LÍNH CỤ HỒ

20/08/2023 00:00
247

Kịch nói: THÁI PHỤ


NHÂN VẬT:

Long: Thương binh, Cựu chiến binh (CCB).
Nga: Vợ Long.
Hải: Con gái Long- Nga
Tuấn: Thương binh, CCB- Bạn chiến đấu của Long.
Bảy Hào: Chị bà con của Long.
Nữ phóng viên.

   Mở màn: Nữ phóng viên xuất hiện ở một góc sân khấu.

 Nữ phóng viên (PV): Thưa quý vị và các bạn!

   Là một phóng viên truyền hình được sếp phân công đi thực hiện một phóng sự về gương thương binh làm kinh tế giỏi, vượt khó đi lên, nhằm giới thiệu với công chúng, người xem trong và ngoài tỉnh nhân kỷ niệm 76 năm ngày TBLS.

   Thú thật với quý vị và các bạn, tôi thật sự băn khoăn, bởi lẽ không phải vì tôi không tìm ra được những tấm gương ấy. Nhưng trong những tấm gương ấy để chọn ra một tấm gương thì quả thật là không dễ dàng chút nào, bởi “trăm cây trăm hoa, muôn nhà muôn vẻ” mà. Song cũng từ ý nghĩa câu nói đó - Chỉ cần một bông hoa, một vẻ đẹp thôi, để góp cùng tiếng nói chung trong muôn vàn bông hoa, vẻ đẹp khác, cũng đủ để khắc họa lên được hình ảnh và bản chất của “người lính Cụ Hồ” .

   Người mà tôi tìm đến là một CCB 58 tuổi, thương binh hạng 2/4, đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường nước bạn Campuchia từ năm 1976 đến năm 1980. Anh tên là Nguyễn Phú Long, hiện định cư cùng vợ và 3 con tại một xã quanh năm đầy nắng gió - Cực Nam Trung bộ.

   Thưa quý vị và các bạn!

   Sau những năm tháng gian khổ, ác liệt ở chiến trường, đối đầu với bom đạn…Giờ trở về với đời thường, người lính lại phải đương đầu, vật lộn với cuộc sống mưu sinh trên mảnh vườn, đám ruộng thì không thể nào tránh khỏi những gian nan, vất vả buổi ban đầu. Anh Long là một trong những trường hợp như vậy…

   (Sân khấu sáng lên toàn bộ. Nhà vợ chồng Long, nghèo khó, ở một vùng nông thôn. Hải- chừng 12,13 tuổi, vừa quét nhà, miệng lẩm bẩm cố học thuộc một bài học nào đó. Một lúc thì Nga- mẹ Hải từ dưới lên)

Nga: - Kìa, Hải. Sao giờ này mà con chưa đi học?

Hải: - (Ấp úng) Dạ…Dạ hôm nay cô giáo bận đi họp. Lớp con được nghỉ ạ!

Nga: - Sao lại dạo này trường của con hay cho học sinh nghỉ học vậy. Hôm thì nghỉ lễ nghỉ bù, hôm thì thầy đi phép, hôm thì con cô bệnh, rồi nay lại…?

Hải: - Dạ thật mà má!...À, má tắm cho mấy mẹ con con heo chưa? Con xuống giúp má một tay nhé (Chủ động chạy đi. Nga nhìn theo con vẻ hoài nghi. Đoạn có tiếng chó sủa, Bảy Hào xuất hiện).

Tiếng Bảy Hào: - Chó…chó…Đồ quỷ. Cậu Long có nhà không vậy? (vào)

Nga: - Chào chị Bảy. Dạ ảnh ra vườn từ hồi sáng rồi ạ. Chị Bảy vào nhà uống nước.

Bảy Hào: - Thôi khỏi. Tôi đến là để hỏi cô cậu đã có tiền trả nợ cho tôi chưa. Sao hẹn hoài vậy. Trên đời này tôi chưa từng thấy ai lì như cô cậu đó.

Nga: - Dạ đâu dám hả chị, nhưng rõ ràng là hoàn cảnh nhà em đang gặp lúc khó khăn, có mấy con heo thì còn quá nhỏ, còn vườn thanh long thì…

Bảy Hào: - Thì người ta chê ỏng chê eo, chẳng có đứa nào thèm mua chứ gì?

Nga: - Dạ, cũng có vài ba người. Nhưng…

Bảy Hào: - Xí, cái thứ thanh long trái mùa ấy, quả nào quả nấy đều tong teo, quặt quẹo thì lấy đâu để có được giá cao kia chứ. Hừm…nói cho cố, tuyên truyền cho cố…Nào vượt khó đi lên, nào dám nghĩ dám làm, nào mục tiêu kinh tế…Rồi chạy đôn chạy đáo ôm cả cục tiền đi mua cọc, đào lỗ dựng lên cả ngàn trụ thanh long, rồi cả hơn hai năm nay vợ chồng con cái ngồi chống cằm ngáp gió.

Nga: - Dạ, nhờ tình bà con họ hàng mà chị hiểu cho hoàn cảnh của chúng em như vậy là quý hóa lắm rồi. Nhất định vợ chồng em sẽ cố gắng.

Bảy Hào: - (ngắt lời) Tốp, tốp. Thời buổi kinh tế thị trường này thước đo của tình nghĩa là tiền, chứ không phải ba cái thứ bà con bắn ca nông đại bác đó đâu nha. Nè, anh em ruột, vợ chồng, con cái với cha mẹ ông bà còn kéo nhau ra tòa cũng vì tiền nữa là…Mà thôi, tóm lại là thế này- Không có cậu ở nhà thì cô đại diện ký vào đây (lấy sổ ra đọc) Nợ vốn là 60 triệu, cộng lãi suất mỗi tháng 8 phần trăm, nhân với 4 tháng là 19 triệu, hai trăm. Tất cả vị chi là 79 triệu, hai trăm. Đúng không

Nga: - Dạ đúng.

Bảy Hào: - Vậy thì ký vào đi (Đưa sổ, Nga ký). Tháng tới tôi có việc cần, cô cậu phải dứt điểm cho tôi cả hai khoản - vốn và lời.

Nga: - Dạ xin chị Bảy thông cảm kéo dài cho vợ chồng em vài ba tháng nữa, chứ tháng tới thì chúng em biết đào đâu ra được số tiền lớn như vậy.

Bảy Hào: - (Dứt khoát) Đó là việc của vợ chồng cô. (Hăm dọa) Nè, tôi chẳng vui thú gì khi để cơ quan chức năng người ta mời một CCB phải ra tòa đâu nha. (Bỏ đi. Vừa lúc Hải từ dưới lên)

Hải: - Kìa má, có chuyện gì mà…cô ấy biểu ai phải ra tòa vậy má?

Nga: - À…Ờ không, không có chuyện gì cả. Thôi, con vào rửa tay rồi hâm nồi cám cho heo giùm má đi.

Hải: - Dạ. (Đi mấy bước rồi dừng lại) Má ơi, nhà mình thiếu nợ cô ấy nhiều lắm hả má?

Nga: - Ờ…có vài ba triệu ấy mà. Chuyện làm ăn của ba má, con biết để làm gì kia chứ?

Hải: - Má!...Hay là…má nói với ba cho con nghỉ học đi má!

Nga: - (Trố mắt) Trời đất, mày điên rồi sao Hải. Mày nghỉ học để làm gì hả?

Hải: - Dạ…vì con thấy ba má khổ quá. Hai em con lại còn nhỏ.

Nga: - Không được. Má cấm nghe Hải, khổ đến mức nào ba má vẫn chịu được, còn con và các em phải ráng học, không được thua kém bạn bè, nghe không? (Nhớ ra) À…có phải suy nghĩ ấy mà mấy lần vừa rồi con nói dối má để ở nhà với lý do cô bận, thầy đi phép…đúng không? (Thấy Hải ấp úng, quát) Nói. Được rồi, tao sẽ méc lại với ba mày, mai tao với ba mày sẽ đích thân đến tận trường gặp cô giáo để hỏi cho ra lẽ.

Hải: - (Chạy tới quỳ ôm lấy chân Nga) Má, con xin má. Má đừng nói lại với ba, má đừng lên gặp cô giáo…Từ nay con không dám nữa!

Nga: - (Nói như trút giận) Mày tưởng mày nghỉ học là tao với ba mày hết khổ hả? (Có tiếng khóc gọi mẹ từ bên trong của em bé) Vào rửa tay, lau mặt, rồi lấy cháo cho em ăn giùm đi. Tao còn qua nhà dì Năm có chút việc. (Hải lủi thủi vào trong. Nga xắng đi thì Long về, chị vội đến bên chồng) Thế nào hả anh, có ai hỏi han gì không vậy?

Long: - (Uể oải) Có…hai, ba người gì đó.

Nga: - (Mừng rỡ) Hai, ba người? Mà họ trả được bao nhiêu một ký?

Long: - Họ không trả ký, mà trả mớ. Đồng ý thì họ mua về cho bò ăn. (Thấy Nga cụt hứng, thất vọng ngồi xuống ghế, đến bên an ủi) Nghỉ cho cùng, người ta chê cũng có lý do của họ, ai dám bỏ tiền ra mua mấy thứ quả thanh long quặt quẹo nhà mình để về đi buôn kiếm lời bao giờ. Chung quy là do mình…Do mình thiếu kiến thức trong kỹ thuật chăm bón (Thở dài) Vốn bỏ ra đầu tư thì nhiều mà kết quả thì…như muối bỏ biển.

Nga: - Bây giờ anh tính sao?

Long: - Bỏ thì không thể rồi, nhưng tiếp tục thì không biết nên xoay xở ra sao đây. Anh vừa nhận được giấy báo của ngân hàng đòi nợ lần thứ ba.

Nga: - Trời đất. Nợ chồng lên nợ. Chị Bảy cũng vừa tới đây chì chiết em về khoản nợ 60 triệu đồng và lãi suất 4 tháng nữa đó.

Long: - Sao, bà ấy lại tới đây nữa à, anh đã đến tận nhà để thương lượng với bả rồi mà. Dù sao thì bả cũng phải nghĩ tới chút tình bà con họ hàng nữa chứ.

Nga: - Em đã hết lời năn nỉ, nhưng chị ấy vẫn một mực khăng khăng, lại còn đòi đưa anh ra tòa nếu mình không trả dứt điểm số nợ trong tháng tới nữa đó.

Long: - (Đập bàn giận dữ) Khốn nạn! (Bỏ đi)

Nga: - (Với theo) Kìa, anh Long, anh Long!

   (Đèn tắt- Chuyển cảnh phụ. Long ngồi trên chiếc xe đạp cộc kệch, đi một đoạn thì bị tụt xích, anh nhảy xuống hì hục ngồi sửa. Từ trong có tiếng rao của Hải)

Tiếng Hải: - Vé số đây, vé số Đồng Nai, 39 thần tài, chỉ còn một cặp hai, nhanh tay mua kẻo hết. (Ra, nhưng không nhận ra Long, đến mời đon đả) Chú ơi, mua giùm cháu vài tờ vé số đi chú. Vé Đồng Nai, độc đắc hay ra lắm. Mua đi chú!

Long: - (Chăm chú làm, không để ý) Chú không mang theo tiền. Đi chỗ khác bán đi cháu.

Hải: - (Năn nỉ) Thì chú mua một vé thôi cũng được. Biết đâu chú sẽ vô độc đắc, đổi đời đó. Mua giùm cháu đi chú (Ngồi xuống chìa tập vé ra trước mặt Long. Long ngước nhìn lên, hai cha con nhận ra nhau. Hải vội rụt tay lại rồi vụt chạy. Long đứng dậy, quát to)

Long: - Hải.

Hải: - D..a…ạ!

Long: - Lại đây (Hải vẫn chần chờ, Long giận run, quát tiếp) Ai sai, ai biểu mày đi làm cái trò này hả?

Hải: - Dạ…!

Long: - Nói. Ai hả? (Sẵn lượm được cây roi bên đường, anh vụt túi bụi vào người Hải, em chỉ biết chấp tay quỳ lết, xin tha, nhưng Long vẫn chưa hết cơn giận dữ) - Vé số này, vé số này. Mày muốn đi bụi đời, muốn hoang đàng chi địa phải không Hải?

Hải: - Dạ không… không phải đâu ba ơi!

Long: - Không thì mày lang thang hết chỗ này qua chỗ nọ rao bán mấy tờ vé số này để làm gì, mày cần tiền lắm hả?

Hải: - Dạ…Nhưng mà…

Long: - Nhưng mà sao, mày nói không tao đánh chết.

Hải: - Dạ vì con thấy mấy tháng trước ba đi khám ở bệnh viện về. Bác sĩ người ta nói ba còn một viên đạn dính ở trong người, nhưng ba vẫn chưa chịu đi mổ để lấy ra, vì nhà còn kẹt tiền, thiếu nợ người ta chưa có trả.

Long: - (Chợt giật mình) Hả…?

Hải: - Nhiều đêm thức khuya học bài, con thấy ba cứ ôm ngực ngồi ho…Con thấy thương ba quá (Thút thít khóc)

Long: - (Vứt cây roi, chạy tới ôm Hải vào lòng) Nín, nín. Ba hiểu rồi, ba hiểu rồi. Con đừng nói nữa (Hải như được mở lòng, càng nức nở khóc to hơn. Còn Long, anh sửng lại, vội vàng vén áo con lên xoa xoa các vết thương- nỗi đau do chính mình gây ra) Ba…xin lỗi con gái!

   (Đèn tắt, rồi sáng lên ở một khu vực khác. Tuấn- bạn của Long ngồi trên chiếc xe lăn, Long theo sau, vừa đẩy xe, vừa trò chuyện)

 Long: - (Cầm quyển sổ tiết kiệm của Tuấn trên tay) Em cảm ơn anh Bảy nhiều lắm. Nếu không có anh giúp đỡ lần này thì…

Tuấn: - Thì lùi bước hả?

Long: - Em chưa nghĩ tới, nhưng cũng không thể dễ dàng để tiếp tục, nếu như không có khoản tiền này của anh cho mượn. (Châm thuốc cho Tuấn cùng hút, rồi ngồi xuống bên một tảng đá, trầm ngâm chiêm nghiệm). Bao năm lăn lộn ở chiến trường, từng phút từng giây đối đầu với cái chết, nhưng mình vẫn thấy lạc quan dễ chịu. Ấy vậy mà lúc này trở về bên cuộc sống đời thường, nổi lo bát cơm manh áo mà muôn vàn khó khăn, phức tạp.

Tuấn: - Vậy mới là đời chứ mày. Cũng may mà chúng nó chỉ lấy đi của mày một cánh tay. Còn tao thì…(Nhìn xuống hai chân) quá tệ. Mà Long này, có khi nào mày cảm thấy mình bị thiệt thòi và thua kém?

Long: - Không, nhưng thua kém thì có. Bao bạn bè trang lứa nay họ đã tiến xa hơn mình nhiều bước.

Tuấn: - Cũng là quy luật cả thôi.

Long: - Đúng. Không có sự phát triển đi lên thì xã hội của chúng ta chỉ có tiến gần đến nghèo nàn và lạc hậu. Người ta làm được thì mình cũng làm được, phải không anh?

Tuấn: - Phải. Không biết ai đó đã nói câu “Cái đáng quý nhất của con người là biết đứng dậy sau lần vấp ngã”. Mày đã có bài học của sự thất bại trong làm ăn. Lần này mày phải thắng.

Long: - Vâng, nhưng chỉ bằng ý chí là không đủ. Em quyết định rồi, em phải đi xa một chuyến dài ngày.

Tuấn: - Để học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt kỹ thuật gieo trồng cây thanh long? (Long gật đầu) Nhất trí, tao ủng hộ mày. Nhưng bao giờ thì mày đi. Còn vợ mày với sấp nhỏ?

Long: - Dạ, em cũng đã bàn với Nga rồi, cổ sẵn sàng gánh vác mọi công chuyện gia đình để cho em hoàn thành ý nguyện.

Tuấn: - Hay lắm. Không gì bằng thuận vợ, thuận chồng. Bây giờ tao tính thế này- Mày cứ rút hết số tiền gần 200 triệu trong sổ tiết kiệm của tao mà trang trải, chi phí những thứ cần thiết. Phần còn lại phải ưu tiên đầu tư, cải tạo mấy vườn thanh long cho vụ mùa tới. Được không?

Long: - (Trố mắt, ngạc nhiên) Anh Bảy…Anh Bảy nói thật hay là…?

Tuấn: - Thật một trăm phần trăm (Đến cạnh Long) Mày không tin tao hả?

Long: - Dạ…thật ra anh chỉ giúp cho vợ chồng em vay một ít trong số tiền này là quý hóa, biết ơn anh nhiều lắm rồi. Đằng này…

Tuấn: - Mày cứ yên tâm. Tao không phải là thằng vứt tiền qua cửa sổ, càng không phải là kẻ không biết quý trọng đồng tiền. Nhưng ở trên đời này có những thứ còn quý giá hơn cả đồng tiền, mà đồng tiền cũng không bao giờ mua được…(Xa xăm) Trong trận giáp càn với bọn Khơ me đỏ năm ấy, rồi mày bị thương, tao cũng bị thương. Tao thì hai cái giò lủng lẳng, mày bị một viên đạn xuyên qua ngực và mất một cánh tay…Tưởng cả hai đều sẽ bỏ mạng, nhưng không ngờ, chính mày…Chính mày đã hơn ba ngày trời bụng không có một hột cơm, họng cháy khô không một giọt nước, băng rừng, lội suối mò mẫm cõng tao về cho bằng được nơi căn cứ. Và…tao được sống đến bây giờ…(Cố nén xúc động) Tao hiện nay chưa vợ, chưa con, chưa có kế hoạch tiêu dùng. Vậy thì mày cầm để sử dụng là đúng nhất, hợp lý nhất.

Long: - Nhưng rồi cũng phải có ngày…?

Tuấn: - Lúc đó tao sẽ “Tróc nã” mày. (Cả hai cùng cười cởi mở rồi chia tay nhau. Đèn tắt, rồi sáng lên khu vực nữ PV)

PV: - Vâng, đó là chuyện cách đây đã hơn 30 năm về trước. Và như mọi người thấy đó - Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt đó, người thương ấy, CCB ấy không bao giờ chịu lùi bước. Anh đã từng bước khắc phục hậu quả, vừa rút kinh nghiệm, tìm tòi, học hỏi để nắm bắt cho bằng được các phương pháp khoa học- Đặc biệt là tiến trình kỹ thuật gieo trồng và chăm bón cây thanh long trên vùng đất Bình Thuận. Đúng như ai đó đã nói rằng: “Ý chí và lòng kiên nhẫn sẽ là chiếc chìa khóa để cho ta mở ra mọi cánh cửa”. Và chính anh là người đã tự mình mở ra cánh cửa đó. Anh đã cùng anh Tuấn và các thành viên trong chi hội CCB mạnh dạn xin chuyển đổi mấy chục sào đất khoán từ trồng lúa và hoa màu sang chuyên canh cây thanh long đạt hiệu quả. Góp vốn xây dựng nhà máy chế biến thanh long xuất khẩu không thông qua đối tác trung gian…( Nhìn về một hướng) Ồ kìa, anh ấy đang tới. Chắc có chuyện gì đây. Mời các bạn chúng ta cùng xem nha. (MC lùi vào, Long vẫn trong bộ áo lính, xắng xở đi, thì có tiếng gọi của Tuấn)

Tuấn: - Long ơi, Long ạ. (Long dừng lại, Tuấn lăn xe ra)

Long: - Việc gì vậy anh Bảy?

Tuấn: - Có mấy ông bà đầu nậu con buôn từ thành phố ra đây mua thanh long nhưng vẫn con bài cũ, họ ép giá bà con nông dân mình dữ quá.

Long: - Em biết rồi. Hôm đầu tháng, em đã gởi công văn trình Ủy ban xin ký hợp đồng với tất cả bà con trồng thanh long ở vùng mình. Các ảnh rất ủng hộ, nhưng bận quá, họ chưa gút lại được.

Tuấn: - Nhưng quan trọng là vấn đề giá cả.

Long: - Mình sẽ thỏa thuận, nhưng đương nhiên là không thể thấp hơn giá con buôn, để cho bà con mình yên tâm sản xuất và cũng khỏi phải phập phồng lo âu, đối phó khi thị trường giá cả bị biến động thất thường.

Tuấn: - Nhưng ta phải bảo đảm đầu ra?

Long: - Có tin mừng là chỉ 2 tuần nay mà đã có 4, 5 đại diện các C/ty nhập khẩu ở Hồng Kông gọi điện yêu cầu mình ký hợp đồng xuất khẩu cho họ hơn 5 ngàn tấn thanh long đóng gói một năm với giá dễ chịu. Con số chưa lớn, nhưng mình phải tính lại nguồn thu và năng suất, kỹ thuật chế biến của máy móc, người làm hiện có. Em định cuối tuần này họp các thành viên để họ cùng tham gia bàn bạc.

Tuấn: - Hay lắm, khả thi lắm. Tao tin là mọi người sẽ nhất trí, ủng hộ.

Long: - Bộ phận kỹ thuật chế biến, phân loại và đóng gói bao bì của chúng ta hiện nay còn thiếu và yếu?

Tuấn: - Đúng vậy. Tao đang định đề xuất với mày.

Long: - Đây là phần điều hành của anh Bảy mà.

Tuấn: - Nhưng mày là chỉ đạo.

Long: - Vâng, em sẽ gút lại sau khi đã thông qua tập thể. (Sực nhớ) À, chiều mai có phái đoàn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thanh long ở miền Tây ra tham quan và làm việc. Đi cùng có đ/c phó chủ tịch tỉnh và các chuyên viên, lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Anh Bảy nhớ…

Tuấn: - Biết rồi. Chuẩn bị chu đáo hết rồi.

Long: - Tốt lắm. Em cảm ơn anh Bảy. Không có anh là em gặp nhiều khó khăn lắm đó.

Tuấn: - Không có mày thì tao cũng…(Họ bắt tay nhau cười vui vẻ, rồi đi về hai hướng khác nhau)

   (Nhà vợ chồng Long- Sang trọng. Nga đang chăm chú làm gì đó thì có tiếng chó sủa. Đoạn thì Bảy Hào xuất hiện).

Bảy Hào: - (Vẻ đon đả) A…đây rồi, chị vừa ghé lên bên Chi hội mà không có em. ( Ngắm nghía căn nhà) Chà, nhà lầu đến mấy tầng, chắc phải tốn thêm khoản thuê ô xin lau dọn nữa hà. (Quay lại ngắm Nga) Vừa bà chủ vựa thanh long, lại dạo này còn là Chi hội trưởng Phụ nữ xã này. Lên đời nhanh quá ha?

Nga: - Chị Bảy chọc em hoài. Chẳng qua vì thiếu người, chứ thực tình em có tài cán gì đâu hả chị.

Bảy Hào: - Xí, nói thật nha - Đốt đuốc tìm cả cái xã này ra được một người phụ nữ giỏi giang, toàn diện như em là hơi bị khó đấy. (Nhìn quanh) Ủa, cậu Long chưa về à?

Nga: - Dạ, chắc ảnh còn ở ngoài trụ sở. Chị tìm ảnh có chuyện gì không vậy?

Bảy Hào: - Có gì đâu. Số là thằng cha Ba ở trên xóm chị nó kêu bán mấy sào đất. Rẻ rề à. Sợ đứa khác hớt tay trên mất nên chị vội xuống nhờ vợ chồng em cho vay tạm mấy chục triệu để cọc trước cho chả.

Nga: - (Nửa đùa, nửa thật) Có thật không đó, hay là…

Bảy Hào: - Có trời chứng giám. Chị mà nói láo thì ra đường cho xe nó nó…

Nga: - (Cười) Thề thốt mà làm gì. Sao nghe người ta nói lại dạo này chị chơi số đề bạo lắm.

Bảy Hào: - Trời đất, đứa nào ác mồm ác miệng vậy kia chứ.

Nga: - Cách đây mươi hôm em gặp dì Năm ở ngoài chợ. Dì ấy biểu chị đã vay của dì hơn 10 triệu để ghi số. Bốn tháng rồi mà chị vẫn chưa trả. Đúng không?

Bảy Hào: - Ừ thì…(Đuối lý, thú nhận). Thú thật với em, chị nuôi con số 27 đã hai tháng nay rồi. Chiều nay nhất định nó sẽ ra, không đầu đuôi thì cũng trong lô. Em thương chị, ráng giúp chị. Mai chị sẽ hoàn lại cả vốn lẫn lời.

Nga: - (Dứt khoát) Chị Bảy thông cảm. Em sẵn sàng giúp chị nếu để làm ăn chính đáng. Còn giúp chị để đỏ đen cờ bạc thì…

Bảy Hào: - Thì thôi, chị xin rút kinh nghiệm. Nhưng lần này lỡ rồi, em ráng giúp chị lần chót. Sau đợt này chị hứa sẽ bỏ. Dứt khoát bỏ.

Nga: - Nể chút bà con họ hàng em nói để khuyên chị, còn không thì em sẽ đưa chị ra kiểm điểm trong cuộc họp phụ nữ xã sắp tới đó.

Bảy Hào: - (Trở mặt) Thôi thôi. Khỏi lên lớp. Khỏi đưa cái thứ bà con họ hàng ra đây mà xoa với bóp. Không cho mượn thì thôi, đừng có hăm dọa. Đây chẳng ngán đâu (Bỏ đi. Đoạn thì nữ PV và Long từ một hướng khác vào)

Long: - Kìa em, đây là cô phóng viên đài truyền hình hồi trước đến nhà. Và lần này thì…

PV: - Vâng, chào chị Nga. Lần này thì tôi không dám làm phiền anh chị nhiều nữa. Nói đúng hơn là hôm nay tôi đến đây để đề nghị với anh chị xin được bổ túc vào băng hình một nội dung nữa mà lần trước anh chưa hề tiết lộ.

Long: - (Ngạc nhiên) Ủa, tôi đã trình bày hết với cô rồi mà.

PV: - Dạ, anh không giấu, mà có lẽ là…Vâng, lỗi do tôi. Đó là cơ sở chế biến thanh long và tập đoàn sản xuất của 30 thành viên CCB, thương binh mang tên anh, do anh sáng lập và lãnh đạo.

Long: - À…ờ, thì chúng tôi cũng mới thành lập hơn mấy năm nay thôi. Mà thôi, mời cô ngồi uống nước. Chút xíu nữa tôi sẽ đưa cô ra ngoài đó.

PV: - Vâng, cảm ơn anh chị. (Chưa kịp ngồi xuống thì Hải hớn hở bước vào trước sự ngạc nhiên của mọi người)

Hải: - Con chào ba, con chào má.

Long và Nga: - Ơ kìa, Hải. Con mới về hả? Đi lúc nào mà giờ này đã tới nhà rồi hả?

Hải: - Dạ con đi xe “dù”. (Nhìn PV) À, con nhớ rồi, cô PV.

PV: - Ờ, cháu giỏi quá. Đã mấy năm rồi mà…lớn quá đi mất. Hải “vé số” của cô hôm nay đã trở thành thiếu nữ rồi nghen.

Long: - Cháu nó đi đại học kinh tế. Năm nay là năm chót. Ủa mà thi cử gì chưa hả con?

Hải: - Dạ rồi ạ.

Nga: - Ủa, sao không thấy báo tin gì cả. Mà kết quả ra sao rồi hả con?

Hải: - Dạ…(Đến mở túi lấy ra một tấm bằng, đưa cho Long)

Long: - (Đọc) Đạt loại ưu kỳ thi tốt nghiệp đại học kinh tế…Ôi, con tôi…(Ôm Hải vào lòng) Con gái của ba má. Con thật xứng đáng là tấm gương để các em con noi theo.

Tuấn: - Ha…ha…Con hơn cha là nhà có phúc. (lăn xe vào, với Hải) Nè, mi tốt nghiệp đại học rồi…rồi đợi lúc nào lấy chồng mi mới báo cho bác biết phải hông?

Hải: - Dạ…Bác Bảy!

Tuấn: - Đùa chút thôi, chứ mi đậu đại học loại ưu là món quà đặc biệt dành cho bác và ba mẹ mi rồi. À, cô PV ơi, phiền chút xíu, xin cô cho gia đình chúng tôi một tấm hình để kỷ niệm, được không nào?

PV: - Dạ, em đang định xin ý kiến.

Tuấn: - Vậy thì còn chờ gì nữa. Nào gom lại đi, nắng đang lên rồi.

PV: - Dạ. (Sau khi sắp xếp xong đội hình, đưa máy lên rồi rà điểm qua từng gương mặt) - Một đứa con ngoan, một người vợ giỏi, một gia đình vượt khó đi lên- Những người lính Cụ Hồ không chịu lùi bước, viết tiếp tên mình trên mặt trận kinh tế hôm nay…Nào, chuẩn bị nào - 1,2…3.(Đèn gom lại thành khung của một tấm hình, lộ rõ những khuôn mặt tươi tắn, tràn đầy hy vọng, hướng tới tương lai).     

Màn.

Trại sáng tác Cần Thơ, tháng 7 năm 2023