Chạnh lòng ngày tết cũ

23/01/2024 14:16
179

HUỲNH THỤC OANH


Bảy mươi tuổi. Ba tôi sống ở La Gi từ khi thị xã này còn là phố nhỏ thuộc tỉnh Bình Tuy cũ.

   Ông ưa kể với người thân về những gì đặc sắc của vùng quê mình sống, và như ông nói, “đó là cách làm giàu vốn sống cho con, cháu”. 

   Hồi đó, còn hơn 1 tháng mới tới tết, đâu đâu người ta cũng nhộn nhịp chuẩn bị. Nhà có lò rang nổ làm cốm hộc thì lo mua than trữ, đắp lại lò cho kín. Nếp khô rồi nhưng muốn mẻ nổ tốt đều, người ta đem nếp phơi lại một hai nắng trước khi rang. Xóm dừa, nay thuộc khu phố 2 phường Phước Hội có tiếng về làm mứt…, các bà đều mua dừa khô về chất trong nhà, chờ 15 ngày trước tết, nổi lửa. Bên kia sông Dinh, nay là phường Bình Tân, nhà vườn lo chọn me trái, mãng cầu xiêm loại to, làm mứt me, mứt mãng cầu…. Hai loại mứt này phải xong vào nửa tháng chạp vì còn gói giấy kiếng, phơi nắng mấy lần (ngày trước rất ít người có lò sấy)- ba tôi kể.

   Chuyện ba kể, làm tôi nhớ cái không gian ồn ã, vội vàng trong mấy con hẻm gần nhà trước tết. Cuối hẻm tôi ở có một lò chuyên rang nổ đóng cốm. Càng đến gần tết, lò nổi lửa đến khuya, lúc nào cũng vài chị và một anh làm cái việc: vô củi lò, xúc nếp đổ vô chảo rang trong đó có sẵn cát nóng, hoặc xúc nổ rang rồi ra mấy chiếc thau nhôm để sàng sảy vỏ nếp và cát…. Cũng ở trong con hẻm nhà tôi, có mấy chị ngày đi may ở chợ, tối đến bắt đầu thắp đèn may khuya. Tiếng máy may “rách rách” rộn ràng như niềm vui trẻ thơ khi được xúng xính áo mới.

   Xa hơn một chút, con hẻm Ngọc Huyền đối diện nhà, dẫn vào xóm lao động ven bờ hữu sông Dinh. Ở đó có nhiều người chuyên xẻ, phơi cá, làm mắm ruốc…. Gần tết, người ta xẻ rất nhiều cá dãnh, cá đù phơi trên những chiếc vỉ tre đặt sau nhà, chờ trước tết mươi ngày, bán cho người tiêu dùng, nhất là bà con lao động trên mấy xã xa vùng La Gi, đón tết.

   Những năm gần đây, cái không khí người quê tôi chuẩn bị tết giảm nhiều. Các loại mứt sản xuất được, nay các cơ sở sản xuất lớn làm ra bày bán với số lượng lớn trong siêu thị, trong chợ, có điều về chất lượng không phải lúc nào cũng ngon...

   Năm ngoái, một chị bạn ở nước ngoài, nhân nhắc đến tết, nói nhớ mứt dừa rim đường, nhờ tôi mua hai ký. Tôi lùng mấy hôm mới ra một chị còn làm mứt, nghe chị nói: “Bây giờ ngoài chợ đủ thứ mứt nên mấy đứa con chị không theo nghề nữa. Chị làm hết cái tết này rồi nghỉ thôi em!”. Giọng chị buồn. Tôi buồn lây theo chị.

   Các chị thợ may gần nhà, bây giờ không còn may quần áo tết vì bây giờ cần gì người ta vào shop, mua hàng online.. Hàng may công nghiệp tha hồ lựa nhiều mẫu mã và giá cũng rẻ. Cái tâm trạng háo hức chờ thợ may xong bộ quần áo để mình thử… chẳng còn ở mấy người. Đặc biệt với lớp trẻ. 

   Năm ngoái vào chiều hai mươi lăm âm lịch, tôi đạp xe qua sông Dinh, về phường Bình Tân, xưa là Tân Lý để cảm nhận sau bao năm không khí chuẩn bị tết có gì thay đổi ra sao rồi nhận ra: Nơi trước đây là những vườn rau xanh mơn mởn, rất nhiều bắp sú, bông cải…, thuở tôi mười chín, hai mươi tuổi không còn nhiều. Nhà cửa mọc lên san sát; hình thành thêm những con hẻm mới. Một vài nhà thay rau xanh bằng trồng hoa các loại bởi chợ hoa ngày Tết năm nào cũng đắt hàng. Thế nhưng, diện tích hoa không nhiều vì còn có nguồn hoa đẹp, lạ từ Đà Lạt đưa về…

   Thời buổi công nghiệp, nhiều thứ thay đổi. Lối sống, nếp suy nghĩ của con người thay đổi. La Gi quê tôi đang thay đổi, mất đi nhiều thứ để thay vào những cái mới. 

   Không ai bảo chúng ta ôm chặt cái cũ, nhưng quả thật có những cái cũ thuộc về nếp sống, ẩn chứa sự tao nhã, nhân văn… khi nó mất đi làm ta chạnh lòng…