PHAN CHÍNH
N hà văn Ngu Í - Nguyễn Hữu Ngư (1921 - 1979) sinh ra tại làng Tam Tân, tổng Phong Điền, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Quý trọng con người chữ nghĩa và tâm hồn nghệ sĩ hiếm hoi đầu tiên của xứ biển La Gi, tôi đã coi ông là người truyền cảm hứng sáng tạo văn học nghệ thuật cho thế hệ sau này. Vẫn có nhiều người hỏi ông là nhà văn, nhà thơ, nhà giáo hay nhà báo? Cuộc đời ông lắm nỗi nghiệt ngã, phiêu lưu cùng thế sự. Nhưng về văn chương ông đã để lại cho đời những trang viết rất nhân hậu lẫn đau buồn và khát vọng, như đọng lại ở dòng thơ “Cấy vạn lòng xuân đất vẫn già”.
Gia thế và người cha một thời lỡ vận
Nhà văn Ngu Í tên thật ghi trên giấy khai sinh Nguyễn Hữu Ngư. Thân phụ ông là nhà nho lỡ vận Nguyễn Hữu Hoàn (Nguyễn Hữu Sanh - còn gọi ông là Giáo Hoàn) sinh năm 1887 ở Hà Tĩnh, đã qua một kỳ thi hương nhưng rồi không màng khoa cử. Ông mang khát vọng dấn thân cùng trào lưu cách mạng, yêu nước, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và hưởng ứng các cuộc chống sưu thuế. Ông bị khủng bố đã đưa đẩy cuộc đời của ông lắm nỗi thăng trầm và dừng chân ở làng biển Tam Tân rồi nên duyên cùng bà Nghê Thị Mỹ thuộc gia phong có tiếng ở địa phương. Ông Giáo Hoàn mở lớp dạy học, đánh thức tinh thần ái quốc cho lứa tuổi học trò giữa vùng quê hẻo lánh. Ông trở thành một hương sư uy tín của làng bởi ông uyên thâm Nho học, thông chữ Quốc ngữ và có cả tài bốc thuốc bắc chữa bệnh. Ông Bà sanh hạ 2 người con là Nguyễn Hữu Ngư và người em gái Nguyễn Thị Hồng Minh, mất sớm ở tuổi 28.
Một bước ngoặt sóng gió cho gia đình cuốn theo thời cuộc. Năm 1917, từ một sự kiện, dân đi làm biển ban sớm phát hiện có một chiếc bè tre trôi dạt vào bãi Nước Nhỉ gần ngảnh Tam Tân. Trên bè có 6 người tù vượt ngục từ đảo Côn Lôn sau cả tuần lênh đênh trên biển, đang thoi thóp do đói và khát. Được người dân làm biển cứu vớt và định báo cho nhà làng, nhưng khi nghe tin ông Giáo Hoàn với linh tính đây là chuyện lớn, đã kịp thời đứng ra bảo lãnh với cớ là những người đồng hương làm nghề biển bị bão trôi dạt vào. Thật sự trong số này có nhà cách mạng Hy Cao Nguyễn Đình Kiên (Tú Kiên) sau này là Bí thư Tân Việt Nam kỳ. Ông Giáo Hoàn lập tức bố trí người thân tín kín đáo đưa 6 người tù nhanh chóng băng rừng lên hướng ga Sông Phan trốn thoát. Sau đó có chuyện mâu thuẫn giữa các hương chức trong làng, sự việc bị bại lộ, quan trên xử tội. Ông Giáo Hoàn nhận hết tội về mình và chịu án tù 3 năm lưu đày lên Lao Bảo. Mãn hạn tù ông bị trục xuất về nguyên quán Hà Tĩnh. Ít năm sau ông Giáo Hoàn trốn về lại Tam Tân nhưng đổi tên giả Nguyễn Văn Hợi và đưa vợ con bỏ xứ lưu lạc nhiều nơi sinh sống, ẩn dật cho đến khi Nhật đảo chánh (3/1945) mới trở về quê vợ.
Tuy gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng bà Nghê Thị Mỹ sớm tìm cách lo cho tương lai của đứa con trai Nguyễn Hữu Ngư mới 7 tuổi, đành phải chịu cảnh chia lìa để gởi vào học tập ở Sài Gòn. May mắn đầu tiên là nhờ thầy Phạm Thiều phát hiện năng lực học tập của ông đã nâng đỡ và được học bổng vào trường Pétrus Ký. Ở đây Nguyễn Hữu Ngư gặp được những đồng môn tốt và nổi tiếng sau này như Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Văn Khê ban Tú tài, rồi thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn. Tuy đậu bằng thành chung (Diplomé) và hai bằng Brevet có khả năng sư phạm để làm nghề dạy học nhưng ông trót đam mê cái nghiệp văn chương, báo chí từ bao giờ. Ông nghĩ chỉ có con đường chữ nghĩa mới tiếp sức để “phỉ chí tang bồng”. Lúc này chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông bị ám ảnh nặng nề về cảnh tượng đau thương, chết chóc nên phát bệnh tâm thần ở tuổi 19 và phải vào nhà thương điên Chợ Quán (1939 - 1940), tạm thôi nghề dạy học.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Hữu Ngư về quê nhà cùng với cha mình hăng hái tham gia chính quyền cách mạng. Nhưng không mấy ngày, Nguyễn Hữu Ngư bị buộc rời chức Tổng thư ký Ủy ban nhân dân cách mạng xã Tam Tân (liên xã Hòa Bình - Hàm Tân) do bất đồng chính kiến nội bộ. Ông trải qua 3 năm an trí nhưng không nản lòng, lại tiếp tục phiêu dạt đi tìm con đường với bao hoài bão. Năm 1946 ông có người bạn ở Phú Yên giới thiệu vào ban Tuyên truyền Ủy ban ủng hộ kháng chiến Phú Yên. Nhưng từ đây ông ra Hà Nội rồi ngược vào Quảng Ngãi công tác ở Ủy ban kháng chiến miền Nam... Thời gian này ông có cơ hội phải duyên với người phụ nữ có tâm hồn văn nghệ, thông cảm được hoàn cảnh, nỗi lòng của một con người tài hoa nhưng thất chí. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Thoại Dung (sinh năm1926), từng là hiệu trưởng trường tư thục Chiêu Anh, sáng lập viên trường Mẫu giáo Họa Mi ở Quảng Ngãi. Cuộc hôn nhân này, được vợ chồng Hồng Tiêu - Tùng Long đứng ra tác hợp, tổ chức đám cưới Ngư - Dung.
Đến năm 1952, hai vợ chồng Ông quyết định chọn đất Sài Gòn để sống dù biết rằng phải đối mặt với bao vất vả về việc làm, nơi ở. Nhưng rồi được những bạn học chí thân cũ, thành đạt và bà Bút Trà, chủ nhiệm nhật báo Sài Gòn Mới cùng ra tay giúp đỡ. Bà Thoại Dung tiếp tục nghề dạy học ở trường tiểu học Aurore (Rạng Đông) lớp Mẫu giáo Nguyễn Hiến Lê, trường tư thục Bồ Đề và Linh Năng… Còn Nguyễn Hữu Ngư dạy các trường Lê Bá Cang, Tân Dân, J.J.Rousseau, Saint - Exupéry và một số trường cũng ở Gia Định - Sài Gòn với khả năng về các môn Việt, Hán, Sử Địa, Pháp…
Vẫn một đời văn và báo chí
Vốn có năng khiếu và đam mê văn học từ trẻ, năm 1942 - 1944, ông bắt đầu đi vào nghiệp văn, cộng tác với Nam Kỳ tuần báo của Hồ Biểu Chánh, rồi làm phụ tá thư ký tòa soạn tuần báo Thanh Niên do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm… Văn và báo đối với Ngu Í luôn song hành, xen nhau giữa các đề tài về xã hội, thời cuộc và nỗi buồn âm ỉ cưu mang. Bước chân vào nghề báo chuyên nghiệp, ông làm biên tập viên nhật báo Phương Đông của Hồ Hữu Tường…
Từ thập niên 50 (thế kỷ 20), Nguiễn Ngu Í đã thành danh trên lĩnh vực văn học, báo chí ở Sài Gòn, ngoài bút hiệu chính Nguiễn Ngu Í, còn có các bút hiệu Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb, Trinh Nguiên, Phạm Hoàn Mĩ, Trần Hồng Hùng… Ngu Í với chữ viết khá riêng biệt. Bút danh Nguiễn Ngu Í có từ đó, người đọc thấy lạ về cách viết và hiểu nghĩa của từ Ngu Í khác nhau. Ngu Í ở đây là sự khiêm nhường về ý kiến của mình. Ông từng khởi xướng cách viết quốc ngữ dựa trên phát âm nhưng khó khả thi. Một số chữ mà ông sửa đổi theo nguyên tắc ngôn ngữ học, tức mỗi âm chỉ có một dấu hiệu để có sự thống nhất trong sử dụng, chữ I dùng một mình, ở đầu ở cuối, ở giữa tiếng khi cùng giá trị như nhau, ví như y/i sĩ, yêu/iêu, nguyễn/ nguiễn… Và nhiều phụ âm c (đọc cờ) như cẻ/kẻ hay ge/ghe, ja/gia, qa/qua, f/ph… thật rắc rối cho thợ sắp chữ nhà in, người đọc nhưng biết tôn trọng đó là trang văn của Ngu Í.
Tạp chí Bách Khoa (của Lê Ngộ Châu) với tôn chỉ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, khai thác những đề tài lịch sử có uy tín ở miền Nam. Từ 1957, Ngu Í trở thành người cộng tác đắc lực suốt 10 năm với nhiều bài viết về các nhân vật lịch sử và các đề tài về giáo dục, văn nghệ chân chính. Cùng lúc ông viết cho các tạp chí Mai, Nghệ thuật, Hòa Đồng… Quan điểm của ông ở “Sống và Viết với…” trên Bách Khoa đã lôi cuốn được sự đồng tình của những cây bút tên tuổi và bạn đọc. Rạch ròi đối với người cầm bút “viết làm gì, viết cho mình hay cho thiên hạ”… Nhưng có lẽ chất thơ trong Ngu Í mới thật sự mang cái chất ảo ảnh, lung linh bằng ngôn ngữ rất đời. Ở mỗi tác phẩm thơ hay văn của Ngu Í - Nguyễn Hữu Ngư có một thái độ phức tạp của người bị dồn nén tâm trạng bất bình với nỗi ưu sầu thế sự không nguôi ngoai. Những đề tài lịch sử giáo khoa với nền tảng sư phạm, ông luôn đề cao bản lĩnh của tiền nhân, tâm hồn dân tộc với sự thận trọng và phong phú.
May mắn cho tôi có điều kiện gặp gỡ với người thân, người cùng quê của ông và tiếp cận các tập sách viết về ông như Tuyển tập Qê Hương viết về La Gi - Hàm Tân (1969), tập “Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư - qua ký ức những người thân (1998)”, tập “Nguiễn Ngu Í - cuộc đời và văn nghiệp của Châu Hải Kỳ (1998)” và tìm hiểu qua vài tác phẩm của ông như Lịch sử Việt Nam- lớp Đệ thất (Tân Việt 1956), Khi Người Chết Có Mặt (Ngèi Xanh 1962), Hồ Thơm - Nguyễn Huệ - Quang Trung hay Giấc mộng chưa thành (Về Nguồn 1967), tập Thơ Điên (1970), Suối Bùn Reo (Trí Đăng 1970)… và nhiều bài báo liên quan. Nhờ đó tôi cảm nhận được phần nào về một con người thông minh, tài năng mà đầy trắc ẩn. Nhà văn Sơn Nam nhận xét về Ngu Í “là một nhà văn nổi tiếng yêu nghề và yêu nước, luôn xót xa về chuyện đất nước chia đôi”. Tập “ Sống và Viết với…” (Ngèi xanh xb) tập hợp từ loạt bài phỏng vấn trên tạp chí Bách khoa 1966, về kinh nghiệm, quan niệm sáng tác, nghiên cứu với những nhà văn, học giả tên tuổi lớn miền Nam như Nhất Linh, Đông Hồ, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Doãn Quốc Sĩ v.v. có giá trị học thuật.
Trong Lời Giới Thiệu tập Qê Hương do Ngu Í chủ trương, viết về La Gi (nhiều tác giả -1967), học giả Nguyễn Hiến Lê tâm tình: “Con người của anh hoàn toàn là tình cảm. Tình nước, tình nhà, tình bạn bè, tình vợ con, tình thầy trò, tình người, mà văn thơ của anh cũng chan chứa những tình đó”. Trong đó, những dòng thơ của Ngu Í viết về quê hương (trích): “Nằm đây mà ngó lên trời/ Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa/ Nằm đây mà nhớ mơ hồ/ Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu”. Viết về Mẹ (trích): “Má ơi, con má điên rồi/ Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi”, Viết cho Cha (câu đối): “Thầy (1887- 1953)-Mắt mở đã thấy xiềng nô lệ/ Hồn đi, còn mơ gió tự do”. Viết cho vợ (Bài thơ Mai Sau): “Em có đến, mà kông anh đón tiếb/ Cát mịn này sẽ mơn trớn gót chân em/ Em có về mà anh kông anh đứng đợi/ Jó kơi này sẽ ve vuốt tóc dài em/ Em có ngồi đây mà anh kông động đậy/ Biển trời này sẽ thỏ thẻ chuiện đời anh”. Quê hương La Gi- Hàm Tân là một phần đời của Ngu Í và chiếm trong hồn ông một bầu trời thơ mộng và ước mơ. Mặc dù có nhiều thơ nhưng Ngu Í chỉ mới có một tập thơ riêng đầu tiên cho mình. Tập “Có những bài thơ, I” Nxb, Trí Đăng đã in mà chưa có bìa nhưng ông vẫn mang tặng bạn bè gọi là chia sẻ… mới vui.
Trong ông dường như luôn chập chờn nỗi hoang mang và nặng lòng với nghiệp văn chương. Có phải chăng như Bs.Tô Dương Hiệp (con trai trưởng của nhà văn Bình Nguyên Lộc), giám đốc Dưỡng trí viện Biên Hòa, nói: “Trường hợp văn thơ của Ngu Í là trường hợp điển hình về Văn chương tâm bịnh (littérature psychopathologique), là văn chương và tâm bịnh đã gặp nhau trên một mảnh đất phì nhiêu, đơm bông kết trái, đem đến cho vườn văn nghệ những dị thảo, kỳ hoa, quả ngon, làm giàu cho kho tàng văn chương mà từ cổ chí kim, trong khắp hoàn vũ cũng đã có nhiều bút mực chép ghi…” (1970).
Ngu Í, điên và giai thoại
Nguiễn Ngu Í từ sớm đã thấu hiểu cuộc đời cách mạng của người cha và hoàn cảnh tan tác, chia lìa của gia đình. Ông chứng kiến một xã hội tủi nhục, đầy rẫy sự bất công thời phong kiến và thực dân. Tác động đó, Ngu Í với bản chất con người mẫn cảm, có kiến thức nhưng sức chịu đựng quá nghiệt ngã nên đâm ra bấn loạn, dẫn đến tách mình ra khỏi cuộc sống bên ngoài nhưng bên trong với ông từ trạng thái hoang tưởng, không kiểm soát hành vi, cảm xúc. Ông có một giác quan đặc biệt dù ở trạng thái khủng hoảng vẫn ứng biến, đối phó, lý lẽ của người vừa điên vừa tỉnh…
Tập thơ “Thơ Điên (Thứ thiệt) tập Số Zách” do Thái Bình Điên Quấc xuất bản 1970- từ cái tựa ở bìa đã gây “sốc” cho người đọc. Tuyển tập Thơ do Bs.Nguyễn Văn Hoài cùng Nguyễn Tuấn Anh, Tô Dương Hiệp, Trịnh Văn Lang (Dưỡng Trí Viện Biên Hòa) thực hiện, gồm thơ của các tác giả vừa là bệnh nhân Thiên Quang, Thích Ảo Giác, Hoàng Đức Tâm, Lê Hoàng Thúy, Phan Trần Từ Hương, Bùi Giáng, Nguiễn Ngu Í. Trong số các tác giả, Nguiễn Ngu Í có nhiều bài nhất (13 bài). Đúng thật, đây là tập thơ của những “Người Điên Thứ Thiệt” đang nằm bệnh ở Nhà thương Chợ Quán, ở Dưỡng trí viện Biên Hòa (được dân gian gọi là Nhà Thương Điên). Những bài thơ trong tập của những người có tâm bệnh thật chớ không phải giả bệnh để thể hiện cái ngông, lập dị. Nhưng từng bài mới nhận ra giữa điên và tỉnh dường như ở một thế giới lạ lùng. Thơ Nguiễn Ngu Í nhuần nhuyễn, sâu sắc, phiêu bồng làm cho người đọc giật mình tỉnh táo. Với bài “Trắng” khi ông nằm trong buồng bệnh, giữa bốn bức tường màu vôi trắng (trích): “Nhưng mà lạ quá, ôi là lạ/ Ngó phía nào đây Trắng cũng theo/ Trắng phủ vây tôi, tôi sợ quá/ Làm sao trốn Trắng, hỡi người ôi!” (1940). Lúc tuổi còn quá trẻ đã phải phận nghiệt ngã với dòng thơ như thế này, khó mà biết là của người điên hay tỉnh nhưng tinh tế nhận ra cái trạng thái bế tắc, u uẩn để phát điên: “Ta đi lang thang/ Ta nói tàng tàng/ Ta chửi đàng hoàng” (1966), chửi người hay chửi bâng quơ cũng là chửi, chỉ có Ngu Í chửi “đàng hoàng”…mới lạ! Cho đến ngày ông từ trần (18/2/1979), vợ ông - bà Thoại Dung chép lại câu thơ của ông dán lên hũ tro cốt, mang về quê mẹ, đặt vào kim tĩnh bên cạnh mộ song thân và mộ em gái trên ngọn đồi cát ở ngảnh Tam Tân: “Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi/ Một chút tình riêng cũng ngậm ngùi”, cũng “ứng” với nỗi lòng của ông lúc sinh thời.
Những câu thơ như thế này ai nói Ngu Í là nhà thơ điên sao?: “Bão dông sắp sửa hãi hùng/ Con ra đời lúc chập chùng âu lo/ Má con phiền sự ấm no/ Ba con thì một chuyến đò dở dang” (Ngày con ra đời - 1963). Trong thơ thì khó so sánh nhau sẽ dễ thành khập khễnh. Nhưng để thấy từ thơ qua hình ảnh quen thuộc của Bùi Giáng xuống phố Sài Gòn lang thang, vô sự trước cảnh đời và những bóng hồng thường gặp trong thơ ông nào Hà Thanh, Kim Cương, mẫu thân Phùng Khánh và cả Brigitte Bordot ở trời Tây… để có những câu thơ lụy tình, bất hủ “Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con” (Mắt buồn). Với Ngu Í thì mối tình si trong cơn điên- tỉnh, cũng vậy, những bóng dáng nhà văn nữ như Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ, Nguyễn Thị Vinh, Trùng Dương, Vân Trang, Túy Hồng… hết lời khen nức nở, chưa ai đẹp bằng. Nghe vậy, mà không có ai trách Ngu Í cả vì đó là trạng thái yêu lung tung, những đắm đuối đơn phương…
Trong hồi ức của Gs,Ts.Trần Văn Khê nhắc đến mấy câu thơ của Ngu Í: “Bên ngoài, trời rộng trời xanh/ Mà trong cửa sắt Ngư đành khoanh tay/ Bên ngoài chim hót vang cây/ Mà trong cửa sắt Ngư nầy lặng thinh/ Trách ai hay lại trách mình?” và Giáo sư viết: “Những bài thơ tôi ghi lại trên đây, đã cho ta thấy Ngư là người điên rất tỉnh, và trong nhiều trường hợp, chắc người tỉnh cũng bị người điên cho là điên. Trong đời, biết ai là tỉnh, biết ai điên! (Ngu Í - Nguyễn Hữu Ngư, qua ký ức những người thân). Cho nên khi tâm thần ổn định Ngu Í tiếp tục viết văn, làm báo là nhờ bạn bè, đồng nghiệp thương cảm về cảnh ngộ và khả năng chuyên môn.
Theo lời kể của nhà báo Lê Ngộ Châu, anh Ngư có tài văn thơ, viết báo nhanh nên trong giới ai cũng quý trọng, nhưng khi nổi bệnh thường hay nghịch phá bạn bè. Nhà thơ Nguyên Sa có viết trên Bách Khoa, anh Ngư có lần “nhất bộ nhất bái” trước cổng nhà mình khiến nhà thơ phải quỳ xuống đất bùn mà vái đáp lễ mới thôi. Nhà văn Nguyễn Thị Vinh có một kỷ niệm, Ngu Í cũng mỗi bước mỗi bái bất kể đường đất lầy lội, với mỗi yêu cầu bà phải “xưng em” buộc bà phải làm theo mới dừng. Theo Hồ Trường An kể, có một thời gian Ngu Í si mê nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ (chị của Ds.Hồ Trường An) chỉ qua hình ảnh, thư từ nhưng khi diện kiến đang trong tình trạng ốm o bệnh tật, vừa mổ xương hốc mũi còn sưng húp, Ngu Í hoảng hốt tháo lui, miệng hét “Anh chúc em chóng bình phục”. Vậy mà Thụy Vũ không giận và cười khi đọc câu thơ ông viết tặng “Ai thương giùm tôi cô giáo nhỏ/ Mà phấn son chưa đày đọa mặt nghiêng nghiêng”… Được đọc qua hồi ức của các nhà văn thân hữu của Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư từng có những kỷ niệm với ông, trở thành những giai thoại và kịch tính như đầy thương sót một nghệ sĩ tài hoa nhưng đeo đẳng cơn điên thất thường. Không thể nào phủ nhận ở ông là một con người có tâm hồn, kiến thức rộng, trí nhớ tốt… Đọc văn ông khó thấy một chút điên nào. Ông có cái duyên của một nhà báo, khéo léo, tinh tế vừa là một hồn thơ, giọng văn lôi cuốn, đằm thắm.
Sẽ kể không hết những câu chuyện điên của Ngu Í trong giới nhà văn, nhà báo và kể cả náo loạn ở đường phố, công sở Sài Gòn. Bao lượt bị đẩy vào đồn Cảnh sát mà người chịu đựng, khổ nhất vẫn là vợ ông, bà Nguyễn Thoại Dung. Những mối tình trong cơn điên tỉnh của ông, bà Thoại Dung biết đó chỉ là tình ảo mộng, tình điên của nghệ sĩ để rồi thành những giai thoại vui và chua xót. Ngu Í lúc tỉnh cũng nhận ra lòng bao dung của vợ, đã thốt: “Làm vợ Tú Xương dễ, làm vợ Sào Nam cũng dễ, làm vợ Ngu Í mới thật khó…”. Cảm động biết bao, chỉ mấy dòng chữ trong bức Di chúc dài để dành cho người vợ (Thoại Dung/Yung/Y) lúc đang nằm bệnh viện Tâm thần (9/1977), Ngu Í viết (trích): “Chuiện đời, nhìn lại kông jì là tuyệt đối, là vĩnh viễn. Chỉ còn chút tình ngĩa đối với nhau. Vậy Y cố hết sức bình tỉnh đối với người đời, việc đời và “bao la” đối với anh”.