Kí ức bỏ lỡ

01/09/2024 19:47
179

Truyện ngắn của  LÊ HỨA HUYỀN TRÂN


Bà vẫn hay kể cho tôi nghe về mối tình thời chiến của bà, dù bà đã lẫn và những kí ức dội về trong tâm trí khi được khi mất nhưng nếu chịu lắng nghe thì nó cũng chắp vá lại được thành một câu chuyện tình buồn. Bà ngót nghét đã hơn chín mươi, giọng nói có phần chậm rãi và đôi khi đương nói lại dừng lại, cảm tưởng như không biết mình đang nói những gì. Những thứ khiến câu chuyện bà trở nên đậm tình có lẽ chính là giọng nói đều đều chậm rãi, ánh mắt nhìn về một khoảng trắng quá đỗi xa xăm phía trước, tựa như đang lục lọi kí ức. Bà hay ngồi nơi chái nhà, bỏm bẻm nhai trầu rồi đôi khi còn nói chuyện một mình, mẹ tôi hay bảo:

   - Ông “về” nên bà đang nói chuyện với ông đó.

   Mỗi khi thấy bà ngồi nói chuyện một mình người lớn trong nhà hay bảo thế. Nó không thiên về mê tín, nó nghĩ nhiều về đoạn tình cảm dẫu cho đã cách biệt âm dương. Tôi là đứa chắt duy nhất của bà, gọi bà bằng cố, từ nhỏ trong khi gia đình luôn bận rộn với việc mưu sinh, tôi được một tay bà nuôi dưỡng. Tuổi thơ của tôi là nơi thềm nhà, nơi bà thức dậy từ sớm, ngồi giã trầu, bày vài con đề ra xem, và ngân nga với vài điệu chèo… Thanh âm của những thứ ấy theo tôi giòn giã suốt cả những cơn nắng trưa và cả sự yêu thương của bà cùng những câu chuyện kể của bà là điều tôi vẫn hằng khắc ghi. Thậm chí đến độ cho tới sau này, mỗi khi nghĩ lại về bóng hình nhỏ bé nơi góc thềm ấy, những giai điệu mà tôi dẫu không thuộc nổi nhưng vẫn thấy hằng quen thuộc vẫn cứ như những kỉ niệm dội từng làn về trong tâm trí.

   Bà kể trước khi lấy ông bà có một mối tình khắc cốt ghi tâm với một người tên Thiện. Ông Thiện với bà không chỉ là thanh mai trúc mã của nhau mà còn “gần như” đã là vợ chồng chỉ chờ một cái cỗ là về ở chung. Cũng bởi hai người từ nhỏ đến lớn đã ở bên cạnh nhau, là hàng xóm sát nhà, thậm chí ngày xưa khó khăn không câu nệ một cái lễ hỏi nhưng hai bên gia đình đều đã thưa gửi, thuận đà ước định. Thế rồi, khói lửa chiến tranh nổ ra, vì tình yêu quê hương ông lên đường đi lính, bà bươn chải nơi hậu phương, chuyện tình yêu cũng vì thế trở nên trắc trở. Mỗi khi kể về ông Thiện, bà vẫn hay lén ngước nhìn lên di ảnh của ông tôi rồi cười bẽn lẽn:

   - Tao kể với mày thôi chứ ổng mà biết là ổng ghen với ông Thiện lắm. Nhưng giờ ổng  “đi” rồi có muốn ghen cũng đợi tao về bên kia cái đã.

   Trên đôi gò má đã in hằn những vết tích của thời gian vẫn còn nụ cười nghe chừng duyên lắm. Những lúc như thế tôi cũng vẫn hay trêu bà hẳn khi xưa xinh lắm mới được cả ông và ông Thiện xiêu lòng, bà chỉ cười bẽn lẽn. Điệu cười e ấp như đóa hoa sớm nở tuy đã bị khuất phục trước dòng chảy thời gian nhưng vẫn không lu mờ nổi vết tích nổi bật thuở dậy thì. Bà kể năm xưa bà vẫn còn trẻ lắm, khi tiễn ông Thiện lên đường nhập ngũ, bà chỉ vừa tròn mười sáu. Được đỗi bà lại quay sang ghẹo tôi:

   - Xưa ấy, tuổi trăng rằm là yêu đương, nhưng giờ thời thế thay đổi rồi, mày mà yêu sớm là bà đánh cho không còn đường về nhà đấy nhé.

   Bà bảo ngày xưa tình yêu Tổ quốc cháy bỏng trong mỗi con tim người dân thời bấy giờ, bản thân bà dù còn rất trẻ cũng vẫn gạt tình riêng để tiễn người yêu ra chiến trận, bà cũng trở thành cô du kích làng, hoạt động âm thầm cống hiến cho Tổ quốc. Tình yêu ngày đó bền chặt lắm, ông Thiện và bà chỉ có thể duy trì tình yêu và sự nhớ nhung qua những cánh thư mà có khi rất lâu mới nhận được. Thậm chí đôi khi nhớ ông nhưng khi bà gửi thư hồi đáp ông đã hành quân sang miền khác, chỉ có bà vẫn đều đặn nhận được thư vì bà vẫn luôn ở tại quê hoạt động. Những cánh thư dẫu đôi khi chỉ có một chiều nhưng hai trái tim không ngăn cách nổi, bà nói những điều mà có lẽ tôi không hiểu nổi, về việc dẫu ở xa nhau cách mấy vẫn luôn có cảm giác người ấy ở cạnh bên để làm động lực, đó chính là tình yêu thời chiến. Ấy vậy nhưng bà vẫn yêu ông cho đến những năm tháng về sau nữa.

   - Vậy rồi từ ngày đó ông Thiện đi luôn hả bà ?

   - Không, về chứ. Về được mấy bận…

   Có những lần ông hành quân về lại quê cũ, dù chỉ là những ngày tháng ít ỏi nhưng đó cũng là những ngày sum họp với chốn đợi ở quê. Bà và ông luôn trân trọng từng khoảnh khắc đó, ngày ông về lần đầu bà đã mười tám, con gái độ xuân thì mơn mởn nhưng bà vẫn giữ một lời thề thủy chung chờ đợi. Dường như thời gian khi ấy là kẻ thua, không thể làm phai nhạt đi tình cảm của người đi và người ở lại mà chỉ có thể làm kẻ chứng nhân để lại vết tích trên đoạn tình cảm ấy. Ông kể rất nhiều về những nơi ông đã đi qua, và những chiến công của quân ta, bà cũng kể về những thay đổi nơi hậu phương, cuộc nói chuyện của hai người dường như không có một lời nào là yêu nhưng tất cả lại là yêu. Mỗi lần ông đi, sự quyến luyến vẫn luôn còn đó nhưng bà cũng cảm nhận được ông có điều gì định nói. Tính bà vốn cứng rắn hơn ông nên lần đó tỏ ra giận ông mới nói:

   - Nếu bà không chờ tui được, thì bà cứ lấy chồng đi nha.

   Tính ông vốn cục mịch, lòng ông bà hiểu, nhưng bà cũng cả giận và cũng khóc rất nhiều.

   Sáng hôm sau khi ông chuẩn bị lên đường, chờ mãi không thấy bà tới còn nghĩ những lời mình nói hôm qua làm bà tổn thương. Có lỗi lắm nhưng cuộc hành quân đang chuẩn bị, vừa không thể dừng lại được vừa hối hận. Khi đoàn ra đến đầu làng đã nghe tiếng gọi với bà chạy theo từ phía sau, lưng ong ướt đẫm mồ hôi, đôi mắt quầng thâm nom nhìn đã biết cả đêm thức trắng. Bà dúi vào tay ông chiếc áo mà bà đã mua làm quà từ lâu nhưng giờ mới có dịp đưa, trên ve áo có thêu hai cái tên, đó là tên ông và tên bà…

 

   Có những lần được lên thăm ông khi cuộc chiến bắt đầu chững lại, bà cùng rất nhiều người chốn hậu phương lên thăm những người nơi tiền tuyến. Sự yêu thương lại dấy lên sau từng hồi xa cách. Vừa kể tới đoạn đó, cơn nắng rát ngoài sân đương đổ ập xuống căn nhà mái ngói của chúng tôi, nó chỉ làm cho câu chuyện của bà trở nên dồn dập hơn. Đó là một đoạn kí ức vào mùa hè đỏ lửa năm ấy, khi bà đã hai mươi ba. Người ta vẫn hay nói, đi một chặng đường xa để tới thăm một người, đoạn đường đi tới đó bạn sẽ cảm nhận được như thế nào là yêu. Những cơn nắng cứ chực đổ ập xuống trên chiếc xe của bà, mồ hôi mướt cả nhưng dường như ai cũng không còn nghĩ tới cái nắng khi gặp được những người chồng người cha của mình. Bà kể cứ mỗi lần gặp ông là lại thấy ông thay đổi: làn da đen sạm hơn nhưng đôi mắt vẫn như phát ra ánh sáng; trên cơ thể in hằn nhiều vết sẹo nhưng ông vẫn luôn tự hào là những chiếc huy chương; thân hình cũng vạm vỡ hơn như được trui rèn bởi khó khăn; và nhất là ý chí, ngày càng mạnh mẽ hơn với niềm tin hòa bình sẽ dần tới. Lần này khi chia tay, và cả những lần sau đó, ông luôn nói với bà:

   - Hãy chờ tôi về, tôi nhất định sẽ cưới xin mình đàng hoàng.

   Họ đã thôi gọi nhau bằng “tui” như thời trẻ dại, sự trưởng thành và chín chắn lớn lên cùng cương vị khác trong nhau. Ông sau lần mấy năm trước nhìn thấy tấm lòng bà cũng không còn nói những câu như khuyên bà thương người khác mà luôn bảo hãy chờ đợi ông như cách ông đáp lại tình cảm bà.

   Nhưng với một giọng trầm buồn, bà kể lại:

   - Ngày đó nói thiệt tao còn trẻ quá, tính tình cũng còn trẻ con, đợi ổng một thời gian dài được nhưng khi ổng ở bên lại không biết trân trọng.

   Bà kể ngày ấy hầu như chỉ nhận được thư đơn phương, cộng với nỗi nhớ cồn cào của những năm tháng xa nhau, và thỉnh thoảng bà lại nhận được lời chọc ghẹo của các chị chàng và cả những anh lính cùng ông về quê:

   - Em coi mà giữ thằng Thiện, nó được khối chị nuôi theo đấy nhé.

   Đó cũng là lúc bà bắt đầu để mất ông. Những lần sau khi ông về quê, bắt đầu có những cuộc cãi vã và những lúc ghen tuông. Nhưng rồi có một lần khi ông đóng quân tại chỗ lâu và bà có dịp lên thăm ông, họ đã có nhiều hơn những cuộc cãi vã. Cuộc cãi vã to đến độ ông tức giận bỏ ra ngoài, còn bà, bà cũng bỏ về mà không nói gì sau đó. Vì bà nghĩ ông cũng không muốn nói chuyện và cả không tôn trọng bà, dù bà đã vất vả lên thăm ông. Sau lần đó, bà gửi cho ông một bức thư chia tay… Cứ tưởng đó chỉ là nóng giận nhất thời nào ngờ lần đó đã mất nhau mãi mãi. Hai người mất liên lạc sau đó, bà vẫn còn giận và cũng vì nghĩ nếu ông thực sự thương bà thì sẽ không để mất bà. Cứ thế bà cả chờ và cũng nhiều cảm xúc đan xen. Rất nhiều năm sau đó bà tìm cách liên lạc với ông vì nỗi nhớ dấy lên từng cơn nhưng cuộc chiến từng hồi ác liệt, không có cách nào liên lạc được.

   Bà lấy ông tôi khi đã quá tam tuần, một phần bà vẫn chờ ông Thiện nhưng bặt tăm tin tức, rồi bà cảm động bởi tình cảm ông tôi dành cho bà…Rất nhiều năm sau bà mới có dịp gặp lại đồng đội ông Thiện khi xưa trong cuộc họp cựu chiến binh. Ông Thiện hi sinh trong một lần càn quét của địch… Kể tới đó đôi mắt bà ngấn nước nhìn tôi:

   - Sau này khi con bắt đầu yêu thương một ai đó, hãy biết lắng nghe và thấu hiểu. Khi cảm thấy sắp có cãi vã, hãy ngừng nói chuyện và nhìn nhận lại mọi thứ. Vì lúc cãi nhau sẽ nói những điều mình không thực sự nghĩ như vậy.

   Sở dĩ bà nói vậy vì bà đã nghe đồng đội ông kể lại :

   - Ngày đó lúc mà cãi nhau với em xong, thằng Thiện nó ra ngoài, khi nó về thì em đã về rồi. Chắc em không biết, lúc đó nó về với hai bát phở trên tay…