Thuở ấy mùa xuân

23/01/2024 15:59
132

Truyện ngắn của NGUYỄN BÁ KHƯƠNG


Anh đọc cho vợ nghe bản tin mới trên báo Nông Nghiệp Việt Nam: “Giá lúa trên thị trường nông sản đạt tới chín triệu đồng một tấn, cao nhất từ trước đến nay”. Anh nghĩ những vùng đất vườn thấp trũng trước đây trồng cây thanh long đã bị suy yếu do bệnh tắc kè, giờ đây cây lúa đang có triển vọng được phục hưng trên nền đất ruộng thuở trước. Nền nông nghiệp văn minh làm ruộng lúa nước nơi địa phương mình có cơ may trở lại thời kỳ phồn vinh. “Các em” Nàng Quớt, Nàng Hương, Nàng Hoa, Nàng Sậu, Nàng Minh…sẽ được tô điểm phấn son thi đua hương sắc với cuộc đời. Tho chế trà nóng ra tách tỏa hương bông lài thơm ngát, cô nhìn chồng âu yếm: “Thuở ấy anh mê say làm ruộng lúa có lúc quên ăn, quên ngủ. Anh mê cây lúa đến nỗi anh quên bên đời còn có em”. Anh cười đắm nhìn đôi môi đầy đặn, cánh mũi nhỏ xinh của người bạn lòng trân quí đầu ấp tay gối.

   Nhớ hoài kỷ niệm những đêm trăng sáng phơi phới tình xuân. Gió xuân lay phay nhẹ nhàng du qua lối dâm bụt, lấp ló cô thôn nữ má hồng rón rén nhìn anh bộ đội phục viên vừa trở về sau cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Anh giục con bò kéo những đường cày trên thửa đất mới vỡ hoang. Thửa ruộng ăn nước trời dần hình thành góc bờ dày dặn, vuông vắn. Ruộng lúa khởi đầu vỡ hoang hao tổn nhiều công sức. Người cày và con bò bị thụt chân, hì hụi vật lộn với hầm hố bùn lầy sâu hoáy. Cày bừa đôi ba lần, bật nảy gốc rễ cây dằn xóc. Trục, trạc, trang, trải phẳng bùn thụt. Anh và con bò làm việc quần quật trong những đêm trăng sáng, quyết chí thay đổi hình thái đất rẫy nê ứ nước trở thành ruộng lúa. Đời lính chiến trường đã từng trải qua cam go. Quân đội là trường đại học lớn đã trui luyện tinh thần, dù gian nan, vất vả, sức trẻ anh không sờn lòng.

   Cây lúa cấy ruộng bùn được giữ nước ngăn chặn cỏ dại mọc lên chen lấn. Anh sục bùn cho lúa nở nang tươi tốt. Anh siêng năng ngày đêm coi mội, phòng cua đào hang khoét bờ mất nước. Giữ mực nước lên theo thì cây lúa phổng phao. Cây lúa khôn tới dậy thì, trổ bông ngậm sữa căng đầy chuyển màu xanh vàng là xả nước cho khô ruộng bước vào mùa gặt. Tất thảy việc anh làm trên đồng ruộng, cô láng giềng ngóng nhìn dõi theo, ước mong, nguyện cầu Trời Phật dẫn dắt ý hướng cho anh là của riêng cô. Tho cứ đêm ngày ước mong cha mẹ anh bưng trầu cau qua nhà dạm hỏi Tho về làm vợ của anh. Tho cứ ước mong mãi đến một ngày cái duyên tới với cô.

   Mặt trời lên rực rỡ xua tan sương sớm soi tỏ cảnh vật. Sào ruộng đã xong đường cày về cuối. Lần một, giục bò đi tá, lưỡi cày lật đất qua phải. Ngâm nước rục cỏ ruộng, cày lần hai giục bò đi ví, lật đất qua trái. Tá tá. Ví ví. Ôm góc ruộng sít sao, không sót lỗi đường nào. Luống cày thẳng thớm, đều, đẹp như tranh vẽ. Con bò cày giỏi của anh tên Nhẹ. Anh giật dây mũi nhẹ thôi là Nhẹ hiểu liền, giật trái, phải, lui, Nhẹ nghe lời răm rắp. Muốn Nhẹ tiến phía trước thì anh đánh khẽ roi trên lưng Nhẹ. Anh và con bò vừa làm việc vừa như thì thầm trò chuyện. Tho hồi hộp đứng lấp ló bên hàng rào dâm bụt vạch lá nhìn qua. Ý Tho muốn đem nước trà ngon mời anh uống, mà cô nghĩ mình vô duyên lạ đời.

 

   Nhưng, ngay lúc đó, chắc ông Trời xui khiến con bò Nhẹ giúp Tho trở nên có duyên. Khi anh dừng nghỉ, tháo dây cày, con bò phăm phăm tiến qua hàng rào về phía rẫy khoai lang của nhà Tho. Anh quay lại nhìn thấy con bò thì Nhẹ đã kịp ngoạm vồng dây khoai nhai ngon lành. Anh đang cởi trần vội đuổi theo tóm dây mũi bò, phết roi vào mông nó. Tho sững sờ ngó hai tảng cơ ngực anh cứ rung giật theo nhịp giật dây bò. Anh bối rối: “Tôi xin lỗi cô Tho, để tôi đền khoai lang cho cô”. Tho mỉm cười: “Không sao đâu anh, vô ý mà. Em mời anh vào uống nước”. Tho nhấc ghế ra hiên sau. Anh phết một roi nữa vào mông con bò. Tho kêu lên: “Anh đừng đánh bò Nhẹ! Tội nghiệp, nó cày hơn sào ruộng, mệt rồi!”. “Ừ, để tôi cột nó vào cọc”.

   Anh ngồi uống nước, nhìn kỹ quang cảnh thấy vui mắt, hàng rào dâm bụt được tỉa ngọn vuông vức ngăn nắp như bức tường xanh. Nhà cô Tho cũng rường gỗ, mái tranh, vách lá. Nền nhà đất cao ráo tọa lạc trên đồi xanh mượt khoai lang, đậu phộng. Bên mé chân đồi là ruộng lúa mới vỡ hoang của anh. Anh hỏi: “Hai bác đi đâu vắng nhà?”. “Dạ cha mẹ em đi thăm em trai đang huấn luyện ở quân trường Phú Tài”. “Ừ, tôi biết cậu Thơ trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Hôm trước, lễ tiễn đưa tân binh tòng quân nhập ngũ tôi có tham dự”.

   Anh và Tho nhìn nhau đăm đắm. Ý tình nhen nhóm trong lòng. Tho nói: “Vài hôm nữa em nói cha gọi anh cày ruộng nhà em nha!”. Anh gật đầu muốn ngồi nói chuyện thêm nữa. Nhưng mà thôi! Anh đã có hai mối tình đứt đoạn. Anh cũng ngại cái huông lập lại. Nghe người ta nói “quá tam ba bận”. Mà sao cô ấy tên là Tho. Còn mình tên là Thơm. Ông Trời có sắp đặt gì đây. Ngắm Tho anh thấy thích. Thân thể thanh mảnh. Tay chân dẻo dang, nhanh nhẹn. Mặt nguyệt thanh tú. Lời nói Tho êm ái như có tiếng nhạc. Anh chào Tho, bước chân vấn vít. Tho biểu: “Anh đi lối này!”. Cô vạch nhánh dâm bụt rẽ thành lối đi. Anh thấy ánh mắt cô níu chân anh. “Anh cảm ơn em!” Anh nắm bàn tay Tho. Chút xíu da kề da đã thấy trái tim run lên rồi. “Anh về nghe em!” “Dạ!”.

   Năm tròn hai mươi tuổi anh tình nguyện vào lính trung đoàn bộ binh chủ lực. Anh kể đồng đội nghe hoài không chán hai mối tình đứt đoạn của anh với hai cô thôn nữ xinh đẹp. Ngày anh lên đường tạm biệt quê nhà có hai cô gái tiễn anh tới cuối con đường. Buổi sáng mùa xuân mưa bay ướt tóc. Bên những người buồn hiu, khóc mếu khi sắp phải dấn bước vào chốn hiểm nguy, xa nhau ngàn cây số, có hai cô gái vẫn cười tươi như hoa cùng ôm hôn anh lần cuối cùng, rồi hai cô đi lấy chồng.

   Hồng, người yêu đầu tiên của anh cùng sinh hoạt trong chi đoàn thanh niên. Hồng có giọng khỏe hát hay như chim sơn ca hót vang gọi đàn khi mùa nhãn rừng chín rộ. Hè về ào ạt dội cơn mưa rào xuống đồi rừng. Nhãn rừng chín vàng căng mọng ngọt ngào. Một lần anh trổ tài leo nhãn mé nhánh rơi xuống. Hồng không kịp né bị cành nhãn rơi phủ lên người. Anh vội nhảy xuống cứu giúp thì Hồng bật dậy bất ngờ ôm choàng anh siết môi nụ hôn đầu tiên ngập hương nhãn rừng. Anh hồi đáp cử chỉ yêu đương mê đắm của Hồng. Hai người ôm nhau hồi lâu. Vòng tay Hồng siết chặt. Vòng tay anh bối rối. Đôi mắt Hồng nhắm tít. Đôi mắt anh mở to. Ôm hôn nhau một lần rồi hôn vài lần nữa. Hồng hẹn hò nơi kín đáo. Anh gật đầu bằng lòng. Nhưng cha mẹ Hồng không bằng lòng. Rồi người thứ ba chen vào mối tình đầu. Cha mẹ Hồng mời gọi anh lái xe tẹc nước về nhà giới thiệu cho Hồng. Anh dần dần rời ra khỏi mối tình đầu, lòng vấn vương đôi chân đẹp thuôn dài như hai viên phấn hồng; lòng tiếc nhớ đôi môi mận chín căng đầy nhựa sống.

   Anh mười chín tuổi. Mối tình thứ hai diễn ra trong rẫy. Mùa bắp sữa lũ két trong núi bay về hò la đòi chia phần ăn. Đàn chim két như đám mây xanh hạ cánh xuống rẫy bắp. Mỗi con ôm một trái bắp cong mỏ mổ đầu râu tơ vàng tơi tả. Nước mưa ngấm vào trong, hột bắp mốc meo chua lòm. Anh ở lại trong chòi rẫy khua phèng la đuổi két. Cô Loan giữ rẫy kề bên len lén nhìn anh không rời mắt. Anh chôn hai cọc gỗ gác xà đơn, sáng dậy sớm tập thể dục. Bắp tay kéo xà nổi con chuột to ụ. Hai tảng cơ ngực rung giật. Mỗi chiều, anh nhảy ùm tắm suối vùng vẫy như cá trắm.

   Sương sớm còn chưa tan. Mờ ảo núi rừng trập trùng. Bên dòng suối trong vắt, đất mới dậy hương phù sa. Gà rừng le te gáy. Chòi rẫy cô Loan vươn ngọn khói thơm hương bắp sữa. Anh lắng nghe tiếng hát của Loan: “Nhà anh, nhà em cách hai đoạn đường dài. Tuy xa mà gần. Tuy gần mà xa…”*. Anh với Loan có đôi lần gặp nhau trên đường vô rẫy. Loan đôi má đỏ bừng. Bàn tay vân vê vạt áo. Cô mong chờ anh hỏi cô một câu mà anh chỉ cười không nói gì. Loan nói: “Anh mặc áo bộ đội thấy khỏe đẹp ghê!”. Anh buồn buồn: “Chiếc áo trận này của bạn tôi gởi tặng. Anh ấy hy sinh ở chiến trường Campuchia rồi! Mỗi khi một mình trong rẫy tôi mặc áo này để lòng nhớ bạn mình”. Loan nắm tay anh: “Em xin lỗi anh!”. “Em đâu có lỗi gì”. Bàn tay Loan nóng ấm. Đôi má đỏ rựng lên. Bỗng nhiên Loan run rẩy chực muốn té. Anh níu tay Loan. Cô ngã người vào khuôn ngực khỏe đẹp, vít cổ anh siết vào môi nụ hôn cháy bỏng.

   Tình yêu tới lẹ làng, mạnh mẽ như cú sét. Loan xinh đẹp, đa tình, hòa nhập vào cuộc vui thâu đêm trai gái hòa ca vang “Nối vòng tay lớn”. Không biết có bao nhiêu vòng tay thanh niên đã ôm Loan dễ dãi. Bộ ngực vểnh thây lẩy căng tròn. Bờ mông nguẩy núng nính khêu gợi tình trai. Tình yêu của anh với Loan diễn ra chỉ vài tháng. Anh thấy Loan đang yêu anh, cô cũng cặp kè với các thanh niên khỏe mạnh. Cô như con sư tử cái xinh đẹp. Không ai muốn chọc cô xù lông. Anh cũng có yêu Loan bằng tình yêu xác thịt ngồn ngộn. Anh biết Loan nghiện mùi trai đẹp. Tưởng chừng như nhục cảm trong Loan như sóng cuộn trào không ngưng nghỉ. Anh cũng biết có nhiều cậu trai dại gái mắt mở trừng trừng mà tâm trí mờ tối. Anh dặn lòng quyết không phí hoài tuổi xuân, quyết rời xa dần mối tình thứ hai. Sau hai cuộc tình đứt đoạn, anh cảm thấy buồn. Bài ca bolero khiến anh não lòng “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…”** Anh lặng lẽ, u hoài, trầm tĩnh, e dè phái đẹp. Nụ cười anh đem cất, vui không ai biết, buồn không ai hay. Anh tìm nguồn vui với sách Cẩm nang cây lúa, Phương pháp trồng các loại cây ăn quả.

   Đêm rừng Campuchia sâu thẳm. Mìn bẫy hiểm ác rình rập đoạt mạng người. Lính chiến miền biên viễn lắng nghe anh kể chuyện tình, nỗi khát thèm dâng lên cổ họng muốn nghẹn thở. Trung đội thả hồn tưởng tượng dáng hình thiếu nữ đa tình đang kề cận; tưởng tượng mùi hương con gái dậy thì yêu đương xộc vào nỗi nhớ quê hương da diết. Nơi chiến trận, có những người lính trẻ măng, mặt như búng ra sữa, còn chưa biết hương vị đôi môi thiếu nữ. Một vòng eo con gái thon thon, một bờ mông con gái tròn tròn chỉ có trong giấc mơ mà thôi. “Thôi, trung đội trưởng dừng lại! Đừng kể nữa! Mai mốt kể tiếp! Coi chừng tụi em tối nay không ngủ được, lại thức canh máy bay!”.

   Chiến tranh biên giới miền Tây diễn ra khốc liệt. Giặc thù tàn bạo xâm lăng giết hại dân thường. Anh gác lại tất thảy công việc gia đình, xã hội, nhắn nhủ đàn em chăm lo vườn rẫy, nuôi dưỡng cha mẹ già. Anh cùng lớp lớp thanh niên tình nguyện xung quân trung đoàn chủ lực ôm súng lên đường bảo vệ quê hương. Người trong cuộc biết điều may, rủi có xảy ra là hy hữu. Tri thức, năng lực, đạo đức, tác phong quyết định người lính vững bước trên đường chiến tranh. Anh đã có kỷ luật bản thân trong mối quan hệ gia đình, xã hội. Việc nhà nông sớm nắng, chiều mưa, nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống đã dạy cho anh biết sắp đặt, toan tính, kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại, chịu khó. Vào lính trung đoàn, kỷ luật quân đội bồi đắp thêm lòng tự tin và tri thức đã lập thành trong tâm trí anh.

   Lòng anh thán phục nông dân Campuchia, đoàn kết và chân thật là hai đức tính của họ. Đàn trâu bò của họ được thả rông, tự kiếm ăn, tự sinh tồn trong núi rừng. Con trâu đầu đàn đeo lục lạc to dưới cổ khua vang theo bước chân. Khi có việc cần là họ đi tìm trâu bò theo tiếng lục lạc. Họ đắp bờ làm ruộng một vụ lúa nước. Gặt lúa xong, gom lúa để ngoài ruộng, dựng chòi lợp tranh cất lúa. Không ai tham của ai. Anh quan sát con đập chắn giữ nước làm ruộng. Con đập dài hơn trăm mét, mặt đập là con đường lớn được đào đắp bằng sức người đoàn kết làm việc. Bên kia đập là ruộng lúa bùn ngập bắp chân. Con ốc bươu to như cái chén, nắng to là ốc trườn lên thân lúa.

   Anh nhớ lúc ở quê khai hoang đất mới miền cao, cả làng chưa biết làm ruộng. Nông dân thường tỉa trên đất rẫy giống lúa Bà Trá hột to tròn, màu gấc chín, nấu cơm  ăn với muối đậu rất thơm ngon mà giống lúa này năng suất thấp, tốn công làm cỏ, tỉa một hột, lên một cây, không đẻ nhánh. Làm rẫy tỉa lúa Bà Trá mất công lắm, không đủ ăn. Vài năm sau, cây lúa này bị thất truyền mất giống luôn.

   Sau bốn năm chiến đấu nơi mặt trận miền Tây, giặc thù buông súng đầu hàng, chiến tranh kết thúc, anh về quê quyết chí làm ruộng lúa nước. Thấy anh vỡ ruộng ai cũng lắc đầu. Đất miền cao sao mà làm ruộng được, nước rút xuống tầng sâu không giữ được. Thật ra khi bừa ruộng đất thịt lắng xuống nền bịt kín rò rỉ. Anh mong chờ mưa về, tháng sáu ruộng no nước, đón thời tiết gieo cấy lúa. Anh tìm đọc sách “Cẩm nang cây lúa”, học hỏi, tiếp thu kiến thức mới làm ruộng lúa nước. Anh cất công về nông trường Sông Hậu tìm mua ba chục ký giống lúa Jasmine. Anh ngâm ủ giống, gieo mạ hai mươi mốt ngày, cấy ruộng bùn một gang tay một cây mạ, giữ mực nước thấp, một tuần gốc nẩy ba, bốn nhánh, hai tuần gốc nẩy chín, mười nhánh, ba tuần gốc lúa nở to mập. Anh giữ mực nước cao thêm, sục bùn, rải phân, lúa dậy thì, trổ bông, ngậm sữa, gié lúa dài hơn ba tấc. Ruộng lúa của gia đình anh đạt năng suất năm tạ một sào.

   Năm đó gia đình anh gặt được năm tấn lúa. Gặt lúa về đầy bồ, cúng tạ ơn đất đai ông bà ăn cơm mới xong, cha mẹ anh bưng trầu rượu qua nhà xin cưới Tho về làm vợ. Nhà Tho kề bên, hàng rào dâm bụt được vén lối đi, vợ chồng trẻ thuận tiện qua lại chăm sóc cha mẹ già. Lễ cưới Thơm Tho cũng có mặt hai người yêu cũ, Hồng, Loan tới tham dự, điểm trang xinh đẹp lộng lẫy như hoa hậu về làng. Lòng anh hân hoan khi hai cô đã có chồng con đề huề, cuộc sống gia đình yên vui. Mỗi khi gặp lại, hai cô mỉm cười bắt tay chào anh, láng giềng thăm hỏi ân cần, giấu biệt cảm xúc tình yêu ngày trước. Trên đồi vườn gió xuân lay phay nhẹ bông thanh long lụa trắng mới nở trong đêm. Dưới thung ruộng lúa xanh ngắt, gió xuân vi vu thổi đùa sóng lúa lay động vẽ nên bức tranh phong cảnh tươi đẹp của làng quê yên ả, thanh bình.     

 

   *  Lời bài hát “Nhà anh nhà em” của Hà Liên Tử và Anh Sơn
   
**Lời bài hát “Người yêu cô đơn” của Phạm Vũ Anh Tứ (Đài Phương Trang)