Thơ vẫn dạt dào trên đường phiêu bạt

14/12/2023 00:00
457

HỒ VIỆT KHUÊ


Sau gần ba mươi năm “Đêm nằm gửi mộng con sông/ Chờ chiêm bao tới thả dòng hoa đăng”, “ngó quanh bốn phía sa mù/ Vách khuya đèn lạnh ngồi thu bóng mình” (Tôi và đêm); gần ba mươi năm thu bóng mình gửi mộng về mái nhà ngói âm dương cổ kính, bao quanh bởi bức tường quét vôi vàng, trước hiên có bộ ván gỗ nứt nẻ gội mưa nắng và cội nhãn xương xẩu lác đác vài cành lá - nơi các văn nghệ sĩ của xứ “văn chương không bằng xương cá mòi” thường chung trà chén rượu - nhà thơ Mai Việt dừng bước giang hồ về lại mái nhà xưa ở gần chợ Phan Thiết.   

   Một đêm trên sông Tiền, nhìn lục bình trôi miên man, Việt hỏi “Trôi về đâu những cánh lục bình”, trôi về đâu đời Việt? Nhưng rồi nơi “Ở đây quanh bốn mùa cây trái/ Gặp nhau rồi giữ chút tình quê” (Đêm sông Tiền) cũng không giữ được chân chàng. Sống ở Mỹ Tho vài năm, Việt lại vượt dòng sông Hậu. “Đêm ngược gió qua bờ sông Hậu/ Chuyến phà thưa trống chỗ ai ngồi/ Tôi chợt giấu sau bàn tay lạnh/ Tiếng nấc chừng kềm giữa đôi môi" (Chuyến phà cuối rời Cần Thơ). Việt trôi dạt đến tận cái làng heo hút xác xơ đang gượng đứng lên sau thời gian dài bom đạn.

   Lòng người dân đất sình phèn cuối trời Tổ quốc bao dung. Dân làng dựng mái lá làm lớp học. Nhà thơ thành thầy giáo. Ở nơi heo hút chưa có lớp học nói chi đến trường, người thầy giáo gầy yếu dạy các em từ vỡ lòng đến các lớp Tiểu học, dạy luôn lớp bổ túc cho người du kích vừa buông súng. Mỗi mùa hè, thầy được phòng Giáo dục huyện tập huấn cách làm thầy. Rồi trường được chính thức mở ra, thêm nhiều lớp, thêm nhiều thầy cô đến và đi, người thầy quê xa nấn ná hơn mười năm vì thương lũ học trò chất phác, lam lũ. Và vì tấm lòng của mọi người cưu mang thầy những ngày khốn khó. Thầy được cấp năm sào ruộng, một sào đất bên bờ kinh Xáng. Cha mẹ học sinh cày cấy, đến mùa gặt hái, thồ những hạt lúa óng vàng trĩu nặng tấm lòng người nông dân phèn ăn bàn chân đến tận sân căn nhà tre nứa ấm áp tình người mà họ dựng cho thầy bên dòng kinh. Vợ thầy cũng được nhận làm việc tại trường, con thầy ra đời trong căn nhà đầu tiên của đời thầy. Đất và người nơi cưu mang cái gia đình nhỏ phiêu dạt trong thập niên 1980 đó mãi mãi khắc dấu sâu đậm trong đời nhà thơ: ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Minh Hải. (Tỉnh Minh Hải gồm Bạc Liêu và Cà Mau sáp nhập).

   “Chín cửa sông ngòi ra biển lớn/ Mang hương quê cây trái thật thà/ Có lòng em hoa đồng cỏ nội/ Có tôi vừa thắm ngọt đất phù sa” (Nỗi nhớ Cà Mau).

   Qua sông lớn ai cũng mong đợi chiếc phà to đùng lầm lũi cưỡi nước đục phù sa, còn nhà thơ của chúng ta lại thích đi con đò nhỏ. “Con nước đêm rằm chảy qua Vàm Cống/ Chuyến phà khuya dài thêm nỗi mong chờ/ Về nơi em chỉ muốn đi con đò nhỏ/ Để sau lưng mình nghe tiếng sóng xuôi theo”. Sóng của con đò nhỏ hay sóng tình lan tỏa dịu dàng, đằm thắm và ấm áp vuốt ve theo suốt đường về của kẻ si tình? (Đôi mắt Kiên Giang).

   Tình người tình đất miền Tây Nam bộ lưu dấu sâu đậm trong thơ Mai Việt với những cái tên Hà Tiên, Cần Thơ, Rạch Giá, Minh Hải, Kiên Giang, sông Tiền, sông Hậu, Cửu Long… Cũng như các nơi anh đã đặt chân đến và vương vấn tình cảm lặng thầm: biển Nha Trang, bãi Thùy Vân Vũng Tàu, ga Tháp Chàm Phan Rang, sông Lũy Phan Rí, sông Hoài Hội An, Tuy Hòa, Tây Lộc Huế, dòng Sêrêpôk Đắk Lắk…

   Năm 2004 Mai Việt đưa vợ con về lại Phan Thiết sau khi rời Minh Hải và nấn ná thêm mấy năm ở Mỹ Tho. Một mắt anh gần như mù, con còn lại thị lực chỉ còn 2 phần 10.

   Ở một mình trong căn phòng hẹp trên lầu hai nhà chung của anh em, có một ô cửa nhỏ để nhìn bầu trời vuông vức và những đám mây bị cắt cụt hình thù, nằm trên miếng nệm nhỏ trải trên sàn, nhà thơ của chúng ta ngậm ngùi: “Nhiều đêm vuốt lại nỗi niềm cùng sợi tóc/ Những nếp nhăn cứ gãy đứt trong lòng/ Cuối trời xa cụm mây về xám xịt/ Đâu phải hết cơn mưa rồi là tan hết cuồng phong” (Nỗi buồn sa mạc).

   Cuối tháng 9/2023, Mai Việt gửi một bài thơ có tựa Tháng Giêng cho Chi Hội Văn học Nghệ thuật Tuy Phong để đăng trong đặc san Xuân Tuy Phong Giáp Thìn 2024. Trong khi Chi Hội Tuy Phong chưa biên soạn bản thảo thì Mai Việt qua đời chiều ngày 15/11/2023, thọ 75 tuổi. Từng có thơ đăng trên nhiều báo chí xuất bản trước năm 1975 ở miền Nam nhưng đến nay Mai Việt chỉ xuất bản một tập thơ duy nhất là tập Giẫm lên bóng mình vào năm 2020 gồm 70 bài thơ. (Những câu thơ trích trong bài viết lấy từ tập thơ này)

   Có thể nói bài Tháng Giêng sau đây là bài thơ cuối cùng của đời thơ Mai Việt. Tôi là người nhận bài thơ này nhưng gần đây bắt đầu biên tập, tôi mới chú ý tên người mà anh muốn gửi riêng bài thơ là Huệ. Huệ là tên vợ anh đã qua đời hơn ba năm trước.

   Bây giờ, hai bạn của chúng ta đang dìu nhau đi ở một nơi “có một mùi hương dịu dàng bông cúc/ Và bầu trời cúi xuống những mây xanh” (Tháng Giêng). 

 

   MAI VIỆT

   Tháng Giêng
   gửi Huệ

   Rồi gió cũng xua tan chiều đông lạnh
   Tuổi em hồng như vạt nắng đầu tiên
   Cùng hoa vàng khoe màu áo tháng Giêng
   Ngày rực rỡ đong đưa cành lộc mới

   Xin thấy bình minh từng giây phút đợi
   Thao thức chờ nụ mai nở sang xuân
   Tuổi mười lăm e ấp đứng bên đường 
   Nghiêng mái tóc che hờ vai áo rộng

   Đêm đã hết đi qua tờ lịch mỏng
   Giữ làm chi tháng ngắn với năm dài
   Ở nơi hồn xuân đang đến trên tay 
   Là ánh nến thấp lên từ một thuở 

   Ngày mới đó sách bài chưa vội nhớ
   Sáng còn vui tiếng chim sáo trong vườn
   Chiều còn vương mùi khói rạ rưng rưng
   Lời ca nhỏ đưa giùm em giấc ngủ

   Tôi vừa có khoan thai dòng sông cũ
   Hồn của hoa và trái của ngọt ngào
   Chảy tuôn bờ biêng biếc cánh đồng sao
   Rồi đứng lại sẽ vô cùng thương mến

   Lòng sao đã rộn ràng như pháo Tết
   Thoáng lưng đồi sương mỏng cánh pha lê
   Gió đầu năm đem hương cốm trở về
   Hồn quê cũ mang đầy hoa bánh mứt

   Trời tháng Giêng xin em đừng trang sức
   Vì cỏ non trong hồ mắt em buồn 
   Bóng hồn nhiên phai về nuối tiếc thương
   Em có khóc tôi cũng đành lặng lẽ

   Tôi làm sao thổi mây về thật nhẹ
   Đời miệt mùng trăm lớp bụi mơ tan
   Lòng héo khô mạch nước mãi trên ngàn
   Chờ mưa xuống gieo hạt mầm hạnh phúc

   Có một mùi hương dịu dàng bông cúc
   Và bầu trời cúi xuống những mây xanh
   Sáng hôm nay vườn thay áo tân thanh
   Nhìn hoa nắng long lanh ngàn đọt lá

   Chợt thấy mình là con đường mới lạ 
   Đón chân em bước tới tuổi trăm miền
   Qua bao mùa trang vở cũ hoa niên
   Còn in dấu vân tay màu mực tím.

 

* Chú thích: Ảnh bìa tập thơ “Giẫm lên bóng mình” của Mai Việt do tác giả vẽ, trình bày.