Con cũng sắp già rồi má ơi

23/01/2024 15:37
272

ĐẶNG NGỌC HÙNG


Nhân mấy chuyện lùm xùm quanh bộ phim Đất rừng phương Nam, tôi cố hồi nhớ một số tình tiết thú vị trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của Đoàn Giỏi. Chỉ cho vui thôi chớ không để làm gì. Tôi tự đặt ra cho mình một thử thách: Khi nào quên thật là quên thì mới lật sách ra. Chẳng hạn, tôi nhớ nhà văn tả cái quán tuềnh toàng của dì Tư Béo không thể hay hơn được nữa, đại khái là: Ban ngày mặt trời thả những quả trứng gà trên mặt bàn, và ban đêm khách có thể uống một vì sao nơi đáy cốc. Đặc biệt, nói về tuổi già, Đoàn Giỏi đã hình tượng hóa bằng con chim panh-goanh, hình như là: Chúng không đi xa được không phải vì không có cánh mà lúc nào cũng chạnh nghĩ về quê hương hơn là bay nhảy, đi đây đi đó.

   Chất văn học tinh tế này, có khi điện ảnh không chuyển thể được, nhất là nhịp điệu bên trong của nó.

   Tôi thấy mình bắt đầu nghiêng về những ngày tháng cũ hơn là thực tại và tương lai.

   Mấy hôm nay, bấc rộ lên một hai buổi rồi âm u, hay nắng héo, đồ phơi lâu khô. Vậy là tôi nhớ bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư: Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác, gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không/ Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời/ Lúc người còn sống, tôi lên mười/ Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/ Áo đỏ người đưa trước giậu phơi (…).

   Một bữa, dọn lại máy tính bị đầy, tôi “gặp lại” bài văn thằng con trai tôi tả má tôi. Lúc đó, nó học lớp 6, có bài kiểm tra một tiết cho về nhà làm: dạng bài tả người, đề bài tự chọn. Sau một hồi đắn đo, thằng con tôi quyết định tả bà nội. Lại nói, con trai tôi có thiên hướng khoa học tự nhiên nên cũng lúng túng nhất định khi tả bà nội. Tôi nói với nó: Con thấy và nghĩ về bà nội sao, tả vậy, tránh xa văn mẫu cho ba. Ừ thì bà nội lẫn, nhớ trước quên sau, suốt ngày chỉ đòi coi kênh Bình Thuận hoặc kênh nào có nhạc bolero. Nhưng mở ti vi một chặp là ngủ. Vậy mà ti vi tắt một cái là thức ngay. Bà nội tóc trắng như cước, người teo tóp chỉ còn một dúm, nói giọng khào khào do suy kiệt toàn diện: gan, phổi, thận, tim và do uống thuốc trị huyết áp cao mấy chục năm. Bà nội đi liêu xiêu như muốn té, có thời gian nằm liệt giường. Bà nói những câu chuyện thực giả khó phân định, lẫn lộn rối mù. Nhưng có những câu chuyện quá khứ bà nội kể là thật, thằng con tôi lại tưởng chuyện hoang đường. Đó là chuyện bà theo người lớn đi làm rẫy, tối phải đốt lửa chớ không hả, “ổng” tới là tiêu. “Ổng” ở đây là cọp, đêm nằm nghe “ổng” “hụm” rền cả đất, sợ muốn đái trong quần.

   Có một câu không bao giờ thiếu trong các câu chuyện, nó có giá trị như là điệp khúc trong một bài hát: “Hồi đó sao mà khổ dữ vậy trời”. Không có nổi một cái quần hay cái áo lành lặn. Có được cái gì rồi cũng mất, chiếc đũa ăn “cum” (cơm) cũng không còn. Lúa chết, bắp chết, nay lụt, mai hạn… Tây đi bố, đốt nhà, đốt chòi. “Cậu Ba mày chăn bò trong hốc núi, tụi Tây đi càn, tưởng Việt Minh, bắn chết. Mợ Ba mày buồn quá, bỏ về Dầu Bà Én, sau lấy chồng khác đẻ ra con…Nó là em cùng mẹ khác cha với thằng…”, câu chuyện thiệt buồn.

   Toàn là chuyện cũ. Từ Sa Ra, má tôi theo chồng xuống Xóm Miễu. Câu chuyện chuyển qua con sông Cạn, bầy đom đóm, ma trơi; rồi chuyện ông Mười nào đó nằm sát lề đường để giữ lúa bị xe đò từ Sài Gòn ra cán chết. Trong xóm có một người chỉ học bình dân học vụ hồi 9 năm nhưng chữ nghĩa rất hay, hay hơn con của bà gì đó ở Phan Thiết học tới bác sĩ. Nhà ông Mười nhờ ông bình dân học vụ làm giùm đơn đi cớ, bên hãng xe thua, phải bồi thường…Cũng là những chuyện buồn. Má tôi chép miệng: “Sáng dạ mà học chút chút, cũng giỏi”.

   Con tôi nói: Bài cô giáo cho về nhà làm là văn miêu tả chớ không phải kể chuyện. Tôi nói: Ba không biết cô giáo dạy con ra sao, nhưng không có cái tả nào mà không kể, không có cái kể nào mà không tả, vấn đề là liều lượng tả hay kể sao cho phù hợp. Thằng con tôi gật gật đầu, ngồi mổ cò bài văn tả bà nội thành một file word, rồi sau chép lại hơn hai đôi giấy vở học trò. Tôi nghe nói bài văn đó được cô giáo cho điểm cũng kha khá nhưng không nhớ cụ thể mấy điểm.

   Mấy năm sau này, khi gần đến tuổi chín mươi, má tôi có cái áo ấm màu nâu đất, sờn ở chỗ cùi chỏ, lúc nào cũng mặc. Hôm nào vợ chồng tôi “dùng bạo lực tước đoạt” đem giặt phơi mà nắng yếu, má tôi giục đem vô đến sốt ruột, có hôm tôi phát bực, gắt lên, lấy cái áo mới và dày hơn để thay thế nhưng má tôi không chịu. Vợ chồng tôi không nhớ nổi cái áo màu nâu đất mua ở đâu, lúc nào. Điều quan trọng là tại sao má tôi lại thích cái áo đó như vậy, tôi không hiểu nổi. Có lẽ, mỗi người thích một cái gì đó mà không phải lúc nào cũng nói rành mạch thành lời.

   Từ năm chín mươi tuổi, má tôi vẫn mặc cái áo màu nâu đất, nó sờn thêm mấy chỗ nữa, đầu óc càng thêm lú lẫn. Con trai tôi đi học đại học ở Sài Gòn. Những câu chuyện của má tôi vẫn chỉ nói về quá khứ, càng lùi xa hơn vào quá khứ. Tờ bạc xé nửa xài trong vùng kháng chiến, tiếng kêu thất thanh ở chợ Sa Ra; tiếng khóc ní non ní nọt ở chợ Cây Xay; ông Bảy, ông Tám nào đó đi gặt, tù ti tú tí với em dâu, vợ hay được buồn quá, tự tử; mấy ông 812 có đêm kéo về nghỉ chân đầy sân nhà ông ngoại tụi mày, luộc cả thúng khoai cũng không đủ; ba tụi mày bắn con đỏ ở chân núi, chia cho cả xóm ăn. Rồi Giếng Xó, Bàu Sen, Bình Thiện, Bình Nhơn, Rẫy Điểu…Có cả chuyện mấy ông trong làng lên tuốt trên “Thượng” (Đông Giang, La Dạ… bây giờ chăng?) chặt cây về làm nhà, thấy cục cứt “ông tượng” (voi) to như trái bưởi, nóng hổi, chắc “ổng” mới đi qua, sợ té đái luôn.

   Chao ôi, người đàn bà, sau này khổ quá tìm xuống Phan Thiết để sống sau một cái trại gia binh cho đến ngày từ giã cuộc đời nhưng vẫn bị nỗi sợ truy đuổi: sợ mất mùa, sợ thú dữ, sợ thiếu ăn, sợ tên bay đạn lạc, sợ chồng bị kêu lên hội đồng xã uống nước mắm vì từng đi kháng chiến, sợ chồng vì tình thế phải đi lính cho bên này sẽ đối mặt với “anh em cũ” bên kia, sợ con trai đi quân dịch ở Cheo Reo không có ngày về, sợ con gái lớn lên lấy chồng xa khổ, sợ thằng út là tôi thi không đậu đại học vì lý lịch…

   Người mẹ trong thơ Lưu Trọng Lư mặc áo đỏ, còn má tôi mặc áo màu nâu đất. Một thời gian dài, ban đêm tôi trải chiếu trên nền nhà, gần cái buồng của má để canh chừng, quyết không để má tôi bị té, thế nhưng số phận lại “xui” má tôi té vào buổi trưa và “ra đi” vào mấy hôm sau. Một người đàn bà khổ từ nhỏ, khổ qua “mấy trào” như má tôi hay tự nói về mình, mà thọ hơn chín mươi tuổi là “quá rồi” như cách nói thân thương của mấy người bà con xứ Hàm Thuận lúc đi đám tang má tôi.

   Bỗng nhớ, khi ngồi trong giảng đường đại học, tôi nghĩ về má tôi và tôi khóc. Tôi nghe nói má tôi nghe tiếng chuông công phu của ngôi chùa cạnh nhà đã thức dậy, lội bộ lên Xóm Miễu mua dây lang về bán kiếm lời nuôi con. Tôi nhớ má tôi, trong cái nắng ban trưa thời hậu chiến khó khổ, đi lên Ba Cây mua mãng cầu, gánh về Phan Thiết để giú chín, bán lẻ ở chợ chồm hổm. Tôi nhớ má tôi ngồi bán chuối lẻ ở chợ Bình Hưng thời bao cấp, trời mưa, nước ngập lênh láng, thở dài sườn sượt. Tôi nhớ…những cái mà nhờ nó, tôi mới có thể hiện diện trong giảng đường 18 của Sư phạm Văn khoa, nơi ngày trước là Vạn Hạnh Đại học đường, để học mót dăm ba chữ, đặng sau này gõ đầu trẻ độ nhật. Vinh dự bao nhiêu, xót xa bấy nhiêu. Còn nhớ, khi má tôi bắt đầu chép miệng, khào khào kể chuyện Rẫy Điểu, Rẫy Thơm, Bàu Thiêu, Rựng Rắc…là con trai tôi cười và giỡn: Đây là đài tiếng nói hồi xưa, phát thanh từ Sa Ra... “Tổ cha mày, tụi mày bây giờ sướng quá, ráng học nha con”, má tôi mắng yêu cháu nội.

   Bây giờ, tôi bắt đầu ngủ vật vờ khi mở ti vi được một chặp. Tôi gần như chỉ nghĩ về những ngày đã qua, bắt đầu nghĩ đến chuyện xin nghỉ hưu trước tuổi vì thấy đuối, không theo kịp anh em.

   Sau hai ba ngày trời âm u, bỗng nhiên nắng mới. Ồ, tôi nhớ rồi, cái áo màu nâu nâu ấy chính là màu trái xay, thứ trái quê của trẻ nhà nghèo hồi xưa. Vợ chồng tôi đã đưa cái áo nâu theo má tôi qua thế giới không còn nỗi sợ. Nhưng cái nắng ấy, nó lao hao chiêm bao, tóc tơ, sương muối, chiều hôm.

   Khi tôi luôn nghĩ về má, là tôi sắp già rồi. Tôi bắt đầu sống cuộc đời của con chim panh-goanh. Biết sao được.