Những ngày tháng 7

31/08/2024 20:58
127

KHÁNH VY


Có gì buồn hơn những ngày mưa tháng 7. Mưa không to mà cứ thi thoảng rào rào vài phút rồi rỉ rả trên mái nhà. Trời kéo màn nâu kít mít làm cho ban ngày mà vẫn chẳng sáng rõ, cứ mờ mờ. Gió mang hơi lạnh lùa vào nhà, len lỏi thấm qua thịt da.

   Buồn tê tái.

   Dù lũ chim cố gắng vươn dài cổ rộn ràng hót cũng không xua được vẻ mặt u sầu của ông trời. Đang bão số 2. Vừa dứt bão số 1 thì bão số 2 tràn về. Chẳng biết đến khi nào dứt mưa. Cứ mưa mãi thế này thì chỗ nào cũng ngập úng.

   Hai vợ chồng ông Ba lo cho đám bầu, bí, dưa gang. Mưa dầm vầy thể nào cũng chạy dây chết. Uổng. Chúng đương thì sung sức, trái lúc lỉu nằm lăn trên mặt đất. Chạy dây, bầu bí còn hái bán non được chứ dưa gang thì thua. Dưa gang non chỉ có thể làm muối chua, món này thì thời nay ít người hảo. Ngày xưa, thời chiến, vớ được trái dưa non vầy là mừng hết lớn, xoa xoa phủi bớt đất cát, cắn phát giòn rụm. Đói. Đời lính được mấy ngày no. Nhớ khi thoát ly theo các anh lên rừng, ông mới là cậu thanh niên tuổi 16, cái tuổi còn đương sức ăn sức lớn. Chốn rừng thiêng nước độc, cũng sợ chứ, mà cái lòng nhiệt thành tuổi trẻ gạt phăng tất cả. Thế là cứ đi, hăm hở, háo hức chờ đón tương lai phía trước.

   Du kích bám dân như cá bám nước. Các anh bảo thế. Đêm lần mò xuống xóm vận chuyển gạo, thực phẩm. Địch gài bom khắp mọi ngõ ngách. Cũng sợ chứ. Nhưng phải liều. Chiến tranh mà, sống chết nhờ hết chữ may rủi. Ngay cả dân thường, sau giờ giới nghiêm ai lò dò ra đường dính bom cũng đi tức khắc. Du kích thì khác, đi đêm là chuyện thường ngày, không còn sợ nữa. Cứ nghe lệnh cấp trên, đã có tiền trạm trước rồi nên vừa tới nơi là bà con đã chờ sẵn, xốc gạo lên lưng, cứ thế nối nhau trở về.

   Có những khi địch càn ráo riết, không thể xuống cơ sở tiếp tế lương thực được, anh em đành đào củ mài, củ chuối rừng ăn. Những ngày đầu mưa, bắt ếch òng nướng, được bữa thịt tươi cải thiện. Có khi thì bẫy sóc, chồn cải thiện bữa ăn.

   Từ những ngày đói khổ ấy bước ra nên khi hòa bình trở lại, phục viên, ông Ba chẳng còn sợ đói khổ nữa. Ông lên rừng vỡ hoang, trồng khoai sắn. Rồi cũng gặp được người con gái trở về từ nhà tù Côn Đảo, yêu thương nhau, nguyện gắn kết phần đời còn lại. Một người trở về thẹo chằng chịt khắp thân thể, một người mảnh đạn còn ghim trong chân, đi khấp khiểng bước thấp bước cao. Hai mảnh đời xô dạt vào nhau. Vợ chồng bảo nhau thôi cố gắng, ông trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ. Thế là cùng nhau vỡ hoang ngày lên núi, đêm về nhà, ròng rã cả năm trời được hơn mẫu đất. Rồi dựng túp lều nho nhỏ, bám đất trồng mì, trồng bầu bí, dưa gang, khi nào tới lứa, hái thồ xe đạp xuống chợ bán. Vừa canh tác vừa tiếp tục khẩn hoang. Cứ thế mở rộng đất đai thành ba mẫu…

   Mỗi khi nhớ lại những ngày đầu lên rừng, ông bà đều rưng rưng nước mắt. Nhờ trải qua những năm đời lính quen chịu đói khổ mà ông bà mới kiên trì trải qua thời khốn khó. Giờ đây con cái đã lớn, có gia đình riêng, ông bà chia cho mỗi đứa dăm bảy sào có vốn làm ăn. Trên mảnh đất ngày xưa rừng thiêng nước độc, giờ là màu xanh non của thanh long, của bầu bí, của lúa đương thì con gái. Sau bao năm chịu khó làm ăn, tích lũy, ông bà xây được căn nhà khang trang, hưởng tuổi già an bình bên con cháu. Dẫu vậy, cái tính cần kiệm, yêu lao động vẫn ăn sâu vào máu thịt, già nhưng vẫn lao động như thường, nào trồng bầu bí, dưa gang, nào làm ruộng nuôi heo, nấu rượu. Nhờ vậy nguồn thu nhập ổn định, không phải nhờ con cháu. Khoản trợ cấp chính sách thương bệnh binh được để dành phòng khi ốm đau thuốc thang.

   Dẫu vậy, mỗi khi trái gió trở trời, ông bà lại thao thức không ngủ được. Ông thì đau nhức cái chân do miểng đạn còn găm trong đó. Bao nhiêu năm rồi nó ăn vào thịt chẳng thể lấy được nữa. Bà thì toàn thân nhức nhối do những vết thương ngày trước bị tra tấn. Mỗi năm nhà nước tổ chức an dưỡng cho người có công nhưng ông bà xin ở nhà vì lo chăm sóc bầy heo, mấy sào ruộng và đám bầu bí, dưa gang. Ông bảo hòa bình là tốt rồi, mình còn may mắn hơn bao nhiêu người đã ngã xuống. Thi thoảng trong cơn mơ ông vẫn gặp lại mấy bạn cùng đi du kích ngày trước. Đứa nào đứa nấy vẫn trẻ măng, ríu rít cùng nhau đàn hát dưới ánh trăng. Khi tỉnh lại thấy thương tụi nó quá. Giật mình nhớ nay cuối tháng 7 rồi, để rủ bà xuống nghĩa trang thắp cho đồng đội nén nhang, nhớ ơn người vì đất này ngã xuống…