TỪ THẾ MỘNG
Tiếng lòng mấy độ

19/06/2023 20:28
1088

VÕ NGUYÊN


Có những tiếng thơ không khuấy động ồn ào, không cuộn trào dậy sóng, không thánh thót véo von, không cầu kỳ huyền bí, mà lặng lẽ thể hiện một thế giới nội tâm nỗi niềm chân chất riêng tư, ngôn ngữ đời thường thân quen dung dị, chuyên chở tâm tình thương yêu nhung nhớ những chuyện gia đình, về với mẹ cha, anh em, bè bạn, người thương xa cách, trên các nẻo đường làng quê, phố thị, bãi biển, rẻo cao… có những xúc tác đa chiều nhẹ nhàng giao cảm với đời hết sức hồn nhiên, riêng tôi cảm nhận, đó là tiếng thơ của Từ Thế Mộng.

   Từ Thế Mộng tên thật là Nguyễn Đình Tư, sinh năm 1937 tại làng Phước Yên, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm lên 10 tuổi, theo gia đình vào sống ở Phan Thiết, cho đến ngày qua đời (13-5-2007). Bạn bè thân quen thường gọi một cách trìu mến là anh Tư Đình. Cái tên Tư Đình gắn với giai thoại cũng rất dễ thương. Nói rằng: “Tư rất mê gái, thấy gái đẹp là mắt sáng rỡ. Nguyễn Bắc Sơn đùa, một hôm ứng khẩu, đọc: “Tư đồ, Tư Mã, Tư không/ ba ông dồn lại thành ông Tư Đình”. Dễ chết thật ! Ba Tư đó, chính là các cụ thượng thư ngày xưa giữ các bộ Lễ, bộ Binh, bộ Công. Nguyễn Bắc Sơn vừa lắc léo đưa đẩy câu chữ, vừa thong dong gợi nhớ hình ảnh rất dê của các… cụ trong ca dao: Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình/ Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi. Đọc xong NBS ha hả cười, vẻ hết sức khoái sướng” (hết trích)(1). Nói vui với nhau như thế trong giới văn nghệ cùng thời, chứ anh Tư Đình là một nhà thơ rất yêu vợ thương con.

 

   Lãng đãng tình thơ

   Từ Thế Mộng làm thơ khá sớm, năm 22 tuổi (1959), anh là 01 trong 05 nhà thơ có thơ được tuyển in trong Hợp tuyển thi ca: Tiếng thơ miền Trung do Tầm Dương xuất bản. Đó là những bài thơ viết theo mạch cảm xúc trong trẻo thời mới lớn:

   Tuổi mười tám tôi viết bằng kiêu hãnh
   
Bằng môi hồng, bằng cả trái tim say
   
Bằng lời hoa ươm chất ngọt tràn đầy
   
Bằng hương sắc của mùa xuân kiều diễm
   Xem tình ái như lâu đài mầu nhiệm
   Xây bằng tim, bằng mắt và bằng môi
   
Bằng âm thanh trong sóng mắt tuyệt vời
   Bằng ánh sáng của không gian hò hẹn.

   Ấy còn là lúc nàng thơ trong xúc cảm sáng trong: “Nàng là Tiên mà cũng là Hoa/ Tuổi chín vàng trăng, sắc đẹp nõn nà/ Là Công chúa của trần gian Mỹ nữ/ Tôi Thi sĩ khoác áo xanh Hoàng tử/ Rất yêu đương, rồi ngây ngất, rồi si mê”. Dẫu sôi nổi đến đâu đi nữa thì tình cảm đời người cũng luôn nằm trong quy luật tâm lý biến thiên theo thời gian đi qua, nên đến “Tuổi 20 còn đẹp ý mong chờ/ Rồi 21 tôi ra người phụ bạc/ Nàng là gái của trần gian ngơ ngác/ không là tiên của sắc đẹp hào hoa/ Không là thơ của hồn mộng kiêu sa/ Tôi vội lánh để yêu người tứ xứ”. Khi kết lại: “Tay trắng còn nguyên, tôi ghi vào mỗi tuổi” (Điệp khúc). Tâm thế ở tuổi hai mươi luôn đi liền với những xúc cảm thăng hoa hướng về cái đẹp, từ âm thanh đến hình ảnh tràn đầy nhựa sống, nhẹ nhàng mộng mơ, nhiều khi bay bổng miên man, nhưng luôn ngọt ngào đắm say trong sáng, “Nhạc bỗng thơm, trăng bỗng nõn nà” (Hương Yêu); “Trời đổ tơ vàng bay/ Men gió chiều say say/ Em nghe hồn rất lạ/ Nắng vàng cả trong mây” (Hương Gai Nhơn); “Nắng bỗng xanh màu thương nhớ ai” (Khúc nhạc ly tao); “Từ thuở mới yêu nhau/ Tóc nàng thơm hương cau/ Nàng cười hương bỏ suối/ Ngắm trời mây bay mau” (Hoa ép trong trang giấy học trò); cho đến “Đôi mắt đăm đăm, tay nhỏ vội tìm/ Nàng khẽ nói: “Tình yêu là tất cả”/ Rồi một chiều nắng nhỏ/ Mái tóc thề rưng rưng” (Mái tóc thề) của tuổi thư sinh một thời thương nhớ ấy chảy dài xuyên suốt 6 bài thơ được tuyển chọn đưa vào tuyển tập Tiếng thơ miền Trung (1959).

   Lúc sinh thời, khi gặp bạn bè, anh Tư Đình thường giao lưu đọc thơ của mình. Giọng đọc của anh bao giờ cũng sang sảng, đôi lúc vung tay ngang dọc biểu hiện cảm xúc, ngay cả những câu thơ âm điệu nhẹ nhàng anh cũng đọc theo kiểu ấy. Thật ra trong thơ anh phần nhiều nằm trong mạch cảm hứng trữ tình đằm thắm, êm êm: “Trắng trời những hạt mưa bay/ ta ướt vai áo biển đầy tiếng mưa/ nở bung chùm hoa lưa thưa/ hoa bung nở giống hoa mưa lạ lùng”. “Mưa không lạnh cũng rùng mình/ bởi trong ta ướt bóng hình bấy lâu” (Tắm biển trong mưa).

   Cảm hứng đề tài trong thơ Từ Thế Mộng rất nhiều đối tượng, đó là những cảm xúc về những hình ảnh không đâu xa lạ mà rất gần gũi, thân quen diễn ra trước mắt trong cuộc sống hằng ngày trên mảnh đất quê hương mà anh đang sống, một thành phố biển, đó cũng là mạch nguồn cảm hứng thơ anh: “Cây cao lúp xúp cây mù xanh/ lớp lớp che im khuất mặt thành/ Phan Thiết nhìn lên mây cúi xuống/ Châuteau-d’eau* hồng ngọn đổ chênh vênh” (Phan Thiết nhìn trên đỉnh cao); (* Châuteau-d’eau – tên thường gọi là Sa-tô-đô, hình ảnh tháp nước biểu tượng của Phan Thiết). Đôi khi bất ngờ chợt lãng đãng đến mức những gì quen thuộc ngay trên con đường sáng chiều đi về nhà mình mà ngỡ không nhận ra, tưởng chừng hình ảnh như ở nơi đâu hiện về, có lạ lùng không: “Đường Hải Thượng/ đường nào đây/ bao cô gái đẹp/ hây hây mỉm cười/ Tóc thề/ chớm tới vai thôi/ mà sao em buộc lòng tôi thế này/ Mắt nhìn – sao cứ – ô hay/ đưa tôi lạc tới chốn này lạ chưa!” (Mưa và em). Cảnh quan, hình ảnh thường bắt gặp trong thơ Từ Thế Mộng là những đặc trưng về thành phố biển, để nhiều lần ngồi ngắm biển xanh, ngắm người tắm biển cho lòng thanh thản mở ra hướng về khung trời riêng biệt tươi vui, nhưng đôi khi cũng gợi lên những cảm giác buồn man mác, bởi cái lẽ: “Mấy hôm nay biển thở dài/ mới hay em bệnh đã vài bốn hôm/ Hèn chi biển cứ bồn chồn/ cứ nghe gió thổi lạnh luồn trong da” (Biển ốm). Chất men cảm xúc về ngoại cảnh ấy cứ luôn rạo rực xúc tác đi vào thơ anh lập lòe bùng cháy, gợi cho người đọc lý thú nhận ra cái bệnh đa tình mà có lẽ thi sĩ nào chẳng có: “Phan Thiết gió một ngày thật gió/ bởi yêu em anh bảo Tết quê mình/ rồi Phan Thiết nếu mai kia mốt nọ/ vắng em rồi gió thổi suốt đời anh” (Tình ca Phan Thiết).

   Ngoài những phút giây lãng đãng tình thơ, cảm hứng chính trong sáng tác của Từ Thế Mộng là tình cảm gia đình.

 

   Tấc lòng với vợ cùng con

   Về người con gái đầu lòng (bài thơ viết cho Giao Tiên), những tháng năm đi dạy xa nhà khi con mới 18 tháng, gợi bao kỷ niệm bồi hồi từ trong quá khứ trở về thực tại với những cảm xúc chân tình mộc mạc: “Con ơi/ ba không còn gì để lại cho con/ ngoài những bức thư tình ba viết cho má con/ và những bài thơ cô đơn của ba!”. Từ nơi rẻo xa núi rừng cao nguyên thao thức đến mạch nguồn của lẽ tồn sinh ở cõi trần gian cho mỗi cuộc đời thường tình phải đều chấp nhận: “Ngày ba còn ở Blao/ ba trao cho má con một phần sức sống/ Một phần sức sống với rất nhiều hoan lạc/ để từ đó con sinh ra (...)/ Ba thường chỉ nhìn thấy tương lai trong mắt má con/ Ôi tương lai đẹp và buồn như mấy ngày phép/ ngắn ngủi của ba/ Tương lai con còn dài/ thôi con đừng khóc đừng khóc!” (Chúc thư của người con trai gởi con 18 tháng). Sau này, khi con gái lớn lên, có những chuyện thế hệ đi trước bất ngờ không theo kịp, cũng là nỗi niềm của người làm mẹ làm cha: “đèn soi lối đưa con vào đại học”, rồi một hôm “Con điện tin về không báo trước/ người yêu con đến hỏi sớm mai này/ ba má nhìn nhau không hiểu hết/ con ta ơi ta lạc mất con rồi!”. “Ba giận con mà lòng quay quắt/ nỗi thương con nên tự nhủ mình:/ - Con và ba như hai giọt nước/ nghiêng bên nào cũng thấy long lanh!” (Như hai giọt nước). Về bài thơ này, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc được Từ Thế Mộng nhờ đọc bản thảo và viết giới thiệu cho tập thơ Lời ca cỏ non, ông nói: “Cái bài thơ có vẻ ít thơ nhất trong tập Lời ca cỏ non của anh lại là bài làm cho tôi xao xuyến nhất. Không chỉ một lần mà hai lần rồi ba lần, mỗi lần đọc lại tôi đều thấy rưng rưng. Đó là bài Như hai giọt nước. Tôi bảo nó không phải thơ nhất chỉ vì nó có vẻ như là một câu chuyện kể bình thường, những lời lẽ đời thường, giản dị, chân chất… về một chuyện gia đình – giữa thời buổi mà người ta đang cố làm thơ với những hình thức cầu kỳ, câu thơ bí hiểm thì bài thơ của anh có gì đó xa lạ với “thơ hôm nay”, thơ “hậu hiện đại”. […] Có lẽ tôi cũng đã già, nên mới thấm hết nỗi ray rứt trong lòng người cha, cái cảm nhận có phần thảng thốt trước dòng chảy nghiệt ngã của thời gian – giữa hai thế hệ – vừa ngọt ngào, vừa cay đắng, chia xa, vừa ngậm ngùi, vừa độ lượng, gần gũi.”

   Khi con trai chào đời, tiếng thơ của anh reo lên với một niềm cảm xúc dâng trào vui sướng: “Phương đông trời mới rạng/ tin vui nổi đầy nhà/ niềm vui vừa toả sáng/ lòng mẹ nở chùm hoa/ ba một lòng hớn hở/ chị một lòng reo vui/ và bà con nội ngoại/ nhìn nhau ấm nụ cười”. Mừng vui nhìn con lớn lên từng ngày cùng với bao nỗi lo âu, bởi không gian bên ngoài ngôi nhà ấm áp ấy là dữ dội đạn bom chiến trường: “Nhà ngang tầm đại bác/ đạn hú trên đầu tường” , “bom đạn ầm cứ nổ/ mẹ vẫn ngồi ru con/ ru à ơi con ngủ/ con mãi là nụ hồng/ trong lòng ba chớm nở”. Gặp khi con trái gió trở trời, nỗi lòng người cha trong thơ Từ Thế Mộng như đốt cháy lên nói hộ cho biết bao người đã từng làm cha muốn được phép màu tự mình san sẻ trong cùng hoàn cảnh: “Ba ôm con, vòng tay siết chặt/ con thương yêu đừng thở vội vàng hơn/ đừng nói như mê, đừng co giật nghe con/ chuyển bớt cho ba dòng lửa sốt” (Con bớt chưa con).  Anh cũng có giấc mơ về một ngày con trưởng thành, đất nước bình yên, giang sơn thống nhất, con là thế hệ đại diện cho những hành trình tương lai êm đẹp dệt bao ước vọng công dân đi về phía tương lai trên con tàu Tổ quốc đang vận hành: “Chuỗi ngày trước mắt con/ là những ngày trong vắt/ soi hai dòng nước trong/ thấy cõi lòng bát ngát/ cùng ngồi trong toa tàu/ người yêu reo: Đất Bắc!”. Anh tưởng tượng ra, hình dung ra viễn cảnh tương lai ấy là lúc đất nước đang ở vào những tháng ngày giáp ranh trước và sau 1975, cũng như những ai trong thế hệ ấy đã từng nhận thức được bóng hình quê hương đất nước từ trong trang sách, mới cảm hết nỗi lòng sâu lắng của nhà thơ nghe đến nôn nao về cơn gió heo may mùa thu Hà Nội. Tâm trạng nhà thơ cảm xúc nôn nao về ngọn nguồn quê hương đất nước, nhưng không biết còn có dịp đủ sức để xê dịch nữa không ! Và đúng như dự đoán của nhà thơ về chính đời mình, suốt 32 năm sau ngày nước nhà thống nhất, đến khi từ giã cõi ta bà, anh chưa một lần được đi đón gió heo may mùa thu Hà Nội. Từ dự cảm ấy anh đã chuẩn bị cho mình những lời gửi gắm: “Con mỉm cười ba biết/ hạnh phúc rất đơn sơ/ con tưởng chuyện tình cờ/  (…)/ con hãy đắm mình trong cơn gió mát/ rồi con kể ba nghe/ thế nào là cơn gió heo may/ của một ngày thu Hà Nội!” (Bài thơ mừng con trai). Thật là cảm động!

   Tôi xúc động hơn khi đọc những dòng thơ anh viết về người con út lên 9 tuổi vẫn chưa nói được. Với những hành động ngây thơ hiểm nguy không biết tự kiểm soát được chính mình: “Con chạy ra đường, lộ cái chim cưng/ bèn dang tay chận xe vừa tới/ chiếc xe sợ quá chiếc xe vòng/ con reo vui muốn trì xe lại”. Còn những hành vi ứng xử của con ở trong nhà: “Hồ nước trong con lội nước vào/ Con chốt cửa sợ người nhìn thấy/ anh chị con hoảng hồn, đập của hoài. Vẫn vậy/ vẫn tiếng hát bi bô/ Giận cứng ở bên ngoài!/ Thoáng dáng ba về, con chạy vù ra ôm chân,/ ngửa mặt/ tay cầm yên, tay níu chở đi chơi/ mỗi bận xuống cầu, cầu cao gió mát/ con nhảy trên yên giục ngựa bay vèo” (Có con ở trên đời). Những câu thơ mang đầy chất văn xuôi tự sự, hầu như không có đặc điểm của thơ, nhưng khi biết được nội tình, đọc lên muốn rơi nước mắt, rằng đó là những dòng anh kể về đứa con của mình chẳng may mắc hội chứng Down.

   Cảm hứng cõi riêng về vợ, những câu thơ tuy có chút trêu đùa, nhưng bắt gặp ở đó kín đáo ẩn nấu ân tình, có khi dí dỏm dễ thương về những hiển nhiên trong cuộc đời thường mà không ít người thường gặp: “Hỡi em rất hay ghen chồng/ hít hà chi lắm cho lồng lộn lên?/ lộn lồng ông mới quàng xiên/ không dưng sao lại làm duyên hít hà!”. Hay tinh nghịch hơn để trêu đùa chị ấy, song chắc rằng khi đọc lên chị ấy cũng chỉ cười khì hoặc lắm là lời mắng yêu: “Lâu ngày không nhận ra em/ bỗng trưa thức dậy thấy đèn sáng trưng/ ô em tóc xõa lưng chừng/ em vừa tắm mát thoát trần đó thôi” (Tặng vợ). Những dòng thơ anh viết cho người yêu xưa kia – sau này là vợ, kể lại thuở ban đầu năm tháng tình si về cô bé tên Giao đối diện trước nhà, nhẫn nại, kiên trì, không kém phần mãnh liệt: “Bảy năm như một giấc mộng dài/ luôn hiện con dưới trời mưa nắng/ buổi sáng theo sau đưa chiều trước đón/ lên tận lớp Giao ngồi đêm ngủ hóa ra thơ”. Rồi “Bảy năm chạy theo tình say sưa/ dạy ở Blao con bỏ dạy bay về/ chỉ đứng khuất trước cổng nhà Giao trong đêm khuya/ nhìn: lồng lộng trong xa kia Giao ngồi học!/ Giao trốn qua thăm con vừa thẹn vừa run/ căn phòng rối ren đang bộn bề cảm xúc/ bỗng có tin gọi Giao về gấp/ thôi chết rồi còn gì Giao của con”. Đó là lời của nhà thơ nói với má trong Trường ca Má Thương Yêu, nhắc lại với má về mối tình của mình cái thuở ban đầu trắc trở thương yêu ấy, phải trải qua bao rào chắn mới thành duyên vợ chồng. Nhưng có lẽ viết về em những dòng thơ hay nhất, một số người đọc không biết em nào, nhưng tôi chắc rằng là chị ấy, mang đầy chất thơ, nhẹ nhàng và tha thiết, đằm thắm một tấm lòng, trìu mến làm sao: “Em đạp xe về/ dáng hiền thục quá/ đơn giản vậy mà sao lòng anh lạ/ nghiêng theo em như thể đóa hoa quỳ/ ôi màu vàng đâu thể dễ phai đi/ Màu vàng không phai/ mặt trời vẫn ướt/ nên phương em lẽo đẽo một phương quỳ!” (Một phương Quỳ). Nhà phê bình Đặng Tiến cho rằng bài Một phương quỳ “có thể tiêu biểu cho phong cách và tâm hồn Từ Thế Mộng, an phận, vui với cái đơn sơ, hiền thục, đơn giản, nhưng vô cùng tinh tế. Phải tinh tế lắm mới nhận ra được ánh mặt trời đậu vào nước biển còn đọng trên lưng áo; rồi phải nhìn theo, nhìn thật lâu phía sau, mới nhận ra màu vàng không phai/ mặt trời vẫn ướt. Cái nhìn ảo hóa không gian và thời gian. Giây phút không có gì lạ ấy là hạnh phúc của loài người trong một trần gian không vĩnh viễn. Nắng là hiện tượng thiên nhiên. Mặt trời vẫn ướt là lời tình tự của mặt trời gửi về một đóa hoa quỳ - lạc đường vì một mái tóc. Thơ Từ Thế Mộng tằn tiện chút hạnh phúc đời thường, ngày thường đang phôi pha”. (Đặng Tiến – Từ Thế Mộng, Thơ đời thường).

 

   Tình anh em bạn

   Trong thơ Từ Thế Mộng rất nhiều cảm hứng về tình anh em, tình bạn bè. Ít ai viết về tình cảm anh em ruột thịt đẹp đẽ như Từ. Trong lời đề tặng anh thay lời tựa trong tập Trường ca Má Thương Yêu, anh đã viết về người anh trai của mình:

   “Từ lúc em bừng lên ý muốn viết Trường ca Má Thương Yêu, em đã sôi nổi báo tin anh. Anh gật đầu tin như chuyện đương nhiên phải có. Đúng là anh tin em, còn hơn em tin ở chính em!

   Rồi đêm đêm, biết bao đêm tuyệt vời như vậy, em xúc động, khóc sướt mướt. Má đầy em và em đầy ra thơ!

   Sáng ra, em tìm anh, khoe với anh những câu thơ còn nóng hổi đó, nóng như dòng máu vừa trào ra từ trái tim em, cứ đốt em cháy hoài mỗi tối. Em phải chận anh trên đường anh đi làm. Em phải đánh thức anh dậy. Thường thì anh đang súc miệng, đang bưng chén cơm, đang sục hai tay đầy bọt xà phòng trong thau quần áo… Và dù đang làm gì, anh cũng dừng lại, lắng nghe. Cái vẻ chăm chú lắng nghe của anh cảm động suốt lòng em. Rồi anh góp ý, em nghe lời anh.

   (…) Khi em bảo bản trường ca dài 500 câu, anh quả quyết phải 1000! Được 1000 câu. Lúc đó anh lại bình tĩnh làm em sửng sốt: phải 1.500 câu!” (hết trích).

   Tôi cũng chưa từng thấy tình anh em trong văn thơ cũng như trong cuộc sống đời thường như tình anh em của nhà thơ Từ Thế Mộng. Hình ảnh người anh đó đã đi vào cảm xúc thơ anh. “Anh về, biển lại cùng non/ hòa nhau trong cuộc vuông tròn sướng chưa” (Anh). Tình bạn trong thơ anh cũng thắm thiết đậm đà, khi chia tay với bạn chuyển vùng đi nơi khác, men chia tay ngây ngất ngút mây trời: “sao đầy trời lấm chấm khuya xanh/ ta nghiêng bầu rót tràn đêm mông mênh/ Đèn tù mù không thấy mắt ai xanh/ chỉ thấy có ta và có bạn/ Cùng cầm tay nhau cùng chếnh choáng/ bịn rịn/ rời nhau là lênh đênh […] thơ bạn cho ta ríu cả lời/ ta thấy lòng ta khuya lắm lắm/ lòng ta, ừ một con thuyền trôi” (Phan Thiết từ đây ta lẻ bạn – tặng Mai Sơn).

 

   Ngỡ từ cõi thánh về nơi dương trần

   Bao trùm lên tất cả trong thơ Từ Thế Mộng là tình mẹ con. Cái tình cảm thiêng liêng đó anh đã bõ công bộc lộ nỗi lòng suy gẫm của mình và đặt tên cho hai đầu sách: Tạp văn Dáng Mẹ trăm chiều – NXB Thanh Niên, 2003 và Trường ca Má Thương Yêu – Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận, 2005.

   Tạp văn Dáng Mẹ trăm chiều có 39 bài viết thuộc nhiều dạng thể: vừa tùy bút xen hồi ký, vừa ký xen truyện ngắn, đề tài xoay quanh chuyện bản thân, gia đình, chuyện vợ chồng, con cái, anh em ruột thịt, bà con dòng họ, bạn bè. Trong đó gần một phần ba các bài phảng phất bóng hình của mẹ, nhưng in đậm nét về mẹ ruột của mình từ cuộc đời tần tảo khổ đau đến tâm hồn thanh khiết, sáng trong, nghiêm khắc dạy bảo nuôi con nên người, có đến 6 bài: Tiếng roi, Dáng mẹ trăm chiều, Mẹ sà cánh tới, Lòng thơ ngây cùng phai theo, Nơi có chỗ mẹ nằm, Phan Thiết – năm Thìn bão lụt, Vỡ mộng. Và một bài cũng nói về mẹ nhưng đó là bài Lòng mẹ bao la – Kính dâng Nhạc Mẫu. Hầu như hơn 80 phần những bài trong tạp văn này được anh chuyển lại thành thơ, nhiều nhất là trong Trường ca Má Thương Yêu.

   Tôi cũng tìm hiểu khá nhiều về trường ca, nhưng với riêng tôi, đây là lần đầu tiên tôi mới đọc được trường ca của một nhà thơ cảm hứng viết về mẹ ruột của mình. Một trường ca cảm thức bản thân mình đi về muôn ngả với bao nỗi niềm về một cuộc đời gần gũi yêu thương. Phương thức sử dụng thể thơ trong suốt trường ca hết sức tự do, phóng khoáng. Cách viết câu ngắt dòng, ngắn nhất có khi 1 từ, 2 từ, dài nhất có câu dùng đến 18 từ. Nhưng đọng lại chất thơ vừa đằm thắm vừa bay bổng nhất vẫn là những dòng lục bát. Nhà thơ yêu thương Má với bao trải nghiệm để cảm nhận về một đời người gần gũi thân thương trôi theo dòng đời tảo tần gian khó nuôi con. Hình ảnh Má trong Má Thương Yêu có nét nào đó gần giống như người phụ nữ trong thơ Trần Tế Xương: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông” (Thương vợ). Ở đây, hình ảnh người mẹ trong thơ Từ Thế Mộng e chừng còn vất vả hơn nhiều, làm cho người con dẫu còn bé nhỏ vẫn nhận ra phải “khóc òa” lên trong hoàn cảnh với tâm trạng đợi chờ: “Má đi chợ sớm sao ra chợ chiều?”, đến nhà thì rơi vào thực trạng “Nhiều hôm Má đi chợ về/ Trống trơn củi lửa bốn bề lạnh tanh/ Vội đi quét lá tre dồn/ Bao nhiêu lá, chín nồi cơm, hở trời?”. Tôi nói hình ảnh người mẹ trong thơ Từ Thế Mộng vất vả hơn hình ảnh người phụ nữ trong thơ Trần Tế Xương, dẫu rằng bà Tú cũng gánh nặng hai vai chuyện cơm áo gạo tiền: “Quanh năm buôn bán ở mom sông” để “Nuôi đủ năm con với một chồng”, nhưng mỗi người mỗi cảnh và thời điểm khác nhau. Cuộc đời của Má trong thơ Từ Thế Mộng lấy chồng từ khi 16, rồi quê hương rơi vào tình thế chiến tranh, giặc Pháp lấn chiếm càn quét, buộc phải tản cư lẫn tránh, “Bỏ của chạy lấy người/ Tránh máy bay giặc tới”. “Dắt díu nhau đi nghìn vạn hướng/ Soong nồi trên vai người ngả nghiêng”. “Chông chênh Má đứng giữa trời/ Tiền không, không cả một lời thở than/ Con thơ, dại đến mơ màng/ Chồng đau, mơ thú thanh nhàn, ngủ quên”. Một đoạn thơ anh nói về ba để tỏ lòng cảm thông với Má, rằng: “Má ơi/ Ông ngoại con gả Má cho Ba/ Tưởng kiếm được chàng rể quý/ Ba con xưa học trường Bách Nghệ/ Nghề tinh thông nuôi đủ Má cùng con”. Ba làm thợ chạm nét khắc vào cây vô cùng tinh xảo, rồi làm thợ may, thợ mộc, nhưng tính của ba “Muốn rong chơi cho khỏe thân mình/ Làm một hôm thích nghỉ vài hôm/ Cưa đục bỏ nằm lăn lóc”. Khách đến nhận hàng chủ nhân đi vắng, chỉ có căn trại buồn trống huơ trống hoác. Mọi việc gia đình Má lo gánh vác, cả trong hoàn cảnh chiến cuộc đang xảy ra, mọi người “Bồng bế ùa ra đồng/ Xốc xếch lên đầu non”, máy bay Pháp đuổi theo oanh tạc, “Trong tiếng bom nổ ầm” thảng thốt “Vang vang lời gọi tới/ Ôi lời Má thiết tha/ Có lời nào với tới: Lợi ơi! Tư ơi!” – Lợi, Tư là hai đứa con trai của Má, tiếng gọi lo âu nghe đến não nùng! Đến khi tìm được con với bao cảm động tưởng chừng như vừa sống lại qua cơn ác mộng: “Cầm tay hai con, vừa chạy vừa nhìn/ Hai đứa như hai thằng con mới”. Trường ca kể về những tháng ngày gian khó theo suốt cuộc đời của Má. Cảm hứng chủ đạo vẫn là cuộc sống nghèo khó của gia đình, chuyện buôn bán của Má, chuyện các con đi bẫy dông thềm, mơ chiếc quần mặc ngày tết cũng không sao có được, những ngày đói khát thèm được ăn trái xoài chín trên cây mong cho xoài rụng xuống, thú vị làm sao tháng ngày nghèo khó được mẹ cúc cung tận tụy trong ngày tết cho ăn miếng bánh tét thấm bùi vị béo, “ăn miếng măng kho thấy mềm, thấy ngọt”, nhất là khi được thưởng thức “Ngậm miếng thịt rim hành tiêu tỏi ớt/ cảm cái thơm/ cái đậm/ cái nồng/ Mới thấy có một điều vô thủy vô chung/ Là tình thương của Mẹ/ Ôi Má của con đâu phải Má anh hùng/ Nhưng lòng con yêu Má, yêu vô cùng, Má ơi”. Thương con, sống trong nghèo khổ, thiếu thốn mọi bề, nhưng bao giờ Má cũng nghiêm khắc dạy con tấm lòng thiện lương, tâm hồn trong sạch. Một chuyện để đời nhà thơ không thể nào quên, đó là khi Má bệnh chỉ nằm trên giường không đi lại được,  thương Má thèm trầu, người con ra chợ lén ăn cắp một liễn trầu về cho Má, nghĩ rằng chắc Má sẽ mừng vui. “Má âu yếm cầm liễn trầu xanh ngắt/ Cảm ơn con. Cả lòng Má như gần/ Và lòng con vỗ cánh lại gần hơn/ Con bay con bay sà tới Má/ Má chụp tóc con, xoắn tóc con, bàn tay ghì chặt/ Con hoảng hồn, con ngơ ngác/ Bên nào Đông? Bên nào Tây?: “Đồ ăn cắp! Quân đội đầu xe lửa!”/ Con rùng mình, chua cay/ Những lá trầu bỗng hóa chim xanh/ Bay tới tấp lên đầu con cúi mặt/ Con đứng đó như tượng người hóa đá/ Đá hay người? Xin hỏi tới cao xanh!”. Trường ca Má Thương Yêu với hơn 1.500 câu thơ, trục cảm xúc chính xoay quanh tình thương yêu kính trọng của con với công ơn của mẹ dưỡng dục con cái trưởng thành, nên người đức độ, người đọc còn bắt gặp ở đó từ chuyện gia đình mở ra một không gian rộng lớn của cả một thời kỳ lịch sử xã hội vừa tự hào vừa rất đau thương trôi qua mà người dân phải gánh chịu! Trên cái nền ấy, hình ảnh người mẹ hiện lên lấp lánh như kim cương, nhà thơ cảm nhận ra “Tấc lòng riêng Má để lại như kinh”, cao cả tuyệt vời, thiêng liêng vô bờ, tưởng chừng như lạc từ cõi khác:

   Má xưa vốn ở trên trời
   Thương con, Má xuống làm người thế gian!

 

   Phần kết

   Nói về sáng tác và cảm hứng nghệ thuật thơ Từ Thế Mộng, có ý kiến nhận định rằng: “Từ Thế Mộng đã có gần 40 năm đắm đuối với thơ. Thơ anh đăng hầu hết các báo, tạp chí ở miền Nam trước 1975. Sau 1975, anh vẫn viết không ngừng nghỉ. Chặng đường thơ dài dằng dặc như thế, cộng với ý thức cao độ về nghệ thuật làm thơ mà theo anh là: “Thơ phải có vị ca dao, khí Đường thi, ý Thiền triết” đủ làm hiện ra một khuôn mặt, một tâm hồn luôn thảng thốt, ngạc nhiên, ngây ngất, si dại… trước “con mèo vàng khoang nắng ngủ trong trưa”, một biển ban mai tinh khiết, một “sắc tín pensée”.(Mai Sơn)(2)

   Riêng tôi, khi đọc 4 tập thơ của Từ Thế Mộng: Tiếng thơ miền Trung – In chung, hợp tuyển thi ca, sđd; Lời cỏ non – sđd; Trường ca Má Thương Yêu – Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận, 2005 và Lẽo đẽo một phương quỳ - sđd, cảm nhận thơ anh như trình bày, để kết thúc bài viết, tôi chỉ mượn lời của nhà nghiên cứu, phê bình Đặng Tiến nói về cách cảm nhận nghệ thuật trong thơ Từ Thế Mộng: “Anh tiếp thu vũ trụ, cũng từ thềm nhà: “Trăng đẹp quá/ Đẹp đến nỗi những chiếc lá đều sáng trắng như bạc/ Anh treo mùng ngủ trước hàng hiên/ Mùng thao thức/ Nghe anh trằn trọc sáng”. Chữ độc đáo trong khúc thơ là treo mùng.  Thơ ngắm trăng – nhất là trung thu – xưa nay không hiếm. Nhưng không thấy ai cẩn thận giăng màn. Lý Bạch có bài Tĩnh dạ tư nổi tiếng: “Trăng rạng sáng đầu giường/ Ngỡ mặt đất lên sương/ Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”. Lý Bạch nói đến giường chõng, mà đâu có treo mùng. Chi tiết này, tự nó không to tát gì, nhưng biểu lộ thi pháp Từ Thế Mộng. Trong đời sống ai cũng phải phân biệt công việc lớn lao với cử chỉ nhỏ nhặt, nhưng trong thơ, sự việc mang một kích thước khác: cơn gió heo may ngang tiềm lực với trận bão tố. Nhà thơ có khả năng gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao... Trong thơ anh, việc lớn việc nhỏ, chuyện chung chuyện riêng ngang tầm. Thậm chí anh chủ tâm nhiều hơn vào những việc riêng tư và nhỏ bé. Vì vậy, thơ anh vừa dễ, vừa khó đọc. Khó đọc với những độc giả tìm ở thi ca những điều thâm viễn tân kỳ, trong khi thơ anh dừng lại ở những nét bình dị, trong sáng.”(3)

 

Mùa Hạ Phan Thiết - 05/2023

VN

 

_________________

(1). Trích ở trang bìa 4 – Từ Thế Mộng: Lẽo đẽo một phương trời, Thư Ấn Quán xuất bản, 2002;

(2) Trích từ trang bìa 4 tập thơ Lời cỏ non, NXB Trẻ - 2001;

(3) Đặng Tiến – Từ Thế Mộng, thơ đời thường. Orléans, đầu thu. 21-9-2007.