TÁC PHẨM DỰ THI “GIẢI CỜ ĐỎ” TỈNH BÌNH THUẬN 2024

HỒ KA PÉT – MỘT CÂU CHUYỆN TỬ TẾ (KỲ 2)

30/08/2024 00:00
188

HÀ THANH TÚ - HỒ XUÂN HẢI


Cán bộ Trạm bảo vệ rừng đang xem tọa độ nơi chân đập chặn dòng sông Bà Bích. Ảnh: XH 

   Hồ Ka Pét và những con số

   Hạn hán nhiều, nhất là những năm mùa khô kéo dài, dị thường, Bình Thuận càng thấy cần nhiều hồ đập tích nước. Tiếng nói của đại diện Bình Thuận tại diễn đàn Quốc hội các khóa, đề nghị xây hồ, xây đập liên tục vang lên và hồ Ka Pét nằm trong danh mục các hồ cần đầu tư cho Bình Thuận. Giờ đây nghĩ đến chuyện để có dự án hồ Ka Pét, Bình  Thuận đã dành ra không ít thời gian công sức, thuyết phục Trung ương về sự cần thiết của nó. Đây cũng là lý do để Hải trở nên xông xáo cho dù mồ hôi và cái nóng làm da cậu chàng đỏ ửng. Hải nói với tôi: “Dự án Ka Pét này khởi thủy từ năm 1995. Dự định hoàn thành năm 2000. Nhưng do nguồn lực đất nước, đến ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa 14 mới bỏ phiếu phê chuẩn Nghị quyết về xây dựng hồ Ka Pét đa mục tiêu. Đến khóa 15 có sự điều chỉnh bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101/2023/QH15. Đây là dự án chuyển giao giữa hai thế kỷ”.

   Một ngày trước khi tới Mỹ Thạnh, chúng tôi xem lại những con số của dự án. Ka Pét là hồ lớn, thủy vực rộng. Hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb = 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích Whi = 47,41 triệu m3, dung tích chết Wc = 3,8 triệu m3 [3]. Tổng mức đầu tư là 874,089 tỷ đồng. Tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha. Sau khi có hồ Ka Pét, khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của Hàm Thuận Nam đủ nước sản xuất; khu công nghiệp Hàm Kiệm II không còn lo thiếu nước thô, khoảng 120.000 người dân huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết có đủ nước dùng. Và dĩ nhiên, những gì xảy ra quanh dự án hồ Ka Pét từ lúc có chủ trương xây dựng, cũng được chúng tôi đọc lại, kể cả những ý kiến phản biện. Chẳng hạn, ý kiến cho rằng mất 600 ha rừng vùng lòng hồ là làm thiệt hại tài nguyên rừng trong khi nhiều nước tiên tiến đang phải mua tín chỉ carbon. Năm 2021, tổng giá trị giao dịch chứng chỉ carbon toàn cầu đạt 85 tỷ USD, tăng 184% so với năm 2020. Dự báo, giá chứng chỉ carbon toàn cầu sẽ được giao dịch từ 100 đến 170 USD/ tấn CO2e vào năm 2030. Nếu 600 ha rừng kể trên được tính theo mức trung bình thấp nhất trong các loại rừng tại Việt Nam là 1-19 tấn CO2e/ha với mức giá 100 USD/tấn, giá trị tín chỉ carbon hàng năm tạo ra là 600 nghìn USD/năm [4]. Năm 2021,Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản 51,5 triệu đô la tiền bán tín chỉ carbon rừng từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) sau khi các nước mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (phát thải carbon) trong giai đoạn từ tháng 2/2018 đến tháng 12/2019 [5]. Cũng có ý kiến nêu, Bình Thuận cần xem xét các giải pháp thay thế, quản lý sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm trong canh tác, thay vì làm mất rừng….Những câu hỏi, ý kiến phản biện chừng mực nào đó là “búa tạ”. Nó đòi hỏi người có trình độ, kiến thức để kiến giải, thuyết phục. Một xã hội văn minh cần thế. Cần được trả lời một cách rạch ròi. Bình Thuận đã làm được điều đó thông qua họp báo để rộng đường dư luận. Những con số biết nói được dẫn ra: Theo tính toán, tổng nhu cầu sử dụng nước thô cho dân sinh và các ngành kinh tế của Bình Thuận vào năm 2030 lên đến hơn 1.169 triệu m3/năm, trong khi tổng dung tích thiết kế của các hồ đã xây dựng là hơn 362 triệu m3 nước, tính đến năm 2023 chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Dự án hồ Ka Pét giải quyết nước tưới, nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân là nhiệm vụ cần thiết. Triển khai Ka Pét, Bình Thuận tính tới trồng 1.800 ha rừng thay thế, với cây bản địa: sao, dầu, lim… với mức đầu tư hợp lý, chống xen canh, tạo thảm rừng, bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ trong một số năm, diện tích rừng thay thế có được, gấp ba lần rừng mất đi. Chưa kể, trong số 600 ha rừng mất đi, không phải là rừng nguyên sinh, giàu trữ lượng gỗ củi, trước đây đã khai thác. Nói tới quản lý sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm, nhiều nông dân của xứ cực Nam này đã làm hơn hai mươi năm qua. Những vườn thanh long rộng vài đến chục ha, không còn đâu các chàng trai, cô gái nón rộng vành, áo bạc phếch, vất vả kéo ống nước, thay vào đó hàng ngàn mét ống dẫn nước chạy khắp vườn và vườn đang được tưới theo phương pháp nhỏ giọt. Điều đó chính là sử dụng nước hiệu quả! Tương lai, hồ Ka Pét là sự kết hợp giữa kinh tế - môi trường sinh thái một cách lâu dài. Quanh khu vực lòng hồ và cả vùng thượng nguồn, nơi nhiều người gọi một cách nôm na là “bồn thâu nước” của sông, suối lớn…, nhờ có lượng nước ngầm trong đất, các hệ sinh thái đủ nước và phát triển tốt hơn. Hồ Ka Pét sau khi hoàn thành, có vai trò bổ trợ nguồn nước, cùng với các hồ và công trình thủy lợi khác, cho phép mở rộng diện tích đất canh tác và diện tích đất gieo trồng cho Hàm Thuận Nam và các huyện thị phía Nam. Một lượng nước thô lớn được đưa về Phan Thiết, các khu công nghiệp hiện nay. Chấm dứt tình trạng thiếu nước về mùa khô cho dù là khi có hiện tượng El Nino như năm nay. Điều này thật cần thiết cho sự phát triển của Bình Thuận, nhất là mảng nông nghiệp với một số cây trồng đặc trưng. Điều đó có nghĩa là, Bình Thuận đang thực hiện chủ trương “an ninh nguồn nước” đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Kết luận 36-KL/TW năm 2022 của Bộ Chính trị. Theo đó, đến năm 2025, 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất. Những năm sau nữa, cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ có an ninh nguồn nước, vùng đất giàu tiềm năng nhưng cũng lắm bất lợi về địa hình này mới không còn phải lo El Nino trong những năm sau này.

Tỉnh Bình Thuận họp báo thông tin về dự án hồ Ka Pét Hàm Thuận Nam. Ảnh: XH

   Mênh mang Ka Pét

   Lúc này, Hải vẫn đi lại từ lòng sông lên hai vách núi chụp một số bức hình mà như Hải nói: “Một khi máy móc tác động rồi, bờ sông thay đổi, chúng ta muốn nhìn lại cảnh cũ không dễ”. Cứ thế, hơn một giờ, chúng tôi, lui tới, lên xuống hai ngọn núi, nơi là chân đập hồ Ka Pét tương lai. Hải vượt qua cái nắng nóng, cố gắng lấy thật nhiều ảnh. Tôi cũng như Hải đều hiểu: Lúc này đây, khi tôi và Hải đặt chân tới rừng núi Mỹ Thạnh, sau một thời gian đủ dài tìm hiểu những gì liên quan đến hồ Ka Pét, El Nino vẫn còn hoành hành mạnh.

Phối cảnh dự án hồ thủy lợi Ka Pét Hàm Thuận Nam (Bình Thuận)

   Mới đây, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông tin về hiện tượng El Nino và những tác động đến Việt Nam, cho hay: hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường, nắng nóng có thể nhiều hơn, gay gắt hơn và khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Điều này càng thúc giục những cán bộ, kĩ sư có trách nhiệm liên quan đến hồ Ka Pét đẩy nhanh công việc. Những ngọn đèn văn phòng sẽ sáng rất khuya, bóng những cán bộ kĩ thuật vẫn hắt lên tấm bản đồ Ka Pét trải rộng trên bàn hàng đêm để tính toán lại con số đo đạc trước đó, dự kiến từng phần việc phải làm. Bởi lẽ, sau khi có Nghị quyết Quốc hội số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 điều chỉnh chủ trương đầu tư (vì diện tích rừng lớn, đánh giá hiện trạng rừng cần nhiều thời gian, các chi phí về giải phóng mặt bằng, thiết bị đều tăng theo thời gian), từ mùa xuân năm 2024, một số công việc đã phải làm lại. Chẳng hạn, đánh giá tác động môi trường trở lại, kĩ càng hơn và dĩ nhiên Báo cáo nghiên cứu khả thi cũng thay đổi. Từ tháng 3 năm nay, một sự khởi động mạnh mẽ diễn ra ở Ban quản lý dự án hồ Ka Pét. Công việc được tính từng tuần, tháng. Năm 2024 là năm rất nhiều việc phải làm để kết thúc dự án vào tháng 7 năm 2027. Những năm sau đó trong mường tượng của tôi, đồng bào Rắc Lây ở Mỹ Thạnh, Hàm Cần sẽ không còn cảnh ra sông tìm mót nước như hiện nay. Rừng xanh lại và những đám ruộng của ông Hiểu, nhiều đồng bào khác, lúc tôi đi xuyên khu rừng khộp cháy nắng, trông thấy khô khốc, đất trắng cứng, sẽ lại tơi ra vì có nước và cây trồng lên xanh. Rồi sẽ có một ngày nắng vàng như ươm mật, lòng hồ Ka Pét xanh trong như tấm gương khổng lồ làm sáng lên một góc trời xanh. Không xa bờ hồ, bên dưới những gốc cây trồng lấy bóng mát, những chiếc xe mang bảng số từ các nơi đổ tới, nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây vì nghe thiên hạ kháo nhau rằng: Ka Pét đệ nhất hồ của Bình Thuận… nên ghé thăm. Và kia, trên con đập tích nước lòng hồ, một đôi trai gái nắm tay nhau đi dạo và người con gái tuổi trăng tròn đang kể cho chàng trai nghe về lịch sử Mỹ Thạnh, cũng như trước khi có hồ Ka Pét cuộc sống vất vả như thế nào và bây giờ mọi cái thay đổi. Đôi trai gái nắm tay nhau nhìn ra lòng hồ mênh mông  nước. Họ là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi, biểu tượng của sinh động nẩy nở, biểu tượng của tương lai tươi đẹp, cũng như câu chuyện cổ tích thời @ được viết nên bởi những người yêu nước và luôn biết vượt qua khó khăn. Lúc ấy có lẽ chúng tôi, những người viết lại câu chuyện Ka Pét hôm nay đã già, đi lại khó khăn. Nhưng không sao cả, chỉ cần nghe ai đó đi Ka Pét về kể lại, mắt đã rươm rướm rồi. Lúc ấy lại nhớ bao nhiêu thứ. Ka Pét và những người xây dựng hồ đã và đang chung tay viết nên câu chuyện đẹp về tình người, một câu chuyện tử tế về trách nhiệm của chính quyền với dân, với tương lai của một vùng đất.      

 

___________

[3] Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận ngày 7/9/2023. 
[4] Hồ Ka Pét dưới góc nhìn kinh tế và môi trường. Tác giả : Bùi Huy Bình và Trần Hương Giang (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, ngày 15/9/2023)
[5] Tiền bán tín chỉ carbon đã về - Báo Tuổi trẻ, ngày 24/3/2024.