Nhớ trường làng xưa

01/09/2024 18:34
141

NGUYỄN THANH VŨ


Đối với học sinh bây giờ, chuyện khai giảng năm học mới là điều hết sức bình thường, tâm trạng không có gì phải nôn nao, lo lắng. Nhưng đối với thời của chúng tôi, chuyện tựu trường là cả một vấn đề to lớn. Hẳn ai từng đọc truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh cũng hiểu được nỗi niềm của học sinh thời trước. Cảm giác háo hức, nôn nao trông cho tới ngày vào lớp đến lạ kỳ!

   Trước ngày nhập học một tháng, bọn trẻ con xóm tôi đã chuẩn bị dụng cụ học tập và một số đồ dùng liên quan. Ba mẹ chỉ mua cho vở đen (hồi đó vở trắng rất đắt tiền), bút mực, ngoài ra, những thứ còn lại chúng tôi phải tự làm lấy. Để bao vở sách cho gọn gàng, chúng tôi đi xin các tờ báo cũ của người lớn và bọc lại. Nhãn được kẻ bút mực những hình ô-van nhỏ trên một tờ giấy trắng hiếm hoi, sau đó thì cắt ra và dán vào sách vở. Nguyên liệu để dán giấy không phải là những hộp keo nước, hồ khô… như bây giờ mà chính là bột mì tinh (bột năng) khuấy đều trên bếp, hoặc là cơm nóng. Những trang giấy đen còn dư lại của năm học trước, chúng tôi cắt ra và đóng thành một quyển tập mới dùng làm vở nháp. Thời đó, chỉ có những gia đình khá giả mới mua tập trắng và sách giáo khoa mới cho con cái dùng. Còn nghèo như nhà tôi thì chỉ dùng sách cũ từ những anh chị lớp trước để lại hoặc đi xin của những nhà giàu trong xóm bỏ đi. Đó cũng là lý do vì sao tôi luôn sử dụng sách giáo khoa một cách kỹ càng, không bôi bẩn hay viết linh tinh vào đó để cho các bạn năm sau dùng tiếp. Ngoài ra, màu dùng để học thủ công được trẻ con chúng tôi sáng kiến từ nhân của quả trăm bầu làm màu vàng, từ màu xanh lá dứa giã nhuyễn lấy nước, màu đỏ từ hoa mười giờ, màu xanh dương từ cây cỏ mực… Nếu muốn có một màu mới đẹp hơn, bắt mắt hơn thì chỉ việc trộn hai màu, hoặc ba màu lại với nhau. Tất cả được bơm vào các cây bút lông cũ, và đương nhiên là xin từ anh chị năm trước. Khi hết mực viết bài, chúng tôi thường hái các quả mồng tơi chín mọng cho vào mảnh vải mùng để vắt lấy nước làm mực tím…

   Quần áo đi học của tôi ít được ba mẹ sắm sửa, chỉ trừ vào dịp tết. Thường những chiếc áo trắng tôi mặc phải rách nhiều chỗ thì mẹ mới may đồ mới, chứ nó ngả màu cháo lòng… đậm đặc vẫn phải mặc đến trường. Quần tây có tuổi thọ cao hơn áo, nên có khi ba năm, đũng quần mòn bóng loáng nhưng tôi vẫn còn mặc. Nhớ những lúc mưa bão tầm tã, hai chiếc quần tây sử dụng cho việc đi học, đi đám tiệc, đi chơi tết bị ướt nhẹp, buộc mẹ phải lấy bàn ủi than ủi gấp cho tôi kịp giờ đến lớp. Mãi cho tới khi tôi nhổ giò, mẹ mới sắm cho những chiếc quần khác. Thỉnh thoảng có những người quen làm trên Sài Gòn về, họ mang những bao đồ to tướng cho gia đình tôi. Lựa ra những chiếc áo, chiếc quần vừa với thân hình mình, tôi ướm thử rồi cười ngất ngư vì thích thú. Những bộ đồ cũ của người Sài thành còn mới hơn cả những bộ “đồ mới” của tôi đang mặc.

   Trước khi khai giảng một ngày, ba dẫn tôi đi hớt tóc. Hồi đó cả xóm chỉ có được một hoặc hai ông thợ cạo (cách gọi người hớt tóc thời trước) nên lúc nào tiệm hớt tóc cũng đông khách, nhất là vào mùa tựu trường, ai cũng dẫn con em đến để “úp miểng vùa”. Tôi gọi như thế vì những đứa trẻ thời đó không có nhiều kiểu tóc để lựa chọn, chỉ hớt ba vá miểng vùa, cạo trụi hoặc để xùm xụp (nghĩa là chưa hớt). Tất nhiên kiểu ba vá miểng vùa hợp thời trang với trẻ con lúc trước nên hay được ba mẹ chọn lựa.

   Học trò chúng tôi đến trường trên con đường làng rợp bóng tre già và những cây bàng trải lá dài chằng chịt ngút mắt. Chúng tôi, đa phần đều đi chân trần chứ không mang dép hoặc nếu mang dép thì cũng được xâu kẽm hoặc vá chỉ vì nó quá cũ và rách nhiều nơi. Những chiếc cặp của chúng tôi là các bọc ny-lon, túi giấy cũ của ba mẹ đựng đồ thường ngày. Dù chật vật, thiếu thốn nhiều thứ nhưng chúng tôi vẫn hồn nhiên, vẫn say mê học tập mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì từ ba mẹ. Nếu sáng hôm đó mẹ có tiền, tôi được một gói xôi, ổ bánh mì, tô cháo lòng… hay đơn giản chỉ là củ khoai của bà bán gánh ngay đầu chợ xã. Còn nếu ba mẹ rỗng túi, tôi phải lục cơm nguội ăn với nước tương rồi nhanh chân chạy theo lũ bạn cho kịp giờ vào lớp. Chúng tôi không đi đánh lẻ mà tụ nhóm độ mười đứa, vừa đi vừa trò chuyện, hát hò suốt hai cây số dài. Cũng vì nghêu ngao ca hát mà suốt một quãng đường dài, chúng tôi không cảm thấy mệt, cũng chẳng chùn chân. Nhiều đứa còn tranh thủ thời gian này để ôn lại bài thuộc lòng đã học tối qua, hoặc trao đổi với bạn bè một bài tập toán nào đó mà mình không hiểu…

   Việc học ngày xưa khó khăn là thế! Còn trẻ nhỏ bây giờ thật sung sướng. Chuyện học tập của chúng quá tiện nghi, tất cả đều được ba mẹ lo chu toàn từ A đến Z. Ấy thế mà một số đứa trẻ lại biếng học, làm nũng, chẳng chịu đi học để vòi vĩnh thêm tiền quà từ ba mẹ. Thường người ta sinh ra trong gian khổ mới biết trân trọng giá trị của hoàn cảnh. Có lẽ những đứa trẻ thời nay do được ăn sung mặc sướng, cung phụng vật chất quá nhiều nên chẳng biết quý trọng chuyện học hành như xưa, mà chỉ học cho có học! Bỗng dưng nghĩ đến mà thương những học trò thuở đó làm sao!