HUY SÔ
Nhà văn hay nhạc sĩ

18/08/2023 23:25
1163

VÕ NGUYÊN


Tôi đến thăm ông vào một trưa tháng 6. Ở tuổi 96, nhưng sáng nào ông cũng cùng với nhóm bạn rủ nhau đi tắm biển, từ dáng vóc đến tinh thần luôn trong trạng thái thong dong sảng khoái, minh mẫn, thoải mái tạo niềm vui với người giao tiếp.

   Huy Sô tên thật là Huỳnh Sanh Châu, sinh năm 1928, quê ở Phan Thiết, Bình Thuận. Khi nhắc đến tên Huy Sô, đa số bạn bè, nhiều người trong công chúng biết đến ông là một nhạc sĩ, bởi từ hơn 70 năm trước, khi lên 17, ông đã hoạt động cách mạng, đồng đội đã từng nghe tiếng kèn đồng của ông xông xáo một thời khích lệ tinh thần chiến đấu chống Pháp, góp phần làm nên chiến thắng ở những trận đánh Sông Quao (19/1/1953), Thạch Long – Mũi Né (13/4/1953), Tánh Linh (7/4/1954), Lương Sơn (7/5/1954), Long Hương (12/5/1954). Sau này ông hồi ức lại: “Chiếc kèn đồng còn đó/ Âm thanh sao chơi vơi/ Đã tan vào vách đá/ Đã hòa với biển trời/ Đã đi vào huyền thoại/ Hay đã vào lòng người?/ Về lại Sông Quao/ Hồ Gương lộng gió/ Đáy nước mây lồng…” (Về lại Sông Quao). Sau này (năm 1984), ông viết lại gần như tự truyện về hình ảnh cậu bé Châu ngày xưa thổi kèn như thế nào trong truyện ngắn Chú bé thổi kèn tây. Khi tập kết ra Bắc, ông được cử đi tu nghiệp âm nhạc 2 năm (từ 1962 đến 1964) tại nhạc viện Tchaikovsky ở Mátxcơva – Liên xô cũ. Tác phẩm âm nhạc của ông về sau được biểu diễn từ địa phương đến trung ương, phát trên các làn sóng đài phát thanh, truyền hình, từng được trao tặng nhiều giải thưởng cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng trong tiểu luận này, tôi viết về Huy Sô là người làm thơ và viết truyện ngắn. Đến nay, ông đã cho ra đời 3 đầu sách: 2 tập truyện ngắn: Mặt trời tháng Ba (1987), Huyền thoại về Láng nước nổi (1997) và 1 tập thơ: Những vần thơ đi cùng năm tháng (2009).

   Tiếng thơ theo bước đời nghệ sĩ

   Nhạc sĩ vừa sáng tác âm nhạc vừa làm thơ xưa nay không hiếm. Một Văn Cao, ngoài những nhạc phẩm để đời cho cả quốc gia dân tộc, còn là nhà thơ gieo vào lòng người với bao tâm trạng: “Mưa trong trăng tiếng nhỏ đều/Bến mờ mịt: mấy mái lều bơ vơ” (Đêm mưa), hoặc triết lý giữa sự vĩnh hằng và hữu hạn, giữa sự tồn tại và cái tan biến trong cõi hư vô: “Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi/ như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn./ Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh/ Và đôi mắt em như hai giếng nước” (Thời gian). Hay một Trịnh Công Sơn, ngay trong ca từ là những bài thơ, những dòng lục bát dịu êm nhẹ nhàng về lẽ nhân sinh: “Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời […] Tim em người trọ là tôi/ Mai kia dù có xa xôi cũng gần” (Ở trọ).

   Ở Huy Sô cũng có những gặp gỡ đó. Khi cảm xúc về đồng đội thương binh, ông sáng tác thơ để rồi phổ nhạc: “Có những lúc anh thẫn thờ suy nghĩ/ Giá như giờ anh còn cả đôi tay/ Để ôm em thật chặt, thật đầy/ Để tình yêu không một bên bỏ ngỏ […] Có những phút với nụ cười rạng rỡ/ Giá như anh còn cả đôi chân/ Để cùng em đi đến tận cùng/ Để tình yêu không một lời than thở”; từ đó ngẫm về thế giới muôn màu của tình yêu lứa đôi trong thời chinh chiến đã trôi qua: “Có những lúc muốn nhìn em thật rõ/ Đôi mắt thơ ngây khao khát hương đời/ Dù tình yêu còn đọng lại trên môi/ Nhưng đôi mắt… làm sao tìm đôi mắt…” (Em đã cho anh trăng sao – Năm 1999, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trình bày bài hát này).

   Về sáng tác thơ, ông nói đó không phải là thế mạnh của mình, làm thơ chỉ là điểm tựa để viết ca từ cho nhạc mà thôi. Ngay trong đề từ cho tập thơ ông cũng đã tự bạch: “Cả đời tôi tập làm thơ/ Biết bao giờ đến bến bờ thi nhân? …?”. Nhưng khi đọc tập Những vần thơ đi cùng năm tháng, tôi bắt gặp ở đó tiếng thơ bay lên từ một tâm hồn nghệ sĩ nhẹ nhàng theo ông những nơi ông đã đi qua, những gì ông đã chứng kiến, gợi lên cảm hứng với bao nỗi niềm. Ông lấy nhan đề tập thơ Những vần thơ đi cùng năm tháng là những sáng tác ông viết theo cuộc đời trải nghiệm của ông từ tuổi thanh xuân qua hai thời kháng chiến cho đến sau này, khi nước nhà thống nhất. Sau năm 1975, ông về lại quê nhà tỉnh Thuận Hải (cũ) làm việc, từng giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thuận Hải (1981), là người trong Ban vận động thành lập Hội và làm Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Thuận Hải (1986), là tiền thân của Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận bây giờ. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

   Huy Sô cũng rất kiệm khi chọn lựa chi tiết hình ảnh để đưa vào thơ. Gửi gắm tình cảm với quê hương xứ sở, nơi đã từng gắn bó trong những ngày kháng chiến, ông chọn hình ảnh con suối. Nó như chứng nhân những hành trình một thuở với ông. Mỗi khi hành quân xa suối, nhà thơ cảm thấy nhớ thương chẳng khác người thân yêu nhất của mình: “Nhưng rồi ta lại phải đi xa/ Bỏ suối bơ vơ nhớ lắm mà”. Nhớ bởi nó quá thân thuộc, nó như mái nhà, như tổ ấm sau những lần đánh trận: “Cứ sau hành trình qua lửa đạn/ Ta về bên suối, suối bên ta…” và thấy “Lòng suối như lòng mẹ của ta” (Xa suối – 1951). Đến khi tập kết ra Bắc, xem mình như cánh chim đã qua thử thách, gian khổ càng hun đúc thêm sức mạnh tinh thần, để thấy “Gió bão chỉ làm cao tiếng hát”, thấy đường đời từng bước trưởng thành, thấy trách nhiệm của mình để gánh vác sẻ chia: “Khi đã là chim của núi sông/ Tình yêu ta gởi đến muôn lòng”. Những lúc như thế vẫn luôn nhớ về hình ảnh con suối ngày xưa: “Kháng chiến trường kỳ vượt tháng năm/ Xây đời bên suối, tổ bên trăng” (Như những cánh chim). Nhưng làm gì ở đâu, âm nhạc vẫn luôn âm ỉ rồi thức dậy trong lòng, khi đâu đó “Đàn kêu như hát nên lời/ Nghe dường như thể tiếng đời bay cao” (Tiếng đàn bầu của anh nuôi – 1959). Sau khi tu nghiệp ở nhạc viện Tchaikovsky về nước, ông phụ trách đoàn Văn công Quân khu IV, vào tuyến đầu lửa đạn Vĩnh Linh, ông nhận ra những bạo tàn đớn đau và dữ dội của chiến tranh: “Tiếng thét mẹ ta giữa đạn bom mịt mù lửa khói!/ Tiếng khóc em ta bên tro tàn, xé ruột, xé gan!/ Trường Sơn đêm nay, sống gào gió thét, mây cuộn điệp trùng!/ Ta ngỡ nơi đây sóng nước Bạch Đằng đang dội về những ngày lịch sử” (Bài ca đất thép – Vĩnh Linh, 1968). Trong mất mát đau thương đó, nhà thơ vẫn luôn cảm hứng lạc quan tin tưởng sức mạnh hiện tại, vượt lên trên những đau thương để hướng về tháng ngày tương lai tươi sáng. Đây là đặc điểm sáng tác nằm trong mạch cảm hứng chung một thời cầm bút của các văn nghệ sĩ: “Sửa lại con đường cho quê ta đẹp nắng/ Trồng lại hàng dừa cho rợp bóng sân/ Những buổi chợ chiều, những tối văn công/ Tiếng hát cất lên dưới mái trường ngói đỏ/ Hạnh phúc ngày mai đang hiện dần… theo bước chân em đó” (O xã đội – đã đăng báo Tiền Tuyến, số 23, tháng 8/ 1968, bút danh Đông Hà). Thỉnh thoảng cũng có những đoạn thơ với âm hưởng ngợi ca lồng trong hình tượng huyền thoại nhằm cổ vũ, động viên, ngợi ca sức mạnh của một dân tộc anh hùng vượt lên trên cả sức mạnh các anh hùng thần thoại: “Ở Việt Nam không có gân Asin, chỉ có gân Phù Đổng/ Khi mẹ sinh ra ta, đã tắm ta trong dòng nước sông Hồng phù sa đỏ thắm/ Ta không chết như Ângtê vì hai chân ta luôn bám chặt vào đất/ Ta như chàng Đavít đã nện Gôliát chết tươi bởi viên đá vào đầu” (Cả nước mến yêu Hà Nội anh hùng). Sau 1975, về lại quê nhà, đi thăm những chiến trường năm xưa đã từng kinh qua, bây giờ kẻ mất người còn, gợi cho nhà thơ biết bao nỗi niềm: “Hố bom xưa còn đây/ Dấu chân em còn đâu?/ Năm mươi năm lưu lạc/ Nay chưa dứt cơn đau!/ Thời gian ra cõi mộng/ Ánh sáng ửng chân trời/ Chiến khu mờ sương khói/ Ô Rô… Bóng mây trôi” (Đêm Khu Lê, tháng 11/2000). Tôi lược trích một số đoạn thơ theo thứ tự thời gian như trên để làm rõ thêm dụng ý đặt nhan đề tập thơ: Những vần thơ đi cùng năm tháng của tác giả là vậy.

   Về sau, thơ ông xoay hướng cảm hứng qua thế sự, tình đời những tháng ngày hàn gắn vết thương chiến tranh, tái tạo dựng xây quê hương xứ sở. Dẫu có đi đâu xa xứ cũng nuôi dưỡng ấp ủ hình bóng quê hương trong trái tim mình: “…Em lấy chồng nên em phải ở xa/ Em còn nhớ quê hương mình Phan Thiết/ Ba nhịp cầu trên Cà Ty xanh biếc/ Nhịp điệu con tàu lay động bóng Tháp xưa…” (Phan Thiết quê ta ba vạn sáu ngàn ngày – 1998). Tình người, tình đời đó càng thấm đậm khắc sâu hơn khi nghĩ về anh em đồng đội, không thể chỉ biết vui trên chiến công mà hững hờ, hời hợt quên đi những gì đã làm nên thành tích, ấy là da thịt máu xương của đồng đội mình ở đó, dẫu bây giờ người đi kẻ ở vời xa, cách biệt: “Những người lính già gặp nhau hoan hỉ/ Như lính thời Trần ngồi kể chuyện Nguyên Phong/ Tự hào thay những chiến tích chiến công/ Vẫn nhớ kĩ… Mình chỉ là người sống sót!”. (Những người sống sót). Ông mượn hình ảnh nghệ thuật đã lùi trong quá khứ, hình ảnh đường nét vũ điệu của những vũ công lừng lẫy một thời còn in trên bóng tháp Chăm Pa, để hiểu ra giá trị đích thực của tài hoa nghệ thuật: “Apxara đêm ngày không ngủ/ Mắt đục mờ nhìn du khách tham quan/ Duy nhất một nụ cười, một vũ điệu thời gian/ Đậm nét phong sương sống cùng thiên niên kỷ”, để đến bây giờ hình tượng kia dưới mắt người ngoạn cảnh, chụp hình, chọn cảnh, làm phim để quảng bá cái lợi ích của mình đi đến muôn nơi: “Vũ nữ ngậm ngùi được chào hàng du khách/ và lang thang… trên khắp chốn địa cầu” (Apxara và du khách). Trong cái nhìn của ông, chỉ có những bàn tay tài hoa nghệ thuật mới tồn tại với thời gian, từ góc độ này hay góc độ khác. Từ trong quá vãng xa xăm với hình tượng Brahma, Siva, Vixnu, cũng như bây giờ, những gì đồng đại với ông: “Người đi về chốn xa xăm/ Thế là thôi kiếp con tằm nhả tơ/ Tài hoa như một giấc mơ/ Vẫn còn in mãi bóng mờ trong sương” (Sao băng – Nhớ thương Trịnh Công Sơn, 2001). Thơ Huy Sô thấm đẫm tình đời, tình người, có nhiều câu thơ gợi lên những thoáng nao nao xúc động trong lòng người đọc.

   Thế giới truyện ngắn Huy Sô

   Ông viết văn rất sớm. Truyện của ông xoay quanh hai chủ đề chính: con người với cuộc sống thời chiến và con người đời thường trong cuộc sống thời bình.

   Con người thời chiến

   Thời chiến là thời kỳ lịch sử không bình thường, bởi nó làm đảo lộn mọi sinh hoạt thường ngày, thay đổi cả tâm lý tình cảm đến nhận thức của con người trong cộng đồng. Ai đã từng đi qua tháng ngày không bình thường ấy mới thấu hiểu được giá trị của sự sống và cái chết, mới cảm nhận được nỗi đau và hạnh phúc, yêu thương và căm hờn. Đặt ra vấn đề ấy để thấy những trang viết của nhà văn Huy Sô với những trải nghiệm, chứng kiến của ông với con người và thời cuộc qua những diễn biến lịch sử xã hội một thời mà ông đã từng đi qua.

   Năm 1953, ông viết truyện ngắn Một buổi họp chống càn, tả lại cuộc tập hợp thanh niên nam nữ, các cụ ông cụ bà với bộ đội, thảo luận rất dân chủ để đúc rút kinh nghiệm trong trận chống quân Pháp càn quét Khu Lê vừa qua và bàn kế hoạch những ngày chiến đấu sắp tới, phảng phất không khí Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông lần thứ 2. Tuy cách viết đôi chỗ có phần dí dỏm nhưng đề cập bàn luận nội dung vấn đề rất nghiêm túc, thể hiện tinh thần đoàn kết và tình quân dân ấm áp.

   Người kháng chiến tham gia trên nhiều mặt trận với những công việc khác nhau, người dùng súng đạn, người sử dụng nhạc cụ làm vũ khí xông pha ngoài chiến trường. Truyện Cô gái đánh đàn tranh viết khá dài – 29 trang sách. Truyện không chú trọng về cốt truyện, mà tập trung miêu tả sự việc, có những đoạn gần như trữ tình ngoại đề, nói đến chuyện ngày xưa từ anh Tào Tháo trong Tam quốc chí đến chuyện quê nhà có đền thờ Thánh Tam Giang, xưa có ngày Hội Gióng, “ban đêm dân làng thường nghe trên đồi có tiếng ngựa hí, quân reo…”. Trên cái nền đông tây kim cổ đó hiện lên cô gái tên Sạ, một nghệ sĩ đàn tranh được hun đúc trong tâm hồn cả một khung trời văn hóa quê hương để vượt Trường Sơn với bao vất vả để cùng đồng đội phục vụ chiến trường. Có lẽ Huy Sô đã từng trải nghiệm khi phụ trách Đoàn Văn công Quân khu IV, nên cách nhìn, cách viết của ông giúp cho người đọc – nhất là thế hệ trẻ sau này, thấy được những sinh động về chuyên môn nghề nghiệp và tính chân thực một thời của những thanh niên xung phong mà hành trang chiến đấu là âm thanh tiếng nhạc diệu kỳ để làm ấm lòng chiến sĩ những năm tháng ở chiến trường.

   Từ một sự kiện về một nhân vật nghe khá quen thuộc với người Bình Thuận đã thành giai thoại để đặt tên cho nhan đề tác phẩm: Ông già đống rơm. Giai thoại này có nhiều cách nhìn, cách kể khá khác nhau, riêng tác giả đã chọn cách xây dựng nhân vật qua lăng kính nhận thức của mình, gắn cho nhân vật với những phát ngôn nêu lên quan điểm lập trường, lên án tội ác quân thù, đặt ra vấn đề lý tưởng, lòng trung thành, niềm tin vào tương lai tươi sáng của người dân đối với sự nghiệp cách mạng. Truyện nằm trong mô típ sáng tác một thời của dòng chảy văn học kháng chiến.

   Con người thời chiến tham gia chiến đấu khi gián tiếp, lúc trực tiếp. Truyện ngắn Người bồi bếp kể về chiến sĩ đặc công nội thành diệt ác phá kềm thời kỳ đánh Pháp. Không gian diễn biến sự việc gần như lấy chuyện từ nguyên mẫu với những địa danh cụ thể, dẫu truyện nhưng cách biểu đạt gần như viết kí. “Những tiếng súng nổ, tiếp theo sau là tiếng còi của cảnh sát, tiếng la thất thanh đã cắt đứt dòng suy nghĩ của anh. Cả chợ Phan Thiết như đàn ong vỡ tổ, đâm bổ vào nhau mà chạy”. “Hình ảnh tên Châu, một tên mật thám ác ôn bị bắn gục ngay trên đường Gia Long” (đường Gia Long trước kia ở ngay mặt chợ Phan Thiết).

   Một thời điểm khác, ông mượn không gian chiến trường ở Quảng Nam năm 1972 với những địa danh cụ thể đã từng diễn ra những trận đánh dữ dội, “người ta có thể nhìn rõ những làn sương mỏng từ sông Li-li bốc lên, đọng lại và chạy dài theo thung lũng Quế Sơn như một dãi khăn tang”, người lính hạ sĩ quan Cộng hòa miền Nam cũng tự khai với các anh bộ đội: “Quê em ở Thăng Bình”. Đây là câu chuyện ông xây dựng trong trận đánh khốc liệt mà đài nước ngoài lúc ấy liên tục đưa tin là thung lũng chảo lửa, những nhân vật ở hai tuyến đối địch giằng co quyết liệt trước ranh giới mong manh về sự sống và cái chết, nhưng khi con người trong hai tuyến đó giáp mặt, ông giải quyết vấn đề trong cách ứng xử lãng mạn rất nhân đạo của người cầm súng. (Sống lại)

   Tôi rất chú ý về cách giải quyết diễn tiến sự việc trong truyện Mặt trời tháng ba – cũng là nhan đề chung cho tập truyện, phác họa một góc nhỏ thoáng qua về cuộc Nhật đảo chính Pháp trên quê hương. Phần cuối truyện, tuy nhằm mục đích lên án dã tâm của quân xâm lược, nhưng ở đây tác giả thể hiện cách nhìn khá khác lạ trong hệ thống truyện của ông về một sự kiện, không thể đánh đồng, nhưng thấp thoáng cái nhìn của Lỗ Tấn ngày xưa khi xem thước phim thấy nhân dân Trung Quốc xem lính Nhật hành hình một người Trung Quốc. Còn ở đây miêu tả “dân thị xã chen chúc nhau” “để chứng kiến một vụ hành hình… Dưới ánh nắng chói chang của mặt trời tháng ba, một thanh niên bị trói ké đang đứng phơi nắng! Thỉnh thoảng tên lính Nhật dội vào đầu anh ta một thùng nước của con sông quê hương. Nghe đâu tội của anh ta cũng chỉ đã cả gan dám ăn cắp thùng đậu tương hoặc củ cải muối để bán kiếm tiền nuôi miệng lũ trẻ”. “Người xem chán cái cảnh một của vở kịch câm mang tính thời sự này kéo dài, lần lượt rủ nhau ra về”. Một cái kết thả lửng giao quyền phán xét cho người đọc.

   Kể lại những xót xa đau khổ của con người trong cuộc chiến diễn ra trên quê hương, ai chưa trải nghiệm cứ ngỡ chuyện diễn trên sân khấu, nhưng đó là sân khấu đời thực mà người dân đã từng chịu đựng, khó mấy ai hình dung ra nổi nghịch cảnh éo le về tình cha con. Người con thoát ly tham gia kháng chiến, chuyến về thăm cha lần thứ nhất: “Năm 1961, tôi về phan Thiết rồi thả bộ lên Xóm Mía để nắm tình hình gia đình. Ba tôi ngồi vít nan dưới gốc cây khế. Con chó mực chạy ra sủa. Ba tôi nhìn tôi, nạt con chó rồi cúi xuống vót nan. Con chó chạy đến quấn quýt bên tôi. “Dạ chào bác!”. “… Không dám, chào ông!”. Tôi biết ba tôi thấy tôi từ xa, nhưng không thừa nhận tôi. Một cái gì đè nặng ngực tôi rồi chận nghẹn cổ tôi! “Bác vẫn khỏe ?”. “Cảm ơn. Bình thường…”. “…Chào bác, con đi…”. “Không dám !”. Năm 1963 ra Bắc, 1967, được lệnh về Nam. Lúc này gặp ba đang ăn cơm tối. Ông nhìn con và thừa nhận. Khi chia tay, ông nói: “Khi nào con về, ba sẽ bận đồ trắng ra đón con”. Người con hiểu tâm trạng của ba khi tang tóc cứ chồng chất lên mái đầu đã bạc. Lần thứ ba trở về thì hay tin ba không còn vì một lần đi báo tin cho cán bộ bị địch bắn chết. (Hiện vật trong nhà bảo tàng).

   Con người trong chiến tranh qua ngòi bút Huy Sô nhiều khi đớn đau đến xé lòng. Tập kết ra Bắc, đảm nhiệm khá nhiều công việc, nhưng hình ảnh con người và quê hương Miền Nam luôn khắc khoải trong lòng, ông viết truyện ngắn Hai em bé (đăng trên Văn nghệ Quân đội năm 1958). Không gian tự sự lấy từ quê hương ông, với những địa danh quen thuộc như Khu Lê Hồng Phong, dốc Rạng, Hàm Trí (thuộc huyện Hàm Thuận Bắc ngày nay), kể về những đau thương thảm khốc đi qua cuộc đời trẻ thơ dữ dội của hai chị em bé Gái. Cuộc sống thời chiến đói khát của một vùng quê phải đi đong gạo chạy ăn từng ngày. Người lớn đến trẻ con ai ai cũng phải gánh phần trách nhiệm. Cha mẹ đều có công việc, để bé Gái ở nhà phải biết tự lo chăm sóc đứa em trốn nấp khi có máy bay dội bom. Một hôm, “đến trưa, cô Ba cõng nó về. Nhà nó đông nghịt các chú du kích và bộ đội. Nó đinh ninh hôm nay thế nào cũng được mấy chú bế bồng, được ăn kẹo bánh, được nghe những chuyện dẫn nó đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác mà ở góc trời bé nhỏ của xóm Giếng Đá này nó không tài nào biết được. Nhưng đột nhiên má nó vứt tung gánh, ôm thằng Cu chạy ập vào nhà rồi khóc rống lên. Cô Ba cũng hớt hải cõng nó chạy theo sau. Ba nó hy sinh rồi ! Các chú bảo thế. Ba nó trúng đạn ngã ngay trên chiến hào trong lúc đang chỉ huy trung đội du kích đánh chặn Tây tràn vào xóm.” Còn lại mỗi mẹ, những ngày tiếp theo, bà vẫn đi gánh gạo, khuyên nó ở nhà chăm em. Mặt trời dần dần khuất núi, nó ngồi chờ. Ông sao trên trời nhấp nháy. Mãi cho đến khi nghe tiếng cô Ba đi họp phụ nữ về, trời tờ mờ sáng. “Cô chạy vội đến ôm nó vào lòng rồi khóc nức nở”. Nó òa lên khóc: … “Cô Ba ơi ! Má con đâu?”. “Tiếng kêu thương của nó thảm thiết, lạc lõng giữa không gian bao la”. Con người trong chiến tranh của Huy Sô đọc lên xúc động đến chạnh lòng.

   Con người trong cuộc sống thời bình

   Viết về đối tượng này là những chuyện diễn ra chung quanh ta thường bắt gặp hằng ngày, dẫu trong thời bình, nhưng thế thái nhân tình không hề đơn giản. Kết thúc cuộc chiến về với cuộc sống đời thường, những gì thuộc về quá khứ trở thành hoài niệm. Nhiều cái muốn quên đi nhưng cuộc sống không để cho quên, khi “Có tiếng người đằng hắng ngoài cổng. Tôi nhìn ra và nhận mặt ngay người khách không mời mà đến”. Trước kia ông là cấp trên. “Ông ta bước lên tam cấp với nụ cười gượng gạo. Nụ cười này trước đây tôi đã từng bắt gặp, nhưng với tư thế của người trên nhìn xuống. Còn bây giờ, nó mang vẻ cởi mở, hòa giải hơn”. Nhân vật khách không mời mà đến đó trước kia một thời thể hiện quyền lực vu khống, bắt giam tù ông vô tội vạ. Bây giờ tất cả đã tuổi xế chiều, ông lại đến thăm tỏ sự ăn năn. Khi chia tay ra về, “trên nét mặt ông hiện rõ nét buồn, bước chân ông đã chậm, tấm lưng ông đã bị uốn cong bởi thời gian và tuổi tác”. (Điều nhân nghĩa). Truyện kết thúc như vậy, nhưng ẩn khúc nhân tình thế thái lại mở ra không hề chấm dứt với người đọc ở mọi lúc, mọi thời.

   Một thời tem phiếu trôi qua mà những người bây giờ ở tuổi 60 về trước nghĩ đến còn gai cả người. Thông qua những cuộc đối thoại nhẹ nhàng hằng ngày thôi của đôi vợ chồng cán bộ nhà nước về già, vợ về hưu trước, với đồng lương và kinh tế thời bao cấp, hiện lên một đời sống nghèo nàn lạc hậu và cái đói chực chờ lăm le luôn đe dọa. Tác giả ghi lại dấu tích để góp phần làm phong phú cho bảo tàng xã hội một thời trong quá khứ. Tuổi trẻ bây giờ không có trải nghiệm, đọc câu chuyện này ngỡ như sự việc tưởng chừng chỉ có trong cổ tích. (Chuyện nhà)

   Ở một góc nhìn khác, ông có nụ cười thầm kín mà chua chát khi nói về Người bạn chưa từng quen. Truyện kể về cuộc gặp gỡ sau năm 1975 ở miền Nam, điều lạ là trong nhận thức giữa chủ thể với tha nhân thấy quá mơ hồ xa cách. Nhưng vừa gặp nhau, tha nhân tỏ ra vồn vã như thân tình với nhau lắm, khoe mình là người đã có công với cách mạng, nhiệt tình cởi mở nhắc lại chuyện xưa, nhưng chủ thể không hình dung nổi anh ta là ai, gặp nhau khi nào trong quá khứ, và chắc chắn là chưa từng gặp nhau! Diễn biến truyện dẫn dắt vòng vo mơ hồ như thế để làm sáng chủ đề vào cuối truyện với lời lẽ của Lân – tha nhân: “ Hoạt động trong vùng địch phải bí mật, khôn khéo chứ anh. Câu chuyện dài lắm, kể cho anh nghe một bữa sao hết. Đời tôi ba chìm bảy nổi, hết lên voi lại xuống chó… Thôi bây giờ, mời anh và anh Lư ăn với chúng tôi bữa bánh xèo. À quên giới thiệu với anh, đây là thằng con trai út của tôi, nó rất thích nghề của anh, tôi gửi cho anh đó!”. Thì ra dụng ý của tác giả xây dựng chủ đề tư tưởng truyện để nói về hiện tượng bắt quàng giao tiếp của không ít người một thời trong xã hội từ câu nói của chủ nhà: “tôi gửi cho anh đó”.

   Dí dỏm chuyện đời. Ngòi bút của tác giả nhiều khi cho xuất hiện những tình huống đột ngột trong truyện làm vơi đi những bức xúc sự đời. Truyện đề cập đến hiện tượng lũng đoạn rối bời của công cuộc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn miền Nam thập niên 80 của thế kỷ XX, có người bán bò, rút ruộng ra khỏi hợp tác xã, dân đói, không ai chịu đứng ra làm chủ nhiệm…Thế mà tác giả đưa ra đoạn thoại về câu chuyện anh Năm đang vận động Huỳnh Anh ra gánh vác hợp tác xã: Chị vợ Huỳnh Anh kéo anh Năm ra riêng. “Anh hỏi, chuyện gì mà quan trọng vậy?” Chị liếc lên nhà trên, hất đầu huýt một cái rồi nói: “Ổng dữ lắm đó!” - ổng tức là chồng chị. “Dữ thế nào? Ổng cắn mổ ai sao?”. Thế là chị kể cho anh Năm nghe chồng chị đêm nào cũng đi đến nhà con nhỏ đó. Anh Năm không tin: “Ổng già rồi, sức mấy!”. “Già à ?... Còn khỏe lắm đó!”. Anh Măn nín cười, chị tiếp: “Anh làm sao giáo dục ổng giùm tôi”. “Thôi đi bà ơi! – anh đùa: Thì lâu lâu bà cũng cho ổng cải thiện chút ít, chứ ngày nào cũng cá với mắm thế này thì làm sao ổng chịu được!”. “Quỷ nà ! – Chị đập vào vai anh Năm”. “Mà nếu thấy cần, bà nên rước cô ấy về đây để có chị có em…”. “Ơ… đâu có được! – chị ta nguẩy lia lịa”. (Hai ông chủ nhiệm)

   Tính dí dỏm trở nên nét phong cách trong sáng tác của Huy Sô. Viết những truyện về đề tài này cũng rút từ vốn sống từng trải của ông. “Một năm sau ngày miền Nam giải phóng, tôi và trung tá Khánh rủ nhau về thăm quê”. Họ là những người tham gia kháng chiến, tập kết ra Bắc. Bây giờ về lại, nhưng sự việc lại lắm trái ngang trong trường tình cảm. Trước khi đi, anh đã có vợ, sinh một trai một gái. Vợ ở trong Nam, “bị địch bắt tố cộng, li dị, li khai, khảo tra đủ điều, hành hạ đủ cách…”, nhưng vẫn thủy chung, đợi chờ. Còn ông ra Bắc, lấy vợ sinh con. Nên cuộc gặp gỡ ngày về lắm điều ngang trái. Lời đầu tiên mà người vợ nói với chồng: “Tại sao anh Khánh cũng ra Bắc như ông, sao anh ấy không lấy vợ? Ông theo cách mạng, ông được Đảng giáo dục, sao ông nỡ đoạn tình với mẹ con tôi ?”. Thằng con trai gặp ông, “đã không mừng mà còn có vẻ hậm hực: “Con chào ông!... Ông ra Bắc, lấy vợ, ông bỏ mẹ con tôi, bây giờ ông còn về đây làm gì nữa? – Nó tấn công tôi một cách bất ngờ làm tôi không kịp chuẩn bị để đối phó”. Tình hình căng thẳng như thế, nhưng cuối cùng truyện giải quyết vấn đề: Người vợ trong Nam bảo ông ra Bắc đưa mẹ con cô ấy vào, làm nhà riêng và tạo việc làm cho mẹ con cô ấy sống. Nhưng bà ta nói: “Ông xa tôi đúng 20 năm, nay ông đã trả được 16 năm, ông còn nợ tôi 4 năm nữa! Ông phải trả cho đủ! Đủ 20 năm, thì tha cho ông đi tự do, bất kể ngày đêm… Còn bây giờ thì… có đi đâu, tối cũng phải về đây với tôi!”. (Cú phạt đền hai mươi năm). Hiện tượng của nhân vật trong truyện không hiếm với hoàn cảnh những người vợ ở miền Nam có chồng tập kết ra Bắc thời ấy. Nhưng cách giải quyết vấn đề của tác giả nhằm nói lên một điều, âu cũng là do lịch sử mà ra. Tuy ngòi bút có chất dí dỏm nhưng đầy ắp tính nhân văn.

   Vài nét về trang văn học sinh thái (environmental literature)

   Không gian trong truyện của Huy Sô thường gắn với hình ảnh quê hương xứ sở của ông, gọi tên cụ thể từ địa danh từng con đường ở phố phường Phan Thiết, đến tên làng tên xã ở vùng quê huyện lị Hàm Thuận, Đức Linh, Tuy Phong, Bắc Bình… cũng như những đặc điểm của phong cảnh quê hương: “Có phải tôi thích được sống gần biển để đêm ngày nghe tiếng sóng và tiếng gió, lúc hiền lành dìu dặt, khi giận dữ ào ạt làm xao xác những chòm dừa”. […] “Quê tôi là một làng ven biển, nhưng tôi lớn lên trong những khu rừng cát của chiến khu Lê Hồng Phong”. (Hạnh phúc của tôi).

   Cảm hứng về thiên nhiên được phản ánh khá đậm trong truyện ngắn của Huy Sô, thể hiện những suy ngẫm về ý nghĩa giá trị môi trường sinh thái với sự tồn tại của con người. “Ngay từ những năm 70 của thế kỉ XX, văn chương thế giới đã có hàng loạt tác phẩm đề cập đến nguy cơ sinh thái [...] Các nhà tâm lí học thừa nhận sự bất hòa giữa con người và thiên nhiên là nguồn gốc của các căn bệnh xã hội, bệnh tâm lí […] Mối quan hệ giữa con người và môi trường, con người và tự nhiên đã được đề cập đến trong văn chương từ thời cổ đại. Trong tâm thức của nhân loại nói chung, người phương Đông và đặc biệt là giới tao nhân mặc khách nói riêng, thiên nhiên là người bạn lớn, người mẹ vĩ đại luôn tương giao, tương thông, tương cảm với con người, là bến bờ nương tựa và gột rửa linh hồn, là nơi lánh ẩn và di dưỡng tinh thần của họ. Thi hào Tagore từng nói: “Nghệ sĩ là người tình của thiên nhiên”. (Nguyễn Thị Tịnh Thy – Vannghequandoi.com.vn). Tôi nghĩ ngòi bút của Huy Sô cũng cảm nhận tương giao điều đó. Có những truyện, những trang ông miêu tả thiên nhiên khá tinh tế để gửi gắm nhận thức tư tưởng của mình về một vấn đề, một hiện tượng. Qua những trang viết cho thấy sự trải nghiệm, khả năng quan sát thế giới ngoại cảnh để tắm mình vào thiên nhiên với cả thị giác lẫn thính giác âm nhạc của người nghệ sĩ: “Những con nhện nước đang trượt trên mặt hồ sáng như gương trong âm vang của dàn nhạc rừng. Tiếng ốc lá đi giai điệu của bè cao, khi quyện nhau thành những chùm hòa âm chói chang căng thẳng, khi đuổi nhau bay thẳng vào khe núi”… (Huyền thoại về Láng nước nổi). “Tôi bước đi thong dong, thỏa thích trong âm thanh của nhạc rừng, của tiếng chim cu đang gù tìm bạn, tiếng chim bìm bịp trầm hùng, tiếng song lan đều nhịp của chim mỏ kiến”. “Những con ếch xanh, nhái bén cũng nhảy lên bãi cỏ non gật đầu cười khằng khặc. Không gian rộn ràng bởi bản hợp tấu của thiên nhiên”. Ngòi bút nhân hóa thiên nhiên, động vật, thực vật cũng có cảm giác, có hồn, biết vui buồn, sung sướng khổ đau, làm cho cảnh vật núi rừng trở nên sinh động. Truyện không nêu thuyết lý quan điểm khô khan nào, chỉ nhân hóa hình tượng để gieo vào lòng người đọc tình cảm biết quý trọng yêu mến thiên nhiên. (Tâm sự với rừng cây). Truyện ẩn ý bên trong muốn nhắn nhủ rằng, thiên nhiên cũng có đời sống theo quy luật riêng của nó. Con người phải biết nương tựa vào quy luật đó để mà sống, mà tồn tại, nếu dã man xâm phạm tàn phá chắc chắn sẽ gặp sự trả giá của mẹ thiên nhiên, như dân gian từ bao đời nay đã đúc kết: ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Trước sự sống của thiên nhiên, ông cảnh báo về hệ quả ân oán của núi rừng. Tay súng săn thể hiện sở thích ăn chơi của mình, đã tự hào bắn chết 20 con nai, và tuyên bố, “đây chưa phải là con vật cuối cùng”. Có người can, “thú rừng bây giờ hiếm, trong đó có giống nai chà, ta phải nuôi dưỡng để cho chúng sanh đẻ. Nhà nước đã có lệnh cấm, chú mãi lặn lội rừng núi đêm hôm tôi e gặp sự chẳng lành. Tôi khuyên chú từ giã cái nghề thợ săn này đi thôi”. Tay thợ săn gạt đi, tiếp tục lên Láng nước nổi để phục bắn nai. Ai dè đêm ấy cũng có người đi săn nai, phát hiện tiếng động của nhau, ngỡ là nai, hai bên đã ghì súng nhắm vào nhau nhấn cò, hai tiếng nổ vang lên cùng một lúc. “Một tiếng hét thất thanh chấn động cả cánh rừng”. (Huyền thoại về láng nước nổi).

   Nói về giới văn nghệ sĩ sau năm 1945 – trải qua hai thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước, cho đến những năm đầu thống nhất đất nước sau 1975, một trong những nghệ sĩ có thể xếp vào tốp đầu của quê hương Bình Thuận là Huy Sô. Ông không chỉ là một nhạc sĩ lão thành tên tuổi, mà còn là cây bút làm thơ, viết văn. Thi pháp sáng tác thơ văn của ông không tìm cách bức phá, diễn đạt cầu kì khó hiểu, hay theo kiểu tân hình thức trong văn học hiện đại, hậu hiện đại, mà luôn viết theo thủ pháp truyền thống, với những biểu đạt về tư tưởng, tình cảm một cảm quan hiền hậu, ân tình với con người và cuộc sống, đầy ắp tinh thần nhân văn, nhẹ nhàng như con người của ông trong cuộc sống đời thường mà ông lặn lội qua các thời kỳ lịch sử xã hội.