NGUYỄN NHƯ MÂY
Nhà thơ giang hồ lãng tử

17/12/2023 01:52
804

VÕ NGUYÊN


Tôi quen với Nguyễn Như Mây hồi tôi còn dạy ở trường THPT Phan Bội Châu cách đây những hơn bốn mươi năm. Khi ấy anh ở gần ga tàu hỏa Phan Thiết, tràn đầy sức trai. Nguyễn Như Mây tên thật Nguyễn Dục, sinh năm 1949, tại Phan Thiết. Trước năm 1975, trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, anh là con một trong gia đình, nên được miễn quân dịch vì gia cảnh. Nhưng trời gán cho anh gánh nợ đa tình tài tử, sống phiêu dạt như mây theo gió, lang thang bay bổng đó đây. Và anh làm thơ đăng báo với những bút danh: Nguyễn Như Mây, Nguyệt Dũng, Nguyễn Dục.

   Nguyễn Như Mây làm thơ đăng báo khá sớm, thể hiện cảm xúc, cách nhìn, nhận thức thời cuộc tiến bộ. Những năm 1969 – 1974, khi tham gia sinh hoạt trong Đoàn văn nghệ tổng hội và Ban báo chí của phong trào Sinh viên học sinh Sài Gòn, anh đã có thơ đăng trên các tạp chí uy tín thời đó. Nhiều bài thơ trước năm 1975 thể hiện tấm lòng nồng ấm và thiết tha đối với quê hương xứ sở.

   Bạn bè văn nghệ cùng thời nói về anh: “Khi còn ngồi ghế nhà trường ở Phan Thiết, Nguyễn Như Mây đã sưu tầm và chuyền tay cho bạn bè những bài thơ yêu nước của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nguyễn Như Mây còn thường ngâm cho các bạn “tri kỷ” nghe những bài thơ mà anh ghi âm được qua chương trình thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Về sau này, tôi còn nhớ giọng ngâm hào hùng của anh qua thơ Bế Kiến Quốc: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng. Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông…”(1). Nguyễn Như Mây thể hiện rõ nhất tấm lòng đối với quê hương và tinh thần sôi nổi của tuổi thanh niên trong những ngày anh hoạt động phong trào học sinh sinh viên đấu tranh chống chế độ cầm quyền ở Sài Gòn trước năm 1975.

   “Ảnh hưởng bởi làn sóng phản chiến của học sinh, sinh viên Sài Gòn, Phan Thiết là nơi dòng văn học yêu nước cuộn xoáy khá mạnh. Một trong những khuôn mặt thường xuyên có mặt trong dòng chảy này là Nguyễn Như Mây. Ngoài thơ, anh còn viết bút ký, tùy bút, truyện ngắn đăng trên các báo Trình bày, Đối diện, Ý thức, Điện tín, Sinh viên, mang khát vọng của tuổi trẻ Bình Thuận đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mỹ, đem lại hòa bình cho đất nước.” (Địa chí Bình Thuận, Tr.673 – Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Thuận, 2007). 

   Tiếng thơ khát vọng lên đường  

   Đọc lại thơ Nguyễn Như Mây trước năm 1975, ta bắt gặp tiếng thơ bộc lộ bầu nhiệt huyết tuổi trẻ khát vọng đấu tranh chống xâm lược: “Thưa mẹ/ sáng hôm nay thế giới ngập hào quang/ từ khí thế anh hùng miền Châu Á/ từ muôn vạn cành hoa, ngọn lá/ nở trong hồn tuổi trẻ chống xâm lăng”. Người thanh niên ấy như chứng nhân nhận thấy những bất công đang diễn ra trên quê hương mà đa số người dân phải gánh chịu, ý thức đó trở thành động lực thôi thúc tinh thần lên đường: “sáng hôm nay,/ chúng con tiến về cửa Hòa Bình/ dâng lên mẹ áo cơm và tự trị/ đã mấy mươi năm rồi,/ dân ta bị bọn người quyền quí/ bắt bớ, giam cầm, đày ải lưu vong”.(2)  

   Những thanh niên học sinh, sinh viên ở đô thị miền Nam trước 1975 chắc không ai lạ gì với không khí sục sôi xuống đường đấu tranh của anh em, bạn bè họ lúc ấy. Nguyễn Như Mây cũng mang trong mình bầu máu nóng đó dấn thân vào phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên chống chế độ cầm quyền Sài Gòn với những vầng thơ ngợi ca động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu hy sinh trên khắp mọi miền: “máu đã đổ từ công trường, nhà máy/ máu đã hồng trên những đám mây xuân/ máu đã vẽ nên đôi mắt anh hùng/ máu đã cuốn theo lời người chiến sĩ (…) máu của anh, của chị, của đàn em/ đã lan đến từng xóm nghèo lao động”; họ là những con người mang dòng máu kiên cường nòi giống: “máu của đất mấy ngàn năm vẫn rộng/ nuôi chân người ôm súng gác canh thâu/ máu hừng đông thơm ngát khắp rừng sâu/ gom xác lá đốt trên đầu giặc cướp” (3).  

   Trong chùm thơ đấu tranh của Nguyễn Như Mây, bài mang hào khí nhất lại là bài lục bát vần điệu nhịp nhàng, nhưng giọng thơ lại hào sảng như một bản tráng ca về khí thế đấu tranh đang sục sôi diễn ra trên quê hương với tựa đề Lửa cháy thành Sài Gòn đăng tạp chí Sinh viên Xuân Nhâm Tý, 1972; đến năm 1993, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ, NXB Trẻ in lại trong tuyển tập thơ Tiếng hát những người đi tới: “Hôm nay lửa cháy Sài Gòn/ Muôn người lao động dập dồn đấu tranh/ Cùng đi tìm một bình minh/ Mang trong máu lửa một tình quê hương/ Hôm nay lá ngập phố phường/ Ngày mai xác giặc kín đường Mùa Thu/ Hôm nay căm giận trong tù/ Ngày mai ta gửi bóng cờ về quê”. Đó cũng là lời kêu gọi, động viên bạn bè cùng nhau sát cánh “từng bước tiến về vinh quang”. Giữa lòng đô thị Sài Gòn khi ấy, chính quyền luôn sẵn sàng đàn áp, bắt bớ, nhốt ngục tra khảo với những người trong phong trào đấu tranh chống chính quyền, thế nhưng Nguyễn Như Mây mạnh mẽ dõng dạc công khai lên tiếng, cũng là bản lĩnh của tạp chí Sinh Viên thời ấy đăng tải bài thơ: “Hôm nay lửa cháy Sài Gòn/ Muôn cờ nhuộm máu gọi hồn Thanh Niên/ Đứng lên, anh mở xích xiềng!/ Đứng lên, chị đạp bạo quyền dưới chân!/ Trăm năm góp lại một lần/ Hôm nay là Hội Trăng Rằm Việt Nam/ Hôm nay Chim Trắng gọi đàn/ Mùa xuân về hát trên ngàn cờ bay…”. Cho thấy tấm lòng nồng nàn yêu quê hương xứ sở của thanh niên học sinh, sinh viên thời ấy đầy dũng khí mới đẹp đẽ và cảm phục làm sao.   

   Trước năm 1975, Nguyễn Như Mây còn có những dòng thơ ngọt ngào thắm đượm tình quê, đó là hình ảnh những con đường, cánh đồng với bao ấn tượng êm đềm thân thương: “Sáng hôm nay tôi về thăm miền Trung/ lòng thơm ngát trời tinh sương mới nở/ trên chuyến xe có người em gái nhỏ/ mắt tươi vui xanh với nắng dọc đường/ lúc xe qua những ruộng lúa vàng hương/ tôi nghe gió gởi lời về thăm mẹ/ vai áo rách ngày xưa tôi còn bé/ đường khâu mòn gió lạnh đã nghe quen”. Và nơi miền quê hương ấy gắn liền với bao kỷ niệm không thể nào quên: “tôi chợt nhớ con đường làng óng mượt/ nắng bình minh trộn lẫn với sương non/ con đường quê tôi chạy mãi đến đầu thôn/ đoàn chiến sĩ lên đường mùa thu trước/ rừng lúa chín vàng nghiêng nghiêng mình tha thướt/ đưa tiễn chân người đi cứu quê hương” (4).

   Tháng ngày lãng đãng như mây 

   Những năm tháng ấy, Nguyễn Như Mây đeo đuổi máu giang hồ thôi thúc bước chân rong ruổi, ăn ở không nơi cố định, khi vào nhà chùa tá túc, lúc về Tổng hội sinh viên, khi đến ở nhà thờ. Anh tự cảm: “Ra đi, trời rộng là nhà/ Biển xanh là đất, sao sa là người/ Ra đi cho biết nụ cười/ Giữa cơn bão tố, giữa trời bao la”. Mộng giang hồ đã dẫn anh đến với cuộc sống như kẻ bụi đời lang thang phiêu bạt khắp nơi: “Giang hồ! ta đã lên đường/ Đi thăm bến lạ phố phường Năm Châu/ Khi hải cảng, lúc giang đầu/ Khi về lại ngủ dưới cầu sông quê”. Đó là những năm anh sống đúng như cái tên Như Mây trong bút hiệu của mình, trôi nổi bồng bềnh. Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã từng nói về anh: “Có những người mà cái tên như đã hiển hiện tất cả con người. Nguyễn Như Mây là một trường hợp như vậy. Anh sống nhẹ nhàng, phiêu dạt như mây. Đi khắp nơi, bạn bè khắp chốn, và ở nơi nào gần như cũng có một ánh mắt, một nụ cười khiến lòng anh bật thành tiếng thơ.” (Báo Thanh niên chủ nhật – T.H.D.V)

   Đến lúc nhận ra: “tuổi hoa niên đã phai màu/ ngón tay hờ hững lướt mau phím đàn/ mấy năm trời mãi lang thang/ vẫn còn nhớ chuyến đò sang đêm nào/ trái tim còn mãi xôn xao/ như là sắp đến chốn nào rất xa…”. Nhưng con người ấy vẫn thiết tha với tình đời trên bước đường lãng du lưu lạc cứ hướng về ngày mai mà tung tẩy bước chân: “ôi, đời tôi vẫn chưa già/ thói giang hồ vẫn mãi là người yêu/ rồi mai đường rộng trăm chiều/ bóng tôi nắng đổ chân xiêu bước dài/ rồi mai rừng núi sơ khai/ lửa hồng, tôi đốt thơm ngoài thời gian/ rồi mai tôi hát trên ngàn/ tiếng ca lãng mạn sẽ vàng cùng thu….” (1969).

   Trên con đường rong ruổi ấy cứ ngỡ bước cuộc đời trôi mãi theo thời gian vô định, dù có khi tịnh tâm thì ý lữ hành vẫn luôn âm thầm níu kéo thôi thúc không dừng lại: “Trong tôi có một dòng sông/ chảy theo ngày tháng rồi không quay về/ nhiều khi tôi chợt lắng nghe/ ở trong dòng nước chảy kia có mình”. Thú giang hồ phiêu lưu như là tình yêu cùng lẽ sống, ăn sâu suốt những tháng ngày thời trai trẻ, cứ ngỡ “ra đi đầu không ngoảnh lại” (NĐT), mãi cho đến khi đã qua “bên kia cái dốc cuộc đời” (chữ của Nam Cao), khi bóng chiều soi xuống đời mình vẫn chưa định vị được đôi chân: “Ta đi theo tháng năm dài/ Hưởng mầu mây khói trôi ngoài thời gian/ Đời ta là cuộc lang thang/ Mùa xuân đất khách, thu vàng cố hương”.

   Dù phiêu bạt về đâu, Nguyễn Như Mây không hờ hững với cuộc đời mình đang sống. Những gì mình đang làm dường như có từ trong duyên kiếp mà ra, có buồn, có chút xót xa, nhưng xem đó là lẽ dĩ nhiên, cảm thương mà chấp nhận: “Nửa đêm tình đến nghẹn ngào/ Trăng bên khung cửa tạt vào chút sương/ Gác say tiếng rộng đêm trường/ Người tan trăm nỗi đau thương một mình/ Trách lòng từ thủa sơ sinh/ Đã mang trong máu mối tình nhân gian…” (Trăng bên khung cửa – Tạp chí Trình bày, Sài Gòn, 1972). Mộng ra đi là để tìm một lẽ sống đẹp, đi để được làm người có ý nghĩa hơn: “Hãy đi theo bóng mặt trời/ Vách nghiêng khí phách, lòng vơi thân tàn/ Hãy đi! quen với cung đàn/ Về phương nào đó chưa mang phận người” (5).

   Thấp thoáng cõi say

   Tôi chưa từng thấy anh Nguyễn Như Mây uống rượu và say như nhà văn Lê Nguyên Ngữ bao giờ, nhưng anh làm thơ về rượu rất nhiều. Anh chép riêng một tập với chủ đề Núi – Rượu và Trăng để tặng tôi. Những bài thơ chép trong tập không có nhan đề cho từng bài. Chỗ này xin nói thêm, trong suốt nửa thế kỷ - 50 mươi năm cầm bút sáng tác để đăng bài trên các báo, tạp chí, Nguyễn Như Mây chưa in xuất bản tập thơ nào. Tặng bạn bè để giao lưu kỷ niệm, anh công phu ngồi chép tay đóng thành tập xinh xắn để ký tặng. Không phải anh không có tiền để in, mà chỉ bởi con người này có cái thú kỳ lạ khác đời như vậy.

   Núi – Rượu và Trăng là những bài thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn của một lãng tử mộng mơ, lại vừa mang tính phong trần tục lụy, khi thì thanh thoát lên cao như đang bay lượn trong cõi thiền môn của kẻ chân tu, lại vừa phàm trần phồn thực. Nhưng có một điều chắc chắn đó là những bài thơ anh làm khi tuổi đã trưởng thành với những khởi niệm cân nhắc không dễ dãi.

   Cảm thức rượu trăng say tỉnh ấy luôn điệp lại trong nhiều bài thơ: “Neo thuyền chơi ở cuối sông/ rượu ngon vừa uống nửa chừng đã say!/ sáng ra tỉnh rượu mới hay/ đêm qua trăng đã đổ đầy trong chai”. Say rượu hay say trăng? Có lẽ cả hai! Xem rượu như bạn tâm giao trong cuộc sống, thức ngủ cùng rượu, chẳng khác nào như đệ tử Lưu Linh lạc địa trong huyền thoại xa xưa: “Ngủ quên trong rượu cả đêm/ sáng ra thấy núi đứng bên mỉm cười/ hình như ai đã rủ tôi/ vào say trong núi với người thần tiên/ nhưng nào có thấy ai quen/ hay là sương khói đã chìm khuất tôi”

   Không ít nhà thơ mê trăng và rượu nổi tiếng đi vào lịch sử văn chương. Đời Đường có ông Lý Bạch. Lý Bạch buồn với tâm trạng cô đơn khi bị tên thái giám họ Cao tìm cách đâm thọc với Dương Quý Phi nhằm gây mâu thuẫn với Lý Bạch, Quý Phi nghe lời tâu với vua Đường Huyền Tông, Lý Bạch buồn và rời hoàng cung. Từ đó ngao du sơn thủy, lấy rượu và trăng làm bạn: “Hoa gian nhất hồ tửu,/ Độc chước vô tương thân./ Cử bôi yêu minh nguyệt,/ Đối ảnh thành tam nhân”… – Nguyệt hạ độc chước (dịch nghĩa: Dưới trăng một mình uống rượu. Trong đám hoa với một bình rượu/ Uống một mình không có ai làm bạn/ Nâng ly mời với trăng sáng/ Cùng với bóng nữa là thành ba người).

   Còn Nguyễn Như Mây thì trăng và rượu trộn lẫn vào nhau: “Đêm qua ngủ lại trong mây/ bỏ quên chai rượu đong đầy ánh trăng/ muốn tìm thì lại bâng khuâng/ rượu hay mình đã ngàn năm say mèm?!”.

   Tình trường riêng một góc trời  

   Cũng không riêng gì ở nhà thơ, mà đàn ông trên cõi đời này nhìn chung là giống đa tình, nhưng người thường, họ yêu thương bóng hồng này hay mong nhớ mỹ nhân kia dẫu bằng hành động cũng kín đáo trong lặng lẽ, còn nhà thơ thì khác, họ ngây thơ thật thà đến tệ hại. Chỉ mới thầm yêu trộm nhớ bóng hình giai nhân nào đó không ghìm được cảm xúc họ viết thành thơ rồi tương lên mặt báo để người đọc nhìn thấu tim gan. Nguyễn Như Mây cũng nằm trong cái giống đa tình đó, chỉ một thoáng thôi mà đã khoe với người ta: “em đi rón rén qua cầu/ cầu tre một nhịp, nhịp nào anh qua/ ở đây không có người ta/ đưa tay anh nắm mình qua chung cầu”. (Cầu tre – Cẩm Kim, Hội An, 1971). Có khi tìm cách bắn tin thăm dò đến đối tượng muốn được làm quen, cũng khá nhẹ nhàng như chàng trai trong ca dao: “Thò tay mà ngắt cọng ngò/ Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”. Đang ở trong vườn thấy người mình yêu đi qua bên ngoài, nhưng không dám thể hiện tình cảm, mà làm một động tác đang ngắt ngò, nhằm gửi thông điệp rằng tôi đang hái rau đây nhé, chứ không phải đứng chờ để được ngắm em đi qua đâu. Chàng trai nông thôn này kín đáo và tế nhị làm sao. Còn Nguyễn Như Mây có mạnh dạn chủ động hơn trước sự vô tình hờ hững của em: “ngày đi ngang nhà em/ bỏ quên vài giọt nắng/ em không thèm nhặt lên/ sợ nắng nhòe áo trắng/ có người em chưa quen/ nhặt về làm kỷ niệm” (Nắng). Có khi cảm xúc chỉ mới diễn biến trong tâm tưởng của riêng mình cũng muốn phơi ra cho thiên hạ thấy, nhưng cái phơi ra ấy lại là cả một tấm chân tình, thật tâm thật dạ, người ta có biết cũng có thể cảm thông, biết đâu cũng không ít người đồng cảm sẻ chia cho rằng nhà thơ đã nói hộ cho mình khi được bên cạnh người yêu: “ước gì đêm của chúng ta/ ngoài vườn trăng sáng trong nhà hoa thơm/ ước gì sau những nụ hôn/ đêm – liêu – trai của mình không biết tàn” (Ước). Nhưng nhiều khi anh cũng ghê gớm, nhân vật trữ tình hiện lên trong thơ anh mơ hồ hình dung như bắt gặp đâu đây bóng hình Phạm Thái xưa kia trước ngưỡng cửa tình đời: “cơm chùa, ngày ba bữa/ rượu chùa, lén nửa khuya/ thèm hôn, em rủ đi/ sâu trong rừng sương khói/ em vui, anh mang tội” (Hư – Đà Lạt, 1972). Sự việc diễn ra như thế và đã biết mình hư. Bởi máu đa tình nên đến đâu cũng có một bóng hình gieo rắc nỗi niềm: “Trăng Huế qua đò chơi Bến Ngự/ Giữa khuya thấm lạnh gió kinh thành/ Bờ Trúc nghiêng giùm vai thiếu nữ/ Thẹn thùng ngồi lại nét mong manh” (Huế, 1973 – 1986). Hay: “Ta yêu nhau cách một chuyến đò/ em Ngự Viên, anh bên Vĩ Dạ/ vẫn hẹn đêm trăng về thăm mạ/ ca bài Tứ Đại với sông Hương” (Tạp chí Sông Hương – 1986). Thi sĩ ai chẳng đa tình, nói vậy thôi chứ Nguyễn Như Mây luôn một lòng thương vợ. Dẫu trên bước giang hồ vẫn nhận ra hướng về phương trời riêng tư để gửi gắm tấm chân tình với vợ: “Mái tóc anh đã có sợi bạc/ Nghĩa là anh đang sắp già đi/ Nghĩa là qua hết tuổi xuân thì/ Anh đã bắt đầu ngày mệt mỏi”. Thế nhưng tình yêu của anh và em thì không phai màu theo thời gian: “Dù bên kia, ở cõi trăng sao/ Đã lấp ló bàn tay ai vẫy/ Anh vẫn yêu em như ngày ấy/ Hai đứa mình vừa mới quen nhau”. (Sợi tóc bạc). Bây giờ nhớ lại càng hâm nóng bến bờ tình cảm: “hình như xưa lắm phải không/ ngày anh vừa mới làm chồng của em ?/ hai mình chung một trái tim/ chung đôi cánh mỏng bay tìm tự do/ em là tất cả ước mơ/ của anh – cho đến bây giờ: chúng ta”. (Dĩ vãng – Tặng Nguyễn Thị Năm).

   Bạn bè trên bước lãng du

   Tình bạn trong thơ từ xưa đến nay rất nhiều với những biểu hiện cảm động, ấy là khi họ tìm được tri âm, tri kỷ, chia sẻ thấu hiểu lòng nhau. Tình ấy khi được tạc vào văn chương càng sáng lên nét đẹp nhân tình và sống mãi với thời gian. Đời nhà Đường bên Trung Quốc có tình bạn vong niên tri kỷ tương giao giữa Lý Bạch và Đỗ Phủ. Đỗ Phủ xem mình với Lý Bạch như anh em ruột, lúc ngủ chung chăn, đi chơi khắp chốn: “Tôi cũng là khách như ông ở Đông Mông/ Ta thương nhau như anh em ruột/ Trời thu lạnh, say ngủ đắp chung chăn/ Ban ngày nắm tay cùng đi đây đó” (6) được đời sau thường nhắc đến. Trong văn học Việt Nam thời trung đại cũng có tình bạn vô cùng đẹp giữa Nguyễn Khuyến với Dương Khuê. Đến khi Dương Khuê qua đời trước, Nguyễn Khuyến khóc: “Bác Dương thôi đã thôi rồi,/ Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”, rồi bao nhiêu kỷ niệm hiện ra ùa về, để đến khi tri âm tri kỷ không còn, mỗi người một cõi cách xa càng thấy cô đơn thấm thía: “Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa;/ Giường kia treo những hững hờ/ Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn” (Khóc Dương Khuê). 

   Ở Nguyễn Như Mây, những năm rong ruổi giang hồ, qua những trang thơ, ta bắt gặp ở đó những tình bạn với sự đồng cảm chân tình, tấm lòng đồng điệu với tha nhân, từ những tâm hồn thấu cảm cho nhau: “mấy năm lãng mạn quê người/ đàn trên vai đã nặng đời lang thang/ mấy năm làm bóng thu vàng/ mãi sông núi, mãi cười vang phương trời”. Cũng trên bước đường lang thang ấy nhiều khi cảm thấy cô đơn để chạnh lòng thiết tha thương nhớ, hồi tưởng về nơi đã nuôi mình khôn lớn, một cảm thức đồng hiện chập chờn trong người nghệ sĩ: “biết về môi có còn tươi/ hát cho người cũ nghe lời du ca/ mãi rồi quen thói không nhà/ nửa khuya quán vắng trăng tà đầu sông”; hơn thế nữa, điểm nhớ quay quắt làm ray rứt lòng người ấy là trong hoàn cảnh thấy lòng trống vắng cô đơn: “đêm này cũng một mình thôi/ ngồi thương dĩ vãng, thương trời bao la/ thương làng xưa, nhớ mẹ già/ thương trang giấy vở ngà ngà mầu rơm/ ôi giờ ngồi nhớ nồi cơm/ ngọn đèn gió thổi khói thơm bay vòng”.(7)

   Nhiều khi Nguyễn Như Mây bộc lộ cảm nhận về người bạn thân tình, người mà “Ngày ngày vác Phật qua sông rồi về”. Hành vi động tác ấy gợi lên cho Như Mây cảm xúc về bạn: “Phật làm cho gã từ bi/ Sông làm cho gã thèm đi bụi đời/ Còn ta, chỉ mỉm nụ cười/ Nhìn sông Mường Mán đầy vơi mỗi ngày”. Nói vậy bởi chính người bạn thơ ấy cũng đã từng nói về mình: “Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng/ Hoặc nhà thơ theo khí hậu từng mùa” (8). Nhưng Nằm trong mùa vàng, Như Mây cảm xúc về bạn mình ở một cung điệu thâm trầm khác: “Trần gian khép cửa vô tình/ Ta về đau lại bóng hình cô đơn”; để rồi: “Hỏi đêm có biết đâu là/ Nơi thương nhớ giữ kín tà áo xưa”. Cái tình ấy rất thấm thía khi hiểu được nỗi niềm của bạn. Thường trong thơ bạn hay nói về dòng sông, mượn dòng sông để gửi gắm tâm tình mang ý nghĩa triết lý giữa đời và Phật: “Một sớm phiêu bồng qua bến sông/ Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng/ Phật cũng khổ như người khốn khổ/ Cúi đầu quay lại bên này sông” (Qua sông – Nguyễn Bắc Sơn). Từ cảm về những phương diện ấy, Nguyễn Như Mây gần như bối rối trước cái lẽ nhân sinh bao la trên cõi đời này, vốn dĩ ý niệm miên viễn ấy khó một sớm một chiều mà thấu thị nổi: “Hỏi ta còn mấy dòng sông/ Còn bao bờ bến nằm trông nước về/ Hỏi ta và hỏi bốn bề/ Nhân gian còn mấy nẻo về hư vô?” (9).

   Anh viết tặng nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc như Lời chim ca về những chuyển biến tình đời theo ngày tháng trôi qua: “Buồn vui lẫn lộn hàng ngày/ Sống cùng tôi mỗi phút giây cuộc đời/ Khi thì hát để hoa tươi/ Lúc cô đơn lại mỉm cười nghĩ suy”. Dù cuộc sống thế nào cũng sẵn sàng đón nhận – mà nhà thơ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn là một nhà nghiên cứu Phật giáo, thiền học, viết nhiều tác phẩm về tâm lý lứa tuổi, ông sống ung dung, lạc quan yêu đời. Nguyễn Như Mây như đã phân thân rồi nhập thân cùng nói về người bạn ấy: “Miễn sao tôi vẫn đi về/ Với ngày đêm đã sống vì buồn vui/ Hãy cùng tôi đứng giữa đời/ Dang tay chào đón từng lời chim ca!”.

   Và Đỗ Hồng Ngọc từng viết về Nguyễn Như Mây: “Trong số ba nhà thơ bạn tôi ở Phan Thiết đó (xem Doanh nhân Sai Gòn cuối tuần các số 145, 146) thì Nguyễn Như Mây mới là nhà thơ… ly kỳ nhất, “hấp dẫn” nhất! Không phải chỉ vì anh trẻ tuổi nhất trong nhóm, mà còn bởi vì anh “sung sức” nhất. Mới gần 60, nhưng vẻ khắc khổ và mái tóc lưa thưa trơn bóng làm anh trông có vẻ già hơn tuổi khá nhiều, khiến nhiều người không đoán nổi tuổi thật của anh (…) Cũng như Từ Thế Mộng, Nguyễn Như Mây sống và lớn lên ở Phan Thiết nên mê Phan Thiết chết đi được, có điều anh không mê biển mà mê sông, sông Mường Mán nên đã viết: “Khi đêm Phan Thiết lên đèn/ Sông Mường Mán bắt đầu chìm dưới trăng/ Lưới chài ai mới vừa giăng/ Nghe như sóng gợn lăn tăn lòng mình/ Phải em thì cất tiếng lên/ Cho anh nghe với cho mình gặp nhau”. Nghe cứ như là… Tư Mã Giang Châu hẹn người kỹ nữ năm nào trên bến Tầm Dương đêm khuya đưa khách!”(10) 

   Và một người bạn cùng thời cũng cảm nhận về Nguyễn Như Mây với những tháng ngày bôn tẩu bồng bềnh giã từ Phan Thiết, đến sống Sài Gòn, khi lên Đà Lạt, lúc ra tận Huế, rồi về Nha Trang,… mượn nhà thờ, Phật môn tá túc: “Đời ta chiếc bóng bềnh bồng/ Trăm năm thân thế trổ bông trên trời”. Cuộc đời phiêu bồng thích xê dịch ấy giống như Tản Đà ngày xưa: “Quê hương thời có cửa nhà thời không/ Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông/ Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly” (11). Còn Nguyễn Như Mây trong mắt bạn: “Ngồi xem con nhện giăng tơ/ Đời ta hết nổi bơ vơ cõi nhà/ Núi sông còn mãi hương hoa/ Nhà ta là giải sơn hà mênh mông”.(12)

   Sắc màu triết lý nhân sinh

   Mỗi con người đều có quan niệm sống của riêng mình từ trong cách nhìn, cảm thụ, nhận thức về thế giới, trong đó có sự chiêm nghiệm về lẽ sống của bản thân và đối chiếu cuộc đời trong cõi nhân sinh của thế giới ta bà rộng lớn. Thơ Nguyễn Như Mây man mác sắc màu triết lý nhân sinh, ngay cả khi soi bóng chính mình như trong Hai vai (1991). Lần đầu đọc Hai vai tôi cứ ngờ ngợ như gặp ở đó bóng hình Narcissus trong thần thoại Hy Lạp, một nhân vật nổi tiếng đẹp trai, khi phát hiện bóng mình chiếu dưới nước, thế là từ đó Narcissus chỉ biết ngắm bóng mình dưới làn nước của sông Styx. Theo sử thi huyền thoại khi chàng trai xinh đẹp Narcissus đã về thế giới bên kia rồi mà vẫn từ chối tình yêu và tình dục, chỉ còn duy nhất là yêu với cái bóng của bản thân mình. Tôi nói “ngờ ngợ như gặp” thôi chứ không phải nhân vật trữ tình trong Hai vai của Nguyễn Như Mây hoàn toàn như hình tượng cổ mẫu Narcissus. Viết Hai vai anh mượn cụm từ “je est un autre” (tôi khác đời) của A. Rimbaud để làm đề từ cho bài thơ. Nói ngờ ngợ như Narcissus bởi nhân vật trữ tình cũng luôn ngắn mình ở khắp mọi không gian thời gian. Khi thì: “Tôi chào tôi ở trong gương/ Hằng ngày gặp mặt nên thường chào nhau”; lúc lại “Tôi chào tôi ở trên cầu/ Bóng ai dưới nước nhìn sao giống mình” – vờ hỏi thế thôi, chứ đó là bóng anh chứ còn bóng ai. Rồi “Tôi chào tôi suốt ngày đêm/ Cả trong giấc ngủ cũng nhìn thấy tôi!”. Và tìm cách biện giải “Làm sao quên được con người/ Đóng hai vai suốt một đời nhân sinh”. Mặc dầu cố tình mở ra đi tìm lý lẽ thanh minh tâm lý riêng tư trong cõi vô cùng nhân loại, nhưng vẫn không thoát khỏi ý thức tự ngắm mình – cái tôi ích kỷ cá nhân của chính bản thân, mà đã là con người thì khó mà thoát được: “Bao giờ tôi hết gặp mình/ Tôi không biết… kìa, lại nhìn thấy nhau!...”. Một cảm thức mang tính triết lý về lẽ sống trong cõi người ta từ xưa đến nay mà đã là con người – cả nam lẫn nữ, thường tìm cách tự trang điểm để tôn vinh chiêm ngưỡng với chính bản thân mình.

   Nguyễn Như Mây mấy lần tâm sự, khi tuổi đời đã qua “bên kia cái dốc” muốn thiền định để lòng mình lắng lại, bỏ đi những phù phiếm bon chen cho vơi nhẹ giúp cho thân tâm an lạc, để cuộc đời vô thường ngắn ngủi nhẹ nhàng trôi qua. Nhiều khi muốn hóa thân, hòa mình vào tĩnh lặng vô tư sáng trong tinh khiết của thiên nhiên với đất trời bao la: “Tôi chính là chiếc lá/ Sẽ bạt ngàn màu xanh/ Cho núi rừng mênh mông/ Lời cỏ non, hoa dại…”. Hay muốn làm một điều gì đó để cống hiến: “Tôi cũng là cây trái/ Sẽ ngọt ngon bốn mùa/ Ngọt trong từng giọt mưa/ Thấm sâu vào sỏi đá”. Ước mơ là vậy, nhưng đã là con người muốn hóa thân vào cây cỏ đâu có dễ, khó mà đạt được: “Hoa dại hồn nhiên ca hát/ Mặc bao ngày tháng nắng mưa/ Ta cũng mưa nắng hai mùa/ Sao chẳng được như hoa dại”. Nên phận người trong cõi nhân gian đâu có dễ thanh cao tuyệt đối trước những đam mê cám dỗ mà chính bản thân nhiều khi cũng khó nhận ra, không hiểu nổi: “Đi trọn một vòng quanh núi/ coi như xong hết kiếp người/ sao những sân si mê muội/ vẫn còn xanh tốt trong tôi !”

   Tôi trích dẫn chùm thơ tứ tuyệt trên là từ nguyệt san Giác ngộ - cơ quan ngôn luận Phật giáo, bởi đồng cảm lời giới thiệu của tòa soạn về thơ anh: “Cộng tác lâu với báo Giác ngộ, đều đặn những bài thơ viết bằng tay, Nguyễn Như Mây gần như khẳng định sức viết và bút lực của mình vẫn còn đầy đặn lắm. Những sáng tác với câu chữ dịu dàng về thân phận phù sinh của người con xứ Phan Thiết này, đã gần như quen thuộc và để lại nhiều dấu ấn cho độc giả”. 

   Trong ý niệm tĩnh lặng tâm hồn từ bản ngã để cảm thức về Phật, soi rọi suy ngẫm về tha nhân, con người lao động chân chất bình dị mà thiết thực trong cuộc sống đời thường, họ không thích mà cũng có thể không hiểu tính không hay những gì mơ mộng cao xa nhưng phù phiếm, họ chối bỏ, không tiếp nhận. Đi vào thực tế đời thường gặp sự ứng xử trong cộng đồng đó, Nguyễn Như Mây đã ngộ được và vỡ ra về lẽ nhân sinh: “dọc đường ghé xin nước/ chủ nhà hỏi đi đâu/ bảo: đi tìm chiêm bao…/ chủ nhà không cho uống!” (Xin nước). Mạch cảm xúc, cách nhìn nhận như thế luôn bàng bạc trong hệ thống những bài thơ tứ tuyệt của Nguyễn Như Mây.

   Nguyễn Như Mây có số lượng tác phẩm khá phong phú với nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, ký, tạp văn,…. Sau năm 1975, anh cộng tác gửi bài đăng trên nhiều báo: Thanh niên, Tuổi trẻ, Giác ngộ, Sông Hương, và những tạp chí văn nghệ ở các địa phương… anh còn cảm hứng viết về đề tài cho thiếu niên nhi đồng đăng trên các báo Nhi đồng, Mực tím, Áo trắng, Khăn quàng đỏ,… Nhưng riêng với tôi, trong tiểu luận này, tôi chỉ tập trung tìm hiểu về thơ Nguyễn Như Mây thể hiện rõ nhất đặc điểm tính cách của anh, cuộc sống cũng như tiếng thơ từ khát vọng lý tưởng đến tình yêu, tình bạn và những suy ngẫm về triết lý nhân sinh, hiện lên một Nguyễn Như Mây hiền lành, nhẹ nhàng, phóng khoáng, nhưng cũng rất thâm trầm với những tháng ngày lãng đãng bồng bềnh như mây theo gió.      

   Đầu đông 2023

 

   (1) Nhà thơ mở quán – Hồ Việt Khuê, Báo Thanh Niên Chủ nhật, số 82, ngày 01/8/1996.
   (2) Trái tim của mẹ, Tạp chí Đối diện – Saigon 1972.
   (3) Máu Việt Nam, tạp chí Trình bày, số 22. Sài Gòn, ngày 17.6.1971. Tr.4.
   (4) Về với miền Trung – Tạp chí Trình bày, số 23, 1971.
   (5) Phút giây tang hải – Tạp chí Trình bày số 42, 1972.
   (6) Trong bài: Dữ Lý thập nhị Bạch đồng tầm Phạm thập ẩn cư (Cùng Lý Bạch tìm thăm cư sĩ họ Phạm), Đỗ Phủ viết: “Dư diệc Đông Mông khách/ Liên quân như đệ huynh/ Túy miên thu cộng bị/ Huề thủ nhật đồng hành”
   (7) Bóng thu vàng – Tặng Tôn Thất lập, tạp chí Trình bày, Giêng 1971, Saigon .
   (8) Chân dung Nguyễn Bắc Sơn – Chiến tranh Việt Nam và tôi, Nguyễn Bắc Sơn, Nxb Đồng Giao, Sài Gòn, 1972. 
   (9) Nằm trong mùa vàng – Trình bày, 1971, tặng N.B.S, ph.th.
   (10) Phan Thiết dễ thương – Đỗ Hồng Ngọc, DNSG cuối tuần, 19.5.2006.
   (11) Thú ăn chơi – Tản Đà toàn tập - tập I, NXB Văn học, 2002.
   (12) Như là hư không, Lê Ngọc Thanh – Nhật báo Điện tín, số 491, Sài Gòn 1972.