm cho con tủi thân không?”. Cô bé cũng rưng rưng: “Không! Không ai làm cho con buồn cả! Con biết ba má và các anh chị yêu thương con hết lòng! Con cảm ơn ba má đã cưu mang, nuôi dạy con! Con hỏi vậy là để biết về nguồn gốc thôi ba má à!”. Ông Tánh kiềm nén cơn xúc động: “Con không được nghĩ lung tung nghe chưa? Bây giờ cho đến mãi sau này, tài sản của gia đình, mấy anh chị của con có cái gì thì con có cái đó. Con là con gái đẻ của ba má, nhớ chưa?”. Vợ ông Tánh giọng nghẹn ngào: “Ba má thương con gái lắm, con có biết không?”. Hai má con ôm nhau thổn thức. Ông Tánh bật cười hả hả: “Coi kìa! Hai má con!!!”.

   3.

   Lạc được sống trong một gia đình êm ấm nhưng lòng vẫn canh cánh về nguồn gốc bản thân. Cô ước gì được gặp lại cha mẹ mình. Những người đã tạo nên hình hài của cô vậy mà cô chỉ nhớ mang máng về họ. Bây giờ họ còn sống hay đã chết? Nếu còn sống thì họ đang ở đâu? Vì sao ba má để con đi lạc mà đến giờ vẫn chưa đi tìm? Bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu không lời giải đáp.

 

 

   Những chiều rảnh rỗi, Lạc thường thả bộ trên con Đường Tình Thung Lũng. Cô đi chầm chậm. Cô khắc khoải đợi chờ một điều kỳ diệu. Có ai đó mon men đi tìm đứa con gái nhỏ chạy loạn trong chiến tranh. Bỗng một hôm có chàng nghệ sỹ nhiếp ảnh xuất hiện. Chàng đi săn ảnh nghệ thuật. Chàng đứng ngây người trước  khoảnh khắc đẹp mê hồn, liền lắp ống kính tele 250mm chụp ảnh cô gái từ xa. Lạc không hề hay biết mình bị chụp ảnh trộm. Còn chàng nghệ sỹ lặng lẽ chụp ảnh xong tiến về phía cô, gật đầu chào bằng ánh nhìn thân thiện: “Chào em!”. Lạc ái ngại nhìn người lạ: “Dạ! Em chào anh! Anh đi chụp ảnh có một mình?”. Chàng trai cười nhẹ: “Đi săn ảnh một mình mới khỏi bị chia sẻ cảnh đẹp. Còn em sao cũng chỉ có một mình lang thang ở đây vậy? Chờ bạn trai hả?”. So với khuôn mặt, vóc dáng nhìn từ ống kính máy ảnh, ở bên ngoài cô gái còn đẹp hơn nhiều. Một thân hình cân đối, những đường cong gợi cảm, gương mặt đẹp thanh tú, đôi mắt lá răm với cái nhìn tự tin, đặc biệt là mái tóc dài đen nhanh nhánh. Cô gái bật cười làm cắt ngang dòng suy nghĩ của người đối diện: “Em còn đi học. Em còn bé lắm anh ơi!”. Chàng trai dường như cũng hiểu được ẩn ý nụ cười của người đẹp. Anh thầm nhủ cô bé này mượn thơ nhạc để chọc anh nên tán luôn: “Em đẹp lắm! Anh chưa từng thấy ai xinh đẹp như em! Nhất là vào một buổi chiều trong khung cảnh nên thơ như thế này!”. Lạc thẹn thùng cúi đầu. Rồi những buổi chiều họ gặp nhau. Lạc trở thành người mẫu của Thịnh (tên của chàng nghệ sỹ nhiếp ảnh) lúc nào không hay. Khi Lạc tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm đi dạy học ở Trường Tiểu học vài năm, chàng nghệ sỹ và cô giáo trở thành vợ chồng.

   4.

   Cô Lạc xinh đẹp, dạy giỏi, năng động được phần đông thầy, cô giáo và học sinh trong trường yêu quý. Năm 27 tuổi, Lạc đã là Hiệu phó của Trường Tiểu học Hòa Phú. Sự đời không ai sống và làm việc êm trôi như dòng sông thon thả. Một nhóm nhỏ giáo viên ghen ăn tức ở trước sự thành công của Lạc. Họ đem lòng đố kỵ. Ban đầu họ phao tin đồn nhảm về đời tư của Lạc. Nhận thấy “đánh lén từ xa” không thành công, họ đánh thẳng vào nỗi đau của Lạc khi cô được ban giám hiệu nhà trường thăm dò chức danh hiệu trưởng thay thế cho hiệu trưởng đương nhiệm sắp nghỉ hưu. Một nữ giáo viên cay cú: “Cô Lạc là con em của lính ngụy thất trận, là thành phần không cơ bản thì làm sao làm hiệu trưởng của một trường nhiều năm liền đạt danh hiệu tiên tiến?” (Cô này dường như cố quên trường đạt danh hiệu tiên tiến, trong đó có sự đóng góp rất lớn của hiệu phó phụ trách chuyên môn Văn Thị Lạc). Tiếp theo chuỗi “đột phá”, một nam giáo viên lên giọng nắn gân, dạy dỗ: “Ở trường này ai cũng biết cô Lạc lý lịch không rõ ràng. Đã là lý lịch không rõ ràng thì ai biết được điều gì sẽ xảy ra khi công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn nhiều sơ hở?”…

   Ông hiệu trưởng chủ trì cuộc thăm dò nhân sự không đủ bản lĩnh để bảo vệ người kế nhiệm mà ông thừa biết là một người tài năng và đức độ có thể thay ông đưa sự nghiệp giáo dục của trường tiếp tục tiến xa hơn. Chỉ đạo của phòng giáo dục huyện về bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Phú bị vướng. Thế là đích thân ông Phạm Ngọc An - Trưởng phòng về tham gia chủ trì lấy ý kiến thăm dò cô Văn Thị Lạc để bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Sau phát biểu của ông hiệu trưởng, các ý kiến của giáo viên nhận xét về cô Lạc: “Cô Lạc có khả năng sư phạm rất tốt. Làm công tác quản lý sâu sát, sáng tạo”; “Đồng chí Lạc là một lãnh đạo của trường có lập trường chính trị vững vàng, chuyên môn giỏi, được học sinh và đồng nghiệp kính trọng, yêu mến”; “Tôi thấy đồng chí Lạc có đủ tài và đức để bổ nhiệm làm hiệu trưởng”… Các ý kiến khác của nhóm đả phá vẫn luận điệu cũ: “Con lính ngụy thất trận chạy loạn, không đảm bảo tiêu chuẩn chính trị để làm hiệu trưởng”. Khi ấy ông trưởng phòng giáo dục mới đứng dậy: “Qua ý kiến của các đồng chí, số đông công nhận cô Văn Thị Lạc là giáo viên giỏi về chuyên môn, sâu sát, sáng tạo, hiệu quả về công tác lãnh đạo, quản lý. Đúng không?”. Cả phòng họp đồng thanh: “Đúng ạ!”. Ông An cất giọng sang sảng: “Ai dám khẳng định cô Lạc là con em lính ngụy trong khi trên đường rút chạy có cả những gia đình người dân bình thường? Nói đi!”. Cả phòng họp im phăng phắc. Ông trưởng phòng đảo mắt nhìn một vòng rồi chậm rãi: “Cứ cho cô Lạc đúng là con của lính thất trận thì cô cũng chỉ là nạn nhân của chiến tranh. Cô đã lớn lên dưới mái trường của xã hội mới. Chừng ấy năm cô đã học tập, công tác xuất sắc cũng đủ làm thước đo cho một người trung thành, một giáo viên mẫu mực, hà cớ gì bươi móc lại nỗi đau của quá khứ chiến tranh?”. Cả phòng họp lại im phăng phắc. Mọi người như nghe được hơi thở của nhau. Ông hiệu trưởng hoan hỉ, yêu cầu phát phiếu thăm dò chức danh Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Phú. Có 100% số phiếu tín nhiệm Hiệu phó Văn Thị Lạc làm hiệu trưởng.

   5.

   Chiều nay cô Lạc lại đến Đường Tình Thung Lũng nhưng cô không đi một mình như mọi khi. Bên cạnh cô là người chồng thân yêu, một nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng của tỉnh với đứa con trai nhỏ nắm lấy tay ba mẹ, miệng hát líu lo. Nắng chiều vắt qua sườn đồi những vồng sáng óng ánh kỳ ảo. Nắng tạo nên những đường ánh sáng ven trên tóc của người nữ hiệu trưởng một con xinh đẹp khiến nhà nhiếp ảnh bồi hồi. Còn nàng thì cứ dõi mắt về phía con đường chờ đợi…