Thăm lại Lầu Ông Hoàng nhớ bài thơ “Phan Thiết! Phan Thiết!” của Hàn Mặc Tử và bài nhạc “Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh

18/10/2023 20:57
1739

THẠCH THẢO
(Thân tặng anh chị em Hội VHNT tỉnh Bình Thuận)


   1. Thi sĩ Hàn Mặc Tử - con Rồng trong nhóm Tứ Linh 1 của làng thơ Bình Định nổi tiếng cả nước thời bấy giờ, đã có đôi lần đến Phan Thiết thăm người yêu là nữ sĩ Mộng Cầm. Chuyến đi của nhà thơ cùng người đẹp lên thăm lầu “Ông Hoàng” 2 đã để lại một kỉ niệm “buồn đáng nhớ” nơi ông và sau này là các thế hệ công chúng mê thơ ông. Với Hàn Mặc Tử đó là bài thơ “Phan Thiết! Phan Thiết” 3. Còn với công chúng mê thơ, thì nhạc sĩ Trần Thiện Thanh 4 đã cảm mến viết bài nhạc “Hàn Mặc Tử” 5. Ai có thăm lại phế tích “Lầu Ông Hoàng”, chắc cũng yêu thích thơ và bài nhạc gắn với kỉ niệm “nghệ thuật” của thi nhân và người nhạc sĩ tài hoa đất Bình Thuận này.

   2. Trong đời Hàn Mặc Tử, có những người đẹp là nguồn cảm hứng làm thơ của thi nhân thăng hoa. Một bức ảnh của Hoàng Cúc 6 mời thi sĩ ra thăm đất thần Kinh - đất Huế, để lại cho đời một áng thơ mẫu mực của thi văn Lãng Mạn “Đây thôn Vĩ Dạ”. Một hay đôi lần Mộng Cầm 7  đưa Hàn Mặc tử thăm Phan Thiết, thăm lầu Ông Hoàng, để lại nơi đây ít nhất 2 bài thơ hay, ngoài bài “Muôn năm sầu thảm” là bài “Phan Thiết! Phan Thiết”

   Ai đọc bài “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng nhớ câu mời thân tình, không khách khí: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ. Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Vườn của giới hoàng tộc thôn Vĩ đẹp, nhưng dáng đài các, tiểu thơ như em, thì chắc anh cũng thích ngắm hơn: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Nhưng đó, phải chăng là mối tình đầu lãng mạn? Mối tình này lại chứa quá nhiều bất cập, khiến cho tình anh và em cũng chỉ là gió, là mây; mà gió và mây có bao giờ là biểu trưng cho sự sum họp: “Gió theo lối gió mây đường mây. Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay. Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có chở trăng về kịp tối nay?” Nên mộng chỉ là mơ: “Mơ khách đường xa khách đường xa. Áo em trắng quá nhìn không ra. Ở đây sương khói mờ nhân ảnh...”. Nếu còn lại chút gì gắn bó thương mến nhau, dù có hoài nghi hay khẳng định, cũng là niềm hi vọng: “Ai biết tình ai có đậm đà?”.

   Ai đọc bài “Phan Thiết! Phan Thiết!” thì thấy khẩu khí của con Rồng thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng cao ngút trời: “Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng. Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất... Bay từ Đao Ly8  đến trời Đâu Suất, Và lùa theo không biết mấy là hương...” Trong thế giới thiên tài, không mấy người học được phép “đằng vân”, mà trong thi văn từ cổ chí kim chỉ thấy ghi lại 2 người: một là Tề Thiên Đại Thánh, hai là con chim phượng hoàng Hàn Mặc Tử khi về tới đất Phan Thiết?: “Lúc đằng vân gặp ánh sáng chận đường, Chạm tiếng nhạc, va nhằm thơ thiên cổ...” Cũng chỉ có 2 người dám thách thức ở thế giới tài năng, là Tôn Ngộ Không khi phá hội “Bàn Đào” và nhà thơ lúc nổi cơn thịnh nộ: 

   “Ta lôi đình thấy trăng sao liền mổ:
   Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao,
   Trăng tan tành rơi xuống một cù lao,
   Hóa đài điện đã rất nên tráng lệ.”

   Cũng có một thời nhà thơ ngất ngưởng ở ngôi cao thi sĩ, như nhiều thi sĩ Lãng mạn đã tự hào. Cao ngạo như Xuân Diệu cũng chỉ dám nhận mình là con chim lạ: “Tôi là con chim đến từ núi lạ. Ngứa cổ hát chơi. Khi gió sớm vào reo um khóm lá” 9; Hùng dũng như Thế Lữ, cũng chỉ là con hổ nằm vườn Bách Thú: “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt. Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.” 10; Một thời bay bổng như con chim phụng, cũng lắm khi Chế Lan Viên chỉ dám nghĩ mình là một chiến tượng (voi chiến) oai hùng: “Chiến tượng bỗ gầm vang trong gió rét. Để dưa âm rung chuyển cả ngàn xanh.” 11 Còn Hàn Mặc Tử, ông đã thấy mình: “Ở ngôi cao, ngước mắt ra ngoài bể. Phong lưu ghê, sang trọng chẳng vừa chi. Ta mê man như tới chốn Phượng Trì. Ở mãi đấy không về Thiên Cung nữa.” 12

   Tề Thiên từng là chúa tể Hoa Quả sơn, bỗng thách thức Phật Tổ mà bị đè ở núi Ngũ Hành, rồi chịu khuất phục bởi vòng kim cô của Tam Tạng. Hàn Mặc Tử, tuy không phải vòng kim cô Phật Tổ, cũng bị vòng tình ái buộc ràng:  

   “Ta đam mê trong ánh sáng trần duyên,
   Và van lại xin cô nường kết ngãi:
   Mỉa mai thay cho phượng hoàng si dại
   Là ta đây đương ở kiếp muôn chim...
   Trở lại Trời tu luyện với muôn đêm
   Hớp tinh khí lâu năm thành chánh quả.
   Ta trở nên như ngọc đàng kim mã
   Rất hào hoa, rất phong vận: Người Thơ...
   Ta là trai khí huyết ước ao mơ,
   Người thục nữ sanh giữa thời vô thượng,
   Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng,
   Ta lang thang tìm tới chốn Lầu trang
   Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.
   Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết...”
13

   Kỉ niệm ở Phan Thiết của Hàn Mặc Tử ngày nào nhìn lại, là một niềm đau tuyệt vọng, khi biết mình chớm bệnh nan y, lại bị từ chối tình cảm. Nhưng trời cho con trai ngậm cát để làm nên ngọc thì Hàn Mặc Tử cũng phải ngậm nỗi đau nội tâm để làm ra thơ cho đời: “Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết! Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi... Ta đến nơi - Nường ấy vắng lâu rồi. Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ; Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ! Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng...” 14

   Kết cục bài thơ là một núi sầu bất tận:

   “Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng,
   Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết.
   Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
   Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu,
   Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư...”
15

   Hàn Mặc Tử mất 1940. Một vì sao rụng trong âm thầm cô đơn tại trại phong Quy Hòa16 . Ngày ấy, Chế Lan Viên vì quá nể phục người anh thi sĩ Hàn Mặc Tử của mình nên không ngần ngại tuyên bố: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử...” 17 Nhưng nay, xem ra lời tiên tri của Chế Lan Viên hoàn toàn đúng, ánh sáng của vì sao này còn mãi chiếu trần gian cho đến hôm nay, thế kỷ XXI và càng ngày càng sáng, như ông viết về Hàn Mặc Tử khi ở tuổi “thất thập cổ lại hy” và cũng gần ngày ông về với thế giới trăng sao: “Bây giờ Hàn Mặc Tử nằm ở điểm cao Gềnh Ráng đối diện với bể Đông. Bể chói lòa như thơ Anh và giông bão tựa đời Anh. Nằm với trăng sao như Anh từng mơ ước: Với sao sương anh nằm chết như trăng.” 18

   Thế giới văn chương - nghệ thuật sau Hàn Mặc Tử đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực về ông. Không chỉ có giới học thuật văn chương, mà cả giới “bình dân” âm nhạc cũng có nhiều bài hát, tuồng Cải lương nói về đời Hàn Mặc Tử. Tiêu biểu là bài nhạc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, một người con Phan Thiết khác, đứng ra chia sớt nỗi bất hạnh đời ông - đời của một người chỉ có trăng đem bán: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho. Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ. Ai mua trăng, tôi bán trăng cho. Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò...”

   Trần Thiện Thanh viết một bản nhạc với giai điệu Boléro mượt mà và lời từ bình dân, dung dị, gần gũi; nhưng lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của bao thế hệ người nghe bản nhạc này: 

   “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tàn nhớ câu chuyện xưa. Lầu ông Hoàng đó, thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng. Tiếng chim kêu đau thương như nức nở giữa trời sương. Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người, tìm về nửa đêm trường...”

   Hay: 

   “Đường lên dốc đá, nhớ xưa hai người đã một lần đến. Tình yêu vừa chớm, xót xa cho chàng cuộc sống phế nhân. Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết. Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan. Hồn ngất ngây điên cuồng cho trời đất cũng tang thương. Mà khổ đau niềm riêng...”

   Đặc biệt là đoạn giang tấu:

   “Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, giấu thân nơi nhà hoang. Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi. Tình đã lỡ, xin một câu hứa kiếp sau ta tròn đôi. Còn gì nữa, thân tàn xin để một mình mình đơn côi.”...

   3. Soạn giả Viễn Châu, cũng cảm thông sâu sắc nỗi niềm đau của người thi sĩ “nửa đời chưa qua hết”, nên ông viết đến hai bài Vọng cổ “Tâm sự Mộng Cầm” và “Tâm sự Mai Đình” và một vở tuồng Cải Lương “Hàn Mặc Tử”. Với tài diễn xuất bậc thượng thừa của hai nghệ sĩ một thời được mệnh danh là “cặp sóng thần” Hùng Cường - Bạch Tuyết, khiến các thế hệ trẻ sau ông có đến gần hơn nửa thế kỷ cũng thương cảm. Xin mượn 2 câu Vọng cổ của Viễn Châu để kết thúc bài: 

   “Ai mua trăng mà người đem trăng đi bán. Người định bán bao nhiêu một ánh trăng… vàng. Người ở trần gian hay tận chốn cung hằng. Tôi muốn hỏi người điên hay tỉnh, cất tiếng rao hoài bán một vầng trăng. Đã mấy đêm rồi ngồi đếm sao băng, nghe sương khuya nhỏ giọt vào hồn, tôi muốn hỏi người để mua đứt một vầng trăng, nhưng lại ngại ngùng trần gian u tối. (câu 1)

   Nàng ơi, nàng hỏi rằng ta điên hay tỉnh, còn nàng tỉnh hay điên mà mua ánh trăng vàng. Trăng của riêng ta, ta bán cho nàng. Bằng một vần thơ của Hàn Mặc Tử muốn khuyết hay tròn muốn đục hay trong. Nếu mấy đêm rồi nàng đếm sao băng, thì ta cũng mấy đêm sầu cho duyên kiếp. Nàng lạnh lùng vì hơi sương nhỏ giọt. Ta cũng se lòng suốt một mùa đông... (câu 2)” 19     
  

___________________
1 Nhóm Tứ Linh: gồm các nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ Lãng mạn 1932 - 1945: Hàn Mặc Tử (Rồng), Yến Lan (Lân), Quách Tấn (Qui), Chế Lan Viên (Phụng), chú thích của người viết HCT. 

2 Lầu Ông Hoàng: Biệt thự của một người Pháp giàu có được xây cất trên khu vực mà nay là một di tích tham quan nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp ở phường Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận. Đây vốn là một biệt thự do Ferdinand D’Orléans , Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I của Pháp bỏ ra số tiền 82.000 đồng bạc Đông Dương để xây cất, nhưng do chiến tranh đến nay chỉ còn là phế tích, chú thích của người viết HCT.
3 Thi nhân Hàn Mặc Tử (1912-1940), Phan Thiết! Phan Thiết!, trích trong Phan Cự Đệ (biên soạn) Thơ văn Hàn Mặc Tử Phê bình và tưởng niệm, NXB. GD, 1993, tr. 292-294.
4 Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, mất năm 2005, là một nhạc sĩ nổi tiếng thuộc dòng nhạc Boléro của miền Nam và là 1 trong 4 đại danh ca thuộc hàng tứ trụ của dòng nhạc này, với mỹ danh: Nhật Trường. 
5 Trần Thiện Thanh, Hàn Mặc Tử, theo https://www.google.com
6 Bạn yêu thơ cũng chưa rõ là ảnh phong cảnh hay ảnh chân dung của nữ sĩ Hoàng Cúc, chú thích của người viết HCT.
7 Nữ sĩ Mộng Cầm (1917 - 2007) nguyên quán ở Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, tên thật Huỳnh Thị Nghệ, thuở còn thư sinh, bà được gửi vào nhà cậu ở Phan Thiết, học trường Pline Exercices. Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu. Tên Mộng Cầm xuất hiện từ khi bà làm thơ gửi đăng báo, chú thích của người viết HCT.
8 Thế giới Đao Ly, Đâu Suất là thế giới của thần tiên, mà thơ của Hàn Mặc Tử cũng đạt mức đắc đạo “tri túc” của Phật Di Lặc, chú thích của người viết HCT.
9 Xuân Diệu, Lời thơ vào tập Gửi hương, trích trong Thơ Mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm, tr. 493.
10 Thế Lữ, Nhớ rừng, trích trong Thơ Mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm, tr. 11.
11 Chế Lan Viên, Chiến tượng, trích trong Thơ Mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm, tr. 731.
12,13 Hàn Mặc Tử, Phan Thiết! Phan Thiết!, trích trong Thơ Mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm, tr. 177.
14,15 Hàn Mặc Tử, Phan Thiết! Phan Thiết!, trích trong Thơ Mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm, tr. 178.
16 Quy Hòa: địa danh có nhà thương trị bệnh phong cho những người cùi năm xưa tại thành phố Quy Nhơn, do các bà sơ đạo Thiên chúa giáo phụ trách chăm sóc. Nay thuộc nhà nước quản lí.
17 Chế Lan Viên, Những kỷ niệm về Hàn Mặc Tử, Người mới, số 23 – 11- 1940.
18 Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, anh là ai, Viên Tĩnh viên 2-9-1987, trích Thơ Hàn Mặc Tử, Sở VH-TT tỉnh Nghĩa Bình, 1988, tr. 7.
19 Viễn Châu, Tâm sự Mộng Cầm, trích trong Huỳnh Công Tín (biên soạn và chú giải), Viễn Châu 120 bài Vọng cổ đặc sắc, NXB. VH-VN, 2020, tr. 74-75.