Hương mật thời gian

23/01/2024 00:00
176

Truyện ngắn của VÕ NGUYÊN


Anh bạn nhắn tôi về họp lớp, kỷ niệm 50 năm từ khi ra trường mỗi đứa một phương. Anh đề xuất tôi viết một bài về trường xưa. Thời gian nửa thế kỷ đi qua, bây giờ gợi lại bao mối ngổn ngang nhớ nhớ quên quên một thời đi học, với bao biến động vui buồn tháng năm gần hết đời người, nhiều vô kể, không biết bắt đầu từ đâu. Chắc lẽ đi từ vài nét kê khai lý lịch thấp thoáng đôi điều nhớ về cái thời xa xăm ấy.

   Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông chính hiệu, cha mẹ nối nghiệp ông bà để lại, cuốc đất lật cỏ với khu vườn vạt ruộng trên mảnh đất miền trung này, nhìn thời cuộc như một chứng nhân nhiếp ảnh vô tư, không biết luận bàn chính trị. Xuất thân từ một làng quê như thế, đi học trường làng sớm nắng chiều mưa, nghịch ngợm lên bờ xuống ruộng như bọn trẻ trâu, trộm mía, trộm ổi, bị chủ vườn, chủ ruộng ví đuổi tận nhà méc với mẹ cha, nhưng bạn bè chúng tôi sau khi bị phạt vẫn chứng nào tật ấy, sống thân thiết vô tư. Ngày tháng từng bước lớn lên, hết học trường làng đến trường xã, lên trường huyện, rồi về trường tỉnh.   

   Thời điểm này tình hình chiến sự dữ dội kinh hoàng, chiến tranh thấm vào từng chén cơm, manh áo, viên kẹo, lon bia, luôn khuấy động giấc ngủ chẳng được yên bình; máy bay gầm rú đảo lượn suốt ngày đêm, đạn bom ầm ì, nhà cháy khói lửa ngút trời, người chết diễn ra quanh mình, thật là kinh khiếp. Tuổi trẻ chúng tôi học đến cấp 3 ngày ấy làm sao có thể hững hờ thời cuộc. Bây giờ nhớ lại, bạn bè trang lứa chung lớp cùng trường nhưng phân hóa khác nhau, có những thành phần không muốn tham gia chính trị chỉ chăm chú học hành; đứa thì quá tuổi đến trường bị chính quyền Sài Gòn bắt lính sung quân ra chiến trường; có đứa hoạt động bí mật cho cộng sản, bị lộ, bị bắt vào tù, hoặc nhanh chóng trốn vào chiến khu; có những đối tượng ngao ngán tìm cách sống cho riêng mình lẫn vào lối sống hippy buông thả ngược đời; có đứa vô phước bạc mệnh chết đạn, chết mìn; có thành phần phản đối Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam và chống chính thể Việt Nam Cộng Hòa, nhưng không hiểu gì về cộng sản, gắng học để khỏi bị bắt lính;… Tôi thuộc loại cuối cùng. 

   Hồi ấy vào học ban C, tức ban văn chương và ngoại ngữ, ở các trường huyện không có ban C, phải lên trường tỉnh để học, mà học ở một trường công lập lớn nhất tỉnh mới hãnh diện làm sao. Ban A, B cùng khối có nhiều lớp, chứ ban C trong khối chỉ có một lớp thôi, ít thế lại làm tăng thêm cho phần hiếm quý. Nhớ hồi lên đến lớp 12, ban C học tiếng Anh đến cuốn 6 – English For Today book six, học văn chương Anh – Literature In English, các ban A, B chỉ học đến cuốn 4. Còn môn triết học đến 4 phân môn: Tâm lý học, Đạo đức học, Luận lý học và Siêu hình học. Ban A, B chỉ học có Tâm lý và Đạo đức. Chính cái nổi trội đó nên thấy mình le lắm, mỗi lần đi học không mang cặp mà ôm cuốn sách làm sao cho phơi cái bìa tiếng Anh là English For Today book six ra ngoài, hay bìa cuốn Siêu hình học để cho người ta thấy, nhất là với các cô nữ sinh trường ngoài. Tôi cũng như nhiều bạn khác, đi bộ từ nhà trọ đến trường hơn cây rưỡi số, ngang qua hai trường tư thục. Không ngờ cái sự làm le đó của tôi lại được sự chú ý của em nữ sinh xinh đẹp trường bán công Phan Thanh Giãn, người đi về cùng đường. Một hôm em chủ động đi từ phía sau cất tiếng: Anh ơi ! Tôi quay lại. Em tiếp: Anh học ban C ? Tôi như mở cờ trong bụng và trổ hết những lịch sự anh chàng học văn chương của mình trước người đẹp. Chúng tôi quen từ đó. Em học sau tôi một lớp. Nhà em gần trường hơn tôi, nhưng thỉnh thoảng hẹn nhau cùng đi về. Một hôm em nói, trường em thi sáng tác, viết bài làm bích báo, em nhờ tôi giúp. Thế là được dịp lập công, tôi ra sức viết một truyện ngắn về nạn lụt năm 1964. Không ngờ được giải. Em mừng. Vậy là tôi đã âm thầm biến thành tên đế quốc tình cảm mở cuộc xâm lăng đổ bộ lên đánh chiếm đô hộ vùng thẳm sâu lãnh thổ trái tim em. 

   Những năm tháng đó, có mấy lần ở trường đụng đầu với cảnh sát khó quên. Một hôm nhạc sĩ Phạm Duy cùng với một cậu học trò người Mỹ của ông là nhạc sĩ James Durst về hát ở trường nữ trung học, có mời trường tôi qua dự. Nhưng một số thầy không muốn, nói Phạm Duy không còn như xưa. Nhưng lớp chúng tôi vẫn qua xem, ngờ đâu vài thằng bạn trong lớp tổ chức phản đối ném hột vịt lên sân khấu, trúng cái micro trứng vỡ văng tung tóe. Cảnh sát ập vào kiểm soát, truy lùng, bọn chúng bỏ chạy biến mất. Trưa về gặp em trên đường, em nói các bạn ném trứng là không lịch sự với nhạc sĩ. Tôi cười. Lại nhớ hồi tháng 01 năm 1974, Trung Quốc xua quân chiếm đảo Hoàng Sa. Không biết ai tổ chức, nhưng học sinh rùng rùng bỏ học xuống đường biểu tình phản đối, cũng bị cảnh sát bao vây quanh trường và ném lựu đạn cay, thằng nào thằng nấy đều túa nước mắt, chạy đi rửa mặt, vào lớp khép cửa. Trưa về tôi kể cho em nghe. Em nói có người anh phi công tác chiến, máy bay cài đủ bom và rocket chuẩn bị bay ra đảo ném bắn tiêu diệt quân xâm lược, nhưng vừa lên máy bay thì lệnh từ Sài Gòn điện ra không cho cất cánh, phi đội của anh ức lắm. 

 

 

   Thời gian này bọn tôi đang lo học để chuẩn bị cho kỳ thi tú tài sắp tới. Quý thầy cũng rất lo, vì đây là kỳ thi thí điểm đầu tiên ở Việt Nam bằng hình thức làm bài trắc nghiệm cho tất cả các môn – kể cả môn triết học. Nhưng với cách dạy của quý thầy rất cô đọng, nhẹ nhàng, thoải mái, giúp chúng tôi dễ dàng tiếp thu được kiến thức và có được niềm tin về cách thức làm bài. Rồi kỳ thi cũng đi qua, lớp chúng tôi đậu rất cao, chỉ ba bốn bạn rớt. 

   Tiếng súng chiến trường vẫn rền vang tứ bề. Tôi và một số bạn tiếp tục ra Huế để thi vào đại học. Không ngờ lớp tôi có bốn bạn cùng đậu vào lớp văn đại học sư phạm. Khi nghe báo tin tôi đậu, khuôn mặt em nhìn tôi với vẻ hân hoan trìu mến. Tôi đưa em về thăm quê, để biết thế nào là vùng thôn dã. Không có lời hứa hẹn với nhau, nhưng biết rằng chúng tôi yêu nhau từ đó. Tôi lại tiếp tục nhập học, nhưng mới được một học kỳ thì nổ ra cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975. Viện đại học Huế đóng cửa. Bọn tôi bỏ trường chạy về quê. Dân từ Quảng Trị, Thừa Thiên di tản về Đà Nẵng. Họ vào trưng dụng các trường học, ở kín các phòng, hết chỗ, che lều ra sân tá túc. Thành phố trở nên nhốn nháo, hỗn độn. Tôi đến tìm em hai lần nhưng nhà đóng cửa.

   Mãi hai năm sau, tình cờ em ra Huế thăm người bà con và đến trường tìm tôi. Bao nhiêu kỷ niệm dội về, xúc động khôn xiết. Em kể, mấy chị em hồi ấy di tản vào Sài Gòn, rồi lên Đà Lạt, tạm thời định cư ở đó. Có một chi tiết làm tôi cảm động, nhà em ở khu vực Prenn của cao nguyên Lang Biang, đối diện phía xa kia là khu mộ nhà thơ Tương Phố. Một rừng thông thơ mộng nhưng chiều xuống rất buồn. Em có trồng trước sân nhà một cây hoa forget me not, ngày nào cũng chăm tưới, hoa nở rất đẹp, tâm niệm rằng anh đừng quên em. Nhưng một hôm em đi chợ mua gạo về, không hiểu vì sao mà cây hoa forget me not bị gãy gục héo xàu. Em nghĩ rằng như thế là hết, anh đã quên em. Em buồn và em khóc. Lần ấy em hỏi có đi cùng em không. Tôi do dự không biết đi với em trong thời điểm khó khăn thế này biết làm gì để sống. Nên trả lời phải học hết chương trình khi tốt nghiệp xong mới quyết định. Em chia tay tôi với khuôn mặt rười rượi như nét buồn trầm lắng chiều kinh đô. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau. Sau này tôi có nghe một người quen nói rằng em đi theo diện bảo lãnh qua Mỹ.

   Bây giờ bạn nhắn chuẩn bị về họp lớp. Nhớ lần cách đây 5 năm gặp mặt thầy cô, anh bạn là giáo sư, hắn thay mặt bạn bè phát biểu: Kính thưa quý thầy, chúng em trưởng thành hôm nay từ tri thức đến nhân cách làm người, chính là nhờ quý thầy dạy dỗ ngay từ những ngày còn đi học phổ thông, tấm gương nhân phẩm cao đẹp của quý thầy luôn soi sáng trong lòng và nhận thức chúng em cho đến bây giờ. Chúng em thành kính cám ơn và chúc quý thầy luôn khỏe. Quý thầy nghe và cảm động lắm. Tôi nhìn sang thấy thầy lớn tuổi nhất rút khăn chặm nước mắt. Không biết lần này về họp lớp còn gặp được bao nhiêu thầy nữa, bởi tuổi quý thầy nếu còn cũng đều trên cả chín mươi, một trăm. Còn các bạn cùng lớp cùng khối phân tán rải rác sống khắp nơi, tóc đã đổi màu. Nghe nói lần này nhiều bạn ở nước ngoài sẽ về gặp gỡ, bởi biết còn bao nhiêu năm nữa hiện hữu thấp thoáng trong cõi ta bà yêu quý này đâu! Còn tôi khi nghe tin anh bạn lớp trưởng nhắn về họp, bỗng nhiên trong đầu lại hiện lên khung trời tuổi thơ một thời sôi động ở trường cấp 3. Có những chuyện đi qua trong đời nhiều khi trở nên chập chờn mây khói. Nhưng có một điều, mỗi khi nhắc đến ngôi trường xưa thì mối tình đầu sương khói hiện về, hoặc mỗi lần đi đâu đó thấy hoa forget me not, cái không gian và thời gian thơ mộng sống dậy rạo rực sáng trong về một thời đi học. Em bây giờ, chắc tóc cũng ngả màu mây. Tôi viết truyện này, như một dòng tin nhắn, nếu em còn ở nơi góc bể phương trời nào đó trên trái đất này, may thay tình cờ đọc được, để hồi tưởng về con đường ngày xưa chúng mình hai buổi đến trường. Con đường bây giờ đã đổi khác, nhà cửa lâu đài mọc lên, rất sang, tráng lệ, đẹp lắm. 

   Bên ngoài trời đang mùa đông, những cơn gió heo may se lạnh tràn về. Tôi khép cửa phòng, vội khoác lên mình chiếc áo len cho bớt rét, nghe trong lòng rộn lên những dòng tâm tư ấm áp, nhớ lại từng bước đi trên những con đường mùa đông, nhiều khi em co ro dưới bụi mưa phùn như dáng đi tu sĩ, rồi cả mùa xuân, sang những ngày tháng hạ. Giờ mỗi lần nhớ lại mới thấm thía lửng lơ như tơ trời giăng mắc hương mật thời gian.