Mùa than tết

23/01/2024 16:04
167

NGÂN KIM


Hổng biết ở các miệt khác Tết về bắt đầu bằng hình ảnh gì chứ ở miệt quê tôi mỗi lần thấy người ta chở than ra chợ bán là biết sắp tết rồi á.

   Những người đàn bà dong dỏng dáng gò mình trên chiếc xe đạp sườn ngang, phía sau chất vài ba bao than nhét đầy ứ nư, miệng phải lấy dây bao ràng chằng chịt cho than khỏi rớt. Mấy bận tôi cứ thắc mắc hoài sao không để vừa kín miệng bao mà cứ phải ráng nhét chi cho lòi ra rồi ràng ngang ràng dọc cho mệt. Má cười: làm vậy người mua mới khoái, một phần vì thấy bao đầy, một phần vì được nhìn thấy những hòn than đen nhánh, chắc nịch thì người ta mới yên tâm về chất lượng. À, thì ra đó là một cách quảng cáo sản phẩm đại tài của những người bán than.

   Má tôi rành rẽ chuyện bán than là bởi vì bà cũng là người lăn lộn bao nhiêu năm với nghề hầm than bán tết. Tôi nghe má kể hồi mới lấy nhau ba má chỉ hai bàn tay trắng, dựng tạm túp lều ven sông, hàng ngày hai vợ chồng đi dọc bờ sông đốn cây hầm than bán đắp đổi qua ngày. Cá dưới sông, chịu khó dậy từ nửa đêm, soạn lưới giăng, rồi cắm vài ba cần câu, đặt dăm ống đó là có cái ăn, bữa nào nhiều thì đem chợ bán đổi gạo, mắm muối. Rau dại thiếu gì, chịu khó hái thì cũng có ăn. Chỉ là thương nhau tới đâu, đồng cam cộng khổ với nhau được tới đâu mà thôi. Nhờ cái nghề hầm than mà ba má dành dụm được chút đỉnh cất cái nhà gạch lợp tôn che mưa che nắng cho mấy đứa con ngủ ngon giấc mùa mưa. Rồi cũng nhờ cái nghề hầm than mà nuôi lớn năm đứa con ăn học thành người. Bởi mỗi lần nói tới cái nghề hầm than, má lại cười móm mém: cũng hên là ba mầy biết hầm than chớ không thì nhà mình chẳng biết ra sao.

   Ba tôi yêu than như yêu người tình. Nhiều lần má đùa biểu ổng yêu than hơn yêu má nữa. Thiệt. Những ngày đốt lò, ông che bạt ngủ ngoài lò canh lửa. Mặt ông háp lại, teo tóp chỉ còn thấy xương gò má nhô cao, chẳng biết là do ông thức đêm nhiều quá hay là do hơi than nóng đã thiêu đốt thịt da ông nữa. Chỉ khi nào kết thúc kỳ đốt lò, ông mới yên tâm ngả lưng ra chiếc ghế bố sau hè ngủ một giấc dài suốt từ sáng nay đến sáng mai không ăn uống gì. Rồi khi tỉnh dậy, ông lại trở về cái dáng vẻ lanh lẹ thường ngày, lại lục đục pha trà, lại cười khà khà kể chuyện tiếu lâm khi hàng xóm ghé chơi.

   Hồi tụi tôi còn nhỏ, mỗi lần có đứa nào ngỏ ý muốn phụ ba canh lò hầm than là ông xua tay đuổi như đuổi tà: thôi thôi, lo học đi, cái nghề này chằng ăn lắm, một đời ba khổ là đủ rồi, tụi mầy lo ráng ăn học mốt kiếm cái nghề gì cho nó nhẹ chân nhẹ tay. Bởi vậy có ba thằng con trai chớ chẳng đứa nào nối nghiệp ba. Chỉ là phụ ông đốn cây, phụ đẩy củi cho ông chất lò chớ kỹ thuật đốt ra sao, canh khói thế nào thì đứa nào đứa nấy mù tịt. Chỉ biết ông đào đế lò xuống áng chừng hơn nửa thước, rồi chất củi, gom rác tủ dày lên, vét bùn dưới sông đắp lò, thông lỗ khói. Là thấy vậy thôi chứ cách làm từng bước cặn kẽ ra sao thì chịu thua. Bởi cái nghề hầm than khó nhất là khâu chất củi, đắp lò, tiếp đến là khâu canh khói. Chỉ những người dày dặn kinh nghiệm mới biết cách canh lửa, canh khói thế nào để mẻ than nặng, chắc. Than ba làm ra, người nào mua cũng khoái. Họ biểu than chắc đốt lâu tàn. Nhờ vậy má chỉ cần thồ ra tới chợ như kiểu thông báo có mẻ than mới là mối hàng ùa tới dặn hết trơn.

   Khâu hầm than thì chúng tôi không rành rẽ chớ việc chất than vào bao thì năm anh em đứa nào cũng thuộc nằm lòng. Má chỉ cặn kẽ từng bước một, chất đáy thì lựa than vừa vừa thôi, than to, đẹp thì để dành làm mặt, còn than vụn, nhỏ thì để riêng bán rẻ cho mấy bà bán bánh canh, bán cháo lòng ngoài chợ. Dĩ nhiên mẻ than nào má cũng để dành vài bao vụn để nhà nấu ăn. Nhà tôi cho tới giờ vẫn dùng bếp than, như một truyền thống gia đình vậy đó. Bếp ga có mà cứ để miết đó khi nào cần nấu nhanh mới dùng đến. Má biểu đồ ăn nấu bếp than vẫn là ngon nhứt. Chúng tôi chỉ biết cười xòa, không dám cãi má, bởi má nói đúng thiệt, đồ ăn nấu bằng than ăn vẫn đậm đà mùi vị hơn nấu bếp ga, chẳng hiểu vì sao. Có lẽ nhiệt của than không nóng hung mà âm ỉ đều đều nên thức ăn chín từ từ, thấm đều gia vị hơn.

   Mỗi lần tết về, má lại hầm một nồi thịt kho măng đầy ú nụ. Măng thì má sắn mấy bụi tầm vông ven sông từ hồi mùa mưa, đem luộc, phơi già nắng dành tết. Thịt heo má cũng tự tay nuôi. Cứ ăn tết xong là má kiếm về một con heo mọi thả rông trong vườn cho ăn cơm, rau thừa. Chờ tết đến là xẻ thịt chia cho mỗi đứa một ít dành ăn. Thứ thịt heo nhà nuôi ăn thơm ngon đến cả mỡ. Có lẽ một phần nhờ thức ăn, một phần là do má để già tháng. Heo người ta nuôi lâu nhứt chừng nửa năm là xẻ thịt, má lại để cả năm trời. Má biểu để lâu vậy cho thịt nó săn, thơm, ít mỡ. Mấy anh em đùa sao má không nuôi vài ba con, nuôi chi có một con nó buồn. Má cười xòa biểu thức ăn đâu cho nó ăn mà nuôi cho nhiều. Thà nuôi ít mà nó mập, thịt ăn ngon còn hơn nuôi nhiều mà ốm nhách ăn ngon lành gì đâu.

   Bởi tánh má kỹ lưỡng, chu đáo nên sấp cháu nội cháu ngoại đứa nào cũng thích về chơi. Mỗi lần lũ con cháu kéo về là y rằng má lại bày đổ bánh, đổ rau câu, nấu món này món nọ. Cái lò than lại rực sáng, hầm nồi lagu, hầm hồi súp, đun nóng khuôn bánh xèo, bánh khọt, … Than ba hầm qua bao nhiêu năm chất lượng vẫn vậy, không khói, lâu tàn. Có điều ba tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, không thể thường xuyên hầm than như hồi xưa nữa. Giờ mỗi năm ba chỉ hầm một mẻ than duy nhất vào đợt gần tết, vừa lấy than để dành nấu nguyên năm, vừa vì nhớ cái nghề đã lăn lộn theo mình cả cuộc đời. Hàng xóm cứ dặn má hoài khi nào có than thì để dành người ta với, má vừa kể vừa cười, thiệt tình đến khổ, không nhận thì không được mà nhận thì người có người không cũng kỳ. Than mà người ta giành nhau như giành mua vàng vậy đó.

   Má ơi, đối với tụi con than ba làm ra là vàng thiệt đó má. Thứ vàng đen óng ánh nuôi mấy anh em con ăn học nên người. Thứ vàng đen làm cho gia đình mình gắn kết, yêu thương nhau bao nhiêu năm nay. Thứ vàng đen làm đôi mắt ba má sáng lên mỗi khi nhắc đến. Và thứ vàng đen làm bếp nhà mình đỏ lửa ấm cúng mỗi độ xuân về.

   Ở miệt nào tết về ra sao chẳng biết. Chỉ biết ở miệt này tết là khi có những chiếc xe thồ chở than ra chợ bán. Bao than chất đầy ứ nự, phải lấy dây bao ràng chằng chịt thấy thương. Người ta thấy than mừng rỡ như thấy vàng. Người ta dặn than mà giành nhau như thể lỡ mà không có than thì không ăn tết được vậy.

   Ở miệt quê này, tết về, bắt đầu từ màu than óng ánh…