Thương nhớ núi rừng

19/10/2024 00:00
46

NGÔ VĂN TUẤN


Nơi cửa hang. Ảnh: TRẦN TÚY

Kể ra cũng hàng chục năm rồi tôi chưa có dịp nào được vào rừng, đến núi, lẽ vì rừng núi quê tôi không còn, rừng xa du lịch thì không điều kiện, lại tuổi cao ngại sức. Nhưng lạ điều, trong ngăn ký ức của tôi nỗi nhớ núi thương rừng vẫn ngày đêm hiện hữu. Ấy có lẽ vì tuổi thơ tôi đã thời gian dài gắn với rừng với núi.

   Năm 1965 thế kỷ 20, gia đình tôi đang ở xã Huy Khiêm huyện Hoài Đức tỉnh Bình Tuy, nay là huyện Tánh Linh, Bình Thuận, thế rồi chiến tranh bùng phát dữ dội, Huy Khiêm được giải phóng, sau vài tháng quân đội Sài Gòn tái chiếm nhưng không giữ được, chính quyền hồi ấy phải bỏ đất đưa dân về sống tị nạn trong trại bố ở Tánh Linh. Chuyến di cư trên những chiếc xe GMC chỉ có phận người với vài bộ quần áo, còn tất cả đều bỏ lại. Đến Tánh Linh gia đình đùm túm nhau vào sống trong những trại bố tập trung, ăn cơm cứu trợ.

   Cha tôi làm nghề dạy học cũng xem như người làm việc cho Việt cộng nên bị đưa xuống tỉnh lỵ Bình Tuy học tập chiêu hồi. Nhà không cha, mẹ phải hàng ngày chạy chợ kiếm gạo nuôi con, tôi và anh đành bỏ học để cáng đáng chuyện gia đình. Sống trại tập trung được ít lâu, chính quyền giao đất, rồi tự làm nhà lấy ở. Hoàn cảnh lúc ấy vô cùng bi đát, sốt rét, sốt ác tính người chết không có người khiêng, chẳng ai giúp được gì cho ai. Tôi bây giờ mới bước qua tuổi lên 10, anh tôi khá hơn, 13 tuổi, nhưng cũng phải ra sức làm việc, đắp nền, dựng nhà để có chỗ chui vào chui ra. May mắn là cả hai không bệnh hoạn gì. Để có căn nhà, ngày ngày anh em tôi phải đi cắt tranh hoặc theo đoàn người leo núi Cà Tong chặt tre, chặt lồ ô về làm cột kèo, phên dậu. Nói đến những ngày leo núi đón tre tôi không bao giờ quên được. Núi rừng Tánh Linh ngày đó tre mọc ken dày, chỉ cần chọn được vị trí thích hợp, dùng rựa chặt tre, phát nhánh ngọn, rồi phóng chùi theo dốc núi xuống chỗ đất bằng. Xong chặt cái cây chống, bó tre lại kéo xuống núi rồi vác về, mệt thì kê cây chống vào nghỉ, sức tôi hồi ấy chỉ kéo được hai cây lồ ô là cùng. Tối về, hai anh em cắt lồ ô ra từng đoạn rồi đập dập đan phên che quanh nhà.

   Đi đốn tre sợ nhất ma rừng và thần linh quở bắt, ở núi rừng này có cái Dinh Ba cậu, với lại rất nhiều mồ mả người dân tộc, người ta bảo linh lắm. Mà thật, đi chỗ nào cũng gặp mả, mả nằm sát đất có kê hai cục đá hai đầu, thỉnh thoảng thấy có cái trứng gà cắm trên đầu mả. Còn nhớ lần hai anh thèm trái đào lộn hột (trái điều), rủ nhau xuống đồi Dương Lễ hái, đồi nằm cách nhà vài cây số, đây là những ngọn đồi được bà Trần Lệ Xuân cho trồng toàn cây điều.  Mải mê hái điều hai anh em lạc vào nghĩa địa người dân tộc, chỗ nào cũng mả, cũng đá kê, quanh quẩn mãi đến gần tối mới ra được, về nhà nằm trùm mền nhắm mắt là thấy ma.

   Vậy đó! Rừng Tánh Linh, núi Cà Tong, đồi Dương Lễ, những bước chân đầu đời tuổi thơ tôi nhớ mãi.

   Ở trại bố Tánh Linh chừng năm, nhà tôi được đưa về định cư tại làng Chiêu Hồi ở Bình Tuy, sau này đổi thành làng Phước Bình, nay là khu phố 8 phường Tân An thị xã La Gi, Bình Thuận. Về đây nhà cửa cha tôi đã làm sẵn, chỉ việc dọn vào ở, những năm đầu ăn uống có Chính phủ lo. Cha tôi tiếp tục công việc dạy học. Tôi với anh tôi được gia đình gởi qua trường Tân Tạo ấp Phước Thành học, tôi học lớp nhì, anh tôi học lớp nhất, thời gian này trường làng tôi chỉ dạy đến lớp 3. Năm 1968, 1969 lần lượt hai anh em thi đậu đệ thất vào trường công lập Trung học Bình Tuy. Vui chưa trọn, cha bị bịnh qua đời. Cuộc sống gia đình bám vào bờ vai mẹ hết sức khó khăn. Hai anh em vừa đi học vừa tranh thủ làm thêm nhất là trong dịp hè. Việc làm hồi ấy quanh quẩn cũng chỉ bám rừng, bám núi thôi, vì quanh làng rừng sót, cây gỗ nhiều, bên kia sông Dinh rừng nguyên sinh. Mấy năm đầu hai anh em xuống bờ Suối Đó cưa củi đốt than, loại than đốt hầm ngầm ngày ấy. Đốt than thấy khổ quá, hai anh em theo bạn bè trong làng qua sông Dinh cưa củi thước bán. Bắc sông Dinh cách làng chỉ vài cây số, rừng nguyên sinh, cây gỗ rất nhiều. Thời đó điện đốm không nhiều, bếp từ bếp ga chưa phổ biến, than củi là loài chất đốt phổ thông nhất. Các ông chủ than xây hàng loạt lò nổi bằng gạch từ căn cứ 12 về Láng Gòn xuống Tân Tạo, Phước An, Phước Bình… để hầm than bán. Bọn tôi vào rừng chọn những cây tốt than, ít cành nhánh rồi hạ xuống, phân đoạn dài bằng 1 mét, chất thành khối, chỉ vậy chủ lò vào nghiệm thu trả tiền. Suốt mấy tháng hè ngày nào tôi cũng nằm rừng cưa củi, khổ nhưng rất vui.

   Được thời gian, núi rừng bị cả hai bên kiểm soát rất gắt, nên nghề cưa củi thước bán cũng không còn phổ biến mấy. Từ đầu thập niên 1970, những năm lớp 9 lớp 10 tôi lại theo người làng vào rừng đào chai kiếm sống. Chai chò thời điểm này tiêu thụ rất mạnh trên thị trường, người ta mua chai để nấu trét ghe, nhất là loại ghe thúng. Ngày nghỉ, dịp hè, tôi thường xuyên có mặt trên khắp nẻo rừng chò, tuần này Núi Nhọn, Suối Sâu, tuần sau Suối Rửa Tội, Hiệp Hòa, Tân Thắng rồi Núi Bể, căn cứ 2… Nói chung chỗ nào có chai, là đoàn người chúng tôi tìm đến. Đi đào chai ngày ấy theo từng đoàn rất đông, gần như cả làng ai cũng đào chai, cứ tầm 3, 4 giờ sáng là tập trung xuất phát, gần thì đi bộ, xa phía Tân Hải, Tân Thắng đón xe lam. Vào đến rừng khoảng 7 giờ, tập trung cơm nước tại điểm  dọc đường xe be, hay láng rừng trống, xong đâu đó, cuốc nhà binh, lon, bao đựng chai gọn gàng chia nhau chui rừng tìm chai. Tìm miết tới gần chiều, hú gọi nhau ra điểm tập kết ban sáng, ăn nốt phần cơm còn lại rồi lên đường về, bán chai xong đến nhà cũng 7, 8 giờ tối. Cứ vậy, ngày qua ngày đào chai kiếm sống. Đào chai rừng có hai cái sợ, thứ nhất trời mưa, sắp tối bị lạc đường không biết lối ra, thứ hai gặp voi rừng. Voi rừng Núi Nhọn, Núi Bể hồi đó nhiều lắm, có ngày mới tơ mơ đến rừng đã nghe thấy tiếng đàn voi đang đi dạo phía trước, ôi thôi cả đoàn người kéo nhau chạy thục mạng. Đó là hai nỗi sợ thường trực, còn tai họa thì vô chừng. Tôi nhớ đâu năm 1973, 5 đứa bạn trong làng tuổi đời mới 16, 17 xuống rừng Suối Sâu Tân Hải tìm chai, xui thế nào lọt vào bãi mìn, cả 5 đều chết thảm. Một bạn khác cùng xóm đến rừng Suối Rửa Tội Sơn Mỹ, trong lúc đục cây dên mục tìm chai ong, cây ngã đè chết. Những cái chết quá thương tâm, bây giờ gần 50 năm, những người làng ngày ấy gặp nhau, nhắc lại xưa ai cũng lặng lòng rưng rưng nước mắt.

   Núi rừng quê hương giờ cũng không còn, nghề cưa củi đào chai cũng vắng tự lâu rồi, nhưng ký ức tuổi thơ những ngày lội rừng băng suối trong tôi không bao giờ phai nhạt.

   Vậy đó! Thương nhớ núi rừng.