Bến rẽ

17/12/2023 20:31
270

Truyện ngắn của VU TRẦM


Đêm, mưa nhiều, cơn mưa mùa đầu đông kéo dài quá nửa đêm. Sáng, bến Bà Mười no nước. Nước dâng lên cao, mặt bến mở rộng ra, trắng xóa, khiến đàn bò lựng khựng chẳng muốn qua. Trầm kéo sợi dây lá giang quấn quanh sừng con đầu đàn, vừa lôi vừa lấy roi mà vụt, buộc nó phải sang bến. Cả đàn bò nối đuôi nhau cùng bơi qua. Trầm cùng cái Ngân nắm lấy đuôi bò để nó kéo đi, khỏi mất công bơi. Đầu đông, khí trời dịu mát. Đồng cỏ trên bến trải dài, xanh um tới tận mép đập Ông Tới. Gió từ phía đập thổi vào, luồn qua những ngọn cỏ non xanh, nghe rì rì. Đàn bò bắt đầu tỏa ra các hướng gặm cỏ. Từ phía cánh rừng Chạ Rang, bầy cò trắng cả trăm con sà xuống đàn bò. Thức ăn của lũ cò là những con ve bò mọng máu. Đó là bữa tiệc của cò mỗi khi đàn bò có mặt trên bến này. Cái Ngân nhìn cò gắp sạch những con ve mà thích thú. Thả trên cánh đồng này, đàn bò lúc nào cũng no cỏ, bụng căng tròn và sạch ve nữa…

   Tháo hai mo cau đựng cơm ra đưa cho cái Ngân, Trầm bảo cái Ngân trông chừng bò, rảnh thì đi bẻ những cành củi khô còn dính trên cây gom lại chờ Trầm cắm chim mang về mà nướng ăn cùng cơm. Sáng nay không còn đồ gì ăn. Hai đứa chỉ lấy mo cau cắt ra, đùm cơm trắng vào, mang theo cùng với gói muối hột. Nói là cơm trắng cho oai chứ quanh năm ở cái xóm Châu Me này thì cơm chỉ một nắm, độn cùng một nồi khoai lang cắt lát phơi khô to đùng. Với bó câu hơn hai trăm lưỡi cùng gô trùn đầy, Trầm quyết cắm được thật nhiều chim vừa đem về cho gia đình, vừa chia cho cái Ngân đem về nấu cháo cho mẹ. Mẹ cái Ngân đang sốt nằm liệt ở nhà mà chỉ có cháo loãng với muối trắng, không có đồ tẩm bổ, tội nghiệp. Ba cái Ngân với ba Trầm là đồng đội ở chiến trường K. Ba Trầm trở về lành lặn, còn ba cái Ngân thì vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.

   Mười bốn tuổi, giọng Trầm bắt đầu ồm ồm, khàn khàn như có cục gì mắc trong cổ họng. Trên khuôn mặt của nó, lang ben bắt đầu ăn lổ chổ. Nó bắt đầu dậy thì. Nó biết như thế, do đọc sách sinh học của thư viện nhà trường. Còn cái Ngân, bằng tuổi nó cũng thế. Nhưng cái Ngân mặt không có lang ben, mà da càng ngày càng mịn màng, trắng ngần. Tóc cái Ngân để dài tới ngang hông, đen nhánh, mướt rượt. Nhà cái Ngân cũng nghèo, cũng thiếu ăn quanh năm như nhà nó, nhưng không hiểu sao càng ngày cái Ngân càng đầy đặn, bước đi điệu đà hơn. Chiếc áo rộng Ngân thường mặc đi thả bò giờ chỉ còn rộng ở cổ. Trầm hay đỏ mặt mỗi khi vô tình nhìn thấy đôi bầu ngực thả rong, không mặc áo con, nhú căng lên sau lớp áo. Nhà Trầm cách nhà cái Ngân chỉ một cái hàng rào dứa dại. Hai đứa chơi với nhau từ lúc biết đi tới giờ. Trong suy nghĩ của Trầm, cái Ngân là xinh nhất, không ai có thể sánh bằng. Trong mơ, Trầm luôn thấy nó cùng cái Ngân lớn lên, học hành giỏi giang, thành đạt và sánh bước bên nhau thành một đôi trời phú. Với Trầm, nó cũng cảm nhận được trong từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt của cái Ngân luôn dành cho nó một điều gì đó rất đặc biệt, rất nhẹ nhàng và ấm áp. Ngân thường nói với nó:

   - Lớn lên, ước gì hai đứa ở gần nhau mãi thế này nhỉ !...

   Trầm cười:

   - Mình cũng thích gần nhau, nhưng không phải nơi này, hai đứa ráng học giỏi, mai sau gần nhau ở thành phố làm thiệt nhiều tiền, khỏi phải ăn cơm độn khoai lang khô với muối ha ?

   Ngân tư lự:

   - Học giỏi cũng được, làm ra nhiều tiền thì thích, nhưng Ngân thích khi mình giàu rồi thì về đây sống hơn, vì …Ngân yêu nơi này lắm.

   Trầm mỉm cười, khẽ cú nhẹ vào đầu Ngân:

   - Ở cái xứ quanh năm đói khổ thế này mà yêu gì. Trầm thích làm việc, thích kiếm nhiều tiền mua nhà, đưa bố mẹ lên thành phố ở để bù đắp lại những tháng ngày vất vả nơi đây cơ.

   Ngân phụng phịu:

   - Vậy là không cùng sở thích, vậy thì không thèm ở gần nhau nữa, đường ai nấy đi nhé.

   Trầm cười, nhếch cái môi lên, thả cái giọng ồm ồm ra mà vè:

   - Đường ai nấy đi, nhưng gần nhau mấy khi...

   Mùa đông kéo về, nước mưa từ núi Ngang theo hố Xanh đổ xuống bến Bà Mười rồi đựng vào đập Ông Tới. Không biết thiên nhiên sắp đặt từ bao giờ mà từ đầu hố Xanh ra tới cửa bến, những lùm tre gai đan xít vào nhau chạy dài ở hai bên bờ tạo nên hai dãy song song, xanh rì. Ở phía trong, người ta tận dụng hai bên dòng nước để gieo lúa vụ đông xuân. Vì thế bến Bà Mười trở thành nơi lý tưởng cho các loài chim khắp nơi kéo về di trú. Trong những lùm tre, những con quốc luôn mồm kêu roác roác để gọi bạn tình. Đầu mùa thì chỉ có chim quốc và gà rừng từ trên hố Xanh xuống, còn mai mốt khi đến thời điểm lúa trổ bông cúi đầu sẽ có chim dẻ, cúm núm kéo về trú ngụ.

   Trầm men theo những lùm tre, cứ cách vài mét thì dùng cuốc con lật một miếng đất lên, chà láng rồi đặt câu bằng trùn dai nguyên con, cắm từ cửa bến lên tới dốc hố Xanh thì hết câu. Nhìn lên một đoạn, Trầm thấy cái chòi ai đó mới dựng xong, nó theo đường mòn bởi nước chảy lở, trèo lên. Cái chòi như mới làm từ chiều trước, lá lợp trên nóc vẫn còn chưa héo. Phía trong chòi, dưới sàn, được ghép bởi nhiều thanh tre, có một chiếc ba lô lính cùng cái rựa, cây xà beng và điếu cày. Nghĩ bụng chắc là những người đi rừng làm để trú ngụ qua đêm, Trầm toan định quay xuống thì từ bên phía mép chòi có một cái lỗ nhỏ do mưa từ đêm qua tạo nên, nó nhìn thấy vô vàng cá niên mắc cạn trong đó. Nước vẫn còn đọng trong lỗ nên chúng còn sống, chen chúc nhau quẫy lạch bạch. Mưa đầu mùa, cá niên từ dưới đập Ông Tới ngược dòng bơi lên trên hố Xanh để đẻ. Loài cá niên này ở xứ Quảng của Trầm nhiều vô kể, chúng chỉ ở những nơi gần suối đá, nước trong xanh và mát rượi. Chúng là loài ăn cỏ, cỏ chỉ dai là món khoái khẩu của cá niên. Vì thế ruột của cá niên lúc nào cũng hơi đắng đắng. Dân nơi này bảo ruột cá niên là vị thuốc, nên ăn cá niên không bao giờ bỏ ruột. Trời tháng mười se lạnh mà có cá niên nướng dầm mắm hoặc kho xấp nước thì ăn cơm lở nồi. Thời điểm này là mùa sinh sản nên bụng chúng đầy trứng, tròn ủm…

   Trầm nhìn quanh, không có cái gì đựng cá, bằng cởi quần dài của mình ra, cột túm lại hai đầu ống làm túi đựng. Hốt hết lỗ cá thì đầy cả hai ống quần, Trầm tròng hai ống quần cá vào cổ hớn hở xuống dưới cửa bến để gặp Ngân, lòng vui sướng vì chiều nay hai gia đình đã có cá ăn rồi.

   Xuống đến nơi, nó thấy cái Ngân đang loay hoay ở phía gốc cây gòn, đang tách những trái gòn khô ra lấy bông, Trầm thầm nghĩ bụng: Chắc Ngân lấy bông gòn về làm gối. Nó rón rén tiến tới gần sát sau lưng Ngân tự lúc nào, rồi chồm lên hù một cái. Ngân giật nẩy mình, cái mông của Ngân hất lên, chạm vào phía trước bụng của Trầm lúc này chỉ mặc chiếc quần tà lỏn. Cảm nhận được sự va chạm vô tình của hai đứa, Trầm hơi bối rối, nhưng nó nhanh nhảu chữa ngượng bằng cách chìa ra cái quần đựng đầy cá cho Ngân xem. Ngân thấy cá thì vừa nhảy vừa giơ hai cái tay còn cầm bông gòn reo lên mừng rỡ. Nhưng rồi mặt Ngân lại đỏ ửng lên, lùi ra mấy bước, rồi quay người đi nhanh lên hướng cái chòi, vừa đi vừa đưa tay còn cầm bông gòn ra phía sau mông, che hờ. Trầm ngơ ngác không hiểu chuyện gì, nó chỉ biết đứng trân, ơ lên một tiếng rồi nhìn theo. Bất chợt, mặt nó nóng bừng khi nhìn thấy phía sau cái mông quần màu kem của Ngân một vạt màu đỏ. Nó sượng sùng hiểu ra tình huống oái ăm đó: Ngân tới tháng…Nó đành bẽn lẽn một mình đi đào cái hố nước, rọng cá vào cho nó khỏi chết rồi mặc quần dài vào đi thăm câu…

   Quá trưa, chim dính nhiều vô kể, xách không nổi, nó phải chặt khúc tre, buộc chim vào hai đầu, thu hết câu rồi gánh chim về gốc cây gòn để cùng Ngân nướng một ít chim ăn cơm. Không thấy Ngân đâu, nó đặt chim xuống, rảo xung quanh gọi to vài lần, chỉ có âm thanh ồm ồm, khàn khàn của nó gọi Ngân dội lại từ vách núi. Nó nghĩ chắc Ngân còn ngượng nên còn núp đâu đó. Nó đi nhóm củi, làm chim ướp muối và nướng. Mùi thịt chim tỏa ra thơm lừng, dậy cả mũi. Bụng Trầm đói cồn cào. Nó mở cơm ra rồi gọi Ngân tiếp. Lần này nó gọi to hơn, nhiều hơn nhưng cũng chỉ đáp lại là tiếng vọng lời của chính nó. Nhìn quanh bãi đất gần gốc cây gòn, nó thấy dấu vẽ hình trái tim, hai bên viết hai chữ Ngân – Trầm. Nó khẽ mỉm cười, lòng nó thấy lâng lâng, mát rượi. Trầm tựa đầu vào gốc cây gòn nằm xuống, tư lự. Gương mặt trắng hồng của Ngân như chiếm lấy hồn nó. Đưa hai tay gối sau đầu, Trầm nhìn ra phía mặt hồ, gió nhẹ làm cho nước mặt hồ lăng tăng sóng. Nó thấy lòng mình cũng bắt đầu gợn sóng. Trầm thiếp đi….

   Ngân lếch trước mặt Trầm, đầu tóc rối bù, quần áo rách tươm, hai khóe mắt chảy ra hai dòng, không phải nước mắt mà là máu, máu đỏ ối từ trên bẹn in hằn xuống hai chân, máu trên ngực áo rách toạc, bết vào tóc. Tay của Ngân cũng đầy máu, cố chìa về phía Trầm như cầu cứu… Trầm vùng dậy, tỉnh ngủ, đã quá chiều. Định thần lại, nó vù chạy về phía căn chòi, vừa chạy vừa gào liên hồi:

   - Ng ….ân…..ơi…!

   - Ng ….ân…..ơi…!

   - Ng ….ân…..ơi…!

   Tiếng gào của nó vừa vang to, vừa thảm thiết làm cho cả đàn bò cũng ngẩn lên nhìn. Trầm lao lên căn chòi, chiếc ba lô, cái rựa, cây xà beng và điếu cày biến mất. Trầm chạy ngược trở xuống, cứ bìa rừng nó chạy men theo mà gọi, rồi lại vòng xuống mép đập, chạy lấp xấp theo bìa nước. Đàn bò bắt đầu bơi sang bờ để về. Nó ngồi sụp xuống, nấc lên từng hồi, mơ hồ cảm nhận điều gì đó rất bất an…

   Mệt lả, không thiết đến chim, cá, nó ráng bơi qua bến Bà Mười rồi chạy về nhà Ngân. Trời đã nhá nhem tối, mây ùn ùn kéo sầm lại, chuẩn bị trút một trận nước tiếp theo. Gió lồng vào cánh cửa tôn nhà Ngân, đánh bần bật. Đàn bò đã về chuồng. Trầm lao vào nhà. Mẹ Ngân đang nằm trên giường, thấy vẻ mặt hốt hoảng của nó liền hỏi:

   - Sao thế con ?

   - Dạ …Ngân về chưa cô

   Quên cả đau, mẹ Ngân ngồi bật dậy ngơ ngác:

   - Sao con hỏi kì vậy ? Ngân đi thả bò cùng con mà ? Ngân đâu ?

   Nghe thế, Trầm vội chạy ra, bươn thẳng qua hàng rào sang nhà mình. Trầm nói qua tình hình cho ba mẹ biết, rồi vụt sang các hàng xóm, thông báo cho mọi người.

   Theo sự chỉ đường của Trầm, cả xóm bơi qua bến Bà Mười tìm Ngân. Mưa đổ ầm ầm, từng lọn nước từ trên trời trút xuống. Gió rít lên từng hồi, hất vào những ngọn cây nghe răn rắc. Đuốc tắt ngấm, cả làng dầm trong mưa. Tiếng gọi Ngân, tiếng khóc trộn lẫn vào nhau, inh cả khu rừng. Mưa xóa sạch mọi dấu vết về Ngân, xóa luôn cả trái tim và chữ Ngân – Trầm mà Ngân đã vẽ xuống mặt đất nơi gốc gòn. Xác bông gòn nhòa trong mưa, nước mắt Trầm nhòa trong mưa, hình bóng Ngân cũng tan biến trong màn mưa. Một tuần…một tháng…ba tháng…một năm…Ngân giống như cơn gió cứ bay mãi đi quên đường về…

   Những chuỗi ngày sau đó, Trầm như người vô hồn, nhìn đâu nó cũng thấy bàn tay đầy máu, thân thể đầy máu của Ngân, cố chìa về phía Trầm mà cầu cứu trong vô vọng. Những ngày cuối tuần không học, Trầm lại lùa đàn bò lên bến Bà Mười, lẳng lặng ngồi đợi Ngân từ sáng đến chiều một cách vô thức…

   “Quốc kêu lẻ bạn, nỉ non
   Ngân đi đâu, để Trầm mòn mỏi trông”

   Ngày mai nhập học đại học ở thành phố, Trầm phải tạm biệt cái xóm Châu Me, tạm biệt bến Bà Mười, tạm biệt đập Ông Tới, xa cánh đồng Chạ Rang, xa gói cơm mo cau độn khoai lang, xa cái mùi cá niên nướng thơm lừng, xa cả mùa chim di trú và xa luôn cái gốc cây gòn, nơi Ngân từng khắc trái tim ghép tên Ngân – Trầm. Sáng nay, nó lùa đàn bò lần cuối lên bến. Bầy chó săn sáu con của hàng xóm hôm nay tự dưng nổi hứng lại đi theo. Đến nơi, Trầm tới gốc cây gòn quen thuộc, dùng cây vạch xuống đất hình trái tim và chữ Ngân – Trầm hai bên, ngắt một chùm hoa trang rừng, nó đặt lên chữ Ngân. Cánh hoa trang cái màu cũng đỏ ối. bất chợt, lũ chó săn sủa thất thanh, liên hồi, nhiều tiếng sủa hướng dần lên hố Xanh, có tiếng sủa như tiến gần lại Trầm. Trầm đứng lên ngóng xem, nghĩ chắc có heo rừng xuống, hay chồn. Bất ngờ, nó thấy con mực phi thẳng về phía nó. Vừa tới, con mực liền ngậm ống quần Trầm kéo đi, rồi thả ra chạy, rồi lại quanh lại kéo, sủa. Trầm thấy lạ, bèn chạy theo. Con mực chạy trước, Trầm theo sau, hướng hố Xanh, cái chòi năm xưa mà tiến. Qua khỏi cái chòi, lên thêm một đoạn chừng năm chục mét, gặp phải con suối chia làm hai dòng. Kỳ lạ thay, ở giữa hai dòng suối có một mô đất lớn nổi lên, trên mô đất có một bụi trang rừng to tướng mọc ở đó. Bầy chó sáu con đều tập trung ở mô đất. Thấy Trầm, chúng vừa sủa liên hồi vừa dùng chân bới đất lên, cắn cả rễ cây trang rừng mà lôi. Con mực đào một lỗ sâu rồi chúi mõm vào, tẹo sau nó lôi lên một vật trông giống hộp sọ. Trầm vừa nhìn thấy thất kinh, ngã quỵ sang một bên. Lấy hết sức bình tĩnh, Trầm gượng đứng dậy, vừa chạy vừa la thất thanh, thẳng một mạch về tới nhà.

   Nhiều đàn ông trong xóm theo Trầm, cùng quay lại hố Xanh. Bầy chó vẫn đứng đó, không rời đi nửa bước. Thấy người, chúng lại lao vào đào đất tiếp. Mọi người đào quanh gốc trang rừng, nhổ lên trước, sau đó đào sâu xuống. Cảnh tượng hãi hùng hiện ra, một bộ hài cốt chỉ còn trắng xương. Ở phía cánh tay phải cum lại, trong lòng bàn tay có chiếc nhẫn, mặt trong chiếc nhẫn có khắc chữ Chín Bẹt. Trầm bàng hoàng nhận ra ngay đó là Ngân. Vì phía ngón tay còn có chiếc nhẫn làm bằng vỏ đạn do chính tay Trầm tự làm để tặng cô ấy…

   Chín Bẹt – một tay có số má trong vùng. Hắn nổi tiếng là kẻ bạo dâm, đặc biệt là thích làm tình với phụ nữ đến thời kì kinh nguyệt. Sau giải phóng, vừa cải tạo trở về, hắn gặp một chị đang chổng mông cấy lúa, rút dao kè vào cổ lôi lên vách đá phía rừng, bắt gập đầu vào vách đá, chỉa mông ra ngoài. Người phụ nữ van lạy hắn xin tha, lấy lý do đến tháng, nhưng hắn lại cười khằn khặc, khoái chí, trợn mắt lao vào người phụ nữ mặc cho máu nhây ra khắp người chị ta. Với hắn, khi làm tình với phụ nữ, máu ra càng nhiều thì hắn càng sảng khoái. Nhiều chị em vì khiếp sợ, vì xấu hổ không dám trình báo. Đến khi bị bắt, Chín Bẹt đã hãm hiếp mười một người. Hắn ra tù, dân không ai biết, không dám về làng, hắn mò lên hố Xanh, bẫy thú rừng kiếm ăn qua ngày. Cái chòi lá ấy là do hắn dựng lên. Cái Ngân bị kinh nguyệt, xấu hổ với Trầm nên chạy ngược lên chòi, núp vào trong lều, lấy bông gòn ra, kéo quần xuống để bịt cầm máu, gặp đúng lúc Chín Bẹt về. Máu tà dâm nổi lên, hắn lao vào cái Ngân như một con quỷ đội lốt người. Hắn nói hắn không có chủ ý giết cái Ngân, chỉ vì lúc hãm hiếp, hễ cái Ngân ra càng nhiều máu thì hắn càng thích, càng phấn khích. Vì thế trong lúc tìm cách quật cái Ngân xuống dưới nền chòi, vô tình cây xà beng xuyên từ sau lưng qua trước ngực Ngân. Thú tính lấn át tất cả, hắn cứ để cái Ngân với cây xà beng xuyên qua người như thế mà hãm hiếp đến khi nào thỏa mãn thì mới buông ra, quên cả việc chiếc nhẫn của hắn bị Ngân tuột ra nắm chặt trong lòng bàn bàn tay từ lúc nào…

   Tòa tuyên án tử hình Chín Bẹt. Trầm ngồi dự, không khóc mà môi cắn lại, bật máu. Nó lẳng lặng lên bến Bà Mười, để nguyên cả đồ bơi qua bến, đến bên gốc cây gòn. Mưa lại đổ liên hồi xuống bến, gió từ phía đập Ông Tới thốc vào lòng nghe lạnh câm. Trong những lùm tre, tiếng quốc vẫn kêu roác roác để gọi bạn tình. Xác bông gòn rơi lả chả, trắng hếu cả một vùng quanh gốc cây. Phía vạt đất năm nào, một bụi trang rừng mọc lên, bung ra những chùm hoa đỏ ối, nhiều bông gòn rơi xuống, bám chặt trên những chùm bông trang. Trầm đến bên gốc trang rừng, lấy cây vẽ một trái tim, viết chỉ chữ Trầm một bên rồi lặng lẽ ra về.