Đuổi theo chân cát

16/12/2023 23:53
303

Truyện ngắn của NGÂN KIM


thung lũng cát hồng bao nhiêu lâu rồi không có một cơn mưa? Không ai có thể trả lời chính xác được, chỉ biết đã từ rất lâu, 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc hơn thế nữa. Bây giờ thì quanh năm nắng rớt, chỉ một màu cát hồng trải dài vô tận. Người ta gọi đây là sa mạc, còn ông Năm lại thích gọi nó là thung lũng cát hồng.

   Thung lũng cát hồng không có tí hấp dẫn gì với người dân địa phương, những người mà cơm còn chạy lo từng bữa, chỉ cầu được ăn no chứ chưa bao giờ dám mơ được ăn ngon. Với họ, món ngon là dành cho du khách, cho dân nhà giàu lắm tiền nhiều của. Những người đi xe hơi bóng loáng, mặc quần áo hàng hiệu sang chảnh. Họ đến đây nghỉ dưỡng năm ba ngày rồi đi. Nên, với họ cái gì cũng đẹp – độc – lạ. Ờ, khi người ta chỉ tạt thoáng qua thì cái gì chưa từng gặp là đẹp. Ở miết với nó rồi, thứ đẹp đẽ cách mấy cũng trở nên nhàm chán. Ông Năm rành quá bởi một ông già đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, trải qua cả cửa sinh tử của chiến tranh thì chuyện vầy chỉ là vặt vãnh.

   Lý do ông Năm đến thung lũng cát hồng nầy không hề giống với mấy người quần áo mướt rượt kia. Ông đến nơi nầy để làm việc dù bản thân ông cũng không biết kiếm nhiều tiền để làm gì, xài gì. Nói vậy sao hao hao nói dóc quá ha. Mà tình thiệt là vậy. Bà vợ ông mất đã lâu, có mỗi mụn con trai thì lại theo quê vợ, ở tuốt luốt trên thị thành. Tụi nó biểu ba lên ở với vợ chồng con cho vui. Vui khỉ gì, mệt thêm thì có. Tao còn khỏe, chân tao còn muốn rong ruổi đó đây. Vậy là ông bỏ quê nhà, đám ruộng giao em họ gieo trồng kiếm gạo nuôi sáu miệng ăn, dặn dò nó lâu lâu quét cái bàn thờ, thắp cho chị mầy cây nhang là được. Rồi ông đi. Đi tới đâu làm thuê tới đó. Cứ xin chân bảo vệ là dễ sống nhất. Có nơi ăn, nơi ngủ, lại có lương. Ở chừng nào thấy buồn chân thì lại xin nghỉ việc xách ba lô đi tiếp. Cứ thế ông đi du lịch bụi khắp nơi. Cuộc đời con người rồi cũng trở về cát bụi, vàng bạc, tiền tài cũng có mang theo được đâu. Chi bằng cứ sống tự do thoải mái, không phiền hà tới ai. Thật may trời phú cho ông sức khỏe dẻo dai, bảy mấy rồi vẫn nhanh nhẹn hoạt bát, thoạt trông ai cũng nghĩ cao tay chừng sáu mươi là cùng vì tóc ông còn đen nhánh. Cái dòng họ nhà ông có gen tóc đen, tới chết vẫn đen nhánh như thế.

   Trên con đường miên di của mình, ông Năm đặt chân tới thung lũng cát hồng từ hồi nào không rõ và ở miết nơi này không đi nữa. Không phải đã chùn chân mỏi gối mà là vì tại lỡ yêu cái miệt đất nầy. Yêu như thể nơi đây là nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thiệt lạ quá hén!

   Ông Năm làm bảo vệ cho một khách sạn hạng sang. Khách sạn được xây dựng bên bàu nước ngọt duy nhất của thung lũng cát hồng. Ờ, lạ hén, cái nơi sa mạc cát nầy tự dưng lại có một bàu nước ngọt rộng hơn héc ta, quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ thấy nước vơi đi. Mặt nước lúc nào cũng xanh lóng lánh màu ngọc bích. Cái màu xanh đó nó đằm thắm, dễ chịu hơn màu nước biển. Mà đừng có dại xuống tắm hén, mép bàu cát dễ lún, cũng vài ba trường hợp chết đuối vì tò mò rồi nên giờ quanh bàu được giăng dây cảnh báo nguy hiểm. Nếu không có hàng dây vây xung quanh, nhìn cái màu nước dịu mát ấy ai lại nghĩ nó có thể gây nguy hiểm cơ chứ!

   Khách sạn quanh năm suốt tháng lúc nào cũng đông khách. Bởi lẽ do địa thế nơi đây đẹp hiếm có nơi nào trội hơn. Một bên sa mạc cát mênh mông, phía trước là bàu nước xanh mát, mé bên phải là biển xanh rì rầm sóng với hàng dừa lúc lỉu trái. Có thể xem nơi đây là một ốc đảo nhỏ của sa mạc nầy. Mà một ốc đảo trên sa mạc thì còn gì tuyệt vời hơn nữa. Du khách có thể tắm biển, phơi nắng, tắm cát, chạy xe địa hình thỏa thích, hay chụp hình sống ảo với đồi cát mênh mông. Những cặp uyên ương thường đến đây chụp hình ngoại cảnh. Dưới chân là sa mạc cát bao la đỏ quạch. Trên đầu là bầu trời rộng lớn xanh biếc. Ở giữa là cặp đôi mặc đồ trắng muốt trao nhau nụ hôn say đắm. Chà chà, lên khung hình thì còn gì đẹp hơn, độc hơn. Có lẽ vì thế mà du khách họ gọi nơi này là “Thiên đường sống ảo”. Một đồn mười, mười đồn trăm, … cứ thế khách kéo nhau tới thung lũng cát hồng ngày càng đông.

    Để tạo không khí xanh mát cho du khách, ông chủ khách sạn cất công tìm mua những cây cổ thụ được bứng từ nhiều vùng miền khác nhau, về trồng trong chậu, thuê cả thợ về cắt, tạo dáng cho cây. Ngày đầu mới tới đây, thứ ông Năm ấn tượng không phải là thung lũng cát hồng, không phải bàu nước hay bờ biển, mà là những cái cây kiểng trong sân khách sạn. Chúng vừa hoang dã vừa kiêu kỳ, kiểu độc nhất vô nhị. Có cây còn mang một vết sẹo to dài xù xì như cái miệng đang há hốc của người khổng lồ, trông rất dị hợm. Thấy ông có vẻ thích thú với những cái cây, ông chủ tiết lộ phải mất rất nhiều tiền để thuê người đi tìm những cây độc nhất vô nhị này về. Đa phần là đào trộm trên rừng nên trên thân cây còn nhiều dấu tích của bom đạn chiến tranh ngày trước. Có cây thân còn găm miểng bom, qua bao nhiêu năm cây phát triển to ra nên nuốt trọn miểng bom vào trong, giờ chỉ còn thấy một cục u ra nho nhỏ. 

   Nếu mà hỏi chuyện được bọn chúng chắc hẳn phải ghi được một cuốn hồi ký dài về cuộc chiến khủng khiếp ấy. Bom đạn. Máu. Tình yêu. Lý tưởng. Căm thù. Thủ đoạn…Hình như ai đó đã từng nói bản chất con người sẽ được bộc lộ hoàn toàn khi đứng trước lằn ranh sống – chết. Vậy thì những mảng màu chân thực nhất của cuộc sống đã được ghim vào ký ức của những cái cây này. Nếu có thể lôi được chúng ra mà viết truyện nhỉ, chắc hẳn là độc nhất vô nhị chứ còn gì nữa.

   Cái thú nhất ở thung lũng cát hồng có lẽ là tắm cát. Mỗi buổi chính ngọ, ông Năm lại nhẫn nại trèo lên đỉnh đồi cát, đào một cái hố tự chôn mình xuống chỉ chừa cái đầu, đắp lên cái nón cói và ngủ. Hết một giấc trưa lại tự bươi mình lên, trở về cần mẫn tiếp tục công việc. Ông gọi là đi nạp năng lượng. Còn mọi người thì nhìn ông như thể động vật ngoài hành tinh mới rơi xuống. Hoặc là điên. Chỉ có điên mới ngủ trưa kiểu đó, đã nắng cháy da còn chôn mình dưới cát cho bỏng rát người sao. Không, cát mát lắm. Mát rượi. Nó trái ngược hoàn toàn lối suy nghĩ logic thông thường. Cát chẳng tuân theo một quy luật nào cả. Mỗi ngày đỉnh đồi lại thay đổi, không cố định một nơi nhất định. Và, ông Năm chỉ chôn mình ngủ trưa ở đỉnh đồi. Ông di chuyển theo bước chân của cát. Cứ thế cả hai đuổi bắt nhau ngày này qua ngày khác, như kẻ si tình cứ bám riết lấy cô gái xinh đẹp mặc đối phương ghẻ lạnh.

   Thật kỳ lạ, từ ngày đến thung lũng cát hồng, chôn mình trong giấc ngủ trưa mộng mị của cát, ông Năm cảm nhận thấy thân thể ngày một rắn lại. Như thể cát đã làm tan chảy hết mỡ trong thân thể ông, đẩy những cơ săn lại, cứng như thép. Càng kỳ lạ hơn nữa là tai ông ngày càng thính. Ông có thể nghe tiếng động cách xa cả nửa cây số, như loài chó vậy. Và cái khả năng ấy ngày càng phát triển cao hơn.

   Nhưng đi đôi với khả năng ấy lại là những cơn ác mộng. Thực là trong cái may có cái rủi, cuộc đời chẳng bao giờ rặt một màu hồng mà. Ông thường hay mơ về những ngày xưa cũ, ngày còn lăn lộn trong khói súng, khói bom. Đôi lần trong giấc mơ ông ú ớ thét gào rồi bật thức dậy, người đầm đìa mồ hôi. Ông còn nghe văng vẳng bên tai tiếng chì chiết: chính các người, chính các người đã khiến máu đổ xuống, khiến bao sinh linh khốn cùng, các người chỉ biết đánh giết cho cái lý tưởng điên rồ, có bao giờ các người nghĩ tới sinh mạng những cái cây, con thú không? Ông nhìn ra ngoài, màn đêm bao phủ, không một bóng người, vậy mà lưng ông lại lạnh toát cảm giác như có hàng ngàn đôi mắt sắc lẻm đang nhìn mình từ phía sau với tất cả niềm căm phẫn.

   Tại sao? Tại sao? Tại sao?...

   Bao nhiêu lần ông tự hỏi tại sao mình lại nhớ lại những ký ức kinh hoàng mà đã cố tình ru ngủ mấy chục năm nay. Ông đã trở về lành lặn, như một đặc ân của thượng đế, đã lấy một người vợ, sinh một đứa con, đã sống một cuộc đời bình thường. Ông đã vứt bỏ quá khứ để sống như một người bình thường rồi mà. Tại sao khi đến miền đất này lại mơ về quá khứ khủng khiếp đó. Ông đã muốn quên đi việc máu đỏ đã nhuộm đôi tay này. Đã muốn một dây cắt phăng quãng đời tuổi trẻ đó. Vậy mà…

   Như một sự cố tình trêu chọc của thượng đế, ông Năm càng muốn quên quá khứ lại càng hiện rõ mồn một. Đêm nào cũng vậy, choàng tỉnh nửa đêm và mồ hôi đẫm ướt khắp người như thể vừa xông hơi xong. Dần dần ông từ chối ngủ đêm vì quá kinh sợ, cứ thức ngồi chòng gọc như vậy chờ đêm qua. Một đêm. Hai đêm. Ba đêm. Bốn đêm….Dần dần ông chẳng còn thấy buồn ngủ nữa. Ông làm bạn cùng đêm. Nói chuyện cùng đêm trong tâm tưởng. Chính lúc đó, ông ngạc nhiên phát hiện ra mình có thể nghe thấy tiếng nói của lũ cây. Thiệt. Hổng phải dóc. Một đêm nọ đang tự đối thoại với chính mình thì ông bật tỉnh hẳn người khi nghe tiếng nói:

   - Này, tay cậu đã mọc lại chưa?

   - Bắt đầu mọc được chút xíu. Biết bao giờ nó mới dài ngoẵng ra được ha?

   - Nằm mơ à, còn lâu mới được dài ngoẵng. Hễ chớm dài chút là chúng nó lại thi nhau cắt trụi.

   (Ông Năm vừa ngạc nhiên vừa sợ. Giữa đêm khuya ai lại vào đây tâm sự nhỉ. Ăn trộm à? Bản năng của một người lính trỗi dậy. Ông từ từ trườn mình ra khoảng sân tối om. Hay là ma nhỉ? Nếu mà có ma thì mình đã thấy từ hồi còn mặc áo lính, thời đó xác chất cao như núi cơ mà. Chắc chắn là người. Ăn trộm, có thể lắm chứ. Tiếng nói phát ra từ gốc si đằng sảnh trước thì phải. Ông Năm trườn mình như loài rắn, chậm chạp, cẩn thận.)

   - Lũ khốn nạn. Chúng có biết rằng đang làm đau người khác không nhỉ.

   - Haiza, chúng biết chớ nhưng cứ làm. Thứ gì có ích cho chúng là chúng cứ làm bất chấp tất cả. Nếu không thì đào chúng ta từ rừng về đây rồi nhét vào cái chậu chết tiệt này làm gì. Rồi đem cưa máy cắt ngang thân để làm gì. Tất cả đau đớn chúng ta chịu đựng chứ có phải chúng đâu.

   (Ông Năm tập trung hết tất cả sự tinh nhuệ của bản thân để tìm hiểu tiếng nói phát ra từ đâu. Không một bóng người. Có ráng nhìn bao nhiêu lần bằng cặp mắt tinh hơn mèo rừng cũng không một bóng người. Vậy thì tiếng nói từ đâu?)

   - Haiza, sống vầy còn khổ hơn thời chiến tranh nữa ha. Chiến tranh bom đạn chỉ găm vài miểng là cùng, có cháy cũng cháy cành là cùng chứ làm gì mà bị cưa ngang thân rồi vài tuần lại chặt hết tay thế này.

   - Đã thế còn uốn hết mấy cái tay của tôi cong cong dị hợm như thể bị dị tật.

   À, ông đã phát hiện ra rồi. Cây si già đang nói chuyện với cây sưa đỏ. Không tin được vào tai mình đấy, mà là sự thật. Nhưng tại sao ông lại nghe được tiếng nói của chúng nhỉ, trước đây có bao giờ nghe được đâu. Ông lục tung trí óc, phân tích, phỏng đoán đủ rồi đưa ra kết luận: do ngủ trưa trong cát. Đúng vậy, cát đã truyền cho ông năng lực đặc biệt này như cách mà nó hút hết mỡ thừa để tiêm thứ năng lượng khiến các cuộn cơ căng tràn sinh lực. Khó tin một lão già gần đất xa trời như ông mà thân thể ngày càng cường tráng như thanh niên, cơ bắp cuồn cuộn. Có lẽ trong thứ năng lượng cát chảy trong cơ thể ông có một thứ năng lượng đặc biệt giúp ông nghe được tiếng loài cây. Rõ ràng thế rồi. Ông chỉ phân vân, là chuyện này là may hay rủi?

   Ờ, cái cuộc đời này tức cười quá ha, tưởng chừng rộng thênh thang thì thực ra chỉ gói gọn trong hai từ “may”, “rủi”; tưởng dài dằng dặc thì lại chỉ ngắn ngủi trong một kiếp người mấy mươi năm. Mấy mươi năm, nghe dài thế mà chớp mắt cái vèo đã răng rụng tóc bạc, ốm yếu, hom hem. Khi ấy mới ngoái đầu nhìn lại, mới tự hỏi mấy mươi năm đó ta đã làm được những gì, mỉm cười hay nhăn mặt đau đớn vì những tham vọng còn chưa thực hiện được. Ông Năm cũng không thoát ra được quy luật ấy. Nhìn lại mấy mươi năm đời mình, thứ ông muốn cắt ra quẳng đi là quãng thời gian căng tràn nhựa sống của thời thanh niên lăn lộn qua bao chiến trường khét lẹt thuốc súng, inh tai tiếng đại bác, bom nổ. Không phải ông sợ cái chết. Không phải ông sợ những ngày dài lê thê vật vã trong cơn đói. Không phải ông sợ họng súng đen ngòm đang chĩa về phía mình. Không phải sợ những cơn sốt rét rừng làm tay chân co quắp như con chó lên cơn động kinh…Ông sợ mùi máu. Thứ mùi bám vào tận những sợi nơron khiến chúng teo riết lại. Thứ mùi xộc vào mũi, chui tọt vào dạ dày tung bao nhiêu cú đấm thép khiến nó òa khóc nức nở phải ói ra mật xanh mật vàng (chứ làm gì có thức ăn mà tuôn ra). Thứ mùi ám vào quần áo, tóc tai, vào da thịt lởn vởn quanh năm suốt tháng bên mình không sao giặt giũ tắm rửa sạch được.

 *** 

   Một buổi sáng nọ, ông chủ bảo ông Năm:

   - Chú coi cắt tỉa mấy cái cây nha. Dạo này kinh tế khó khăn, thuê dịch vụ cắt tỉa mà họ tính rát quá.

   - Dạ, tui có biết cắt tỉa gì đâu, đụng tay đụng chân sợ làm hư bột hư đường hết thì khổ.

   - Dễ ẹt à. Có khung sẵn rồi chỉ lấy kéo tỉa theo thôi chứ có uốn tạo dáng đâu mà khó. Cứ làm đi rồi từ từ có kinh nghiệm. Vậy nha.

   Ông Năm thấy cái bàn tay vừa đặt lên vai ông sao nặng hơn núi đè, nặng tới độ bàn tay đó đã rút ra rồi, người đã đi tuốt luốt vô sảnh rồi mà cái một bên vai còn bị ghì xuống. Ông còn biết làm gì ngoài thở dài. Cũng đành chịu thôi, từ hồi dịch bệnh lan rộng tới giờ người ta cấm dân di chuyển, ai ở yên nhà đó, cái xứ này cũng đìu hiu vì chẳng ma nào tới. Giờ người ta còn đang lo nghe coi hôm nay bao nhiêu ca mắc bệnh, bao nhiêu ca tử vong mà hồi hộp lo lắng cho số phận của mình thì sao mà thảnh thơi đi du lịch được. Giờ có ra đây, có nhìn thung lũng cát kia, nhìn biển xanh kia thì cũng chỉ thấy đầy nghi hoặc hổng biết bên đó có virut không chớ hứng thú gì nữa mà chơi xe địa hình, mà tắm biển.

   Cái khách sạn năm sao bình thường đông nghẹt giờ vắng tanh hơn chùa bà đanh. Nhân viên bị cho nghỉ việc gần hết, chỉ còn vài ba người dọn phòng làm việc. Chủ yếu giữ vệ sinh cho sạch lỡ có khách tới. Mà ma nào tới đâu. Dọn là dọn vậy thôi. Ông chủ chắc hẳn biết điều đó chớ, người ta dân làm ăn, ngu đâu mà không biết. Nhưng có lẽ ông không đành lòng cho nhân viên nghỉ hết để cái cơ ngơi khổng lồ này chìm trong bụi, mạng nhện. Dù gì cả đời đã đổ công sức tiền của vào đây, ông vẫn hy vọng dịch bệnh nhanh được khống chế, rồi khách lại ùn ùn kéo đến. Mà, coi bộ ngày đó còn xa dữ lắm đa!

   Phải mất cả ngày đánh vật với cái cắt cành khổng lồ ông Năm mới xử lý được hết đống nhánh cây tua tủa đâm khỏi cái khung định sẵn. Cũng phải, vài tháng nay chẳng ai cắt tỉa. Tối đó, mệt phờ nên ông lăn ra ngủ vùi. Chỉ chờ có thế, giấc mơ vồ lấy ông cười sằng sặc đắc chí như thể đã rình bắt con mồi này từ lâu lắm rồi.

   Ngủ đi tên già kia. Và mơ đi.

   Mơ đi. Quá khứ của ngươi đó. Quá khứ mà ngươi ra sức chối bỏ đó.

   Nhìn kỹ đi. Nhìn cho kỹ đi…

   Buổi chiều sau trận giao tranh ác liệt. Mặt trời đỏ ối phía đằng xa như nhuộm cả không gian trong màu máu. Không khí sặc mùi thuốc súng. Và mùi tanh nồng của máu tươi. Xác người nằm la liệt. Năm tỉnh dậy, đầu choáng váng đau. Ráng ngóc đầu dậy quan sát tình hình thử thì thấy Dũng, thằng bạn thân đang cố gắng tiến về phía trước. Quái, bên đó là phía địch nấp mà. Cái thằng điên sao trời, qua đó lỡ có thằng nào còn sống nó cho một phát thì đi lẹ luôn. Hình như thằng Dũng đang tìm gì đó. Nó ôm bụng lảo đảo lật từng khuôn mặt lính cộng hòa. Chi vậy ha. Cứ như đang tìm người quen. Cái thằng nầy nổi tiếng ngang chướng, một khi đã quyết làm gì đó ai cản được.

   Năm ôm đầu loạng choạng qua phía bạn. Mày tìm gì vậy. Phụ tao coi, tìm cái người mũi hếch, trán có sẹo dài cỡ ngón tay út, cái vết sẹo té va vô bực cửa á. Sao mày biết rành dữ vậy. Anh hai tao mà, sao hổng biết được. Năm đứng hình. Anh hai? Chẳng lẽ…Thằng Dũng lay lay một tên lính to con, da nâu bóng khẽ gọi “Hai, hai ơi! Em, út Dũng nè”. Năm đặt tay vào mũi, vẫn còn hơi thở yếu ớt phả ra. “Còn sống. Mèng đéc ơi hai chân nát nhừ đạn rồi”. “Không sao, qua khỏi rặng ô rô có làng, phía chân đồi cát, thể nào dân thấy cũng cứu”. “Chân cộ vầy biết có lết tới đó được không. Mà giờ còn chưa tỉnh thì …”. Thằng Dũng ráng rịt vết thương nơi bụng cố xốc nách anh hai nó giục Năm: mày phụ đỡ hai lên vai tao coi. Đừng nói mày cõng ổng xuống xóm dưới đó nghen. Ờ. Trời ơi, mày coi lại mày đi, vết thương đương chảy máu, xuống được tới đó rồi còn sức mà về không? Thằng Dũng nhìn Năm trân trân: má dặn tao hai mày mặc áo rằn ri đó, hai đứa mày đi là má đã xác định đội khăn tang lên đầu rồi, mà đừng để cảnh anh em phải gà cùng một mẹ mà bắn giết nhau, đau lắm con ơi. Giờ gặp tao bỏ hai sao đặng?  Nhưng mà…Vết thương trúng bụng sâu lắm, tao khó qua được. Mày hiểu hông, chỉ cần hai được cứu sẽ được giải ngũ, được trở về bên má.

   Năm nhìn đôi mắt thống thiết của thằng bạn thân, lẳng lặng đỡ anh hai nó lên lưng. Mày trở về đơn vị đi, đừng nói ai biết chuyện này, ai có hỏi cứ nói không biết nghe hông. Năm đứng nhìn thằng Dũng lê từng bước nặng nhọc mà chết lặng. Dũng ơi, mày làm vầy về tình thì không sai nhưng về lý thì sai ghê lắm. Tội này không chỉ đồng lõa với địch mà còn là đào ngũ nữa. Đời làm lính, tội gì cũng không nhục bằng tội đào ngũ. Mày từng nói với tao sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, “chí làm trai da ngựa bọc thây” mà Dũng ơi, giờ lại phải gánh cái tội nhục nhã nhất trong các tội, sao đành Dũng ơi…Thôi thì cầu mong được như lời mày nói, bớt được một chiếc khăn tang trên đầu má.

   Năm vừa mới nhắm mắt thở dài thì tiếng súng nổ khô khốc vang lên “đoànggg”. Máu tuôn xối xả từ lưng người mặc áo rằn ri, rồi cái thân người to lớn rớt phịch xuống đất. Thằng Dũng quay đầu nhìn lại, mắt nó trợn ngược, hộc máu chết trân. Theo phản xạ tự nhiên Năm cũng quay đầu nhìn lại. Trời ơi, là tiểu đội trưởng. Tại sao lại như vậy? Có thể anh tưởng là hai tên địch nên nhắm bắn. Năm vẫn còn á khẩu thì tiểu đội trưởng trách phạt:

   - Cậu có biết thả họ đi là nguy hiểm cỡ nào không? Một khi nói đóng quân bị lộ, địch sẽ tìm tới tiêu diệt sạch sẽ. Các cậu đã để tình riêng làm mù ý chí rồi. Lần này tôi bỏ qua cho cậu không báo cáo cấp trên, một lần nữa là cậu không thoát được nữa đâu đấy.

   Năm gục ngã ôm ngực thở dốc. Tâm hồn anh chết điếng. Rồi vực dậy điên cuồng đào hố. Một mình kéo hai cái xác xuống chôn. Trong ánh chiều còn sót lại của một ngày, anh thấy hai tay mình đẫm máu. Máu. Máu ướt đẫm khắp người như thể anh vừa tắm máu.

   Máu.

   Máu.

   Máu nhiều vô kể.

   Ông Năm hoảng hốt hét lên, sực tỉnh. Bao nhiêu năm rồi cảnh tượng ấy vẫn không hề phai mờ đi tẹo nào, vẫn rõ mồn một như mới hồi chiều này. Mỗi lần nhớ lại, ông Năm vẫn tự hỏi chiến tranh, chiến tranh là gì? Lý tưởng suy cho cùng cũng chỉ để phục vụ hạnh phúc con người. Nếu buổi chiều hôm ấy, tiểu đội trưởng không bắn phát súng đó, vẫn còn cách khác để giữ bí mật mà, có thể đem cả hai anh em trở về đơn vị, cứu chữa cho họ, dù áo rằn ri hay xanh lá vẫn là con người kia mà. Sao lại phải nhẫn tâm đến vậy?

   Ông Năm vục mặt vào tay, vuốt bớt mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Nhiều năm sau cuộc chiến, chứng kiến những nghịch lý của cuộc đời tâm hồn ông dần chai sạn, không còn chảy trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhưng buổi chiều hôm ấy cứ ám ảnh mãi chẳng thể nào quên được. Nó thôi thúc ông phải tới thung lũng cát hồng này, theo dấu chân của cát để tìm hai anh em họ. Rõ ràng chiều đó đã chôn họ trên đỉnh đồi cát, ngay bụi ô rô lớn. Vậy mà giờ trở lại chỉ còn sa mạc cát, trải dài thăm thẳm.

   Mồ hôi vẫn tiếp tục tuôn rơi. Ông đưa bàn tay lên nhìn. Nhễ nhại, ươn ướt. Mồ hôi hay máu? Bỗng dưng ông nghe mùi tanh nồng sực vào mũi. Ông ra vòi nước xả nước rửa mặt cho tỉnh. Khi ông đứng thẳng người lên thì đã thấy biết bao nhiêu con mắt đỏ ngầu đang nhìn mình.

   - Ông là kẻ ác độc. Tại sao lại cắt tay chúng tôi?

   - Đồ dã man.

   - Quân giết người.

   Lũ cây nhao nhao hét toáng lên. Chúng giơ những cánh tay cụt ngủn, máu trắng còn nhỏ giọt nhìn ông bằng đôi mắt hận thù.

   Máu.

   Mùi tanh lòm lại xộc vào mũi. Ông Năm hoảng hốt chạy trốn lên đồi cát. Gió thốc vào tóc vào mặt. Bao nhiêu khuôn mặt ma quái nhìn ông. Chúng cười. Chúng hét: “Quân giết người. Giết người”. Ông Năm điên cuồng chạy trốn trên đồi cát. Không. Ông không muốn giết người. Ông không phải là kẻ giết người…

   Phần Kết:

   Tờ mờ sáng hôm sau, khi ông chủ thức dậy xuống sân tập thể dục đã phải hốt hoảng khi thấy cảnh tượng kinh dị đập vào mắt mình: ông Năm nằm gục nơi bậc tam cấp, máu đọng thành vũng quanh đầu. Ban đầu ông nghĩ đó tối qua đã có ăn trộm đột nhập, sau khi bình tĩnh kiểm tra thì nhận ra không phải. Máu vương khắp nơi trên mấy chậu kiểng. Chậu nào cũng có vết máu. Vết cắt trên cổ tay ông Năm là nguyên nhân khiến ông thiệt mạng. Như vậy có thể ông đã tự cắt tay và trét máu khắp các chậu kiểng.

   Ông chủ thở dài. Ông ta lên cơn điên rồi. Vụ này mà để lộ ra ngoài thì còn ai thèm tới khách sạn này nữa. Đứng trước cửa sinh tử, mắt ông chợt lóe lên tia sáng ranh mãnh. Rút điện thoại gọi, cười nói, nhờ vả. Sau vài cuộc điện thoại như thế thì tất cả đã được dọn dẹp sạch sẽ như chưa từng có gì ghê gớm xảy ra. Tất cả chậu kiểng được chở ra mé cuối của đồi cát vứt bỏ. Còn cái xác lão già? Đào hố chôn xuống đó luôn đi. Má, miệt này giờ có đéo thằng nào nữa đâu mà sợ, cứ chôn ở đó cho tao. Dịch giã vầy có ai làm khó khai chết vì dịch là xong, cùng lắm chỉ bị phạt dăm triệu. Yes sir. Thế là tất cả đi vào dĩ vãng.

   Ngoại truyện:

   1. Lão chủ khách sạn cho rằng ông Năm bị điên là do vong nhập. Chớ gì, trưa nào cũng đào hố chôn mình ngủ trong cát. Khi về miệt này xây dựng cơ nghiệp, lão có nghe nói đồi cát ấy trước kia là một cái làng. Trong chiến tranh, một lần địch càn về làng, giết hơn hai trăm mạng người đào hố chôn tập thể. Sau đó dồn dân làng còn sót lại đi nơi khác. Cát cứ thế vùi lấp dần thành ra đồi cát như bây giờ. Có lẽ ông Năm trong một lần đào hố ngủ trưa đã đào trúng cái huyệt chôn tập thể đó nên bị âm khí ám vào người mới hóa điên. Là lão phỏng đoán thế thôi chứ cũng chẳng kiểm chứng chính xác được và cũng chẳng dại gì kể với người khác chỉ để tìm sự thật. Có mà điên à, kể ra là lão cũng tèo luôn.

   2. Sau cái chết của ông Năm, lão chủ cho trồng những bồn hoa rực rỡ để xua bớt âm khí. Quả thực vậy, dịch bệnh dần được khống chế, thế là người ta vỡ òa sung sướng chạy về miệt này để thỏa thích hít khí trời, tắm biển, chạy xe địa hình. Thế là khách sạn lại đông nườm nượp. Lão chủ ngồi ở tầng cao nhất, sáng sáng ngắm biết bao nhiêu cái đầu nhấp nhô trên đồi cát mà cười thầm. Ờ, tiền cứ thế chảy vào túi, không cười sao được.

   3. Những cái chậu cây bị vứt bỏ rìa bờ cát đã phá vỡ cái chậu sành nhốt chúng bao nhiêu năm, đâm rễ ăn sâu xuống lòng đất. Cành lá phát triển tốt tươi tạo thành một khu rừng nhỏ. Nhưng ai cũng sợ chẳng dám bén mảng tới nơi này. Nghe đồn những người vô tình đi ngang nơi này vào ban đêm đều thấy một lão già ngồi ngay chạc ba cây si hát hò um sùm. Mà lạ kỳ một cái là chỉ thấy một mình lão nhưng lại nghe rất nhiều người hát, cứ như một dàn đồng ca vậy. À, là tin đồn thôi chứ thực hư thì chẳng ai biết được vì ai cũng sợ chẳng dại đi kiểm chứng…