HOÀNG NGỌC THANH
Bốn mươi tuổi. Có chút giật mình, thì ra mình đã đi qua hơn nửa cuộc đời. Bốn mươi lần xuân qua hè đến, đất trời lặp đi lặp lại vòng tuần hoàn của mình. Chỉ có cuộc đời con người, của người phụ nữ thì nhanh như cái chớp mắt.
Có lúc, tôi hồi tưởng về những người mà nhiều năm trước tôi gặp, và những người xung quanh tôi hiện tại. Để xem, bức tranh người phụ nữ bốn mươi tuổi, được vẽ như thế nào?
Bốn mươi tuổi. Cái tuổi không tính là trẻ, chẳng gọi là già. Không còn những ngông cuồng của một thời nông nổi, lại chưa đến mức sống trong hoài niệm, suy ngẫm như tuổi xế chiều. Họ biết mình là ai, đâu là thứ thuộc về mình, trân quý những gì mình đạt được.
Bốn mươi tuổi, nét thanh xuân không còn. Bù lại, họ có vẻ đằm thắm và quyến rũ. Họ đã thôi lo lắng vì cái mụn mọc trên mặt, vết sẹo ở tay, chân vòng kiềng hay eo to đùi béo. Bởi vì họ biết mình không phải là người mẫu mà theo đuổi thân hình hoàn mỹ. Họ có thể bỏ ra nhiều giờ trang điểm tỉ mỉ để bản thân được tỏa sáng trong một sự kiện quan trọng. Cũng có thể cài một chiếc kẹp đơn giản, không cần điểm tô cầu kỳ. Họ có thể xách một chiếc túi hàng hiệu, cũng có thể mang chiếc vài chục nghìn. Họ không còn quan tâm đến ánh nhìn của người khác, cũng không gồng mình lên khoe mẽ với thiên hạ. Họ chỉ là chính họ, vậy thôi.
Tuổi trẻ, nếu ai đó nói, bạn sai rồi, thì máu nóng bốc lên đầu, hùng hổ chứng minh rằng mình đúng. Họ sẵn sàng tranh luận, nói về những đạo lý mình học được. Bước qua tuổi bốn mươi, họ thấy rằng đúng sai nào có rõ ràng, đôi khi chỉ cách nhau một làn ranh mỏng manh, mang tên cảm xúc. Có câu nói của nhạc sĩ thiên tài S.Gunô: "Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài. Ba mươi tuổi, tôi đã nói: Tôi và Moza. Bốn mươi tuổi, tôi nói: Moza và tôi. Còn bây giờ tôi chỉ nói: Moza". Đến bây giờ, tôi mới hiểu đạo lý trong câu nói này.
Ở tuổi đôi mươi, khi mới ra trường, tôi không có thời gian đi họp lớp, vì bận cắm mặt vào công việc. Đến tuổi ba mươi, tôi ngại đi họp lớp. Vì ở nơi đó, những người gọi là bạn bè thường kể cho nhau nghe đang làm chức gì, lương bổng ra sao, đi được những đâu, nhà lầu xe hơi bao nhiêu cái. Nghe mà mệt mỏi. Giờ đây, bước sang tuổi bốn mươi, gặp lại nhau, chỉ có những cái bắt tay siết chặt, những cái ôm nồng ấm, quan tâm ai sướng khổ mà giúp đỡ nhau. Tạm gác lại những chênh lệch do cuộc sống tạo thành, để trở về kỉ niệm trong trẻo thời đi học. Cố nhớ đứa nào bị phạt nhiều nhất, đứa nào phá nhất, đứa nào học dốt nhất. Những cái nhất mà ngày xưa bị chê cười thì giờ được mọi người xem như niềm vui kể hoài không chán. Hoặc đôi khi, tình cảm thầm kín, giấu hơn hai mươi năm, nay gặp nhau nhẹ nhàng bày tỏ. Ngày xưa tui yêu bà, mà bà nào có hay. Rồi nữ chính tròn xoe mắt nhìn đối phương. Ơ, sao giờ mới nói. Nói sớm, chồng tui và vợ ông giờ đỡ khổ rồi.
Bốn mươi tuổi, những hồn nhiên mơ mộng qua đi, họ học cách đối diện với thực tế vật đổi sao dời. Cuộc tình lãng mạn, sau bao năm chung một mái nhà, vẻ đẹp buổi ban đầu biến mất. Bạch mã hoàng tử khi xưa giờ là một ông béo bụng phệ, đêm nằm ngáy vang như gió giật sấm rền. Cái người mà ngày xưa ngồi hàng giờ yên lặng nghe bạn ríu rít kể chuyện đã biến mất, giờ chỉ còn một gã đàn ông kiệm lời, mỗi khi bạn liến thoắng thì phán cho một câu, nói nhiều nhức đầu.
Và, có người trong số họ đã tự mình trải qua, để biết rằng, những từ như trường tồn, vĩnh cửu, mãi mãi chỉ có trong tiểu thuyết. Họ sẵn sàng buông tay một người không thuộc về mình, không trói buộc cái xác không hồn, để giải phóng cho tâm hồn mình thanh thản. Bốn mươi tuổi, dù chuyện tình dang dở, hay duyên phận muộn màng, cha mẹ thôi không hối thúc. Họ không cần trốn tránh mỗi dịp lễ tết, vì đã qua cái giai đoạn con gái phải lấy chồng, con trai lấy vợ, cha mẹ đành chấp nhận. Chắc số nó sống một mình. Khi nào duyên tới thì tới, không thì vui khỏe là tốt rồi.
Bốn mươi tuổi, khi tiền tài danh vọng có rồi mất, đến rồi đi, họ không chỉ mải mê theo đuổi công việc, xem nó là mục tiêu sống của cuộc đời. Họ bắt đầu cân bằng các mối quan hệ, dành nhiều thời gian cho người thân. Họ không cô đơn đến mức độ tụ nào cũng góp mặt, họ chỉ gặp những người họ muốn, đi những nơi họ thích. Kể cả khi đi đâu đó một mình, họ không cô đơn, họ biết cách khiến mình vui vẻ.
Bốn mươi tuổi, phụ nữ dù bận rộn, vẫn dành thời gian cho đứa con bé bỏng. Họ có thể đưa con cùng đi trong chuyến công tác, đi du lịch để cùng con khám phá nhiều điều, giúp con bước đầu hiểu được thế giới ngoài kia rộng lớn biết bao. Buổi tối, cùng con đọc những chuyện cổ tích là một thời tuổi thơ của họ, để ông bụt bà tiên, hoàng tử công chúa cùng con chìm vào giấc ngủ say nồng. Buổi sáng đánh thức con dậy bằng một bài hát tự chế, ríu rít chuyện trò trên đường đến trường. Dạy con chào hỏi những người lạ ngày nào cũng gặp thành quen, cụ già ngồi phơi nắng, chú bảo vệ trước cửa hàng, cô lao công ngày ngày quét rác…
Bốn mươi tuổi, phụ nữ tạm gác lại công việc bộn bề, dành thời gian chăm sóc cha mẹ già đau yếu. Dành trọn từng ngày ở bên khi song thân còn trên cuộc đời. Như ngày xưa cha mẹ từng chăm sóc mỗi khi con đau ốm, giờ đổi vai trò. Họ ở cạnh lúc cha mẹ cô đơn sợ hãi vì bệnh tật, vì ngày tháng không còn nhiều. Họ biết rằng, sau này, khi cha mẹ về với cát bụi, có nhớ có thương chỉ là hoài niệm mà thôi.
Bốn mươi tuổi, họ biết kìm nén những giọt nước mắt trước sóng gió cuộc đời, trước sinh ly tử biệt, học cách bình thản đón nhận. Họ không cuống cuồng trốn tránh, hoặc tìm người bạn thân tỉ tê tâm sự. Vì họ biết rằng, chén rượu cuộc đời mình đang uống, đắng cay ngọt bùi chỉ mình mới cảm nhận được mà thôi.
Bốn mươi tuổi, khi công việc và gia đình đã đi vào quỹ đạo, họ tìm kiếm niềm vui cho riêng mình, sống thêm một cuộc đời khác. Họ học nhiếp ảnh, để những tháng ngày rong ruổi ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, hay chỉ đơn giản là chụp được bức ảnh đẹp cho mình. Họ học các trò nữ công, thêu thùa, đan móc, mày mọ làm ra thành phẩm nhỏ là vui cả tuần. Họ bắt đầu uống trà, dành nhiều thời gian đọc sách, học cách sống chậm.
Khi còn trẻ tôi sợ câu nói “Nếu không phấn đấu, bạn sẽ đứng bên lề, bạn sẽ bị bỏ lại.” Ở tuổi bốn mươi, tôi vài lần đứng bên ngoài dòng chảy hối hả của những tất bật hàng ngày mà quan sát, để bắt lấy cảm xúc, để xem mình đang ở đâu, để định vị lại con người của mình.
Phụ nữ, theo tôi có đến ba giai đoạn thanh xuân. Một thanh xuân của tuổi trẻ nồng cháy. Một thanh xuân trở lại của tuổi trung niên mặn mà, khi đã hiểu ra giá trị của bản thân, biết mình là ai. Và một thanh xuân xuất hiện trong tâm hồn, khi mà những bộn bề lo toan đã đi qua, chỉ còn tuổi xế chiều sống với niềm vui chân thật của cuộc đời.
Cho nên, phụ nữ không bao giờ già. Có thể thân thể già, tuổi sinh học già, nhưng tâm hồn thì cần giữ cho tươi trẻ. Ung dung thưởng thức những thanh xuân trong cuộc đời của mình…