Tết Việt xứ người

07/01/2023 00:00
318

KIM BẰNG



Bánh chưng xuất khẩu cho ngày tết. Ảnh: Nguyễn Văn Hòa

 

Trong chúng ta chắc không ai muốn làm người xa xứ, nhất là khi năm hết tết đến và lúc thời khắc giao thừa sắp điểm. Với muôn ngàn lý do, bao người đành rời xa nơi chôn nhau cắt rốn để mưu sinh ở khắp mọi miền đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Người thì đi xuất khẩu lao động, đi theo vợ, theo chồng; đi làm ăn xa nơi đất khách, sinh viên du học…Dù tha phương cầu thực hay lý do nào đi nữa thì chắc rằng ai cũng có tâm trạng “chiều chiều ra đứng ngõ sau/ trông về quê mẹ…” để thấy mình còn có một quê hương để mà thương mà nhớ.

   Tôi có đứa con thường xuyên tu nghiệp ở Nhật, cứ vào lúc giao thừa hay gọi điện về cho gia đình, nhưng trong giọng nói nghe như có vài giọt nước mắt rơi. Ôi cái nỗi nhớ nhà muôn đời ai mà chẳng thế? Tôi cũng từng là kẻ ly hương, đêm giao thừa nghe anh bạn ngâm thơ Viên Linh: “Ba năm không về thăm mẹ/Nằm đây chiều xuống sương phong/Bốn năm chẳng về thăm chị/Sầu ngửa nghiêng dâng trong lòng”…là thấy nước mắt chực rơi!

   Đa số giới trẻ bây giờ sống có lý tưởng dù đang ở phương trời nào. Họ lao động và học tập vì tương lai cho mình và gia đình, biết tạo niềm vui trong cuộc sống và hướng tới những điều tốt đẹp vì Tổ quốc. “Dù cũng còn nhiều khó khăn, nhưng chúng cháu vẫn cố gắng học hỏi những công nghệ tiên tiến của Nhật để sau này về có cơ hội làm việc tốt hơn cho nước mình. Xa quê nên chúng cháu đoàn kết thương yêu nhau lắm!” - Thảo, du học sinh, bạn của con gái tôi vui vẻ nói.

   “Đêm giao thừa nơi xứ người, các cháu có những hoạt động gì để đỡ nhớ nhà?”, tôi hỏi.

   “Dạ, vì khác múi giờ nên ở Nhật đón giao thừa sớm hơn mình 2 tiếng. Các cháu tập trung gói bánh tét và nấu bánh tét suốt đêm, vui lắm!”, Hương vừa trả lời vừa ra điệu bộ gói bánh.

   “Thế còn nguyên liệu mua ở đâu, cháu?”, tôi hỏi.

   “Dạ, gạo nếp thịt mỡ gia vị thì ở Nhật cũng có nhưng giá hơi đắt. Riêng lá chuối thì phải nhờ người quen đem từ quê sang. Xứ ôn đới nên không trồng được chuối đâu bác” - Thảo trả lời, cười nhìn con gái tôi “Ngân gói bánh đẹp mà chắc lắm đó bác!”

   “Củi lửa thế nào và làm sao biết bánh vừa chín tới để vớt ra?”, tôi dò hỏi để thử tài nấu bánh của các cháu.

   “Dạ, nấu bếp ga rồi độ chừng hoặc vớt ra trước một đòn ăn thử, có khi để tới sáng luôn. Tụi cháu cũng có mời các bạn Nhật tới ăn tết Việt và cùng giao lưu văn hóa với nhau. Các bạn ấy thân thiện và hòa đồng lắm! Trong lúc canh chừng nồi bánh thì một chương trình văn nghệ ngẫu hứng diễn ra và kết thúc sau giao thừa. Vậy mà có đứa cũng nhớ nhà ngồi khóc thút thít đó bác!”, Hương vô tư kể.

   “Các bạn Nhật có ăn được bánh tét của người Việt?”

   “Dạ được, ba. Ở Nhật cho tới giữa thế kỷ 19, tôn giáo thường cấm ăn thịt. Người ta gọi đậu hủ là “thịt ngoài đồng”. Đậu hủ là món ăn quan trọng tại Nhật, không phải chỉ vì lý do tôn giáo mà còn vì lý do sức khỏe. Ngày nay người Nhật nhiệt tình đón nhận cách nấu nướng của phương Tây và phương Đông thì họ tự điều chỉnh những công thức chế biến thức ăn cho phù hợp với khẩu vị của mình…”, Ngân nói với giọng rành mạch.

   Nhìn các bạn của con tôi cười đùa vui vẻ, những ánh mắt hồn nhiên trong sân vườn lung linh hoa nắng, tôi cảm thấy mùa xuân thật ấm áp. Những cánh hoa mai nhẹ rung trong gió mới, khiến tôi liên tưởng tới những cánh hoa anh đào đang chúm chím nở ở một nơi nào đó xa xôi…