Hương trầm vương vấn tiết Vu Lan

31/08/2024 21:05
133

TRẦN VĂN LAN


Tiết trời tháng bảy âm lịch lạ lắm. Đang nắng gay gắt, có một đám mây ầng ậng nước bay sà thấp, trời bỗng đổ mưa ào ạt. Lá của những tán cây trong vườn xanh thẩm lại chắc chuẩn bị cho cuộc hành hương về cội đang đợi ở cuối mùa thu.

   Năm nào cũng vậy cứ đến cữ này mọi người trong làng lại âm thầm chuẩn bị cho cái lễ Vu Lan đang đến gần. Không biết cái phong tục này có lâu chưa nhưng nghe các ông bà cụ kỵ truyền lại thì hình như có từ đời xa xưa. Không khí trong làng tiết này chùng xuống. Mọi người bình thản, nét mặt ưu tư trầm lắng. Bước chân đi nhẹ, nói khẽ. Bầu trời mưa xong lại sáng lên ngay, ít khi âm u kéo dài. Đầu tháng trăng chưa tỏ nhưng bầu trời không đen kịt lại mà có ánh sáng trắng mờ rất huyền ảo. Làn hương thơm dịu nhẹ từ trong vườn tỏa ra, hương ổi, hương thị chín bói, hương của buồng chuối mật có nước da mốc bạc trắng. Những quả na già với những cái mắt to, như đang ngơ ngác nhìn ngó xung quanh, quả đu đủ ở góc vườn xanh thẩm lại đang chuẩn bị chuyển sang màu vàng. Cây bưởi với những trái đã căng tròn cùng nhau đu cành cong vít xuống.

   Hàng cau ngoài vườn đang khoe những làn hương cuối vụ, những chùm cau chưa già có màu xanh non tơ cũng tỏa ra hương vị ngọt ngào. 

   Bao nhiêu hương vị cứ khe khẽ tỏa ra chưa nồng nàn nhưng cũng đã làm cho con người ta có những cảm giác thật lạ lùng.

   Đêm mơ hồ, những giấc ngủ chìm trong hương thơm của các loài hoa quả đang ủ những men nồng chuẩn bị dâng vị ngọt cho đời. Những giấc ngủ nhẹ nhàng giữa tiết trời mát mẻ sau những ngày hè nắng nóng làm cho tính cách con người dịu dàng hẳn lại. Trong thâm tâm mọi người tháng bảy này người âm và người dương sống giao hòa, gần gũi nhau, cõi âm rất gần cõi dương bởi vậy mọi người sống dung dị, chan hòa với nhau hơn. 

   Nhà tôi cũng giống như mọi nhà trong làng không lấy gì làm khá giả. Thu nhập chủ yếu là từ nguồn nông nghiệp và thu hái hoa lợi trong vườn. 

   Dạo này bà tôi chăm đi chợ lắm, bán những cái bình thường mua về những cái rất lạ. Sáng ra bà hái dăm ba liễn trầu không, có khi khoảng chục trái thị vừa chín vài quả na, một chùm cau vài chục quả, tất cả được xếp gọn trong một cái mủng đan bằng tre, bà cùng mấy bà hàng xóm cùng nhau rảo bước ra chợ. Chợ ở gần làng, đứng trong làng đã nghe tiếng ồn ào của chợ. Chợ bán đủ thứ nhưng bước sang tháng bảy này nổi bật nhất, tấp nập nhất vẫn là hàng bán đồ vàng mã.

   Thôi thì đủ thứ, đủ loại các đồ dùng vật dụng của người ta khi còn sống sử dụng.

   Áo quần, giày dép, nón mũ, nhà cửa, vải vóc, tiền vàng thứ nào cũng xếp từng xếp cao ngất. 

   Bán hàng xong bà lại đồ hàng mã bữa thì mua tiền vàng, bữa thì mua áo quần, vải vóc. Cứ thế sau những ngày đi chợ chỗ góc ban thờ đã có một chồng đủ các loại cần thiết cho buổi hóa vàng cho các cụ theo phong tục cổ truyền. 

   Gần đến rằm tháng bảy cả làng tôi bắt đầu đốt vàng mã, thường thì công việc được làm vào các buổi chiều. Những buổi chiều mùa này rất dài. Mặt trời tắt đã lâu nhưng đêm vẫn cứ dềnh dàng không chịu xuống. Những tiếng khấn lầm rầm, những đám khói âm ỉ bốc lên làm cho nền trời buổi chiều mờ đục lại. Làn khói cứ quẩn quanh trên các ngọn cây đứng xa trông giống như những cái cây tỏa khói. Mùi hương trầm ngào ngạt mùi khét của giấy vàng, đồ mã quyện với mùi thơm của hoa trái tạo nên một cái mùi thơm rất khác lạ. Mùi thơm bám vào cây cỏ, quánh lại trong làng, theo ta cùng đi, cùng ăn cùng ngủ. Làm xong những công việc tâm linh này lòng mọi người thanh thản lạ. Mọi người trong làng coi đây là một tri ân với những người thân đã khuất.

   Không biết các làng quê khác có phong tục như ở làng tôi không. Mọi người cho là mê tín, dị đoan, nhưng trong làng từ những ông đồ nho như ông nội tôi, đến những gia đình chuyên việc canh nông đều làm việc này rất thành tâm. Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng họ không đua đòi sắm những cái xa hoa ví như ô tô, máy bay hay là những cái xa xỉ khác. Tất cả mọi nhà đều sắm sửa những cái cần thiết phục vụ cho nhu cầu cuộc sống mà trước đây họ thường dùng. Có nhiều người có con mất khi còn nhỏ, họ còn mua giấy, bút, cặp sách, gương lược, bóng, cần câu.   

   Biết bao nhiêu là tình thương yêu, sự tri ân đều gửi theo làn khói vào cõi hư vô sâu thẳm. Những câu ân tình ân nghĩa gửi theo những lời cầu nguyện chân thành.

   Trên chùa làng vào những ngày này cũng tấp nập hẳn. Làng tôi nhỏ, có chùa nhưng tôi lớn lên không thấy còn sư nữa. Người làng cứ đến những ngày mồng một hay ngày rằm mang lễ vật lên chùa, thắp hương đèn rồi chắp tay khấn nguyện. Những khi nhà có con em đi thi, có người đi lính hay có người phải xa làng thì mọi người cũng sắm sửa lễ vật lên chùa cầu nguyện rất thành tâm. Bởi thế nên chùa không có sư trụ trì nhưng luôn luôn sạch sẽ và hương đèn quanh năm tỏa ngát. Vào dịp rằm tháng bảy chùa càng nhộn nhịp, bọn trẻ con chúng tôi dịp này no nê hoa quả. Những nải chuối tiêu to đùng, những đĩa ổi, na chín, nhưng bọn trẻ chúng tôi thích nhất có lẽ là những quả thị. Những quả thị chín vàng ươm, hương thơm tỏa ra ngào ngạt. Chắc có lẽ không có thứ quả nào mà tỏa hương nồng nàn đến thế, hương vương khắp làng khắp ngõ đụng đến đâu là gặp mùi hương ở đó.

   Đến bây giờ ông, bà tôi đã trở thành người thiên cổ. Xã hội đã phát triển, công nghệ hiện đại tiên tiến vô cùng. Mẹ tôi lại tiếp tục làm những công việc mà ông bà đã từng làm khi trước. Không một lời di chúc, không có một văn bản giấy tờ nào nhưng cứ mỗi năm bước sang tháng bảy mẹ tôi và các nhà trong làng lại âm thầm chuẩn bị đến chuyện hóa vàng cho các bậc tổ tiên ông bà đã khuất.

   Tháng bảy hương trầm hòa quyện với hương vàng mã, hương thơm của thị, ổi đậm đặc lại quẩn quanh trong từng ngõ nhỏ trong làng vướng vít mãi cho đến mùa thu năm sau.