Truyện ngắn của ĐINH ĐÌNH CHIẾN
Hưu rảnh, ông giáo chơi kiểng. Sức yếu không bao nổi cây lớn nên thầy chỉ chơi dạng bon sai. Mà cây của thầy được tính toán ở diện tiềm năng. Tiềm năng tức là lâu dài. Thời gian vô định. Vì ảnh hưởng mấy năm lính nên chơi kiểng ông giáo cũng thấm nhuần chất lính “trường kì…”. Cây chơi từ lúc tí tì ti. Từ mai vàng, mai xanh, mai chiếu thủy, cần thăng, linh sam, sam hương, sanh, si, da, bông giấy…Vì chơi nhiều nên ông giáo cũng kém chút kinh phí cho việc đầu tư chậu nên cần mua thì mua và cũng tận dụng mọi thứ như mũ bảo hiểm cũ, hộp nhựa, nói chung là các loại. Nếu có thể là ông biến thành chậu cây kiểng tuốt. Cả cái thứ mà cô vợ hay ca cẩm đó là xoong nồi quá lửa. Cháy đen đến mấy nhưng ông chà chà đục lỗ đặt cây vào đúng thế là ô kê cả.
Cũng có lần cô vợ nhờ lão coi xoong cá đang nấu, lão đứng ngay bếp mắt không rời cái nồi phút nào cả. Thế mà có ông bạn mới mua cây mai đẹp gọi cho lão rồi miêu tả từ dáng, tán, cành và nhất là bộ đế. Lão nghe mà nôn nao muốn phóng ngay đến nhà bạn. Khoác được cái áo, quần mới xỏ được một ống thì chao ôi cái mùi thơm não nề bốc lên. Kế đó là khói bay mù mịt. Chết rồi. Lão hết hồn chân mắc vào ống quần ông giáo té. Cùng lúc cô vợ về te tua còi cảnh sát. Ông im lặng tự kiểm. Cô vợ vẫn xót của rên: - Tui biết mà ông biến xoong nồi tui thành chậu kiểng hết. Đến cái khay đựng li tách tui mới mua cái mới là lập tức ông xách cái cũ ra vườn…
Ông giáo ngoan như đứa trẻ bị lỗi, đi ra vườn, nhưng đầu đã tính toán ước lượng cái nồi vừa cháy sẽ hợp với gốc cây nào…
Thôi thì cái nghiệp mình nó thế. Ông giáo nghĩ. Ai biết được chuyện đời. Ngay cả lúc thành ông giáo (tức là lúc vô giáo dục) rồi nghỉ hưu thành mất dạy. Ông lại từng đến trường tư thục để xin vô lại, nhưng rồi cũng lang bang. Bây giờ lại tập tò cây kiểng. Vợ la là đúng, bây giờ không làm gì ra tiền mà còn báo hại. Xem tivi thuê bao kênh thể thao hết 3 chục ngàn/ tháng. Mê ngoại hạng Anh, thuê k+ 198 ngàn/tháng. Tiền cây, tiền phân, tiền thuốc…Nhiều lần quá nên ngại lấy tiền vợ. Có lần vợ đưa tiền mua card điện thoại ông giáo cầm rồi không mua gom gom tính bề cây kiểng. Lão nghĩ mình gọi zalo cũng được.
… Ngạc nhiên, sáng nay cô vợ chợ về hớn hở: - Tiền đây anh cầm chủ động mà mua phân tro cho cây mai. Ông giáo cảm động cầm 2 tờ 500 ngàn rồi nhìn ra vườn rưng rưng vui.
Cô vợ xuýt xoa: - Em nghe nói cây mai nhà ông Bình dưới xóm người ta hỏi mua 3 tỷ.
Tôi im, cây mai 3 tỷ kia có trên 80 năm tuổi, mai của tôi cây lớn nhất mới chỉ 5 năm.
Rảnh rỗi thành ra nông nổi. Cầm đồng tiền gió lật, mắt cay, hạ mức cảm xúc cây trở về âm độ.
Thì ra là thế! Vợ hi vọng nhà mình sẽ có cây mai vài tỷ như thế nên hào phóng. Nhưng cô ấy không biết cây mai ấy khi ông Bình 5 tuổi đã thấy nó lớn quá tầm người rồi. Bây giờ ông ấy 68 tuổi. Còn mai tôi trồng cây lớn nhất mới 5 năm.
Cái gánh riêu của vợ nuôi cả mình lẫn nghề. Bao năm mưa nắng đâu có quản ngại, bà luôn động viên ông thôi thì ông ráng cho bằng chị bằng em nhà cửa tui lo. Ai cũng bỏ cái vùng khó này mà đi thì còn ai dạy. Ông thầm cảm ơn bà và chăm chút với cái nghiệp sách đèn. Phấn đấu dẻo dai 24 năm ông giáo thành hiệu phó. Chị vợ vui và càng cặm cụi với cái gánh bún riêu. Bây giờ ông nghỉ hưu chị vợ vẫn kiên trì quang gánh. Trước đây ông còn dạy chị ăn theo chút tiếng thơm mang tên “chị vợ anh giáo”. Ông hết dạy mấy năm bây giờ chị lại có tên chị Thúy riêu cua…
*
Sau 32 năm dạy học ông nghỉ hưu. Không biết người khác về hưu thế nào chứ ông giáo về hưu tươi tỉnh được gần chục năm đầu. Bắt đầu sang tuổi 70 là ông đổi tính, đổi nết quên trước, quên sau.
Chặt trái dừa lấy nước uống. Chặt xong bưng cái tô nước còn cái thớt, con dao và vỏ trái dừa ông để đó… Ra mở cổng, mở được cổng rồi còn cái ổ và chìa khóa móc lên thanh cổng treo lủng lẳng. Tối tìm khóa muốn chết. Rồi có hôm sửa cái quạt. Sửa xong đưa cái quạt vào nhà còn tuốc- nơ- vít, kềm….bỏ lại ở thềm. Đại loại là nhiều chuyện quên kiểu đó. Hôm lấy mớ thuốc ra uống. Lấy thuốc xong đứng lên bỏ lại hai bọc thuốc lớn, mấy cái vỉ hết thuốc cũng để lại. Bực mình chị vợ la: - Ông lấy cái gì dùng xong thì cất lại cho gọn giùm coi.
Ổng nghe rồi trợn mắt: - Dạo này bà hay la lắm đó. Để đó tui dọn từ từ. Từ từ là không biết bao lâu. Nói thế nhưng ông chồng vẫn cứ tính nào tật đó. Một lần không biết cần gì mà lấy cuốn ăng - bum xem xem ngó ngó. Xong rồi để đó. Chị vợ không nhắc nữa. Cứ để vậy coi. Nhưng rồi 3 ngày sau cuốn ăng - bum vẫn nằm trên bàn. Bực mình quá. Cuối cùng chị vợ cũng tìm được cách giải quyết, thứ gì ông bỏ quên chị im lặng nhặt bỏ hết vào cái bao treo sau góc nhà.
Ban đầu thì bình thường nhưng sau vài tháng cứ thấy ông giáo đi ra, đi vào nghiêng nghiêng ngó ngó, lục cái này kéo cái kia. - Mô hè, mình cất mô rồi hè, sao tìm nỏ thấy. Cái giọng Quảng Bình đã nặng giờ nghe nặng hơn. Chị vợ thầm quan sát, khoái chí.
Nhưng sau lần ông nhìn cây linh sam, kéo cành thế này, xoay cành thế kia. Cuối cùng đứng lên tìm góc này qua góc khác. Tìm cả buổi, có lẽ vì nóng lòng muốn tạo thế cây nên ông đến bếp lấy cái kéo cắt thịt đi ra vườn.
Vợ la: - Ông lấy cái kéo ấy mà cắt cây à.
Ông đứng lại đưa trả kéo. Một lúc ông hỏi: - Bà có thấy cái kềm bấm cây của tui mô không? Thấy cảnh tội nghiệp chị vợ im lẳng lặng ra góc nhà xách gần đầy cái bao dùng đựng gạo đưa cho ông: - Trong này hết đó.
Ông vội cầm nhanh như tìm được của quí. Ông ngồi thụp xuống chậm rãi lấy ra từng món đồ. Lát sau ông ngẩng nhìn lên: - Bà ạ tui dạo ni hay quên quá. Có khi lại quên luôn cả bà. Ông cười nửa nụ:
- Gay thiệt, tôi sẽ cố gắng để bớt quên.
Ông giáo lại ngồi ngắm từng món đồ như ngắm những người bạn đã lâu không gặp.
- Bà ơi tui nói bà nì, kiểu ni e sợ lâu ngày tui quên bà mất. Hay là bà chịu khó đeo cái chuông để luôn loong coong nhắc tui nhớ đến bà!
- Ông hâm à, nếu đeo cái chuông loong coong cả ngày e tui phát điên.
Ông cười nhăn nhó: - Tui nói cho bà vui í mà.
Kể từ hôm đó ông tỉ mẩn cẩn thận hơn.
Sáng nay ngồi với ông bạn hưu già ở quán Thạch Thảo. Ông bạn khoe có cây mai giống xoăn anh con trai mới đưa từ miền Tây về, dáng lạ, có bộ rễ độc chiêu. Nghe nói gần hai chục củ.
Cà phê xong ông gọi thêm mấy người bạn cùng chơi mai nữa đến xem. Mới thấy cây mai mắt ông giáo tròn vo chữ o kinh ngạc… Đang sướng chuông điện thoại reo, ông cầm máy. Tiếng vợ oang oang:
- Anh để cái nồi cơm điện đâu mà em tìm mãi không thấy.
Ông chậm rãi: - Chắc là đâu đó. Cố tìm thử coi.
- Đâu đó là ở đâu. Tiếng chị vợ gắt: - Tui tìm cả buổi, trưa rồi mà chưa tìm ra nồi để nấu cơm. Mệt cho ông quá.
Nghe tiếng vợ từ cách xưng em thành tui là có chuyện lớn rồi. Ông cố vận công lục tìm trí để nhớ xem mình có để ở đâu đó. Nhưng nghĩ không ra.
- Lỗi ở cái tính hay quên của anh. Em chịu khó tìm lại lần nữa giúp anh đi. Giọng ông buồn, cái sự buồn của người mắc lỗi.
Bỏ cuộc vui xem mai với bạn, ông lật đật chạy xe về. Vào đến sân ông cho tiếng xe nhỏ lại, dựng chân chống thật nhẹ, ông bước vào nhà. Không có vợ dưới bếp. Ông tìm quanh, không thấy. Ông nghĩ chắc bà giận mình mà bỏ đi đâu đó. Ông bước ra sau vườn. Ông xót xa thấy bà đang ngồi ôm mặt khóc, bên cạnh là cái nồi cơm điện. Ông bước tới:
- Đừng khóc nữa. Tìm thấy rồi mà…tại anh hay quên. Vợ nhìn ông giáo đoạn nắm tay ông mà khóc to hơn:
- Em xin lỗi, không phải lỗi của anh mà do em. Sáng nay em lấy cơm nguội cho gà ăn rồi quên cái nồi ngoài chuồng. Vậy mà em trách anh, nổi nóng với anh.
- Thì anh cũng đáng trách cứ luôn quên để làm khổ em.
- Không anh, em khóc là bởi…em cũng đã bắt đầu quên!
- Ông giáo nắm hai bàn tay chai của vợ: - Tuổi già mà em. Chúng mình cố để bớt cái sự quên…
Chị vợ ngẩng nhìn ông giáo cười: - Bây giờ anh cũng nên đeo cái chuông leng keng để em khỏi quên anh!.
Chị quàng tay ôm chặt lưng ông. Cái vòng ôm hạnh phúc ít thấy ở người già.